Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

AI MUA THƠ NGÂY... *Nguyễn Hàng Tình

 

Người Mạ, K’Ho, M’Nông, Ê Đê, J’Rai, Bahnar… là vậy đó, khi đặt mình vào chợ, và đặt chợ vào mình... thuần lành, chơn chất. Nó dễ thương, và thắm thiết tình người gì đâu…
AI MUA THƠ NGÂY...
*Nguyễn Hàng Tình
Thời buổi mà người ta càng dùng “kỹ nghệ” trong bán buôn, ngay cả nụ cười mời chào, và gọi ấy là “nghệ thuật” bán hàng, thì tôi, đôi lúc thoáng rợn người. Nên nhiều khi “thèm” một sự trong sáng cõi thương trường. Rồi một ngày, gặp kiểu chợ thơ ngây dưới đây, tôi như gặp lại loài người của buổi “văn minh thật” hôm nào…
Rồi thì sơn nhân bản địa cũng biết đẻ ra “chợ”.
Những cái chợ hiền khô len trong cao nguyên thưa vắng.
Là “chợ núi” nè. Nó thoắt ẩn thoắt hiện theo mùa màng. Là đồi núi ngoài kia đang mùa sinh sôi cây, con, hoa trái gì thì sản vật đó được đưa về những góc ngã ba của bòn (làng) bày bán. Nó cũng hay hình thành ở những mép đồi, trảng cỏ không có chủ, nghĩa là nơi đất còn là của chung – sở hữu thật… của toàn dân. Mùa mưa thì ốc, lươn, cua, cá suối, đọt măng, rau núi, bầu bí hái từ rẫy xa về có mặt. Mùa nắng thì những buồng chuối rừng, những trái sầu riêng, bơ, ổi, măng cụt, mãng cầu gai…
Mùa màng “cạn” thì những gốc dương xỉ thân mộc, nấm linh chi, rồi thân củ cây rừng thảo dược phơi khô bỏ bịch, chiếc gùi, đến cả những trái bầu hồ lô khô… Sản vật mà người châu thổ ở hạ nguồn hay dân thị thành không thể có. Thứ gì cũng mang “tính” núi. Thứ gì cũng nhuộm màu đất bazan. Chợ, không công bố về số lượng hàng hóa, chủng hàng. “Hôm nay không biết có gì đây”. Là nó không định hình lúc họp, không hẹn ngày giờ. Có khi nó tụ lại vào sáng sớm. Có khi lại qua trưa. Tùy thuộc vào đêm đi suối, và thứ gì mang về từ rẫy của buổi sáng. Có khi cả làng ra bán, có khi chỉ vài chục người. Có những tháng nó “họp” liên tục, và có những ngày nó biến mất.
“Chợ” gì mà hấp dẫn. Cứ làm người ta hồi hộp. Khiến người ta đợi chờ.
Ai đó nhớ lại, vào buổi xa xưa, chỉ có người Champa thi thoảng làm những chuyến hàng dài ngày bộ hành mang đồ biển và gốm lên xứ Kirata (cách người Chăm xưa gọi miền đất Tây Nguyên) của họ, bán xong là về. Giờ, bỗng nhiên họ cũng nghĩ đến bán buôn. Là học từ người Yuăn (Kinh) – sống với Yuăn cũng lâu rồi. Vì truyền thống tổ tiên không có hoạt động thương mại, không mang “gen” kinh doanh, nghĩa là chưa có cái thế giới gọi là “nền thương mại” hay “kinh doanh”, nên họ cũng vay mượn luôn âm “chợ” của người Yuăn để gọi tên, chỉ về nó. Tự nhiên nó giúp nhà nước cung cấp và phân phối thực phẩm đến bếp ăn nhà bá tánh vùng xa, khi mà chợ búa, siêu thị không thể “đến”.
“Chợ núi” ra đời đơn giản thế đó.
Và gần đây, đường sá mở ra khắp nơi, xuyên qua bòn, buôn, plei, rừng núi của họ. Thấy giờ người ta qua lại nhiều, cũng có thể bán hàng được, thế là trên các quốc lộ 20, 27, 28B, 14, 19, 26, 55 họ đưa thổ sản lên gần đường. Chợ núi thêm những dáng vẻ, sắc thái. Dù dáng vẻ nào thì người bán cũng chính là người bản địa, dân trong các làng đó và “hàng hóa” là những gì của núi non. Và trong hình thù nào thì nó cũng không có mái che, sàn hàng, biển hiệu. Chợ không tên. Nhưng có thật với cuộc đời. Cứ giữa trời, lộng nắng gió, và mặt đất. Tràn đầy sinh lực và tình yêu cuộc sống.
***
Mùa màng quyết định sự xuất hiện của chợ núi.
Nhìn những gì họ bày ra ở góc chợ hay bên đường cái quan sẽ biết được mùa màng, thời tiết xứ sở họ độ này. Nhìn cách họ buôn bán biết những “siêu tiểu thương” này khó mà xuất hiện ở thị thành.
Bán buôn kiểu gì mà không ra giá thách, thủ đắc, thủ lợi.
Không có bóng dáng của lý trí.
Cũng chẳng có sự tinh khôn, mánh mẹo gì ở đây.
Họ ướm ướm giá mớ rau, túm cá suối ấy bán chừng này tiền là “được rồi”, thế là nói với người mua “ý giá” của mình và bán. Chỉ có một giá, và không bao giờ mắc mỏ như ở chợ thông thường của người Kinh. Bán như kiểu san sẻ chứ chưa là “hàng hóa”, kiểu như “tôi có cái này”, “tôi thừa chút đây” nên bán. Bán theo kiểu “tiêu thụ” chứ không phải “kinh doanh”.
Một “nền” thương mãi thuần lành, chơn chất. Nó dễ thương, và thắm thiết tình người gì đâu…
***
Người Mạ, K’Ho, M’Nông, Ê Đê, J’Rai, Bahnar… là vậy đó, khi đặt mình vào chợ, và đặt chợ vào mình.
Chợ gì mà người bán nhiều khi cân thừa cũng chỉ tính tiền một cân. Chợ gì mà người bán cứ ưa thêm cho người mua ít cá, ít rau, nếu hôm đó họ thu hái ở rừng rẫy được nhiều. Ở đây, nếu có, thường chỉ Yuăn ép người bán chứ người bán thì không, không bao giờ. Ngay cả khi những người Sài Gòn giàu sang trên đường cái quan du lịch dừng xe hơi lại mua một hai trái sầu riêng, tách vỏ ra thấy múi sầu riêng có màu không như thói quen ăn của họ bèn chê bai trả lại, mà người bán cũng chẳng phân bua gì, cứ nhẫn nại tách những trái khác cho đến khi người mua vừa ý.
Nó tử tế đến lạ lùng như hình ảnh họ khi ra chợ là cứ đi theo hàng thẳng, người cách người đều nhau với chiếc gùi trên lưng, và cứ sát mép cỏ mà bước. Cũng chẳng có sự mời chào hay đon đả nào ở chợ núi cả. Người bán nhìn người mua, rồi nhìn xuống những thứ mình có. Ai đến mua, nhìn “hàng hóa” đó mà mua, vì con người ai cũng có đôi mắt và cái đầu để chọn. Người đi mua rà từ hàng người này qua hàng người kia rồi thích dừng lại chỗ nào thì dừng. Chẳng thấy ai gọi kéo khách về phía mình cả. Rất công bằng, tự nhiên, và văn minh. Chợ nhưng không có mích lòng, không có “cạnh tranh”. “Chợ” nhưng chẳng bao giờ ồn ào. Đọc sách điền dã của người Pháp ghi chép về người Việt mình buổi nào ở châu thổ sông Hồng, sông Mê Kông, hay duyên hải miền Trung, nhận ra tiền nhân mình ngày xưa cũng bán buôn thuần hậu như vậy.
Nó cứ tự tại như thế. Chính yếu nó dành cho người cần lao ở núi; không có nhu cầu sang – xấu, hơn – thua hay khoe khoang. Như một sinh thể tự nhiên, nó xuất hiện, như là sự “trao đổi chất” với người qua lại mua hàng, bằng cách đơn giản nhất, thực chất nhất, tình cảm nhất. Và vì nó là hàng hóa tự thu lượm được trong tự nhiên bằng tâm hồn người đi thu lượm, trồng trọt ra nên nó cũng không bao giờ có thuốc trừ sâu hay công nghệ sinh học. Nó “lành” đến tận tay người mua.
Chợ cũng có “cái tình” của chợ.
Ở trần gian không phải chợ nào cũng có “tình”, có “hồn”, mà có khi nó chỉ mỗi “công năng” kinh doanh, kỹ nghệ hàng hóa, dịch vụ, và tràn đầy “đối phó”, cẩn thận, hoài nghi. Thôi kệ, tính toán quá, cầu lợi quá, “khôn” quá, mất lành. Quy luật trên khắp Trái đất này nó thế, ở đâu lý tính chế ngự ở đó tâm người phóng dật, ít tình, ít nghĩa, ít thanh bình.
***
Lâu nay trên những nẻo đường cao nguyên ấy, tôi hay dừng lại để “thưởng thức” một thứ chợ, một kiểu cách bán buôn còn trong sáng.
Tôi cứ ngồi như thế mà xem họ bán buôn. Thường rồi tôi – kẻ tha phương cầu thực – cũng mua cái gì đó để mang theo xe. Treo chúng vào hai bên ba-ga xe máy. Có khi là mớ lá bép, túm cà đắng, búp măng lồ ô, hay dăm bảy đọt cây mây. Có lúc lại là con cá chép, lóc, cua đồng, bịch nấm mối, hay túi ốc núi. Giúp sơn nhân bán được chút hàng. Cũng cho mình cái cảm giác “được mua”. Cái niềm vui này nó lạ lắm. Nó thăng hoa và mừng rỡ, như gặp lại “loài người” buổi còn chân mộc, thiện lành, chưa đưa “son phấn” hay tiểu xảo, mánh mung vào bán buôn. Nhìn họ biết ơn mình, với ánh mắt trong veo ấy như dính theo xe mình. Cứ thế, khi dừng chân ở quán nước nào là tôi tặng lại cho người bán quán. Hay gọi một người bạn nào đó sinh sống trên lộ trình mình đang lướt qua để tặng. Nếu cuối lộ trình của ngày mà trên xe vẫn còn đôi thứ thì chủ nhà nghỉ ở điểm cuối sẽ là người được trao, và khoe “mua được của đồng bào bản địa!”.
Người đời mua được những phẩm vật kia, nhưng không mua được thần thái của nó.
Những “mảnh” chợ rơi xuống cao nguyên. Chợ như ngôn ngữ của núi non, của tôi, của người.
Trong kinh doanh, chợ búa mà sự thơ ngây còn, nó làm cõi người an lành, nhẹ nhõm, thanh bình.
Nguyễn Hàng Tình




Bình luận

Phù hợp nhất

  • Kim Thịnh Dancer
    "Ai mua Thơ ngây" hay quá a XT . E rất thích 2 từ Thơ ngây a XT ạ
    3
    Xem thêm 1 phản hồi
  • Akela Dã Quỳ Vàng
    Tuổi thơ dqv em là buôn làng, là Suối, là rẫy nương .
    Xem thêm 1 phản hồi
    • Akela Dã Quỳ Vàng
      Xứ Thượng em nói đc khá nhiều ,vì lâu rồi ít nói ,hồi nhỏ nói làu làu ,đi học cùng bạn còn nói lái tiếng thượng nữa đó anh ,ti nao? ,lê năn mai?
  • Yduong Bya
    Giờ đồng bào hết thơ ngây rồi
    3
    • Pham Nguyen
      Yduong Bya đúng vậy. Bây giờ họ cũng đã khôn ra nhiều rồi… đôi khi còn hơn cả người kinh nữa đấy
  • Vo Thi Nguyen
    Bài viết hay quá..
    Cảm ơn tác giả đã đặt tên "Ai Mua Ngây Thơ"
    Thật tuyệt vời!
    Xem thêm 1 phản hồi
  • Yngec Buonya
    Học Yuăn hết rồi
  • Trunglap Lê
    Tôi có đọc ở đâu đó nói rằng:” muốn biết nơi đó phát triển thế nào thì hãy đến chợ và trường học”; tôi đi một vài nơi, một vài nước và cảm nhận đúng như vậy.
  • Tran Kim Loan
    Bài viết đẹp như Thơ .
    Xem thêm 1 phản hồi
  • Chi Bui
    Đẹp lắm!
  • Ngoc Lan
    Một cuộc sống thần tiên nên gìn giữ ...thật là nuối tiếc
  • Bo Dao
    Tuyệt vời quá …
    Avatar looking happy as a plant parent. They're lovingly holding three potted plants in their arms.
  • Natanio Pham
    Có lẽ đồng bào mình ở Tây Nguyên vui vẻ và thân thiện hơn ở 1 chừng mực nào đó có thể đối với người ngoài tỉnh khi gặp nhau ở khu vực chợ búa và nơi công cộng. Đây có thể là phản ứng của cả hai phía giữa khách du lịch và người bản địa . Số đông khách tham quan lịch sự lễ độ thì người bản địa sẽ có thái độ thân thiện .Có 1 người quen đi ra miền bắc và ghé vùng cao của các đồng bào ngoài ấy khi về than rằng nếu chỉ vô tình hướng máy chụp hình vào ai đó là bị đòi tiền ,đôi khi chỉ vô tình cũng bị làm khó .Khi nhã nhặn hỏi xin phép thì họ ra giá tiền ngay như 1 dịch vụ .
    • Thích
    • Phản hồi
    • 3 ngày
    • Đã chỉnh sửa
    • Xứ Thượng
      Natanio Pham Tình trạng quấy nhiễu đã xảy ra rất nhiều ở Việt Nam... được đưa ra như một tệ nạn xấu xa tồi tệ không chỉ ở dân đen bình thường...
  • Phòng Trà Dường Như
    Hay quá anh . Nhớ quê nhà thuở xưa rồi 👍🌹🌹
  • Hồng Bích
    Hay quá cô ơi. E cũng thích chợ như vầy. Mua hàng rất thích và thương
  • Đinh Hạnh
    Chợ hiếm có
    Xem 2 câu trả lời trước
  • Y Aron Eban
    Xứ Thượng Bây giờ thì bị nhiễm không còn như xưa nữa. Cách đây khoảng chục năm về trước thì sạch thật
  • Ly Trinh
    Thơ ngây ơi
    2
    Xem thêm 1 phản hồi
  • Uyen Lan
    Chỉ còn là giấc mơ !
  • Akela Dã Quỳ Vàng
    Ai muốn đi chợ kiểu này thì đi các chợ bên Lào ,atoupeu còn hiện hữu chợ này,dqv em rất ngạc nhiên khi bắt gặp chợ toàn những sản vật thu nhặt ,hái ,bẫy được, mang ra chợ bán từng mớ,từng quả cà trái ớt,vài con cá ,con dúi,con mang trong rừng, trong rẫy.
  • Phan Tuyet Vy
    Cảm ơn anh Đạt siêu tầm độc, lạ thật giá trị , khi được đọc và biết chợ ngày xưa.
  • Tri Manh
    Bài viết đọc rất thú vị, tuy có chỗ tôi thắc mắc chợ núi ở Tây nguyên làm gì có măng cụt ?
    Xem thêm 1 phản hồi
    • Tri Manh
      Cám ơn anh nhưng chợ núi măng cụt không phổ biến và là đặc thù nên...
      Chúc anh vui, khoẻ .
  • Kim Thịnh Dancer
    Đi chợ này thích nhất là kiếm đc lá ớt... lá ớt xim nấu canh tập tàng ngon tuyệt vời luôn...
    2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét