Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

VUA MƯỜNG TRỊNH VẠN

Chuyện chưa kể về vua Mường Trịnh Vạn

(Kiến Thức) - Trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, xứ Thanh nổi lên một thủ lĩnh đích thực, những câu chuyện về ông đến nay vẫn được người dân ca tụng.

Ông là Cầm Bá Thước ở bản Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Ước mơ dang dở của Vua Mường Trịnh Vạn
Những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ chúng tôi có dịp trở về bản Lùm Nưa, nơi xưa kia người anh Hùng Cầm Bá Thước sinh sống. Anh Cầm Bá Tuấn, tính theo gia tộc gọi Cầm Bá Thước là ông cố dẫn chúng tôi vào gia đình cụ Cầm Bá Định (cháu nội của cụ Thước). Dù đã bước sang tuổi bát tuần, nhưng cụ Định vẫn rất khoẻ mạnh và minh mẫn. Trong trí nhớ của cụ về người ông nội của mình đó là người có hình dáng vạm vỡ, khí phách hiên ngang.
"Từ nhỏ gia đình tôi đã sinh sống trong khu vực này, khi lớn lên cụ Thước thấy người dân quá khổ cực vì bị bọn thực dân Pháp cai trị. Do đó, cụ đã nuôi dưỡng lý tưởng sau này lớn lên sẽ tập hợp lực lượng đánh Pháp, đòi tự do cho người dân. Sau này, cụ huy động người dân các bản làng làm đồn bốt để đánh giặc Pháp. Nhiều năm liền quân Pháp biết chuyện mà không tiêu diệt được quân của cụ Thước. Đến năm 1896, quân Pháp mới huy động nhiều lực lượng để lên bắt cụ. Sau nhiều ngày bao vây nghĩa quân trong rừng núi, cuối cùng bọn chúng mới bắt được cụ", cụ Định kể.
Khi cụ bị thực dân Pháp bắt nhốt vào cũi, vừa đi bọn chúng vừa hô bắt được Vua Mường Trịnh Vạn rồi. Lúc đó, gia đình cụ Định cũng phải chạy tán loạn đi ẩn nấp, vì sợ quân Pháp bắt và giết hại. Bọn chúng mang cụ Thước lên một khu chợ ở huyện Thọ Xuân và hành quyết chặt đầu cụ. Bố cụ Định khi đó đã nhờ một người quen đến mang xác cụ Thước về để khâm liệm, khi đến xác đã phân hủy chỉ còn mang về được ít xương, còn phần đầu bị quân Pháp mang đi đâu không biết.
Mảnh đất gia đình cụ Thước ở, giờ là cánh đồng lúa. 
Bán quế mua gạo cho dân nghèo
Để hiểu rõ hơn về danh nhân Cầm Bá Thước chúng tôi đã tìm gặp ông Vi Mai Kế, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, ông đã có nhiều năm tìm hiểu các tư liệu nói về cụ Thước. 
Ông Kế cho hay, theo sử sách ghi lại gia đình cụ Cầm Bá Thước thuộc dân tộc Thái có nguồn gốc ở tỉnh Lai Châu, họ di cư vào Thanh Hóa theo đường sông. Khi vào họ đã tìm đến những người Thái ở đây để sinh sống cùng. Thời điểm đó ở Thường Xuân có hai dòng họ Cầm. Một dòng họ quản lý hội hè và một dòng họ đảm nhiệm quản lý xã hội chung. Sau này, trong quá trình làm việc, Cầm Bá Thước tỏ ra thông minh, tháo vát trong công việc. Ông vốn là người có học vấn cao, đi xa hiểu rộng. Vì thế, khi hai dòng họ Cầm sát nhập lại đặt tên là Mường Trịnh Vạn và chọn ông là người đứng đầu xứ Mường.
Cũng có sử sách nói rằng, gia đình ông thuộc dòng dõi quan lại của vùng, năm lên 8 tuổi, cha ông mời thầy về nhà dạy chữ Hán cho ông. Nhờ ông học giỏi và có quan hệ tốt với các quan lại trong vùng, nên khi trưởng thành, ông được cử thay cha trở thành thổ ty và được triều đình nhà Nguyễn phong chức Bang tá. 
Khi ông làm quan, thống hiểu được nỗi khổ của người dân dưới ách cai trị thực dân Pháp. Khi quan Pháp đến vùng thu thuế ông lại báo với họ là dân chúng mất mùa, xin hoãn vụ sau. Thế nên, có thời gian dân Mường Trịnh Vạn nợ tô thuế của quan pháp lên đến hàng vài nghìn tạ thóc. 
Cầm Bá Thước còn được người đời nhớ đến bởi tấm lòng nhân hậu của mình. "Ở vùng giáp ranh giữa huyện Thường Xuân và huyện Quế Phong của tỉnh Nghệ An có một cây quế khổng lồ, thân cây chĩa về phía của huyện Thường Xuân nơi Cầm Bá Thước quản lý. Thấy thế cụ đã mời kiểm lâm của tỉnh bạn chứng kiến và cho dân đến khai thác cây quế đó. Sau đó, dân chúng ở Quế Phong đã gửi đơn khiếu nại vào tận triều đình nhà Nguyễn trong Huế. Vì cho rằng, gốc quế ở bên đất của họ mà họ không có quyền lợi. 
Khi nhận được đơn thư khiếu nại từ huyện Quế Phong, quan triều Nguyễn đã mời Cầm Bá Thước đưa toàn bộ số quế đó vào trong triều đình để giải trình. Sau khi nghe đại diện hai bên tường trình, quan trong triều quyết định sẽ bán số quế đi chia đều cả hai. Cả hai bên đều đồng ý với phán quyết đó, nhưng cụ Thước không nhận số quế đó nữa. Trên đường đi vào triều đình Huế, cụ nhìn thấy nhiều người dân đói ăn. Do vậy, cụ quyết định nhường phần quế đó cho dân nghèo bán đi mua gạo ăn", ông Kế kể.
Người dân từng coi nơi đây là miếu thờ cụ Cầm Bá Thước. 
"Còn một người cũng đánh đến cùng"
Ông Vi Mai Kế biết: Trong kinh thành Huế thời bấy giờ có Tôn Thất Thuyết đại diện cho phái chủ chiến, muốn kêu gọi triều đình và dân chúng đứng lên để đánh đuổi thực dân Pháp. Tháng 7/1885, sau cuộc tập kích binh lính bị thất bại, quân Pháp đánh chiếm kinh thành Huế. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên chiến khu Tân Sở (Quảng Trị) ra chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân chống thực dân Pháp. 
Nhận thấy tương quan lực lượng khá chênh lệch, vào tháng 2/1886, Tôn Thất Thuyết đã để cho hai con trai của mình là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm tiếp tục duy trì triều đình Hàm Nghi chống thực dân Pháp, còn mình cùng với Trần Xuân Soạn và Ngụy Khắc Kiều tìm đường sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh. Trên đường đi, ông có đến tổng Trịnh Vạn thuộc châu Thường Xuân để gặp Cầm Bá Thước. 
Lúc bấy giờ Cầm Bá Thước đã từ quan, xây dựng lực lượng để đánh thực dân Pháp. Nghe tin đó Tôn Thất Thuyết hết sức vui mừng, ông cho rằng đây sẽ là mắt xích quan trọng có thể đánh thắng giặc Pháp. 
Ông Kế cho hay, sự chuẩn bị về lực lượng, vũ khí đạn dược của cụ Thước không chỉ nằm trong địa giới của mình châu Thường Xuân mà đã lan rộng ra nhiều châu khác trong vùng. Ở Châu Thường Xuân, Cầm Bá Thước đã cho điều động dân binh, bố trí lại việc canh gác và đóng các đồn suốt từ Bái Thượng lên Cửa Đặt, rồi lên đến Bát Mọt. Dọc theo sông Đặt, Cầm Bá Thước cho xây dựng rất nhiều đồn lũy, lập nhiều căn cứ như căn cứ Bản Lẹ, đồn Đồng Chong, đồn Bù Đồn...
Quân Pháp biết Cầm Bá Thước đứng lên khởi nghĩa, ban đầu bọn chúng tập hợp lực lượng tại Thường Xuân bao vây đánh đuổi nghĩa quân. Nhưng với tinh thần đoàn kết cùng với sự linh hoạt trong chiến đấu, quân Pháp đã bị thất bại. Cay cú sau trận thua đó, quân Pháp đã huy động nhiều lực lượng từ các nơi lên, thành lập nhiều mũi giáp công với quyết tâm tiêu diệt bằng được nghĩa quân Cầm Bá Thước. 
Sau 4 ngày chiến đấu, với lực lượng hùng mạnh, nhiều đồn bốt của nghĩa quân Cầm Bá Thước bị tiêu diệt. Quân Pháp chia cắt lực lượng của cụ Thước với quân của các châu khác. Vì thế, nghĩa quân đã bị tiêu diệt. "Khi bị quân Pháp vây hãm, quân lính đề xuất ông rút quân, nhưng ông nói sẽ không bao giờ đầu hàng quân Pháp. Còn một người cũng đánh, nếu chết thì cùng chết. Sau đó 18 thủ lĩnh của cụ Thước bị giặc giết chết, riêng cụ bọn chúng không giết luôn mà bắt đưa vào cũi, dẫn giải đi khắp nơi rồi mới chặt đầu", ông Kế kể.
Trước đây, hai xã Vạn Xuân và Xuân Lẹ có nhiều ngôi miếu thờ cụ Cầm Bá Thước. Theo tương truyền, khi quân Pháp đưa cụ đi hành hình qua làng Bùng, xã Xuân Lẹ, cụ xin xuống giải lao đã cầm cây gậy chống xuống đất và bảo: "Ta có mệnh hệ gì thì hãy nhớ ta đã từng qua đây". Vì thế, sau này người dân đã làm miếu thờ để nhớ công ơn của cụ.
Đức Lợi
"Năm 1995, khi tôi đang làm Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, tôi đã tổ chức cuộc hội thảo về cụ Cầm Bá Thước, quy tụ nhiều nhà khoa học trong nước tham dự. Trong đó đã nêu lên những công trạng của cụ, cũng như tại sao cuộc khởi nghĩa của cụ lại thất bại. Đến bây giờ chúng tôi cũng chưa biết cụ bị hành quyết chính xác ở đâu, cũng như mộ cụ được chôn cất ở đâu".
Ông Vi Mai Kế 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét