Dân tộc ÊĐê nay đã phân thành nhiều nhóm địa phương riêng biệt như : Kpă, Mdhur, Adham, Blô, Ktul, Bih, Krung...
TIỂU QUỐC ADHAM
*Wikipedia
Adham hay Dham[1], hoặc Atham[2], là một nhóm địa phương của người Ê đê. Người Adham cư trú ở phía tây bắc Đăk Lăk[1], chủ yếu ở vùng Buôn Hồ, Cư Mgar, Krông Buk và Êa Hleo. Đây là nhóm địa phương đông dân số nhất của người Ê đê. Khoảng giữa thế kỷ 18 vào đầu thế kỷ 19, người Ê đê Adham đã từng di cư ồ ạt xuống phía tây nam của Dak Lak và dừng lại cộng cư với người Ê đê Kpă ở vùng Buôn Ma Thuột ngày nay để tránh những cuộc tấn công từ các Mtao Ea-Mtao Pui (Vua Lửa-Vua Nước) của tiểu quốc Jarai.
Nhờ con đường buôn bán với người Lào, Xiêm, Khmer tại các cửa sông Bản Đôn ngày nay, thế kỷ 18- 19 được coi thời kỳ phát triển mạnh của Ê đê Adham với sự cai quản của nữ thủ lĩnh Yă Wam, được người E đê gọi Mtao Yă (Vua Bà). Yawam cai trị một khu vực rộng lớn từ Krông Năng, Buôn Hồ, Ea Sup, Cư Mgar, Buôn Đôn. Do vậy, bà được người Lào, người Xiêm kính nể và so sánh ngang với thế lực Mtao Pui, Mtao Êa.
Cho đến đầu thế kỉ 20, người Adham là nhóm hùng mạnh và thịnh vượng nhất so với các nhóm Ê đê khác như người Kpă.[3]. Địa bàn của người Adham gồm '"...Nam phần Đăk Lăk cho tới lưu vực sông Ya Liau[4], phía Đông Bắc, họ vượt qua sông Krong Bouk[5] và lan tới tận thượng nguồn sông Nang[6]".[2]
Việc bà Yawam cắt đất Buôn Đôn cho Y-Thu Knul để định cư cho một số dân người gốc Lào, Thái Lan lập ra Buôn Đôn, chấm dứt cuộc nam tiến của người Lào theo dọc các nhánh sông Mekong, cùng với câu chuyện tình ái giữa Nữ thủ lĩnh danh tiếng và thủ lĩnh săn voi tài giỏi này, là nguyên nhân để tiểu vương quốc Ê đê Adham suy tàn sau khi người Pháp đặt chân đến Buôn Đôn. Lúc này thế lực Ê đê Kpă vùng Buôn Ma Thuột bắt đầu lớn mạnh nhờ dựa vào thế lực người Pháp thay thế hẳn vai trò của người Ê đê Adham. Cùng khoảng thời kỳ này năm 1904 cùng với xóa sổ Tiểu quốc Jarai thì thực dân Pháp cũng xóa sổ luôn Tiểu quốc Adham của người Ê đê. Thay thế vào đó hệ thống chính quyền kiểu thuộc địa hoàn toàn là do người Pháp nắm giữ.[cần dẫn nguồn]
Chú thích
1^ a b Anne de Hautecloque - Howe, Nguyên Ngọc và Phùng Ngọc Cửu (dịch). Sách đã dẫn. tr. 27.
2^ a b Henri Maître, Lưu Đình Tuân, Nguyên Ngọc (dịch). Sách đã dẫn. tr. 138.
3^ Anne de Hautecloque - Howe, Nguyên Ngọc và Phùng Ngọc Cửu (dịch). Sách đã dẫn. tr. 28.
4^ Tức sông Ea H'leo
5^ Tức sông Krông Búk
6^ tức sông Krông Năng
Tham khảo
*Anne de Hautecloque - Howe, Nguyên Ngọc và Phùng Ngọc Cửu (dịch) (2004). Người Ê Đê - một xã hội mẫu quyền. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.
*Henri Maître, Lưu Đình Tuân, Nguyên Ngọc (dịch) (2008). Rừng người Thượng. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri Thức.
*Nguyễn Hữu Thấu - Khan Đăm san và Khan Đam kteh Mlan
*Luật tục Ê đê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét