"Tháng 3 đã “lấp ló” trước cửa. Người người, nhà nhà ở các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu sắp xếp công việc trong gia đình để bước vào mùa rẫy mới"...
MÙA RẪY
*Tú Quyên
Khi còn đi học, mỗi lần nghe câu hát “Tháng 3, mùa con ong đi lấy mật/ Mùa con voi xuống sông hút nước/ Mùa em đi phát rẫy làm nương/ Mùa anh đi vào rừng cài bẫy đặt chông…” trong bài hát “Tháng 3 Tây Nguyên” của nhạc sĩ Văn Thắng (phổ thơ của nhà thơ Thân Như Thơ) tôi luôn ước ao một lần được đến với Tây Nguyên.
Từng ca từ của bài hát khiến tôi cảm nhận Tây Nguyên như hiển hiện trước mắt với đồi núi bao la, hùng vĩ; cảnh sắc và cuộc sống của bà con dân làng nơi đây thật thanh bình, phóng khoáng…
Tôi đã yêu Tây Nguyên qua những lời thơ, câu hát như vậy. Cũng có lúc tôi tự giễu mình: Đó chẳng qua chỉ là chút lãng mạn mà thơ, nhạc mang đến.
Thế rồi, như là duyên nợ, trong cuộc mưu sinh tôi lại lên Tây Nguyên làm việc và gắn bó đến giờ, kể ra đã trên mười năm. Ngay từ ngày đầu đặt chân lên miền đất của nắng, của gió, tôi nhận ra rằng, tình yêu ấy có thật trong trái tim chứ không phải là cảm xúc nhất thời.
Ấn tượng về Tây Nguyên thì rất nhiều, nhưng sâu đậm và giàu cảm xúc nhất vẫn là những tháng Tây Nguyên bước vào mùa khô - mùa của lễ hội và cũng đúng là “mùa con ong đi lấy mật, mùa em đi phát rẫy làm nương…”.
Tháng 3 là thời điểm Tây Nguyên bước vào mùa khô. Núi rừng Tây Nguyên không còn được bao phủ một màu xanh thẫm, mượt mà của những tán rừng già, của cỏ cây, hoa lá. Cái nắng, cái gió, cái khắc nghiệt của thời tiết đã làm cho cây cối chuyển màu. Nhưng, mặc sự khốc liệt của thiên nhiên, những chàng trai, cô gái Ba Na, Xê Đăng, Ja Rai… vẫn miệt mài lên nương rẫy.
Theo giải thích của các già làng, từ xa xưa, để đảm bảo cuộc sống, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chủ yếu chỉ biết phát rẫy làm nương. Cuộc sống và sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên mỗi năm, bà con nơi đây chỉ làm được một mùa rẫy nên cũng vì thế mà ngầm hiểu mỗi mùa rẫy là một năm. Với cách hiểu này mà bà con đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây vẫn thường hay dùng từ “mùa rẫy” để nói về tuổi của nhau.
Ngày trước, bà con đồng bào DTTS Tây Nguyên còn tập quán “du canh, du cư” nên mùa rẫy đến, đàn ông, con trai trong làng lại lên rừng để tìm những khoảnh đất tốt phát dọn chuẩn bị trỉa lúa, trỉa bắp… Đến khi đất bạc màu, cây cối không phát triển được thì bà con lại bỏ đi tìm chỗ đất tốt khác phát dọn trồng trọt, chờ đến vài ba năm sau lại quay lại canh tác trên rẫy cũ.
Bây giờ thì khác rồi. Nhờ hiệu quả công tác tuyên truyền, giải thích và cả tạo giúp đỡ, điều kiện của Nhà nước, bà con đã thực hiện định canh định cư, ổn định đời sống nơi thôn làng trù phú, không phát rừng làm rẫy, không rày đây mai đó nữa. Ngoài làm lúa nước, bà con chỉ trồng mì, trỉa bắp trên đất rẫy cũ, đất rẫy nằm trong quy hoạch.
Vào tháng 10 hàng năm, sau khi thu hoạch lúa xong, đất rẫy được “nghỉ ngơi” mấy tháng liền, đến đầu tháng 3 năm sau bà con mới bắt đầu dọn dẹp để chuẩn bị cho mùa vụ trồng trỉa mới. Vì vậy, từ đầu tháng 3, về các làng đồng bào dân tộc thiểu số trông rất vắng vẻ, vào nhà nào cũng chỉ gặp toàn người già và trẻ em; đàn ông, phụ nữ đều đi lên nương rẫy. Vì nương rẫy ở xa nên bà con thường phải mang gạo, mắm, muối lên dựng chòi ở tạm tại rẫy cả tháng mới về. Có gia đình sáng đi tối về thì từ tờ mờ sáng đã phải thức dậy để nấu cơm, thức ăn mang theo.
Phát cỏ, đào gốc le xong, rẫy được “phơi” đến đầu tháng 4. Dưới nắng nóng, cỏ tranh, le bụi khô ran, bà con mới đốt rẫy. Ngày nay đốt rẫy cũng khác xưa. Nghe dân làng Kon Jong (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) kể lại, trước đây, sau khi phát được khoảnh rẫy, chờ cỏ khô, bà con chỉ việc... đốt, không quan tâm, lửa cháy đến đâu, nhưng bây giờ thì đốt rẫy cũng phải đúng quy trình. Cũng như khi phát dọn, bà con tiến hành đốt rẫy từ dưới thấp lên cao cho đến khi cháy hết các lọai cây đã phát; người nhà được huy động để canh lửa, không cho cháy lan ra khu vực xung quanh, nhất là những rẫy gần rừng. Dân làng cũng qui định về thời gian đốt rẫy để hỗ trợ lẫn nhau.
Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi tiết trời bắt đầu chuyển, những con gió đã mang theo hơi nước ẩm ướt, báo hiệu mùa mưa đang tới, bà con bắt đầu trỉa hạt lúa giống hoặc trồng mì, trồng bắp.
Bắp hay mì trồng ở rẫy đều chỉ được 1 vụ/năm; lúa rẫy 6 tháng mới cho thu hoạch một lần. Lúa rẫy không tốn nhiều công chăm sóc, cũng chẳng bón phân hay tưới nước mà tất cả đều nhờ vào tự nhiên nên hạt gạo làm ra được xem là thực phẩm sạch.
Cơm gạo rẫy có mùi thơm đặc biệt, từng hạt cơm ẩn chứa trong đó những tinh tuý nhất của cả đất trời và có lẽ như vậy nên ai đã thử ăn cơm gạo rẫy một lần thì khó mà quên được hương vị.
Mỗi chuyến công tác về vùng sâu, vùng xa, nhìn thấy những rẫy lúa chín vàng óng trên các triền đồi tôi không quên “móc nối” với những người bạn Ba Na, Ja Rai để được mời về làng cùng dự lễ hội ăn mừng lúa mới và cũng để có cơ hội được thưởng thức hương vị của những hạt gạo lúa mới ngọt bùi, dẻo thơm.
Trước đây, canh tác lúa rẫy là hình thức sản xuất chính trong năm của đồng bào các dân tộc thiểu số, được mùa, mất mùa lúa rẫy sẽ quyết định sự no, đói của gia đình, của dân làng. Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của đời sống, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum không còn độc canh lúa trên đất rẫy mà còn trồng xen kẽ nhiều loại cây trồng khác nhau, vừa cải tạo đất, vừa giúp tăng thu nhập cho gia đình. Nhưng dù vậy, mùa rẫy vẫn cứ “đúng hẹn lại lên”.
Nói như già A Tú ở làng Kon Klốc, xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) thì cho dù có trồng luân phiên cây gì đi nữa thì cứ đến đầu tháng 3, khi tiết trời khô hanh, nắng nóng thì bà con cũng đều phải lên nương rẫy để phát dọn cho sạch sẽ để khi có mưa sẽ xuống giống cây trồng. Những nương rẫy không trồng lúa, trồng khoai mà chuyển sang trồng cao su, bời lời thì đến mùa rẫy, bà con cũng phải lên để dọn dẹp thực bì.
Tháng 3 đã “lấp ló” trước cửa. Người người, nhà nhà ở các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu sắp xếp công việc trong gia đình để bước vào mùa rẫy mới. Và trong những chuyến đi dọc các thôn làng của núi rừng Trường Sơn, ngắm không khí chộn rộn bước vào mùa rẫy, tôi lại mơ màng nghĩ đến những nương lúa vàng óng và nụ cười tươi xinh của những cô gái Ba Na, Xê Đăng, Ja Rai…
Tú Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét