Đi vào vùng Quảng Nhiêu xưa từ các phía Ban Mê Thuột, buôn Čour, Mê Val, Ea Nan.. đều có thể nhìn thấy đồi Čư M’gar...
ĐỒI ČƯ M'GAR
*D’hung Café
Theo đồng bào người bản địa Êđê, Čư M’gar là tên ngọn núi lửa đã tắt từ lâu, vết tích hiếm hoi của núi lửa trên vùng Tây Nguyên từ hàng nghìn năm trước. Qua năm tháng, dân địa phương dần quen với tên gọi -Đồi Čư M’gar. Ngọn đồi nằm tại trung tâm huyện, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 20 km về hướng Đông Bắc, là địa danh trọng yếu, gắn liền với tâm thức, đời sống và lịch sử của người dân vùng đất trù phú Čư M’gar này.
Tư liệu khoa học về ngọn núi lửa này hầu như không có. Có thể, do ngọn núi lửa nhỏ, đã ngưng hoạt động từ lâu, lại nằm heo hút ở vùng sâu. Những hình ảnh giá trị của ngọn đồi Čư M’gar xưa phổ biến nhất trên phương tiện thông tin đại chúng xuất phát từ tư liệu của các cựu binh Mỹ...
Cũng như các vùng khác của cao nguyên Đak Lak, Čư Mg’ar mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, tuy nhiên do sự nâng lên của địa hình, khu vực này có đặc điểm đặc trưng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, với nền nhiệt tương đối cao đều, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn; mùa mưa, nắng rõ rệt trong năm.
Trong chiến tranh.. miệng núi lửa Čư Mgar là một căn cứ của địch rất mạnh. Do lợi thế về độ cao, khi nắm giữ vị trí then chốt này, có thể quan sát được một vùng rộng lớn xung quanh đồi. Khi Mỹ xây dựng căn cứ tại đỉnh, pháo từ trên đồi bắn xuống rừng cao su làm cho lực lượng của ta thiệt hại nhiều. Để triệt phá, chiếm lĩnh căn cứ trên, quân ta phải nằm trong hầm suốt cả tuần để chuẩn bị, tạo tình thế đánh úp bất ngờ . Vào thời gian trên, khu vực Čư M’gar cũng nổi tiếng với đội du kích mật danh – Huyện H5.
Giai đoạn 1970 – 1980, xung quanh khu vực đồi Čư M’gar có nhiều buôn làng heo hút của người Êđê nép bên những mảng rừng rậm rạp. Ngày đó, việc đi lại giữa nhưng buôn làng rất khó khăn, nhất là vào những ngày mưa. Đôi khi, trên đường, người ta phải dừng lại, núp vào những bụi cây vì phía trước có đàn voi băng ngang qua. Trăn và rắn nhiều vô số, thích nhất là những đàn khỉ rừng ồn ào, đôi khi cũng im lặng tinh quái.
Đêm trăng, vài lần tôi đã nghe sói tru từng hồi trong rừng già vọng về khi cùng các anh chị, hàng xóm cầm đuốc ra Lâm Trường cầu III xem phim do đội chiếu phim lưu động thực hiện.
Có một thời, chân đồi Čư M’gar là trường bắn những tội phạm chính trị... Hiển nhiên, trong liên tưởng của những đứa trẻ con ngày đó, ngọn đồi gợi lên việc chết chóc, mộ và các cây thánh giá to, chỉa thẳng lên trời.
Những năm 1990, khi mật độ di dân từ các vùng khác đến tăng nhanh, tốc độ khai hoang thành lập nông trường, rẫy để trồng hoa màu ngoài tầm kiểm soát, rừng bị tàn phá rồi xoá sạch. Vài con suối gần đó cũng trơ trọi, cạn kiệt nước vào mùa khô, nhưng lại dâng cao, đục ngầu vào mùa mưa dầm. Dấu vết rừng già giờ còn là vài gốc cây trong những nghĩa địa, những bức hình cũ, hoài niệm. Nhìn lại một chặng đường của Čư M’gar từ những năm sau này mới thấy mức độ tàn phá thiên nhiên kinh khủng của con người.
Đi vào trung tâm huyện Čư M’gar từ các phía Buôn Ma Thuột, buôn Čour, Mê Val, Ea Nan.. đều có thể nhìn thấy đồi Čư M’gar. Vào vụ mùa, màu xanh của hoa màu phủ kín đồi. Có những buổi chiều, nhất là mùa đông, từ xa, sương khói giăng ngang đồi, ngọn núi lửa cũ nhìn cô độc, yên bình nhưng vẫn giữ thế vững chãi.
Qua năm tháng, đồi Čư M’gar nằm chơ vơ với mưa nắng, cùng thăng trầm với cuộc sống vùng đất bazan này. Chắc rằng, có nhiều người sinh sống tại đây không hiểu ý nghĩa Čư M’gar, không rõ cái tên bắt đầu với loài hoa gì trên núi, song, cái tên và hình dáng cao cao của ngọn đồi đã trở thành một điều thân thuộc, thiêng liêng trong cuộc sống cá nhân, gia đình, như một tâm điểm hướng về từ tận sâu trong lòng, tâm thức.
D’hung Café
Quảng Hiệp, Čư M’gar
*Trích nguồn https://dhungcafe.wordpress.com/2011/11/20/546/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét