Tiếng Việt ngày nay: Nổi trôi theo mệnh nước Tác giả: TS. Trịnh Nhật Mở đầu Hai mốc điểm lịch sử quan trọng xảy ra cho đất nước Việt Nam trong thế kỉ 20 phải kể là năm 1954 và năm 1975. Chúng đánh dấu sự chấm dứt của hai cuộc chiến tranh khốc liệt, huynh đệ tương tàn: Việt-Pháp và Quốc-Cộng. Sau việc kí kết Hiệp Định Genève, 1954, phân chia hai miền Nam Bắc, lấy Bến Hải ở vĩ tuyến 17 làm ranh giới, thì là cuộc di cư vĩ đại của hơn một nửa triệu đồng bào miền Bắc vào sinh sống trong miền Nam. Về mặt ngôn ngữ mà nói, thì kết quả đương nhiên xảy đến là việc sử dụng song hành, đồng bộ, pha trộn tiếng nói, giọng nói, từ vựng, thành ngữ của hai miền chủ yếu trong nước. Tình trạng hòa trộn ngôn ngữ tương tự cũng xảy ra phần nào ở miền Bắc, sau Hiệp Định chia đôi đất nước, vì có đến hàng chục ngàn người từ trong Nam ra tập kết ngoài Bắc.” Chính thức trên giấy tờ thì: “Con số người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 của Uỷ Ban Kiếm Soát quốc tế dựa trên báo cáo của chính phủ hai miền: “Miền Nam báo cáo: 888.124; miền Bắc báo cáo: 892.876 vào Nam, 4.269 người Nam tập kết ra Bắc”. Nhưng, trên thực tế, tôi đồ chừng con số người ra Bắc tập kết chắc chắn phải nhiều hơn là 4, 5 ngàn người, vì ai mà biết hết được những người đi trong âm thầm. Bài khảo cứu về những khác biệt từ vựng vùng miền Nam Bắc trong giai đoạn 20 năm (1955-1975) đã được tôi đăng tải trong Tập San của Đại Học Macquarie, Úc-đại-lợi vào Tháng Giêng, 1976: “Lexical Comparison of Northern and Southern Dialects of Vietnamese (So sánh Khác biệt về Từ vựng tiếng Việt qua hai phương ngữ Bắc, Nam), Working Papers, Macquarie University, January, 1976”. Sau ngày Sài Gòn thất thủ 30-4-1975, thì không lâu sau đó là sự tràn ngập của quân, dân, cán, chính do chính quyền miền Bắc đưa vào sinh sống và làm việc tại miền Nam. Sự kiện này nầy sinh ra đến độ khó có thể hiểu nhau, vì sau 20 năm xa cách, chia lià. Tuy vậy, trở ngại tình trạng tiếp cận giữa những người sử dụng hai thứ tiếng gần như xa lạ, về mặt từ vựng, và về cách thức diễn tả đạt thông nhau về giọng nói thì không đáng kể, vì những người nói giọng hai miền cách biệt đã có phần nào quen thuộc giọng nói của nhau qua những năm sống chung tại miền Nam. Mặc dù là giọng Bắc thời nay có khác với giọng Bắc của những người di cư, vào Nam năm 1954-55, nhưng điều đó không đưa đến chuyện hai bên không hiểu được nhau đơn thuần chỉ bởi giọng nói. Tiếng Việt ngày nay, sau hơn 3 thập kỉ nhìn lại, sẽ là trọng tâm của bài viết lần này. | ||
II. Dữ kiện thu thập Dữ kiện về từ vựng, thành ngữ, tục ngữ thu thập cho bài khảo cứu này được thực hiện qua việc đi tìm hiểu thực tế tại Việt Nam, mà chủ yếu là đọc báo chí, sách vở, tra cứu từ điển, nghe ra-đi-ô, coi truyền hình, nói chuyện, đàm đạo, phỏng vấn một vài người bản ngữ tiếng Việt trong nước. Công việc điều nghiên, nhằm mục đích hệ thống hoá, tạo một cái nhìn chung về tiếng Việt và chiều hướng biến đổi, phát triển của nó, sau hơn 30 năm nhìn lại, được khởi sự từ năm 1991 với tốc độ tăng dần đều cho đến giai đoạn cao điểm là cuối năm Bính Tuất (đầu năm 2007). III. Đặc tính chung Bài viết này không có tham vọng liệt kê toàn bộ những từ khác biệt qua sự đổi thay trong một giai đoạn lịch sử của đất nước, mà chỉ nêu lên những đặc tính chung, những sắc thái đặc biệt của tiếng Việt dựa vào những thí dụ cụ thể thâu thập qua quá trình hòa nhập tính từ sau 1975 đến gần đây. Việc liệt kê toàn bộ những từ mới tiếng Việt có thể dành cho một “dự án biên soạn cuốn từ điển những từ mới song ngữ Việt-Anh, trong thời gian từ 1975 đến 2008.” Bài khảo cứu này không bàn sâu đến “từ mới” về khoa học, kĩ thuật chuyên sâu, và cũng không đặt nặng vào việc phê bình khắt khe “từ” dùng thế nào là đúng, thế nào là sai, vì tiêu chuẩn đúng sai nhiều khi mang nặng tính chủ quan, dựa theo góc độ quan sát, kinh nghiệm riêng tư, cá nhân, mà nhiều khi người quan sát, vì thiên kiến chính trị, có thể tự tạo mâu thuẫn. Chẳng thế mà ngày 30-4-1975, tùy theo ta đứng bên chiến tuyến nào mà ngày lịch sử đó có tên gọi là “Ngày Giải Phóng”, hay “Ngày Cộng Sản Cưỡng Chiếm Miền Nam”. Mĩ thì họ gọi ngày này là “Ngày Sài Gòn Thất Thủ” (The Fall of Saigon), quân dân Việt Nam Cộng Hòa gọi đó là “Ngày Mất Nước”, “Ngày Quốc Hận”. Sau 30-4-1975, cùng một nội dung, cùng một tình huống, người ta có thể diễn tả kiểu như: “Các anh bộ đội miền Bắc, vô tư, thư dãn uống cốc “cà-phê cái nồi ngồi trên cái cốc’, mà không ngồi phè phỡn, thoải mái uống li ‘cà-phê phin’ [phin = filtre (tiếng Pháp)], như những tên lính Nguỵ”[sic]. Trong khá nhiều trường hợp, để tránh phải giải nghĩa tiếng Việt dài dòng, nhiều khi dư thừa, không cần thiết đối với độc giả trong nước, tiếng Anh sẽ được sử dụng để “chua” nghĩa, hòng giúp độc giả ngoài nước, nhất là những bạn trẻ, hoặc độc giả mà tiếng Anh của họ là tiếng bản ngữ, dễ nắm bắt được ngữ nghĩa của những từ đang thảo luận. Sau đây là những từ ngữ, lối nói, và ngữ nghĩa mới của tiếng Việt ngày nay được sắp đặt dưới một số tiêu đề: | ||
1. Nôm na bình dị: Những từ Việt Nôm, dân dã, xuất hiện dưới hình thức khẩu ngữ, cũng có khi, có thể được coi là tiếng lóng: làm rõ (= to clarify): Cần làm rõ vì có sự mù mờ, chưa minh bạch, ngoài còn có nghĩa gần như “nói lại cho rõ, đính chính”. Tương đương với từ được sử dụng trước đây là điều tra (= investigate). làm việc [= to work (with the police)]. Từ này được dùng với nghĩa là “làm việc (với công an)”, mà trước đây có nghĩa tương đương là “khai báo (với cảnh sát)”, “trình diện (cảnh sát)”. Từ này cũng giống như từ “làm rõ” nhằm xóa bớt sự ghê sợ, hãi hùng của người dân khi phải tiếp xúc với công an. xe dù (= illegal pick-up of coach/bus passengers): Tài xế cho xe chạy vòng vòng, không theo tuyến qui định và tùy tiện dừng lại “bắt khách” bất kì điểm nào nếu họ cho rằng thuận lợi. bến cóc (= illegal coach/bus station): Bến xe tạm bợ, bất hợp pháp, lẩn khuất đâu đó, thường thì ở ngoại vi thành phố để “đón khách”, “bốc khách”, hay “nhận khách’ của những xe dù “sang khách” trên những bến loại này. Cụm từ “Xe dù bến cóc” gần đây đặc biệt rộ lên ở Hà Nội, nhất là khi Bến xe Kim Mã được giải tỏa và chuyển ra ngoại vi thành phố. phe vé (= to tout tickets): Trả công/trả lời cho những tay “cò” (trung gian; môi giới) dùng Chứng Minh Nhân Dân (CMND) của ai đó đi mua vé dùm. Khi thu mua được vé rồi, thì những tay ‘phe vé” (làm “áp-phe vé”), những tay “đầu nậu” này mua vé từ ngoài Hà Nội đem vào Sài Gòn bán lại lấy lời gấp rưỡi, gấp hai lần giá vé thật sự, nhất là trong những dịp Tết, khi có đông đảo người cần vé xe tầu về quê ăn Tết. đánh võng [= to weave in and out (through the traffic)]. Đánh tay lái sang hai bên, làm cho xe chao nghiêng, đảo qua đảo lại như đưa võng. Vd. Xử phạt các trường hợp đi xe máy đánh võng. tã giấy người lớn [= nappy; diaper (tiếng Mĩ) for adults]. Thường thì khi nghe nói đến “tã”, người ta chỉ liên tưởng đến “tã của trẻ em, cho trẻ em”, nhưng trên biển quảng cáo với thương hiệu Caryn mới đây ở Sài Gòn, tôi ngạc nhiên, khi thấy từ ngữ “tã” nay đã được dùng “cho người lớn”. người cao tuổi (= elderly people; senior citizens) ~ bậc lão niên; bậc cao niên. |
2. Đao to búa lớn Ngoài lối nói nôm na, thì cũng lại có lối “nói chữ”, nghĩa là dùng cụm từ nặng trĩu “Nho chùm”.Ngoài lối nói nôm na, thì cũng lại có lối “nói chữ”, nghĩa là dùng cụm từ nặng trĩu “Nho chùm”. 2.1 Hán+Hán: Người nói sử dụng những cụm từ kết hợp giữa những từ Hán với nhau: tham quan (= to visit) ~ thăm viếng. Cụm từ tham quan có thể là hình thức ghép chữ, rút gọn của cụm từ “tham gia quan sát”. đăng ký (= to register) ~ ghi tên, ghi danh. tham gia giao thông (= to travel in/on/along the streets) ~ chạy xe; lái xe ngoài đường phố. đáp án (= answer) ~ câu trả lời, câu giải đáp (cho đề thi/bài thi/câu đố). Từ này thường gặp trong các chương trình đố vui trên đài truyền hình. hiển thị (= to appear on screen) ~ hiện rõ (trên màn hình). Vd. Chỉ cần ấn nút thì mọi nhu cầu sẽ được hiển thị trên máy tính. sơ hữu (= mere acquaintance; casual friend) ~ bạn quen sơ. Vd. Mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ là sơ hữutranh thủ (= to make the most of one’s time available) ~ cố gắng; tranh lấy, cố gắng giành lấy thời giờ sẵn có. Vd. Anh hãy tranh thủ làm cho xong việc này trước khi về. Một thí dụ khác, mà chính tôi ghi nhận trên chuyến xe đò của Hãng Xe Du lịch Phương Trang từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, khi cô lơ xe/tiếp viên xe đò thông báo: “Xe sắp tới Văn Phòng Phương Trang ở Đức Trọng, Quí khách nào có nhu cầu vệ sinh xin tranh thủ.” dao động (từ…đến…) [= ranging (from … to…)] ~ thay đổi; biến đổi (từ…đến…) Xê dịch trong một phạm vi nhất định. Vd. Giá bán các loại xe đạp điện cũng khá cạnh tranh, dao động từ 3,5-5 triệu đồng/chiếc.
trọng thị (= to show consideration for someone/to attach importance to something) ~ coi trọng. Vd. Chúng ta phải trọng thị yếu tố đó. đại trà (= on a large scale) ~ cỡ lớn; quy mô lớn; đại qui mô. Vd. Đồng bào trồng cây cà phê đại trà. | ||
2.2 Hán+Việt: 2.2 Từ những cụm từ có tiếp-đầu-ngữ là ‘siêu’ như: siêu tốc (= super express), siêu nhân (= superman), siêu nhiên (= supernatural), siêu đẳng (= super; A 1), siêu tần (= super high frequency), siêu trường (= super-long), siêu hạng (= super-class) nay có hiện tượng “siêu” kết hợp thoải mái với từ Việt Nôm như: siêu rẻ (= super-cheap). Lần đầu khi trông thấy bảng quảng cáo có chữ “siêu rẻ” này tôi có cảm tưởng như người viết muốn “giễu cợt, khôi hài.” siêu giảm giá (= bargain basement prices). Giảm giá tới mức tối đa. đầu tư nước ngoài (= foreign investment) ~ đầu tư của/từ ngoại quốc. Khi ở Việt Nam, tôi có dịp nghe tin tức qua đài truyền hình và mỗi khi nghe nói đến “đầu tư nước ngoài”, về mặt ngôn từ, tôi thấy như có cái gì không ổn. Tôi thường tự hỏi: “Nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hay “Việt Nam đầu tư ra nước ngoài”. Đành rằng dịch sát nghĩa tiếng Anh “foreign investment” thì là như thế đấy, đồng thời theo ngữ cảnh và trên thực tế thì mình cũng có thể đoán được là trường hợp thứ nhất có phần chí lí hơn. Thế rồi từ những kết hợp trang trọng với cụm từ ‘chế độ’, như chế độ dân chủ, chế độ Cộng sản, nay người ta có thể tìm gặp những kết hợp nửa nạc nửa mỡ như: chế độ xem. Tôi chưa rõ “chế độ” này nói về chuyện gì. hoặc từ Hán được dùng xen kẽ với từ Việt: cần tuyển nhân viên tiếp thị bia (= A beer-marketing agent is required). Nói nôm na thì là: “Cần mướn/thuê người bán bia”. Tất nhiên “tiếp thị bia” có hàm í quan trọng hơn là “bán bia”, vì tích cách giao bán, chào hàng, khuyến mãi của nó. Tôi đọc thấy quảng cáo này là ở trước cửa Câu Lạc Bộ Lan Anh, đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. HCM. Nghe nói chủ Câu Lạc Bộ này là của con gái cựu (nay là cố) Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, nhưng tại sao “trên tấm biển mướn người” không viết là “cần tuyển nhân viên tiếp thị la-ve” nhỉ? giá hữu nghị (= a cut rate; a mate’s rate). Từ này tôi học được trong thời gian ở chơi Vũng Tàu, khoảng tháng 6, năm 2006, khi có nạn trái vải (= lichees), loại ngon gọi là vải thiều, ở miền Bắc Trung phần thừa mứa đến độ chủ vựa/vườn cây không buồn thuê người hái trái, vì giá bán quá “bèo”, nghe nói chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng một kí ở địa phương, chưa chắc khi đem bán đã thu về đủ huề vốn, nói chi đến chuyện kiếm lời. Ở các nơi khác giá bán có thể cao hơn, nghĩa là khoảng 20.000-30.000 đồng/kí. Trong lúc đi bộ với cô cháu gái trên đường ra bãi trước, hai chú cháu bèn tạt vào chợ trái cây bên đường mua soài, mua trái vải, mua chuối thì mỗi khi mặc cả, tôi đều được nghe cô bán hàng chào hàng: “Cháu bán cho chú với giá hữu nghị đó.” Những lần đầu về Việt Nam, tôi thường ra Vũng Tàu bằng xe đò, xe chạy mất hơn 3 tiếng, mặc dù đoạn đường chỉ dài 120 km, nhưng vì xe còn đón khách và thả khách dọc đường. Giá vé một lượt khoảng 30.000 đồng, khứ hồi là 60.000 đồng. Sau này tôi đều sử dụng tàu cánh ngầm, vì tàu chạy nhanh hơn, khoảng 1 giờ 15 phút, và nghe nói đoạn đường trên sông là 82 km. Tất nhiên vé tàu mắc hơn, hai chuyến đi về là 240.000 đồng. Khách du lịch có thể lên tàu ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn và xuống bến ở đoạn giữa Bãi Trước và Bãi Sau. tàu cao tốc (= high-speed commercial motor-boat). Tôi được làm quen với tàu này trong chuyến đi từ Cần Thơ về Sài Gòn trong dịp trước Tết Mậu Tí, để chiều tối ngày hôm sau sẽ đáp máy bay về lại Úc. Lí do là vì đi đường bộ sợ bị kẹt xe vì phải qua phà qua bắc, đồng thời lưu lượng xe cộ tăng lên kinh khủng, và biết đâu chừng tai nạn trên đường lộ có thể xảy ra đưa đến việc lỡ chuyến bay thì rồi sẽ khốn đốn, mất vui. Tàu cao tốc tôi đi là một loại “ca-nô” thời trang có khoảng 50 chỗ ngồi trong khoang, nhưng hôm tôi ra mua vé thì hết chỗ trong khoang, đành phải chịu mua vé ngồi ngoài, mạn tàu phiá sau, cùng với khoảng chục người nữa. Giá vé là 180.000 đồng, nghĩa là mắc hơn giá bình thường là 50.000 đồng. Nhưng tôi nghe nói giá này đã tăng vô tội vạ trong dịp Tết, như theo lời cô Anna Nguyễn, quốc tịch Úc, gốc Cần Thơ, nay cư ngụ tại Sydney, cho biết thì ngày mùng 3 Tết, cô phải trả 280.000 đồng một vé cho chuyến tàu cao tốc của hãng Thành Nhân từ Cần Thơ về Sài Gòn. mũ/nón bảo hộ (= safety helmet for construction workers). Dùng cho công nhân xây dựng, phòng tránh bị chấn thương khi gạch ngói, xi-măng rơi/rớt xuống đầu. mũ/nón bảo hiểm (= safety helmet for motorbike riders). Khi ở Việt Nam trong chuyến đi cuối năm 2007 đầu năm 2008, tôi thường mua báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên đọc mỗi ngày, 3000 đồng 2 tờ (khoảng hơn 20 xu Úc). Bây giờ giá báo đắt hơn rồi. Về chuyện mũ nón, tôi nhớ có cái ‘tít’ buồn cười đăng trên báo đại khái là “Bị tai nạn chấn thương vì đội mũ bảo hộ mà không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.” Tôi đã có dịp “bàn qua tán lại” với người địa phương xem họ nghĩ gì về hai từ mũ/nón bảo hộ và mũ/nón bảo hiểm thì được biết thêm là “bảo hộ” đây chính ra là nói tắt của “bảo hộ lao động”, còn “bảo hiểm” và tại sao lại đặt tên là “mũ/nón bảo hiểm” thì xem ra vẫn chưa ngã ngũ, chưa được câu trả lời thích đáng. Tôi thì nghĩ cái rắc rối có lẽ nó nằm ở chỗ người ta thường nghe nói đến “bảo hiểm nhà cửa, nhân mạng” để nếu gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn thì sẽ được bồi thường, nếu có bảo hiểm. Còn trong trường hợp này, “liệu ‘bảo hiểm’ có phải bảo vệ để tránh khỏi bị nguy hiểm hay không?” Bắt đầu từ ngày 15 tháng 12, 2007 là người lái xe gắn máy và người ngồi trên xe đều bị bắt buộc phải đội mũ/nón bảo hiểm, bằng không thì bị phạt từ 150.000 đến 200.000 đồng. Trẻ em còn được miễn. Có người “tức cảnh sinh tình” đã ví mũ nón này với nồi cơm điện, có lẽ vì dáng vẻ cũng như sức nóng của nó nếu chạy xe dưới trời nắng Sài Gòn. thực sự cầu thị (= wholeheartedly seek the truth). Được từ điển giải nghĩa là: “Coi trọng thực tế mà xử lí đúng đắn”, hoặc: “Xuất phát hoàn toàn từ tình hình thực tế, coi trọng sự thật nhằm xử lí vấn đề một cách đứng đắn.” Vd. Lối làm việc thực sự cầu thị, chủ động, táo bạo của anh đã thu hút được tình cảm của toàn đội. Thực tình mà nói, lần đầu tiên khi có người bạn ở Mĩ viết “email” hỏi tôi về nghĩa của từ “cầu thị”, tôi đã vội đoán non đoán già, mà bảo là: “chắc là tìm kiếm thị trường”, nhưng đâu có phải vậy. | ||
|
3. Đầu đuôi xuôi ngược: Thứ tự của phần lớn những từ ngữ kép dùng trước 75 được đem dùng đảo ngược lại, chữ đứng trước đổi chỗ ra thành chữ đứng sau. đơn giản (= simple) đổi thành > giản đơn. Ấy vậy, nhưng từ kép “bình quân (= average)” và “quân bình (= equilibrium; balance)” thì lại không rơi vào trong trường hợp đảo ngược thứ tự này [vì hai từ đều có nghĩa riêng biệt --BBT.VT]. 4. Nói năng gọn nhẹ: Hiện tượng nói vắn tắt, rút gọn lại những cụm từ có đôi, ba chữ, hoặc nhiều hơn thế: ký túc < ký túc xá (= dormitory (Mĩ)/residential college (Úc). Vd. Tao đang ở trong kí túc đây!. Tôi được nghe câu nói này từ một cô sinh viên, ngồi cạnh tôi trong phòng truy cập “internet” thuộc kí túc xá của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi em trả lời điện thoại di động. nghiêm < nghiêm chỉnh. Vd. chấp hành nghiêm < chấp hành nghiêm chỉnh. khẩu < hộ khẩu (= house-hold register). Vd. Cứ lên rồi khắc có khẩu, cốt có nhà chứ bây giờ Nhà nước có cấp gạo đâu mà cần khẩu. bệnh nhân tả < bệnh nhân dịch tả. Vd. Thông báo từ ngày 5-3 đến nay dịch tiêu chảy cấp diễn biến phức tạp, 8/13 địa phương có bệnh nhân tả đợt tháng 10-2007 đã xuất hiện bệnh nhân trở lại. vất < vất vả. Vd. Làm việc này ‘vất’ lắm. Thí dụ này là của người bạn giáo sư dạy môn Sử Địa thời trước 75 cho biết. to vật < to vật vã (= to quá, to đến mức đáng nể, đáng sợ) Vd. Có đến ba cửa hàng ăn to vật cùng với hai ngôi nhà đẹp đẽ cho người nước ngoài thuê, làm gì không giàu có. Nghe nói từ này là một phương ngữ do người vùng Vĩnh Yên ngoài Bắc đã dùng từ lâu, nay đã đi vào dòng chính, tức là người dân trong cả nước đều hiểu. cực < cực kì. Vd. Món này ăn ngon cực. bệnh nhân nhiễm (= patient with a contagious disease) < bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Vd. 30 năm gắn bó với bệnh nhân nhiễm; Tất cả các bệnh nhân nghi nhiễm ở TP. HCM và các tỉnh đều được chuyển về BV Bệnh Nhiệt đới. cuộc gặp (= a meeting; a talk; a discussion) < cuộc gặp mặt. Thật ra, “nói vắn tắt” cũng chỉ là một khuynh hướng tự nhiên trong ngôn ngữ, khi người sử dụng ngôn ngữ muốn giản dị hoá, bớt dài dòng văn tự. Không nghe quen thì có cảm tưởng như lời văn, lời nói bị cắt cụt, thiếu nhịp điệu. Nghe quen rồi có khi lại thấy nó mạnh mẽ, dứt khoát cũng không chừng. Thí dụ như Học tập tốt; Thi cử tốt; Làm tốt, chẳng hạn. Tôi đã được nghe “Thành phố Hồ Chí Minh” được nói tắt lại là “Thành phố”. Vd. Khi nào anh về Thành phố nhớ điện thoại cho em biết nha!”. Riêng trường hợp “người lái xe” (~ tài xế), tôi thấy hơi lạ, vì khi “nói tắt” như thế vô hình trung ta đã thay đổi từ loại của cụm từ “người lái xe” (danh từ) thành “lái xe” (động từ). Như thế là có sự thay đổi từ danh từ sang động từ. Nhưng biết làm sao? Nếu ngôn ngữ là để họ hiểu nhau mà họ hiểu được nhau như thế rồi thì “Bố có bảo”, hoặc có về “mách Bố”, cũng chẳng làm gì được họ! |
5. Dài dòng văn tự: Có những từ trước kia nói ngắn gọn thì nay nói dài ra: bị chấn thương (= injured) ~ bị thương. 6. Ghép đầu nối đuôi: Nói khác đi là hiện tượng “ghép chữ” (cắt ngắn cụm từ rồi ghép phần còn lại). “Ghép chữ” không phải là chuyện lạ trong ngôn ngữ, nhưng trong tiếng Việt, “ghép” thế nào và khi nào “ghép”, mới là chuyện đáng nói. hùng hiểm (= majestic + dangerous) < hùng (1) vĩ hiểm (3) trở. Nhưng cũng có khi chữ thứ ba (2) và chữ thứ tư (3) được giữ lại, ghép chung với nhau: động thái (action + attitude) < hành động (3) thái (4) độ. Hay lạ hơn nữa là chữ thứ tư (4) được đặt trước chữ thứ hai (2): thể trạng (= physical state) < tình trạng (2) thân thể (4), thay vì *trạng thể thì không nói thế. Hoặc cắt ngắn chữ dư thừa, lập lại: tai tệ nạn xã hội (accident + social crime/evil) < tai nạn tệ nạn xã hội (một chữ “nạn” đã được cắt ngắn, bỏ đi). Còn về ghép chữ “danh từ riêng với nhau”, thì hồi ban đầu khi xem chương trình truyền hình ở Việt Nam tôi cảm thấy hơi khó chịu mỗi khi thấy cụm từ “Ban Khoa Giáo, Đài Truyền Hình Việt Nam”. Tôi tự hỏi “Ban Khoa Giáo” là cái quái gì? Sau rồi đoán ra mới biết nó là “Ban Khoa học và Giáo dục” [Khoa học ghép (blended) với Giáo dục]. Thế nhưng sao không thấy “Bộ Giáo dục và Đào tạo” được ghép lại thành “*Bộ Giáo Đào” ? Giáo sư Bùi Phụng, tác giả của cuốn Từ Điển Việt-Anh dầy cộm 2341 trang, với 500.000 mục từ, khi ngồi ăn trưa tại Nhà Thuỷ Tạ, bên Hồ Hoàn Kiếm, cuối năm 2006, đã kể cho tôi nghe câu chuyện vui là trong một Thiệp Mời tham dự đám cưới, người ta thấy có câu viết được in ấn chỉnh tề với nội dung đại loại như sau: “Được sự chấp thuận cuả hai Cơ Thể, chúng tôi sẽ làm lễ thành hôn cho Trưởng Nam chúng tôi là Nguyễn văn Tèo đẹp duyên cùng cô Trịnh thị Tẹo, Thứ nữ của Ông Bà Trịnh Văn Bé. ” Hai “Cơ Thể”, nói theo ngôn từ ở Việt Nam hiện giờ mà đem áp dụng đối với tôi trong trường hợp này là “Hiểu chết liền!” (= không hiểu gì hết). Quí Vị, Quí Bạn có biết không? “Hai cơ thể” [= hai bộ phận của cơ thể] làm mình cứ tưởng là ông nói đùa cho có chuyện, nhưng không phải vậy, ông nói thật: “Hai Cơ Thể” là sự kiện ghép chữ, ghép cụm từ “Cơ quan” và “Đoàn thể” lại với nhau đấy ạ! Anh Bùi Phụng ơi! “Đến khi em hiểu thì em đã!” Cũng xin nói thêm ở đây: “Cơ quan” là tiếng dùng để chỉ “nơi làm việc”, bất kể đó là “văn phòng luật sư”, “Bộ, Sở (Nhà nước)” hay “hãng xưởng”. Rất tiếc là Gs Bùi Phụng nay không còn nữa để tôi được dịp xác nhận với ông là chuyện thật hay là chuyện vui trong lúc “trà dư tửu hậu”. Trong một cú điện thoại tình cờ gọi từ Úc cho Gs Bùi Phụng khoảng tháng 10, năm ngoái, tôi sửng sốt khi nghe tin bà vợ trẻ, cũng là vợ kế, của ông là chị Nguyễn Thái Hà, cho biết là ông mất ngày mồng 1 Tháng 9, năm 2007. Ông đang ngồi dạy học tại tư gia thì đột nhiên ngã ngục xuống vì bệnh tim mạch. Ca mổ tim cho ông tại bệnh viện Việt Đức được kể là thành công tốt đẹp, nhưng sau đó một tuần lễ thì ông mất, thọ 72 tuổi. | ||
7. Cũ người mới ta: Có những cụm từ cũ, hay í niệm cũ, nay mang ngữ nghĩa mới hay được thay thế hoặc thêm thắt chữ để thành những cụm từ mới. giải phóng mặt bằng ~ giải tỏa nhà cửa. Từ giải phóng [= to acquire (the real estate); to take over (property)] ~ giải tỏa; xả; thả; trả tự do. Trước đây từ “giải phóng” chỉ dùng cho “con người”, nay được dùng rộng hơn cho cả “loài vật, đất, vườn”… Khi trông thấy trên tấm biển của một văn phòng trên Đường Cách Mạng Tháng Tám, ở TP. HCM, có ghi “Ban bồi thường—Giải phóng mặt bằng”. Tôi chắc là “nơi lo việc bồi thường cho những ai bị đuổi nhà cửa để Nhà nước trưng dụng đất đai đó cho các công trình chung.” mặt bằng (= site; area) ~ khu vực; diện tích. Khu đất dùng để xây dựng. Vd. San mặt bằng để xây nhà máy. Diện tích nhà, xưởng dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Vd. Những đơn vị, cá nhân có mặt bằng cho công ti thuê bán bia. bánh gối (= bread roll). Bánh mì hình khối chữ nhật, trông giống như “cái gối mây”. Nếu bánh này đem cắt thành lát mỏng (slices) thì có thể làm thành nhiều cái bánh mì kẹp (sandwiches) được. Lần đầu tiên trong lúc lang thang ở đường phố Hà Nội, hồi đầu năm 2007, tôi rất ngạc nhiên, thú vị là đằng khác, khi trông thấy chiếc bánh trong tủ kính, có ghi chữ viết tay trên mảnh giấy tên gọi là “bánh gối” này. Mới đây, trong “Quán ăn Ngon” ở phố Phan Bội Châu, Hà Nội, tôi thấy trong Thực đơn có ghi “Bánh gối (= Wrapped rice cakes), giá 24.000 đ/đĩa, mà tôi được nghe mô tả là bánh (thuộc loại nhân xôi) được gói tròn trong cuốn trông như miếng cuốn “oằn/vằn thắn”. ghế cứng (= hardback chair) ~ ghế ngồi không êm (trên tàu hỏa/xe lửa); ghế mềm (= comfortable/padded chair) ~ ghế ngồi êm, thoải mái (trên tàu hoả/xe lửa). giá cứng (= fixed price); giá mềm (= negotiable/competitive/bargaining price). giá bèo (= very cheap price) ~ giá quá rẻ, quá thấp. Vd. Một hộp phấn loại “xịn” giá bèo nhất cũng phải hơn 100 ngàn. giá cạnh tranh (= competitive price). Giá bán do các doanh nghiệp quyết định với mục đích bảo vệ, chiếm lĩnh, mở rộng thị trường (thường biểu hiện ở việc hạ giá, bán với giá thấp, giá ưu đãi). phần cứng (= hardware) ~ cương liệu; phần mềm (= software) ~ nhu liệu. Đa số thành phần sống tại miền Nam trước đây, thoạt đầu nghe nói đến “phần cứng”, “phần mềm” là thấy tức cười, nghĩ tầm bậy tầm bạ, nhưng về lâu về dài trong nước người ta dùng nhiều đến độ không ai còn thắc mắc nghĩ gì nữa. Đến khi nghe ai nói đến “cương liệu”, “nhu liệu” thì lại thấy có vẻ cường điệu, chữ nghĩa cùng mình. Mới đây, khi đọc báo, tôi khám phá ra rằng “phần mềm” còn được dùng để chỉ phần thân thể, bộ phận cơ thể mà không phải là phần xương cứng. đầu ra, đầu vào (= output, input). Cái đưa ra, cái đưa vào, dòng điện cho vào máy; dữ kiện đưa vào máy vi tính. Có người nghe chưa quen thì bảo là nghe thô tục như “đầu đưa ra, đưa vào” của bộ phần sinh dục nam. Hai từ “đầu ra, đầu vào” này còn dùng với nghĩa là “vốn”, hoặc “thì giờ”, “công sức bỏ vào” và “kết quả của cuộc đầu tư đó”. Có thể dùng “đầu vào” là “vốn đầu tư” và “đầu ra” là “kết quả sản lượng”. Vd. … khai tăng các yếu tố đầu vào như các tài sản góp vốn, chi phí nguyên liệu, chi phí điều hành, quảng cáo, tiếp thị…; khai giảm các yếu tố đầu ra như giá bán sản phẩm thấp hơn giá bán thực. thuê ướt (= thuê máy bay mà thuê cả người lái). Theo báo Tuổi Trẻ Online (= trên Mạng/Điện tử), như anh Chủ bút báo Mạng < www.khoahoc.net > cho biết, thì năm 1993, Vietnam Airlines tuyển chọn phi công từ các đội bay của đoàn bay 919, kể cả một số phi công quân sự của trung đoàn 918, để đưa đi nước ngoài đào tạo phi công lái máy bay thương mại chuyên nghiệp. Cũng trong năm này Vietnam Airlines ký hợp đồng “thuê ướt” (có phi công) máy bay A320 với Hãng Air France (Pháp) và hãng này phải huấn luyện thêm phi công cho đoàn 919. Từ tháng 1-1994 đến 1-1995 đoàn bay 919 tiếp tục cử hai đoàn đi học tập phi công. Câu hỏi tôi nêu ra ở đây là: Liệu có “khe hở/lỗ trống/lỗ hổng từ vựng” (= lexical gap) trong tiếng Việt hay không? Nếu không, thì phải có: “thuê khô”, nghĩa theo dự đoán thì là: “hợp đồng thuê máy bay (không có người lái)”, và trong trường hợp này là người lái của hãng máy bay Air France. Và nhân nói về chuyện “khô”, “ướt”, tôi nhớ Việt Nam ta có từ “sào khô”, “sào ướt”, với nghĩa là “ăn chay” và “ăn mặn” trong chuyện ‘ấy’. khẩn trương (= to hurry) ~ nhanh chóng. Cụm từ “nhanh chóng, nhanh lên, mau lên, lẹ lên!”, thường được dùng trước năm 1975, nay được thay thế bằng cụm từ “khẩn trương”, với tần số xuất hiện, sử dụng cao. Thay vì nói ‘Làm nhanh lên!’ thì nay người ta nói là: ‘Làm khẩn trương lên! (= Hurry up!)’. khẳng định (= to affirm, to confirm) ~ xác định, xác nhận. Vd. Diễn viên X đã khẳng định được tài năng hay một ví dụ khác: Ðồng chí A khẳng định ở vị trí giám đốc. “Khẳng định” ngoài nghĩa theo luật pháp có nghĩa là “phê chuẩn, chuẩn y”. quản lí [= to control; to direct (somebody or something)] ~ quản trị; điều khiển; chịu trách nhiệm. Vd. Anh X quản lí một xí nghiệp hoặc Vd. Anh sẽ xây dựng với đồng chí gái, và đồng chí gái sẽ quản lí đời anh. thanh quyết toán (= thanh toán/chi trả tiền bạc và báo cáo sổ sách lên cơ quan chức năng) ~ thanh toán/kết toán sổ sách. Tôi đọc được cụm từ này trên báo hàng ngày, chẳng hiểu chuyện gì cho đến khi hỏi đứa cháu tôi làm thanh tra thuế vụ mới biết sự tình. gia đình neo đơn (= short-handed family) ~ gia đình ít người (không có mấy người có khả năng kiếm việc làm). gia đình cơ nhỡ (= poor family) ~ gia đình nghèo túng (có hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn). bà mẹ đơn thân (= single mum/mom) ~ bà mẹ đơn chiếc (ở vậy nuôi con). Người Việt hải ngoại, đặc biệt là ở Úc, thường gọi đùa “bà mẹ loại này” là “mẫu đơn”, tất nhiên ai cũng hiểu là tên một loài hoa, nhưng nó tếu ở chỗ là lại có sự trùng hợp với tên của một nữ ca sĩ xinh đẹp, kiêm xướng ngôn viên đài phát thanh tư nhân 2VNR ở Sydney, là “Mẫu Đơn”, mà lại không “đơn chiếc” chút nào. trao đổi (= to have a talk; to converse) ~ trao đổi í kiến; nói chuyện; thảo luận; bàn bạc. Vd. Còn nhiều điểm cần trao đổi thêm. đề xuất (= to propose; to suggest; to put forth) ~ đề nghị. Đưa ra để xem xét, giải quyết. Vd. Đề xuất nhiều giải pháp mới. bồi dưỡng (= to strenghthen; to bring up; to educate; to buid up; to foster). Có nghĩa là “bổ túc”, ‘củng cố”, nhưng “bồi dưỡng” còn có nghĩa là “đút lót; chi trả; cho tiền ai (để tránh bị phiền hà)”. Tôi biết có trường hợp ở Sài Gòn, một bà có dư nhà cho thuê mướn, được chút tiền bỏ túi, thì bị công an phường biết tới đòi xin “bồi dưỡng”. Lúc đầu bà ta đành chịu “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhưng sau đó ít lâu bà quyết định bán nhà để tránh khỏi phải chịu đựng cảnh mè nheo của mấy anh “bạn dân” này. sự cố ~ biến cố (= event; incident). Từ này thường được dùng để chỉ sự cố (kĩ thuật) [= (technical/mechanical) problem] ~ hỏng; hư (máy; xe). Vd. Xe tôi có sự cố. “Từ” này nay cũng được dùng với nghĩa là “biến cố”. căn hộ (= house; family unit; apartment; flat) ~ căn nhà; căn chung cư. to đùng (= big; huge) ~ to tổ chảng. Nghe nói từ này đã được dân chúng sử dụng từ lâu ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, ngoài Bắc. bức xúc (= urgent; pressing; imperative) ~ cấp bách lắm (yêu cầu phải được giải quyết ngay). Vd. Giải quyết những vấn đề bức xức về xã hội như đói nghèo do lũ lụt vừa qua gây ra). Từ bức xúc gần đây còn có thể được hiểu thêm nghĩa là “tức tối, bực dọc, bất mãn” mà chưa thấy được ghi trong các từ điển. tiêu dùng (= consumption; to consume) ~ tiêu thụ. doanh số (= trade profits/returns; trade/business turnover); Tổng số tiền mà một doanh nghiệp thu được bằng hoạt động kinh doanh mua vào, bán ra, là chỉ tiêu phản ánh qui mô kinh doanh và là căn cứ tính thuế doanh nghiệp. đối tác (= partner; counterpart) ~ (giới chức) đối nhiệm. Người, phiá đối tượng hợp tác (trong công việc). Vd. Tìm đối tác mới để mở rộng thị trường. thời bao cấp (= government-subsidy period). phồn thực (= fecund; fertile). Nẩy nở ra nhiều. Sinh sản để duy trì và phát triển nòi giống. Vd. Những biểu tượng của phồn thực (âm dương vật, hành vi tính giao, tinh dịch) trở thành cổ mẫu (archétype), một thứ khuôn mẫu của tư tưởng. Trong tín ngưỡng dân gian, thường có chuyện hay tập tục liên quan đến việc giao hợp, đến các sinh thực khí v.v… người ta gọi là tín ngưỡng phồn thực. sinh thực khí (= genitals) ~ cơ quan sinh dục. Vd. Anh liền giải thích: khúc gỗ ấy là biểu tượng của cái “sinh thực khí” đàn ông… tiếng Trung (= Chinese language) ~ tiếng Hoa. Có thể có sự đồng âm dị nghĩa ở đây khi ta nói “tiếng Trung” để chỉ “tiếng Miền Trung của Việt Nam”. Đây cũng có thể là trường hợp nói tắt của cụm từ “tiếng Trung Quốc”. buổi đêm (= night time) ~ ban đêm. Vd. Buổi đêm tôi có gặp đồng chí ấy. “Ban” trước đây (và nay cũng vẫn vậy) được hiểu như là một thời gian khoảng 12 giờ, ban đêm 12 giờ cộng với ban ngày 12 giờ là 24 giờ. Còn “buổi” thì chúng ta có “buổi sáng”, “buổi trưa”, “buổi chiều”, “buổi tối”. Ban ngày có 12 giờ và tạm coi như có 4 buổi, như vậy mỗi buổi có 3 giờ đồng hồ. Chúng ta thường nói: ‘Chờ ông ấy mất cả buổi’. Buổi ở đây là khoảng ba giờ. Câu nói khác: ‘Thế là mất một buổi cày’. Buổi ở đây lại có nghĩa “mất cả một ngày công”. cưới (= to marry, to get married) ~ kết hôn; lấy nhau. Nhà văn Lê Minh Hà đi từ miền bắc, công tác ở Ðông Ðức, rồi xin tỵ nạn ở Ðức, viết trong tập truyện ngắn “Trăng Góa”: ‘Bọn này chưa cưới’, ‘chúng tôi cưới…’. Thông thường, người Việt nói là: ‘Chúng tôi chưa làm đám cưới; Bọn này cưới nhau’. Câu này lại do một vai nữ tự thuật, nên lại càng thấy lạ. Chúng ta trước đây thường chỉ nói “cưới vợ”, chứ không nói “cưới chồng”. Chỉ có hai trường hợp dùng được hai chữ “cưới chồng”. Một là cô gái có lỗi lầm nào đó, nhà gái phải bỏ tiền, chịu mọi chi phí đám cưới để lấy cho được một tấm chồng. Hai là những đồng bào thiểu số, sắc dân nào còn theo chế độ mẫu hệ, cô gái cưới chồng, vì chàng rể sẽ thuộc về nhà gái. Nhà gái phải trả cho nhà trai trâu, lợn, gà, chiêng đồng, v.v. để mua rể. 8. Bình cũ rượu mới: Có những từ ngữ cũ nay đã mang thêm í nghĩa mới: quan hệ (= importance > relationship) ~ quan trọng; hệ trọng. vô tư (= unbiased; impartial > to take it easy; no worries). Vd. Cứ vô tư đi! Nói theo ngôn từ miền Nam trước đây là “Cứ coi (chuyện đó) như pha đi!” lăn tăn (= ripples > to worry; to be worried). Nhân khi nói chuyện với hai nhà giáo thuộc Sở Giáo Dục ở Phan Rang lên trọ học 8 tuần tại Đà Lạt để ôn bài thi bằng Thạc sĩ của họ, tôi biết thêm được nghĩa mới này là “lo âu”, “lo lắng”. Vd. Đừng có lăn tăn về chuyện ấy. Cũng xin nói thêm ở đây là khi đọc sách báo trong tiếng Anh ở Úc, tôi biết có một chứng bệnh mới là “Generalized Anxiety Disorder (GAD)”, mà có người đã dịch là “Sự rối loạn lo âu tổng quát (GAD)”. Tôi đã đề nghị dịch là “Chứng bồn chồn lo lắng vu vơ (GAD)”. Tại sao vậy? Bởi vì định nghĩa của sự rối loạn này là: “… Mối lo âu này thường liên hệ đến một số những vấn đề nhỏ hay những sự cố này khác không đâu, mà chưa chắc đã xảy ra…” trao đổi (= to exchange > to converse, to talk) ~ nói chuyện; đối thoại; hội thoại. Vd. Anh Phillippe Jamet đang trao đổi với một bé gái Việt Nam. liên hệ (= to be related; to be involved > to contact; to talk to) ~ nói chuyện; đàm thoại; liên lạc; tiếp xúc. Vd. Muốn biết thêm chi tiết xin liên hệ Ban Lễ Tân, điện thoại số… “Liên hệ” theo nghĩa cũ là “có chung với nhau một nguồn gốc, một đặc tính”; “dính líu đến; liên quan đến”. rau sạch (= organic vegies). Rau sạch này theo nghĩa cũ là người dùng không phải rửa nữa, sạch rồi, mà theo nghĩa mới thì là “không độc hại, được chăm bón theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, tức là không dùng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật (thậm chí không dùng cả các biện pháp làm đổi gen).” cải tạo (= to be sent to jail in the so-called “re-education camp > to transform; to improve). Nay không còn phân biệt “cải tạo vật chất” với “cải tạo tư tưởng” theo quan niệm chính trị nữa. Vd. Phải dùng cát để cải tạo đất. Từ “cải tạo” trong mấy thập kỉ nay đã được người ta hiểu là “cho đi ở tù”. Vd. Sau Ngày Giải Phóng chồng chị bị đi cải tạo 10 năm. tháng một (= January) ~ tháng Giêng; tháng mười hai (= December) ~ tháng Chạp. Hiện nay ở Việt Nam trong trường học, học sinh không được dạy để nói “tháng Giêng” và “tháng Chạp” nữa. thành viên (= member) Trước đây, có nghĩa một người trong một tổ chức, hội đoàn, nhóm nào đó, nay có thể còn được dùng để chỉ “một cá nhân trong gia đình”. Vd. Các thành viên trong hộ đó có cha, mẹ và hai con. thống nhất (= to agree with) ~ đồng ý với; nhất trí với. Vd. Tôi đã xuống huyện thống nhất đồng chí X. tư liệu ~ tài liệu (nghĩa cũ là: “tài liệu riêng của người viết”). cảm giác ~ cảm nghĩ; cảm tưởng (= idea; impression). Vd. Xin anh cho biết cảm giác ra sao về hiện tượng đó. Dùng đúng chữ thường dùng trước đây là: “Xin anh cho biết cảm nghĩ, cảm tưởng, về hiện tượng đó” thay vì là “cảm giác”. Chúng ta có thể nói: có cảm giác ghê sợ, nhờm tởm, lạt lẽo, ấm cúng. chất lượng (= quality) ~ phẩm chất . Từ chất lượng nay được sử dụng để phân biệt với “số lượng” (= quantity). Chữ phẩm chất trước đây vẫn được dùng để chỉ tính chất của một sản phẩm, một dịch vụ. Tôi ghi nhận một số thành ngữ 4 chữ (= từ; âm tiết) hay trong những cụm từ có nhiều chữ hơn thế: rét đậm rét hại: Mô tả cái lạnh buốt giá, cắt da xé thịt (= rét đậm) ở miền Bắc và gây thiệt hại nặng nề đến mùa màng, trâu bò (= rét hại), mà điển hình là cuối năm Bính Tuất, có đến cả 10.000 trâu bò bị chết rét. Thiệt hại nhân mạng cũng có đến chục người. khu phố văn hóa: Mỗi khu phố đều như có sự thi đua để đuợc nêu danh là khu phố văn hoá, nghĩa là không có tệ nạn xì ke ma tuý, trộm cắp. ăn chín uống sôi: Vì có dịch tiêu chảy, nên Nhà nước có chiến dịch cổ động dân chúng cẩn thận đề phòng mỗi khi ăn uống thì thức ăn phải nấu cho chín, nước uống phải nấu cho sôi. đền ơn đáp nghĩa. Nhân dịp kỉ niệm 61 năm (1947-2008) “Ngày Thương binh Liệt sĩ,” tôi đã được chứng kiến phong trào “đền ơn đáp nghĩa” do Nhà nước Việt Nam phát động ở đó. Phim ảnh trên truyền hình cho thấy rất nhiều trường hợp thương tâm của những thương phế binh, cảnh mủi lòng cho các nạn nhân của chiến cuộc. uốn mi, nối mi (= eyelash perm; eyelash extention). Cụm từ này tôi ghi nhận được trên cửa kính của một cửa tiệm sửa sắc đẹp ở Đà lạt. Phần “chua” tiếng Anh là do cháu Pamela, gốc Việt lai Đức, sinh tại Úc, cho tôi biết. cổng trường em sạch đẹp, an toàn: Cổng trường Mầm Non nào ở Sài Gòn, tôi cũng thấy có biển đề 7 chữ như thế. Dù gái hay trai, Chỉ 2 là đủ. Tôi chụp được tấm ảnh khẩu hiệu này với chữ viết bằng sơn trắng trên biểu ngữ bằng vải xanh lam, treo dọc trên thân cây trước cổng một bệnh viện ở Hà Nội, nhằm mục đích khuyến cáo dân chúng hạn chế sinh đẻ. | ||
9. Có mới nới cũ: Những từ ngữ cũ thông dụng nay không còn được dùng nữa: phi cơ trực thăng; cộng quân; tác chiến; địa phương quân; thiết vận xa; xe nhà binh; lạnh cẳng; giới chức (hữu) trách; dứt điểm; phi tuần; chào bãi; tuyến phòng thủ; trái bộc phá; viễn thám; binh chủng; phi hành; gia binh; ấp chiến lược; nhân dân tự vệ; chiêu hồi; chiêu mộ, v..v. Nhiều từ ngữ dần dần đã bước vào quên lãng như: sổ gia đình < sổ hộ khẩu. 10. Của người phúc ta – Từ vay mượn qua việc phiên dịch xi-pi-ai (= Chỉ số Giá Tiêu thụ; Chỉ số bán lẻ; Bảng giá biểu của người tiêu thụ) ~ CPI. Viết tắt của cụm từ “Consumer Price Index”. Bảng liệt kê chính thức được phát hành hàng tháng, hoặc 3 tháng một lần, đưa ra tầm mức thay đổi trong giá biểu bán lẻ của hàng hoá và dịch vụ. hắt-i-vê-ết ~ HIV-Aids. Đọc theo cách phát âm tiếng Việt. Nói tắt là bệnh “Ết”, còn không thì gọi là bệnh “Sida”, hay ở Úc gọi là bệnh “Liệt kháng”. đôping (= chất kích thích ) ~ doping (tiếng Anh). Thường nói về chất kích thích Vd. Các trường hợp tạm bị nghi ngờ dùng chất kích thích đều được “minh oan” và thế vận hội đã không có vụ đôping nào xảy ra. phe vé ~ áp-phe vé. Có nghĩa là “cò” hay “người làm trung gian, môi giới” mua vé xe, vé xem giải trí, bán lại với giá chợ đen, giá cắt cổ để kiếm lời. bu-sơ ~ Bush. Tôi thấy phụ âm (= consonants) cuối trong tiếng Anh, như trong trường hợp này: /-sh/ > “sơ”, được thường là thêm thành một âm tiết/vần (= syllable), Tương tự, hai địa danh Coos Bay và Bend ở tiểu bang Oregon, nước Mĩ, đã được đọc thành “Cu dơ Bây” và “Ben dơ” . Chính ra, nếu muốn thêm vần cuối, thì cả hại địa danh trên phải đọc là “cu dơ bê” (vì -s trong coos > dơ), và “ben đơ” (vì -d trong bend > đơ) mới được kể là tạm đúng. bẩy úp ~ 7 up (= seven up). Tôi thấy tức cười khi lần đầu, khoảng đầu thập niên 90, nghe một đứa cháu nhỏ gọi tôi bằng Bác, vào hiệu ăn ở Hà Nội đòi uống nước ngọt “bẩy úp”. hắc-kơ ~ hacker (= tin tặc). Theo định nghĩa tiếng Anh là: “someone who uses a computer to connect to other people’s computers secretely and often illegally, so that they can find or change information = ai đó dùng máy vi-tính rồi bằng cách một cách bí mật, thường là bất hợp pháp, đem nối với các máy vi-tính của những người khác để tìm được hoặc thay đổi thông tin của người ta”. viza [= thị thực (nhập cảnh; xuất cảnh) trên hộ chiếu] ~ visa rút ~ rude ~ Rudd. Có điều tôi không hiểu được là tại sao xướng ngôn viên Quang Minh, kênh truyền hình VTV2, VTV4, đẹp giai, trí thức, ăn nói lưu loát, đầy tự tin, và đương nhiên không thể nói là dốt tiếng Anh, hay mù-tịt về cách phát âm tiếng Anh, mà lại đọc tên của Thủ Tướng Úc “Rudd” (tên họ đầy đủ là Kevin Rudd) chúng tôi thành ra “Rude” (có nghĩa là: vô lễ; thô lỗ; bất lịch sự)? Phát âm tiếng Anh, tiếng Úc đúng phải là “rắd” hay Việt Nam hóa nó đi thì phải đọc là “rắt”. Nếu đọc âm tiếng Việt theo giọng Mĩ là “rất” thì cũng chẳng ai chê được nào! 10.2 Dịch í: điện thoại mẹ bồng con (= cordless phone), để phân biệt với “điện thoại bàn”, cũng là từ mới. Tôi thắc mắc không hiểu sao trong một bảng đề quảng cáo sửa điện thoại trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Sài Gòn, lại được gọi là “mẹ bồng con’ như thế, cho đến khi về nhà hỏi người Sài Gòn thì được biết là “ống nghe điện thoại không dây” coi như là “đứa con bé bỏng” khi không cầm trên tay, mà đem đặt lên “cái giá”, “cái bệ” (= base) của nó, là “cái” được coi là “mẹ bồng”. 10.3 Dịch lời: từ a đến z (= from A to Z) ~ từ đầu đầu cuối (= trọn vẹn, đâu vào đó). Chữ cái đầu tiên (A) đến chữ cái cuối cùng (Z) của bàng chữ cái trong tiếng Anh. Vd. Yên tâm, việc ấy cháu sẽ lo cho bác từ A đến Z. Bờ Biển Ngà (= Ivory Coast). Khi về Việt Nam tôi mới được nghe lần đầu từ này qua bản tin truyền hình tường thuật trận thi đấu bóng đá có quốc gia “Ivory Coast” này tham dự. nói “không”với (= say No to …). Vd. Nói “không” với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích. Tôi ghi nhận thông tin này trên một biểu ngữ (= banner) bằng vải căng ở cổng trường của Viện Đại Học Đà Lạt. Một ví dụ khác: Hãy nói “không’ với hành vi xả rác và phóng uế nơi công cộng. Câu khuyến cáo này tôi ghi nhận được ở Bệnh viện St Paul, khu khám mắt, trên đường Điện Biên Phủ, đường Phan Than Giản cũ. Thời trang và hơn thế nữa (= Fashion and beyond). Tôi đã thấy bảng hiệu dịch sát lời câu tiếng Anh này lấy làm tên hiệu, treo trước nhiều cửa tiệm ở Việt Nam. IV. Kết luận: Ngôn ngữ cũng như giòng đời, cũng như mệnh nước, phải thay đổi, phải biến đổi, phải trải qua một tiến trình, quá trình nào đó vì tính động (dynamism/dynamicism — dynamic hypothesis. BBT.VT) của nó. Biến đổi nhiều hay ít, ở một giai đoạn thời gian và không gian nào đó, là do ở những xáo trộn trong nếp sống chính trị, xã hội, văn hóa, là do ở mức độ phát triển của tiến bộ khoa học, kĩ thuật toàn cầu. Tiếng Việt Nam ta cũng không phải là một trường hợp ngoại trừ. Thông thường thì mỗi ngôn ngữ trên thế giới trung bình hàng năm sản sinh khoảng 3000 từ mới, kể cả những từ cũ mang thêm nghĩa mới. Cuốn Từ Điển Từ Mới Tiếng Việt (dầy 281 trang), Viện Ngôn Ngữ, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2002” do Tiến sĩ Chu Bích Thu làm Chủ biên, trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 2000, đã “thu thập được 2500 đơn vị đầu mục, trong đó có 700 đơn vị chưa từng xuất hiện trong những cuốn từ điển giải thích có uy tín nhất trong thế kỷ XX”. Nếu không kể những từ ngữ chuyên sâu y học, khoa học, kĩ thuật, triết học… dự án biên soạn cuốn từ điển từ mới tiếng Việt tính tới năm 2008 của tôi, sẽ có thể đưa con số đơn vị đầu mục lên tới thành khoảng 4000 mục từ, cộng thêm với phần giải nghĩa bằng tiếng Anh để trở thành cuốn từ điển từ mới có tiếng Việt tiếng Anh đề huề–một sản phẩm trí tuệ thực dụng có khả năng là nhiều người Việt chúng ta đang mong đợi. TS. Trịnh Nhật Tài liệu tham khảo Trong quá trình thâu thập dữ liệu, ngoài những tìm tòi khác, các tài liệu sau đây đã được dùng tham khảo: 1. Gốc và Nghĩa Từ Việt Thông Dụng, Vũ Xuân Thái, NXB Văn Hoá Thông Tin, 1998. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét