Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

VĂN HÓA BẾN NƯỚC CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ *Tuyết Nhi

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Từ thuở xa xưa, người Ê-đê đã xem nguồn nước như một thứ tài sản quý của cộng đồng. Nước là nguồn sống, mang đến cho buôn làng những vụ mùa tươi tốt, ấm no..
VĂN HÓA BẾN NƯỚC CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ
*Tuyết Nhi
Bài học đầu tiên: Không lãng phí nước
“Trước khi lập buôn, người Ê-đê chúng tôi thường kiếm nguồn nước trước. Vì vậy mà bến nước có trước cả tất cả dân làng ở đây,” anh Si Pha kể. Có lẽ vì vậy mà anh dắt chúng tôi đến bến nước trước như một quy tắc hiển nhiên: vào nhà đầu tiên phải kính chào người lớn.
Bước xuống từng bậc thang đá bám rêu, trước mắt chúng tôi hiện ra một bến nước nguyên sơ với những ống tre ngắn dài dẫn mạch nước ngầm từ lòng đất trào ra. Phía bên dưới là các hòn đá nhẵn nhụi do “nước chảy đá mòn.”
Khi dân làng đến lấy nước, họ sẽ tái sử dụng các chai nhựa và đặt trong gùi, sau đó để xe máy phía trên và đi bộ xuống bến nước. Phần nước họ lấy sẽ phục vụ cho việc nấu ăn và nước uống. Tuỳ thuộc vào số lượng thành viên trong gia đình, trung bình mỗi hộ sẽ gùi nước từ 2 đến 3 lần trong một tuần.
Tôi ngạc nhiên hỏi anh Si Pha rằng không có van khóa, vậy nước cứ chảy liên tục như thế liệu có phải là sự lãng phí? Anh liền chỉ tay ra cánh đồng đằng sau, “nước sẽ chảy xuống và tưới cho rẫy của bà con, không một giọt nào bị phí cả.” Tôi thấy được một vòng tuần hoàn của tạo hoá ngay trước mắt, đầy sinh động và diệu kỳ.
Bài học thứ nhì: Bảo vệ nước là bảo vệ cộng đồng
Phần lớn người Ê-đê nói riêng và các dân tộc bản địa tại Tây Nguyên nói chung sống dựa vào thiên nhiên nên đất, rừng, nước là những yếu tố thiết yếu cho sự phồn vinh của bản làng. Vì vậy, họ luôn ý thức việc phải giữ nguồn nước sạch từ nguồn, từ những cánh rừng, đồng ruộng phía trên. Trách nhiệm bảo vệ nguồn nước thuộc về mỗi dân làng, và “sứ mệnh này được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.”
Điển hình tại xã Ea Tul nơi tôi nghiên cứu, người dân nơi đây khá cẩn trọng với những loại cây họ trồng gần bến nước. Những cây cần phun thuốc trừ sâu nhiều như sầu riêng sẽ được hạn chế trồng do thuốc sẽ ngấm vào đất, ảnh hưởng đến chất lượng nước ở hạ nguồn.
Nhà nghiên cứu Anne de Hauteclocque-Howe, trong thời gian sống cùng người Ê-đê tại khu vực Buôn Pôk, đã ghi nhận niềm tin rằng sự phì nhiêu của con sông, con suối nói riêng và đất đai nói chung gắn liền với cách xử sự của những người mà nó nuôi sống. Những hành vi gây ô nhiễm, ô uế nghiêm trọng các tài nguyên thiên nhiên (cũng là nơi trú ngụ của thần) cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự bình an và thịnh vượng của cộng đồng trong làng.
Theo Ede yarns dịch: “Điều 231 của luật tục Ê-đê cũng quy định: đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây Kdjar” và “Nếu để nguồn nước bẩn / Cây lúa không ra bông / Cây kê không có hạt / Con người sẽ mang bệnh / Tội này xử rất nặng.” Những ai dám xâm phạm đến thiên nhiên, phá hoại nguồn nước cũng là đang làm hại đến chính cộng đồng mình và sẽ được căn cứ theo luật tục mà xử phạt.
Bài học thứ ba: Tôn trọng nguồn nước
Vì người Ê-đê ở đây quan niệm bến nước còn là nơi trú ngụ của thần nước, yang êa, do đó việc giữ cho nước và cảnh quan xung quanh bên sạch sẽ cũng là gìn giữ “ngôi nhà” của thần, tránh để thần nổi giận mà giáng tai ương xuống dân làng.
Mỗi năm, sau mùa vụ, khi cây pơ-lang ở đầu làng chuyển màu xanh biếc, chuẩn bị cho mùa trổ bông, Pô lăn, người đứng đầu buôn, và Pô pin êa, người chủ bến nước sẽ nhắc nhở mọi người trong làng làm vệ sinh, dọn sạch các con đường trong buôn, đặc biệt là con đường xuống bến nước, để chuẩn bị cho lễ cúng bến nước.
Theo Bảo tàng Đắk Lắk, dựa vào truyền thống xưa, trong ngày đầu tiên, dân làng tiến hành việc dọn đường và sửa bến nước. Cộng đồng tham gia được chia thành hai nhóm chính. Nhóm đầu tiên, cùng với thầy cúng, thực hiện lễ cúng ở giữa đường từ đầu buôn làng đến bến nước. Trong khi đó, nhóm thứ hai tiến hành lễ cúng tại bến nước.
Lễ cúng này bao gồm việc dâng lễ vật như 1, 2 con heo tuỳ địa phương — một con đực đen dành cho lễ cúng bến nước và một con dành cho ông bà tổ tiên — và 9 chén rượu. Thầy cúng thực hiện việc đổ rượu lên ống nước và bắt đầu lời cầu để xin nguồn nước nguồn không bao giờ cạn khô.
Khấn xong thầy cúng cầm bình rượu có pha tiết heo đổ vào các máng nước và coi mỗi máng nước là nơi trú ngụ của vị thần giữ nước. Sau đó, thầy cúng lại đến cúng từng bến nước, máng nước ở khu vực địa phương mình và lân cận cũng như tại nhà của chủ bến.
Ngày thứ hai của lễ cúng là ngày cấm buôn, trong đó việc dâng lễ bao gồm một con gà trống trắng, một chén rượu, sợi chỉ bông và gạo. Các nghi lễ diễn ra tại cổng buôn trong khi những hoạt động hàng ngày như làm rẫy, săn bắt, và hái lượm đều phải tạm dừng lại trong thời gian này.
Ngày thứ ba, khi cổng buôn được mở trở lại, mọi sinh hoạt lại được diễn ra như thường, mọi người có thể quay lại bến để lấy nước hoặc tắm. Mạch nước này không chỉ gắn kết người và thần mà thông qua đó, người dân trong làng cũng có dịp hội tụ lại, cùng nhau chuẩn bị và sẻ chia thức ăn sau khi cúng. Tuy nhiên, hiện nay đa số các buôn chỉ duy trì việc cúng trong một ngày và chủ yếu kết hợp du lịch vì điều kiện kinh tế, tính chất công việc và cả những thay đổi về xã hội.
Không chỉ diễn ra vào những ngày lễ, sự kết nối này hiện hữu trong thường nhật. Tại một số buôn, vào mỗi buổi chiều, những người lớn tuổi trong làng sẽ ra bến nước để tắm. Một ống nước tách ra khỏi các ống còn lại sẽ là bến đực, nơi người đàn ông sẽ tắm, trong khi bến cái sẽ là tập hợp gồm nhiều ống nước hơn và dành cho phụ nữ.
Trong lúc tắm, họ sẽ kể nhau nghe những câu chuyện diễn ra trong làng và vui đùa thoải mái dưới làn nước trong. Bến nước từ đây không chỉ là một chốn thiêng mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng gần gũi như “cây đa, sân đình.”
Nhiều nền văn minh đã bắt đầu bên một dòng chảy và đời sống của họ từ lao động sản xuất đến văn hoá đều ít nhiều có hình bóng của con sông, con suối như một sợi dây vô hình nhưng hữu tình gắn kết con người và tự nhiên mà chỉ đến khi đứng tại bến nước của buôn làng, tôi mới hiểu thấu: hãy sống như nước và (nương) nhờ nước, linh hoạt, dịu dàng và tử tế cho đi.
Tuyết Nhi
Có thể là hình ảnh về 2 người
Tất cả cảm xúc:
Trần Bình, Balinh Duongduc và 81 người khác
36
3
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Y Yô Kbuôr
Ý nghĩa quá ạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét