Thăng trầm làng Mường... qua một trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, xã Hòa Thắng, BMT.
TRƯỜNG LÀNG MƯỜNG HÒA BÌNH Ở BAN MÊ
Sau hiệp định Geneve năm 1954, một số dân ở miền Bắc Việt Nam bị quân đội Pháp đưa di cư vào miền Nam Việt Nam. Khoảng năm 1956 một số hộ dân đa số là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Hòa Bình phía Bắc Việt Nam như dân tộc Mường, Tày, Thái,…đã lập nghiệp tại Cây số 7 trên Quốc lộ 27, cách phi trường Phụng Dục ( bây giờ là sân bay Hòa Bình ) khoảng 1km và đặt tên là Làng Hòa Bình. Đầu năm 1957 vì nhu cầu học tập của con em nhân dân tại đây nên đã có một số Thầy, Cô giáo tự mở lớp để dạy học như Thầy giáo Bùi Đình Khuây, Cô giáo Cẩm Lộc, Thầy giáo Nguyễn văn Pho, Thầy giáo Nguyễn văn Kim,…
Năm 1958 Ty giáo dục Darlac đã xây dựng 03 phòng học lợp tôn, vách ván tại đây và mở các lớp học sơ cấp ( lớp 1, 2 và 3 bây giờ ) để dạy con em và Thầy giáo Lê văn Thanh được cử là phụ trách trường. Năm 1961 theo chủ trương bình định nông thôn ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Ông Ngô Đình Diệm, làng Hòa Bình được đổi tên thành Ấp chiến lược Hòa Bình, thuộc xã Cư Ea Dru, quận lỵ Banmêthuột, tỉnh Darlac (theo cách viết lúc bấy giờ ). Số học sinh đi học ngày một đông hơn và số lớp học cũng nhiều hơn nhà trường có dạy từ lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì và lớp Nhất ( bây giờ là lớp 1, 2, 3, 4 và 5 ) nên Ty Giáo duc Darlac đã đặt tên thành trường tiểu học Minh Giảng do Thầy giáo Đoàn Như Đỉnh là Hiệu Trưởng.
Cuối năm 1963 Ấp chiến lược Hòa Bình được đổi thành Ấp Tân Sinh Hòa Bình và nhà trường cũng được đổi thành trường Cộng đồng Minh Giảng do Thầy Nguyễn Tri Bình là Hiệu Trưởng. Năm 1967 Thầy giáo Nguyễn Tri Bình bị tai nạn chết và Thầy Đinh Công Chinh được Sở Học chánh và Thanh niên Darlac (là Ty Giáo dục Darlac cũ ) đề bạt là Hiệu Trưởng nhà trường.
Sau ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 Ấp Tân sinh Hòa Bình được đổi thành xã Hòa Thắng với 5 thôn ( từ thôn 1 đến thôn 5 ), thuộc thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk Ban Giáo dục thị xã Buôn ma Thuột lúc bấy giờ đổi tên trường Cộng đồng Minh Giảng thành trường Cấp 1 Hòa Thắng với 03 điểm trường : điểm trường chính đặt tại Thôn 2 xã Hòa Thắng ( nguyên là trường cộng đồng Minh Giảng ), điểm trường lẻ thứ nhất tại thôn 5 xã Hòa Thắng ( nguyên là trường tiểu học An Cư - Lạc nghiệp ) và điểm trường lẻ thứ hai tại thôn 4 xã Hòa Thắng. Một số Thầy, Cô giáo của chế độ cũ ( chế độ VNCH ) được tiếp tục giảng dạy lại ( Gọi là giáo viên lưu dung ), Thầy giáo Vương Quang Trọng được cử là phụ trách trường trong thời gian 2 tháng ( Tháng 4 và 5/1975 ). Đầu năm học 1975 – 1976 Thầy giáo Nguyễn văn Bá được cử là Phụ trách trường thay Thầy Vương Quang Trọng.
Đầu năm học 1976 – 1977 số trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường học khá đông, ở mỗi điểm trường đều có học sinh học từ lớp 1 đến lớp 5, số học sinh của trường gần 600 em, kể cả 01 lớp mầm non, Thầy giáo Trần Đức Hiệt được cử là Phụ trách trường. Năm học 1979 – 1980 Thầy giáo Lê văn Từ được đề bạt là Hiệu Trưởng nhà trường.
Năm 1982 theo chủ trương của ngành giáo dục là sát nhập trường Cấp 1 vào trường Cấp 2 nên trường Cấp 1 Hòa Thắng được sát nhập vào trường Cấp 2 Hòa Thắng và đổi tên thành trường Cấp 1 – 2 Hòa Thắng ( trong đó có cả các lớp Mầm non ), Thầy giáo Nguyễn Trọng Kỳ là Hiệu Trưởng, Thầy giáo Hà Thành Đông là Phó Hiệu Trưởng phụ trách khối lớp Cấp 1 và Thầy giáo Ngô Hữu Điệp Phó Hiệu Trưởng phụ trách các lớp khối Cấp 2. Từ năm 1981 đến năm 1990 sau Thầy Nguyễn Trọng Kỳ có các Thầy giáo sau làm Hiệu Trưởng : Thầy Thầy Đỗ Thành Tiến, Trần Bá Hạnh, Thầy Ngô Đình Triển, và Thầy Phạm văn Thành.
Năm 1983 Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Ea Kmăt xây thêm một số phòng học tại thôn 10 xã Hòa Thắng để phục vụ cho con em cán bộ, công nhân viên của Viện và Phòng Giáo dục thị xã Buôn Ma Thuột giao cho nhà trường quản lý nên lúc bấy giờ khối cấp 1 có tất cả 04 điểm trường ( Thôn 2, Thôn 4, Thôn 5 và Thôn 10 xã Hòa Thắng ) với số lượng học sinh hơn 700 em.
Năm 1988 Buôn Ko Mleo được bàn giao từ xã Ea Kao, thị xã Buôn Ma Thuột cho xã Hòa Thắng quản lý nên Khối Cấp 1 của trường Cấp 1 – 2 Hòa Thắng có thêm điểm trường lẻ tại Buôn Ko Mleo với 05 lớp học tại điểm trường này. Năm học 1989 – 1990 cũng theo chủ trương của ngành giáo dục Cấp 1 được tách ra khỏi Cấp 2 nên nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk đổi tên thành trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh 2 với 5 điểm trường, Cô giáo Hồ Thị Bé được đề bạt là Hiệu Trưởng. Tháng 1 năm 1991 vì số lượng học sinh đông và nhiều điểm trường nên Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk đã cho thành lập thêm 01 trường tiểu học nữa trên địa bàn giao cán bộ, giáo viên, học sinh và cơ sở vật chất điểm trường lẻ tại thôn 5, thôn 4 và Buôn C. Kăp xã Hòa Thắng cho trường tiểu học Nguyễn Du quản lý.
Ngày 12/8/1997 nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk đổi tên thành trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu cho đến bây giờ. Đầu năm học 1999 – 2000 UBND thành phố và Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma thuột điều động Thầy giáo Hà Thành Đông về làm Hiệu Trưởng nhà trường, số học sinh lúc bấy giờ gần 600 em học tại 04 điểm trường ( nhà trường phải mượn thêm một sồ phòng học của trường Cấp 2 để giảng dạy ). Vì số học sinh đông nên tháng 9 năm 2001 Phòng Giáo dục Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột và chính quyền địa phương thống nhất cho chuyển giáo viên, học sinh và toàn bộ cơ sở vật chất điểm trường Buôn Ko Mleo cho trường tiểu học Hoàng văn Thụ quản lý. Đến tháng 10 năm 2007 trường tiểu học Hoàng văn Thụ giải thể và điểm trường Buôn Ko Mleo bàn giao lại cho nhà trường quản lý.
Từ 03 phòng học năm 1958 đến nay nhà trường đã có tiến độ phát triển khá khiêm nhường. Nhiều lần đổi tên và cũng không ít lần sát nhập rồi lại tách ra, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khuôn viên nhà trường đã bị thu hẹp vì sự lấn chiếm một số hộ dân gần trường, để có thể đảm bảo đủ điều kiện phục vụ cho hoạt động dạy và học của nhà trường, UBND xã Hòa Thắng đã có dự kiến chuyển nhà trường sang địa điểm khác.
Qua gần 55 năm tồn tại, nhiều thế hệ học sinh đã từng ngồi học dưới mái trường này để sau đó học tiếp lên các cấp học khác và trưởng thành, trong đó không ít người tâm huyết với sự nghiệp trồng người nên chọn nghề dạy học để phục vụ con em mình và cũng có những thế hệ nhà Giáo trở về địa phương, về mái trường xưa để giảng dạy đến nay đã nghỉ hưu như các Thầy giáo Vương Quang Trọng, Quách Luyến, Quách Nha, Nguyễn văn Thời, Bùi văn Minh, Quách Sơn Lâm, Quách Phúc Hiển, Nguyễn văn Nương, Nguyễn văn Thóc, Đinh Quí Dũng, Cô giáo Đinh Thị Duy, Đinh Thị Yến, Đinh Thị Muộn, Đinh Thị Liên, Vương Thị Bông, Bùi Thị Lục, Đinh Thị Lập, Đinh Thị Ngôn, Hà Thi Trung, Quách Thị Bằng ( GV cấp 2 ), Bùi Thị Bình ( GV cấp 2 ), Bùi Thị Bớt ( GV mầm non ),… hoặc các nhà Giáo hiện còn đang công tác như Thầy giáo Trần Bá Hạnh, Hiệu Trưởng trường THCS Nguyễn Chí Thanh, Cô giáo Hà Thị Ánh Tuyết ( GV trường tiểu học Nguyễn Du ), Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang (GV Mầm non ), Cô giáo Nguyễn Thị Hải ( GV Mầm non ), Cô giáo Lương Thị Mến, Phó Hiệu Trưởng trường tiểu học Nguyễn Du và Thầy giáo Hà Thành Đông, Hiệu Trưởng trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu xã Hòa Thắng.
Hòa Thắng, ngày 08 tháng 10 năm 2015
HIỆU TRƯỞNG
HÀ THÀNH ĐÔNG
(Nguyên văn bài "SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TIỂU HỌC NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, Xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk"của thầy Hiệu trưởng Hà Thành Đông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét