Nhạc cải biên ngày xưa dễ nhớ, dễ thuộc hơn lời nhạc gốc nhờ sự dí dỏm của nó...
NHẠC CẢI BIÊN THỜI TUỔI THƠ TÔI
* Lê Trung Ngân
Vào những năm 1959-1960, tuổi thơ của chúng tôi thời đó thường tụm năm tụm ba lê la trong xóm chơi đùa. Trong lúc chơi đủ các “món”, thì ca hát là một phần không thể thiếu. Với tuổi thơ dại có biết gì về âm nhạc đâu nhưng hổng biết từ đâu mà có và chúng tôi truyền miệng nhau mà hát những câu nhạc cải biên. Nhạc cải biên (tôi thích dùng từ này hơn từ "nhạc chế" mà hiện nay hay dùng, vì nghe hợp lý hơn) là những bài hát đặt lại lời ca mới, dựa theo giai điệu những bài hát quen thuộc có sẵn. Thường lời hát cải biên lại có tính vui nhộn, trào phúng. Các bài hát được cải biên phải là những bài hát nổi tiếng, được nhiều người biết, có vậy thì nghe lời mới cải biên nó mới… đã!
Sau đây là những bài nhạc cải biên xưa:
Bài “Kiếp nghèo” của Lam Phương:
Đường về đêm nay vắng tanh
Dạt dào hạt mưa rất nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh
Nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi…
Được cải biên lại thành:
Đường về đêm nay tối thui
Mà sao cô không thấy tui
Cô đụng tui cô nói tui đui
Đường về đêm nay tối thui
Mà sao cô không thấy tui
Cô sờ tui cô nói tui cùi …
Bài “Gạo trắng trăng thanh” của Hoàng Thi Thơ:
Ai đang đi trên đường đê,
Tai lắng nghe muôn câu hò đế mê…
Cải biên lại thành:
Ai đang đi, trên cầu Bông
Té xuống sông ướt cái quần ny-lông
Bài “Khúc ca ngày mùa” của Lam Phương:
Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác…
Cải biên lại thành:
Cười lên đi cho răng vàng sáng chói
Hát lên đi để cho đời le lói…
Bài “Hòn vọng phu 1” của Lê Thương:
Qua thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn
Vui ca xang rồi đi tiễn binh ngoài ngàn
Người đi ngoài vạn lý quan san
Người đứng chờ trong bóng cô đơn…
Cải biên lại thành:
Một – hai – ba thằng cha bán kẹo què giò
Một – hai – ba thằng cha bán kẹo què giò
Còn một giò đi kéo xe lôi
Còn một giò đi kéo xe lôi…
Bài “Tàu đêm năm cũ” của Trúc Phương:
Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga, đưa tiễn người trai lính về ngàn
Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay…
Cải biên lại:
Trời đêm dần tàn, tôi lấy Honda, tôi dắt nàng đi ra nhà hàng
Cầm chắc năm trăm, tôi hỏi này nhiêu đây được chăng?
Bài “Rước Tình Về Với Quê Hương” của Hoàng Thi Thơ:
Anh xin đưa em về
Về quê hương ta đó
Anh xin đưa em về
Về quê hương tuyệt vời
Đèn trăng treo tuốt trên cao
Ánh sao như muôn ngọn nến
Lập lòe đom đóm hoa đăng
Rước dâu em đi vào làng…
Được cải biên thành:
Anh đưa em đi chùa
Chùa hôm nay có chuối
Anh đưa em đi chùa
Chùa hôm nay có xoài
Thầy lo nhắm mắt Nam mô
Anh lén đưa tay vồ chuối
Thầy lo nhắm mắt Nam mô
Anh lén đưa tay chụp xoài . . .
Bài “Tiếng hát quê hương” của Y Vân, Xuân Lôi:
Có cô gái miền quê hát bài ca
Giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió
Thôn xóm nhà khi nắng tà
Êm êm trong muôn câu hò…
Được cải biên thành:
Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua
Lắc ba cái ra ba con gà mái
Chung hết tiền, thua hết tiền…
Chắc chắn là các bạn đồng trang lứa với tôi đều biết và nhớ những bài hát cải biên này.
Tôi muốn kể thêm về những bản nhạc ngoại do "bà con cô bác" cải biên lời dựa trên nhạc chứ không chỉ là nhạc nội, thường lời cải biên không ăn nhập gì với lời gốc, nhưng mà vui dễ sợ và được nhiều người thuộc lòng còn hơn cả bài được chuyển lời Việt đàng hoàng.
Bài gốc là một bài hát Ai Cập, có tựa đề là “Mustapha ya Mustapha”, rất thịnh hành vào thập niên 1950, 1960. Được cải biên lại:
Cắc chú Ba Tàu, thằng nào cũng như thằng nấy
Thằng nào không giấy, đá cho nó bay về Tàu…
Hoặc:
Cái đít Ba Tàu, thằng nào cũng như thằng nấy
Thằng nào dơ dáy, đá cho nó bay về Tàu…
Bài “Auld Lang Syne” nổi tiếng phát xuất từ nước Anh khoảng thế kỷ 18. Bài Auld Lang Syne được cất lên gần như trên toàn thế giới vào dịp giao thừa, với ý nghĩa báo hiệu một năm cũ đã trôi qua, năm mới vừa đến. Được cải biên lại:
Ò e, Rô-Be đánh đu
Tặc-dzăng nhảy dù
Xe tăng bắn súng
Chết cha! Con ma nào đây?
Tặc-dzăng hết hồn
Thằn lằn cụt đuôi…
Còn trong các sinh hoạt đoàn thể, theo tôi nhớ, mỗi khi kết thúc người ta thường hát như vầy:
Giờ đây, anh em chúng ta
Cùng nhau kết đoàn
Một nhà thân ái
Cách xa, nhưng ta hằng mong
Rồi đây có ngày
Mình lại gặp nhau…
Ca khúc “Khi xưa ta bé” (Bang bang – lời Việt Phạm Duy):
Khi xưa đôi ta bé ta chơi
Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi
Chơi công an đi bắt quân gian
Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! bang!
Cũng được cải biên nhưng hơi thô tục:
Khi Xưa đôi ta bé ta ngu
Đôi ta chơi bắn súng cao su
Em hiên ngang đem nhắm ngay C..
Bang Bang
Anh đã sưng vu bang bang …
Bài “Orquesta Aragon de Cuba – Que rico bacilon” với điệu Cha cha cha rất thịnh hành. Trẻ con chế lại :
Cha cha cha! Ma-ní lấy chồng Chà-và!
Cha cha cha! Ma-ní lấy chồng Chà-và!
Sau đó ít lâu, lại có lời mới (chắc không phải do trẻ con đặt) nghe phê hơn, như vầy:
Buông tui ra! Tui đã già rồi mà!
Tui không buông! Tui cũng già bằng bà!
Hồi đó tui nghe (và hát) thấy vui ghê, nhưng chưa thấm ý. Bây giờ già rồi, ngồi lẩm nhẩm hát lại mới thấm ý và lấy làm khoái chí quá. Tôi đứng lên nhảy và hát:
Buông tui ra! Tui đã già rồi mà!
Tui không buông! Tui cũng già bằng bà!
Lê Trung Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét