Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

GÓC PHỐ NGÀY XƯA , BÂY GIỜ!

Ban mê thuột từng lớp thời gian...
GÓC PHỐ NGÀY XƯA , BÂY GIỜ!
Buôn Ma Thuột là buôn (làng) của Ama Thuột - tức bố thằng Thuột. Người Ê Đê khi có con cái thì đàn ông không còn tên nữa, mà gọi theo tên đứa con đầu.
Vào cái thuở chưa có khoa học trắc địa và địa giới các cộng đồng, quốc gia xác lập bằng vùng ảnh hưởng (mà không có bản đồ) thì người Chăm, với tư cách xã hội có nhà nước và khôn lanh hơn đã ảnh hưởng nhiều lên xứ Kitara (trong đó có cả cao nguyên Ê Đê) đầy rừng nguyên sinh này.
Khi Chămpa biến mất ở dọc miền duyên hải dưới kia, người Việt thay thế dần sự ảnh hưởng trên miền sơn nguyên, với độ mỏng dày tùy từng giai đoạn lịch sử.
Tuy nhiên, dấu ấn lịch sử thực chứng và thành văn về người Việt đặt chân lên Buôn Ma Thuột lại là từ một người đàn ông xứ Quảng Nam tên Hộ với mối bang giao của ông với tù trưởng Ama Thuột vào năm 1925, được tù trưởng này tạo điều kiện sinh sống khi ông lên đây buôn bán rồi sau đó là sự ra đời của làng Việt đầu tiên mà ông lấy tên là Lạc Giao với mười chín hộ người Việt nữa chung phận nổi trôi xa xứ vì bị lưu đày.
***
Nhưng giờ thì Buôn Ma Thuột đã hiện ra là một đô thị bề thế, sôi động hàng đầu miền Thượng, với điều kiện không gian và sự vạm vỡ của nó luôn cho ta cảm giác có thể kiến tạo đầy tung hứng và vô tận. Cao nguyên Đắk Lắk đúng là cao nguyên bazan. Và chính việc người Pháp thời Đông Dương thuộc địa thiết lập hệ thống hành chính và đưa cây cà phê vào đã làm thay đổi hoàn toàn xã hội nông nghiệp trong các sắc dân sơn nguyên. Đất bazan là nơi lý tưởng cây cà phê, cao su, tiêu, mà Đắk Lắk đã đứng đầu về việc trồng và phổ biến cây cà phê.
Chính sự sung túc, giàu có từ cây trồng công nghiệp xuất khẩu này đã khiến Buôn Ma Thuột trở thành thành phố tiêu dùng khổng lồ. Cái làm ra là nông, lâm, thổ sản, còn đưa tất tần tật mọi sản phẩm khác từ các nơi xa về để tiêu thụ. Và vị trí chính giữa của miền Kitara xưa đã nghiễm nhiên đưa thành phố này trở thành đô thị trung tâm không chỉ ở khía cạnh kinh tế, vai trò ngày càng lớn, khi hội nhập sâu.
Giờ thì Buôn Ma Thuột có mặt trên 30 sắc dân khác đến từ mọi miền đất nước, kể cả Tây Bắc xa xôi. Tôi có thể nghe những ngôn ngữ xa lạ ấy ở chợ Buôn Ma Thuột, trên các con đường mua sắm Y Jut, Nơ Trang Lơng, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong hay Hai Bà Trưng, và có thể thấy họ sống ở các khu phố mới.
Thành phố này người ta ít săm soi, để ý đến nhau. Tiếp nhận phóng khoáng và thoải mái này là chuyện không phải dễ ở các vùng đất khác. Chỉ cần chăm lao động thì lưu dân nào cũng sống dễ dàng trước sự màu mỡ của đất bazan và khí hậu thuận lợi nơi đây. Nên khắp nơi trong lòng Buôn Ma Thuột, phố cũ phố mới đều nhảy tưng tưng, có khi là phố trang trọng ngây ngất, mà cũng có khi là phố lếch thếch, diêm dúa, kệch cỡm, lạc điệu, hình thái giống từ Sài Gòn đến Vũng Tàu, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng, và cả Đà Lạt. Phố phân lô dĩ nhiên tràn ngập. Nhưng làng, phố biệt thự cũng nhiều như mì gói, đến độ có thể nghĩ sao họ cất nhà cao to dễ đến thế.
Nghe nói, người Buôn Ma Thuột cũng hay sắm thêm nhà ở Sài Gòn nữa. Cư dân tậu xe hơi cất trong nhà cũng đầy. Ngay ở Nha Trang, từ lâu đã có cả một con đường với khách sạn chuyên phục vụ người Buôn Ma Thuột. Vùng đất phóng khoáng, lưu dân ai cũng tranh thủ làm giàu, dù họ làm nghề gì, ở thân phận nào. Lưu dung là trước hết để tích góp, làm giàu, thiết kế tương lai cho con cái, chứ hơi đâu để ý đến chiều sâu, bản sắc, “dựng người”.
Buôn Ma Thuột là một đô thị trên thảo nguyên mênh mông, thủy lưu chảy ngược về sông Mê Kông bên kia, không hề bị che chắn, chia cắt, khi nó đã sạch rừng, nên con đường nào đã mở cũng dễ dàng, rộng thoáng dài tít tắp. Nên đến cái vỉa hè ở đường phố Buôn Ma Thuột cũng làm các đô thị khác thèm thuồng - nó to rộng như sân chơi. Còn kiến trúc trên các đường phố thì giống từ Đà Lạt (xưa), đến Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội, Cần Thơ. Đó là thứ kiến trúc đưa đến từ mọi nơi, chấp nhận tất cả, đổ vào tất cả, mà không cần bản sắc riêng, mặc dù bạn tôi, KTS. Lê Hoàng Sinh khi còn làm giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk đặt ra ý tưởng cho xứ sở rằng mỗi căn nhà mới xây ở Buôn Ma Thuột đều cần có “tinh thần” Ê Đê: chóp mái kiểu nhà sàn Ê Đê.
Ý tưởng này bất khả thi, vì dân nhập cư xứ này vốn rất khoái tự do cảm xúc, họ cất nhà theo ý của họ. Dân Buôn Ma Thuột mà, sống tự nhiên, thoải mái, xuề xòa, quen với tính “nông nghiệp rẫy” thời bốp chát nên không để ý đến bản sắc đô thị chung. Nếu có bản sắc, thì chỉ có thể nhìn thấy trong các buôn của người Ê Đê còn lỏi chỏi đây đó. Nhưng cộng đồng nhập cư thì đã nhiều hơn, chi phối cách biểu hiện về ý thức thẩm mỹ, không gian sống, hình thái kiến trúc, và cả lối sống. Mà ý thức của dân nhập cư, là như đã nói, “thoải mái”, no vui, nhiều tiền, thế nào cũng được. Lịch sử thị dân trên thế giới đã chỉ ra rồi, với đô thị, bên trong sao thì bên ngoài vậy.
...
(Trích đoạn trong bài "Giai điệu gồ ghề của Buôn Mê... Thật" của Nguyễn Hàng Tình đăng trên http://www.nguoidothi.net.vn/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét