Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

CĂN NHÀ XƯA *Phan Ni Tấn

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Những tấm hình phố thị Buồn Muôn Thuở xưa cũ...
CĂN NHÀ XƯA
*Phan Ni Tấn
Sau 45 năm xa quê, nhìn tấm hình chụp căn nhà xưa do mấy đứa em ở bên nhà gởi qua làm tôi giựt mình. Thời gian thật khủng khiếp, nó như bàn tay quỷ mị mọc ra lạnh lùng úp chụp các thứ rêu phong ẩm mốc lên tường nhà trông giống như một bức tranh vụng về của thiên nhiên. Tuy nhiên, vách tường vẫn đứng vững kiên trì tỏa ra một sức mạnh kỳ lạ dù đen đúa vì mốc meo, cũ mèm đến tội nghiệp và thê thảm hệt như một người bạn thất chí lâu năm gặp lại. Nhưng mà nhìn kỹ lại một ký ức xa vời tôi có cảm tưởng như căn nhà thật quen thuộc, thật bình yên, tự nó vẫn lặng lẽ đứng đó dưới bầu trời xám xịt, vững chắc trong cơn nắng lụt mưa lầy, ngạo nghễ vươn lên mặc cho con tạo xoay vần, thế sự đổi thay.
Căn nhà này đã từng diễn ra biết bao là buồn, vui, tốt, xấu, bình yên và dữ dội, xiết bao là nỗi niềm ẩn chứa những kỷ niệm khôn nguôi. Căn nhà có ban công kia, đứng trên đó dựa vào lan can ta có thể nhìn bao quát chung quanh khu phố cũng như nhìn thẳng xuống suối sâu; xa hơn là dãy Trường Sơn nằm ở phía Tây lãnh thổ Việt Nam đổ dài về phía biển Đông theo hình cánh cung một màu xanh thẳm.
Cả một dãy phố với những cấu trúc sát liền nhau lại xẻ ra một con hẻm không tên. Con hẻm là điểm chốt cặp hông căn nhà này, tuy nhỏ nhưng vô cùng tiện lợi trong đời sống hàng ngày của bổn phố đi ngược về xuôi.
Mưa nắng từng đổ xuống và gió từng luồn qua con hẻm này, lâu năm đất hẻm trở thành đất nện khô cứng khá bằng phẳng đa phần cũng vì dấu chân người qua. Nhưng tội nghiệp cho con hẻm cũng thường bị ẩm ướt vì nước thải, vì rác rưởi và khai nồng vì nước tiểu. Phố núi chúng tôi xưa nay không có nhà xí công cộng nên con hẻm không tên vô tình lại trở thành một vị trí địa lý vĩ đại cho những ai mắc tiểu. Thập niên 1950, những người đàn bà Thượng lưng mang gùi, bụng địu con trong buôn ra phố đi chợ lúc mắc tiểu thường ghé vô con hẻm này dạng chân đứng tiểu thật tự nhiên.
Có lẽ ông bà ta xưa quan sát thấy chị em ta đái ngồi mới phán một câu xanh dờn: "Đàn bà đái không qua ngọn cỏ". Tôi nhận thấy câu tục ngữ này ngày nay không còn chính xác vì đã lỗi thời. Cũng có thể các cụ ta xưa chưa từng nhìn thấy đàn bà miền núi mặc yêng (váy) đứng đái, đương nhiên là… ướt hết đầu ngọn cỏ.
Họ, những người đàn bà trong buôn ra chợ lúc mắc tiểu không tiện cởi yêng nên phải tiểu đứng. Cái dáng đứng tiểu của họ liếc qua cũng đã thấy gọn gàng, kín tiếng và khá ngộ nghĩnh. Tôi nghĩ rằng vì ảnh hưởng phong thổ khí rừng khí núi cộng với công việc nương rẫy đã nung đúc họ có một dáng dấp thon thả, thân hình săn chắc, mạnh mẽ và đằm thắm.
Có thể nói phụ nữ tiểu đứng là một nghệ thuật hiếm thấy ở các dân tộc khác. Nhằm bảo đảm an toàn hoặc giảm thiểu tối đa không để yêng bị ướt người phụ nữ miền cao phải đứng hơi dạng chân, đầu gối chùn xuống, lưng hơi khum đâu vào đấy xong mới đái nhín từng đợt sao cho dòng nước tiểu lặng lẽ chảy dọc từ đùi xuống đất. Hẻm hào phóng và bao dung những ai cần giải quyết mọi rắc rối một cách ổn thỏa. Nghệ thuật tự nhiên này chỉ xẩy ra trong hẻm ít người nhìn thấy nên không ảnh hưởng gì đến cái gọi là công xúc tu sỉ, một Hình luật Canh cải 330 của nhà nước thời phong kiến. Hơn nữa, nghệ thuật tuyệt vời độc đáo này phụ nữ người Kinh không tài nào bắt chước được vì kỳ cục quá, thẹn quá, ngại phạm thuần phong mỹ tục.
Tôi không sinh ra trong căn nhà rêu phong này như các em tôi, nhưng dưới nền móng của nó lại là nơi chôn nhau mình. Sáu mươi lăm năm trước, tiền thân của nó là căn nhà gỗ đơn sơ mái tôn, vách ván, không có trần nhà, nền nhà ngăn trước tráng xi-măng, nhưng nhà bếp ngăn sau là nền đất.
Đặc biệt, phía sau hè, nhà nào cũng có một cái cầu tiêu còn gọi là nhà cầu hoặc nhà vệ sinh. Tuy bình dị nhưng cực kỳ phổ biến và vô cùng hữu ích trong đời sống hàng ngày của mọi người. Thời đó, dựng nhà vệ sinh không có gì khó. Sau khi đào một cái hố vuông vức sâu chừng 1, 2 thước xong người ta dựng kín quanh miệng hố bằng bốn tấm ván hoặc phên tre, cửa cũng bằng vật liệu thô sơ này, mái lợp lá hoặc tôn. Sàn cầu được khoét một cái lỗ hình vuông hoặc hình chữ nhật khoảng một gang tay, hai bên lót hai viên gạch để ngồi thả chất thải thẳng xuống hố sâu.
Thập niên 1950, đời sống của người dân hiền hòa trên phố núi cứ thế trôi dần theo thời gian. Cho đến một hôm, nửa đêm khuya khoắt, cả một khu phố đang ngủ say thình lình bị bà hỏa nổi lửa cùng cơn gió lớn thiêu rụi không chừa bất cứ một căn nhà nào, cho đến rạng sáng ngày hôm sau mới hạ hỏa. Không nghe nói có ai chết cháy trừ gia súc, rắn rít và lúc nhúc dòi bọ dưới hố phân. Riêng con Kiki lông vàng, đuôi xoắn ốc chạy theo chúng tôi là may mắn thoát nạn.
Mãi đến năm 1960 nhà cửa mới được khởi công xây dựng lại. Thời đó, má tôi, suốt một đời sớm khuya tần tảo, hạp mệnh tuổi nên bà tự đứng ra theo dõi, đốc thúc công việc xây nhà mới. Chính cái sinh khí tốt của má tôi giúp cho nhà cửa không phạm phải tam tai, hoàng ốc, kim lâu mà tồn tại cho đến tận ngày nay.
Căn nhà xưa kia và con hẻm không tên mà độc đáo này từng là nơi in dấu chân tôi từ thuở ấu thời cho tới một ngày, vì thời thế tôi phải lìa xa. Đi xa mà không biết bao giờ mới trở lại để đến ngày nay, ở tuổi về chiều, bằng hết cả tâm tình, chăm chú nhìn căn nhà rêu phong ẩm mốc kia tôi có cảm tưởng như nó cũng lặng lẽ giương mắt nhìn lại cố nhân. Trang Chu ngày xưa nằm mơ hóa bướm (Hồ điệp chi mộng vi Chu dư?) có khác nào tâm trạng của tôi ngày nay.
Căn nhà xưa vẫn đứng đó như một bức tượng bám đầy rêu phong; còn con hẻm không tên kia đến nay tôi không hề nghe ai nhắc tới, dù xưa kia nó từng có một vị trí địa lý vĩ đại cho những ai cần giải quyết khẩn cấp mọi rắc rối ở người.
Căn nhà nay đã xưa, con hẻm kia cũng đã cũ, ở đó chứa đựng rất nhiều thương nhớ của tôi.
Phan Ni Tấn
Tất cả cảm xúc:
Phi Toan, Kim Thịnh Dancer và 122 người khác
38 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Ngoan Lão
Cám ơn Xứ Thượng.
Xứ Thượng
Dạ, em phải cám ơn Anh nhiều nhiều mới đúng chứ ạ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét