Xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Ðắk Lắk là cái nôi văn hóa vùng Ê Ðê (nhóm Adham), là xứ sở trường ca Ðam San với tảng đá lưu dấu vết của Ðăm Di ở bến nước buôn Sah...
HUYỀN THOẠI BẾN NƯỚC ĐĂM DI
*Nguyễn Thảo
Dừng chân trước con dốc xuống bến nước buôn Sah B, xã Ea Tul, một không gian mát rượi ngập tràn trong màu xanh cây lá, tiếng nước chảy róc rách từ ống tre, nứa cắm vào vách đá và cây cối rậm rì tuôn dào dạt. Mấy đứa trẻ nô đùa khiến nước bắn tung tóe, những người phụ nữ chuyện trò rổn rảng. Đưa tay hứng nước từ mạch của ống nứa, một cô gái uống từng ngụm khoan khoái, đôi mắt lim dim cảm nhận vị ngọt mát tinh khôi, nguyên sơ trong lành.
Chị H’Ruôl gùi nước đi về cho biết: Trước kia người ta đựng nước vào quả bầu khô, nay thay thế bằng can và chai nhựa. Bến nước đông và tấp nập vào lúc sáng sớm và cuối chiều. Bến nước ở đây không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu quan trọng mà còn là nơi sinh hoạt mang tính văn hóa, gắn bó cộng đồng đậm bản sắc người Tây Nguyên.
Việc giữ gìn bến nước là trách nhiệm của cả cộng đồng buôn làng. Hàng tuần, người dân sẽ tự vệ sinh dọn dẹp bến nước thật sạch sẽ. Trong luật tục người Ê Đê quy định: “Nếu để nguồn nước bẩn/ Cây lúa không ra bông/ Cây kê không có hạt/ Con người sẽ mang bệnh/ Tội này xử rất nặng.
Tộc người Ê Đê nói chung và người Ê Đê ở buôn Sah, xã Ea Tul nói riêng, rất có niềm tin vào sự che chở của thần nước. Đối với họ thần nước mang đến cho họ mùa màng tươi tốt, sự ấm no. Người Ê Đê tin rằng uống nước lấy từ bến nước của buôn sẽ được thần nước che chở và ban sức khỏe. Chính điều này, hiện, rất nhiều gia đình trong buôn có giếng khoan nhưng họ vẫn ra bến nước gùi từng bầu nước về nhà để uống.
Thẫm xanh huyền thoại
Giữa thung sâu đại ngàn, giọng già Ama Phăng hòa lẫn vào nhịp chảy của từng mạch nước: Bến nước buôn Sah B hay mọi người thường gọi là bến nước Đăm Di (gắn liền với sự tích anh hùng Đăm Di trong sử thi Đăm Di của người Ê Đê) hò hẹn người yêu còn để lại vết chân trên những phiến đá lớn thẫm xanh huyền thoại.
Không ai nhớ buôn Sah có từ bao giờ và ai là chủ bến nước. Chỉ biết rằng vùng này là vương quốc Dham (do người Ê Đê Dham cai quản). Nơi đây gắn với truyền thuyết về chàng Đăm Di tài giỏi đã có cuộc chiến quyết liệt với hai ông vua nước (thần nước) để giữ vùng đất này. Sau khi chiến thắng thần nước, Đăm Di dựng buôn tại đây để cai quản, nay gọi là buôn Sah.
uôn Sah ngày ấy có rất nhiều cô gái xinh đẹp, trong đó có hai chị em ruột H’Bea và H’Bri đẹp tựa đóa hoa Pơ lang, đôi mắt trong veo như hai giọt nước đã khiến bao chàng trai trong và ngoài buôn mê đắm. Mỗi sáng sớm thức dậy và chiều tối sau khi đi nương rẫy về hai chị em lại cùng nhau ra bến nước tắm gội và gùi nước về cho gia đình. Một ngày nọ, ánh bình minh bắt đầu trên cao nguyên, 2 chị em xếp các quả bầu đen vào gùi cùng xuống bến lấy nước.
Khi hoàng hôn dát vàng trên từng đám hoa cúc quỳ vàng rực, đàn chim bay về khu rừng trú ẩn, hai nàng trở về ào vào bến nước tắm gội, nô đùa. Tiếng cười nói như tiếng chim hót khiến bước chân chàng Đăm Di trong khu rừng chững lại lắng nghe. Lần theo chất giọng lảnh lót chàng đến gần bến nước…
Dưới dòng chảy của mạch nước, hai thân hình đầy đặn, làn da trắng như hoa Kăn ki na, đôi môi hồng hào, chàng mê mẩn bởi vẻ đẹp nguyên sơ ấy. Nhìn thấy Đăm Di, hai nàng giật mình lấy vội váy áo che thân chạy một mạch về nhà. Hai nàng không thích chàng Đăm Di vì trong buôn gần, xa cứ ai xinh đẹp chàng đều lấy bằng được về làm vợ.
Say đắm trước vẻ đẹp, chàng Đăm Di lấy kiếm đeo bên hông vẽ lên đá hình ảnh hai nàng rồi ngồi ngắm không chán mắt. Nhưng nghĩ lại không chiếm được họ, chàng tức giận vung kiếm chém và dùng chân đạp mạnh xuống hình ảnh trên đá. Đến nay do sự bào mòn qua ngàn năm tháng, vết vẽ không còn nhưng vẫn còn in dấu chân của chàng trên phiến đá.
Trong hơi thở sôi động của nhịp sống hiện đại, nơi đây vẫn dễ tìm thấy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê mà bà con buôn Sah đang nỗ lực gìn giữ cũng như bảo tồn mạch nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình...
Nguyễn Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét