Tác giả bài viết là cựu giáo sư trường trung học Tổng Hợp Ban Mê Thuột...
NHỮNG THÁNG NĂM BUỒN
*Võ Thị Như Hường
Chỉ còn vài ngày nữa là tôi được đi thăm chồng. Niềm vui được gặp lại chồng sau thời gian dài xa cách, sự buồn tủi khi nghĩ tới lúc phải từ giả sau khi gặp, những điều gì sẽ nói....Tất cả những ưu tư ấy liên tục châp chờn trong đầu óc tôi, và tôi nhớ lại....
Hôm đó nhân viên an ninh khu vực đến chỗ chúng tôi tạm trú, trói tay chồng tôi, bắt đi mà không cho biết lý do. Tôi đứng lặng người như một cái xác không hồn. Chồng tôi nhìn tôi với đôi mắt lo lắng và khuôn mặt xanh xám sợ hãi. Sau khi họ dẫn chồng tôi đi rồi, tôi buông cái thân gầy gò của mình xuống sàn nhà và gục mặt khóc. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc...Tôi cảm thấy kinh hoàng và âu lo cho những ngày sắp tới. Hai mươi mấy tuổi đời và hai đứa con thơ, đứa nhỏ chưa đủ một tuần sanh. Không cha mẹ, không anh em...Tất cả bà con ruột thịt đã đi xa thật xa... Lần đầu tiên tôi thấy mình quá bơ vơ ở cái tỉnh lỵ đất đỏ đèo heo Ban Mê Thuột này.
"Con người là một cây sậy". Tôi lúc này còn yếu hơn một cây sậy, quá dại khờ, quá trẻ và có chút ít nhan sắc. Cũng vì có chút ít nhan sắc cho nên "an ninh khu vực" đã không để cho tôi yên thân. Họ thường lân la, tìm đủ cách đến "thăm" tôi. Họ khuyên tôi nên từ bỏ dĩ vãng, nghĩa là phải dứt khoát với ông chồng có quá nhiều tội ác với nhân dân. Họ cũng cho biiết là chồng tôi đi cải tạo "sẽ không có ngày về". Vì chồng tôi là bác sĩ quân y, cái nghề chuyên chữa bịnh cho ngụy quân, để chúng cầm súng giết hại đồng bào, có cha vợ là tướng " trùm ngụy quân", có cha mẹ anh em trốn ra nước ngoài, có giữ chức chủ tịch hội Pax Romana (một hội của Công Giáo)....Như vậy là chồng tôi không biết đến ngày nào mới được gặp lại vợ con !!!!! Sự chờ đợi mỏi mòn trong tuyệt vọng, sự nhớ nhung dằn vặt, nỗi sợ hãi mỗi ngày một nhiều hơn.. Thêm vào đó, những người ở an ninh khu vực cứ lai vãng tìm gặp tôi. Mỗi ngày họ tỏ ra ân cần săn đón hơn và hứa hẹn đủ điều....Nhưng tôi đã quyết định từ bỏ nơi này để ra đi. Và vào một đêm khuya thanh vắng, tôi tay dắt díu hai đứa con ra bến xe đò trốn về Sài Gòn.
Tôi đang nghĩ đến cuộc hành trình đi thăm chồng trong vài ngày sắp tới..Lòng tôi rộn rã vui mừng. Tôi muốn đem hai đứa con cùng đi, để các cháu không quên mặt ba của các cháu, và tôi cũng muốn dạy cho các cháu ngay từ thơ ấu, biết thế nào là tình gia đình và là sự chia xẻ những bất hạnh chung.
Xe đò từ Sài Gòn đi Ban Mê Thuột phải chạy mất hai ngày và một đêm ngủ trọ dọc đường. Đến bến xe Ban Mê Thuột, tôi một tay bồng thằng con mười tháng, một tay xách giỏ đồ ăn nặng trĩu bới cho chồng và thằng con hơn hai tuổi lếch thếch chạy theo mẹ. Chúng tôi đến bến xe thồ và lên xe đi vào Thị xã Quãng Nhiêu. Từ Quãng Nhiêu đến trại tù cải tạo Mê Van là 5 km. Không có xe nào được đi vào đó, chỉ có một cách là đi bộ.. Thành ra tôi phải bồng cháu nhỏ và mướn một người Thượng bồng cháu lớn và gùi giỏ thức ăn. Đoạn đường 5 km này đi lâu và tưởng như không tới được trại, vì đường đất sét trơn trợt, phải đi thật chậm. Vừa đói vừa mệt rã rời..
Đến trại, ở một cái chòi phong phanh, gọi là "phòng chờ đợi", tôi và mấy bà vợ khác đi thăm chồng "tù cải tạo", ngồi lặng thinh. Người nào cũng mang bộ mặt đăm chiêu, thiểu não, ưu tư và đôi mắt đỏ hoe như nhau. Những đôi mắt đỏ hoe ấy đang mở to hướng chăm chăm vào hàng rào có cổng trại. Nơi cổng trại xa xa đó trong chốc lát chồng tôi cùng đoàn người tù cải tạo sẽ được đi ra để gặp vợ con và thân nhân. Cuối cùng họ được đi ra. Tôi không thể nhận ra ai là chồng tôi., vì tất cả đều mặc áo quần màu đen giống nhau. Họ xếp thành hai hàng, vừa đi vừa cúi mặt nhìn xuống đất. Lòng tôi quặn thắt lại. Nỗi chua xót dâng đầy không có ngôn từ nào có thể diễn tả được. Nước mắt tôi tuôn tràn.
Rồi chúng tôi được xếp ngồi đối diện nhau, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của những người an ninh trại. Chúng tôi nhìn nhau nghẹn ngào nín lặng..Thằng con nhỏ chập chững đứng bập bẹ "ba..ba". Thằng con lớn níu chặt tay ba nó. Những thức ăn mà tôi cẩn thận gói ghém cho chồng thì đang bị an ninh trại rạch nát bới tung khám xét. Chồng tôi gầy gò, khuôn mặt khắc khổ và cặp mắt suy tư. Tôi thấy thương chồng thương con và thương thân phận tôi. Tôi chỉ biết khóc thôi. Rồi giờ thăm ngắn ngủi đã hết, chồng tôi đứng dậy, tay xách giỏ thức ăn... Đến lúc ấy chúng tôi cũng không thể nói nổi được lời từ giã. Anh hôn hai con, đưa mắt nhìn tôi một cách buồn thảm, rồi lầm lủi quay bước. tôi cố đứng nán lại nhìn theo cho đến khi bóng anh khuất sau cổng trại và dắt hai đứa con ra về..
"Chỉ còn vài ngày nữa".. Tôi tự nhủ lòng. Trong nỗi vô vọng cùng cực như thế này, tôi vẫn tìm thấy chút an ủi vào những lúc chờ đợi đi thăm chồng. Vì ít ra tôi còn niềm vui sắp được gặp lại anh ấy, được nhìn anh dù trong khoảnh khắc ngắn ngủi, để biết anh vẫn còn sống, để thấy chúng tôi vẫn còn có nhau trong đoạn đời địa ngục này.
VÕ THỊ NHƯ HƯỜNG
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa