“Thời gian nào, trôi bồng bềnh trên phận người...”
THƯƠNG NHỚ ... MÙI TẾT XƯA
*Phóng viên
Xa quê hương đã gần 30 năm, mỗi lần ngửi mùi thơm bốc lên từ nồi cơm đang sôi, chị Thanh Lan ( Hóc Môn, TP.HCM) lại nhớ đến những ngày Tết xưa ở quê của mình: "Tuổi thơ chúng tôi, ai cũng giữ và mang theo bên mình ít nhất một mùi hương gợi nhớ ngày Tết. Với tôi, đó là mùi thơm bốc lên từ nồi cơm đang sôi.”
Chị Lan kể, ngày xưa ở quê mình có loại gạo là gạo tám thơm, khi cơm bắt đầu sôi thì đã bốc mùi thơm khắp căn bếp, mùi thơm lan ra tới tận trước sân nhà.
Cơm chín rất thơm và dẻo nhưng loại gạo này thì khá là đắt đỏ, bình thường ngày thường không được ăn đâu, mẹ chị chỉ mua mua loại gạo tám thơm này để nấu ăn vào mấy ngày Tết thôi. Cơm tám thơm nóng hổi, rồi được ăn kèm với thịt đông nữa thì ngon và hấp dẫn vô cùng.
Cái hương vị trong ký ức mỗi người khi ăn một món nào đó là hương vị rất đặc biệt, chỉ riêng người ấy mới cảm nhận được. Bởi hương vị ấy còn gói ghém cả những ngọt ngào của tuổi thơ yên vui , sum vầy bên gia đình, mà những khoảnh khắc vô giá ấy thì mãi chẳng thể nào quên.
Hương vị Tết ngày xưa còn là mùi hăng hắc của cành củi tỏa ra từ bếp luộc bánh chưng chiều 30 Tết, mùi bánh chưng luộc chín được vớt ra. Mỗi ngõ xóm nhỏ chung nhau ngả lợn để cùng ăn Tết, dành một ít thịt gói bánh chưng. Khi người lớn gói bánh thì lũ trẻ chạy lăng xăng phía ngoài để xem. Cô bé Lan sẽ đánh dấu nhận chiếc bánh nhỏ nhất cho riêng mình để khi bánh chín sẽ được ăn trước.
Chị nhớ có những Tết, trời mưa phùn lạnh căm căm, mẹ thì đãi đỗ, còn 2 anh em sẽ phụ mẹ rửa lá dong để bố chuẩn bị gói bánh. Gói bánh xong, bố chị sẽ xếp dăm viên gạch chụm lại rồi bắc cái nồi to lên ngoài sân, phía gần bếp. Trong khi mẹ chuẩn bị mâm ngũ quả thì chị em Lan thay nhau trông nồi bánh, có khi khói bay vào mắt cay xè.
Cứ thế, mùi khói bếp, mùi củi cháy, mùi thơm của lá dong, mùi gạo nếp cùng nhân đậu xanh, thịt nạc hòa lẫn rồi tan trong không khí, bám chặt lấy tuổi thơ chị suốt những năm sau này.
Đối với chị Lan, chiếc bánh chưng bố gói là tuyệt phẩm,chiếc bánh vuông vắn, vị ngon đậm đà, thịt, đậu, mùi thơm của hành, gừng không lẫn vào đâu được và cũng không có chiếc bánh ở nơi nào sánh được.
Tết xưa, dù nhà giàu hay nghèo thì bánh chưng xanh là món không thể nào thiếu, ăn kèm cùng với thịt đông nữa, chị Lan tâm sự. Thịt đông - nghe cái tên đã thấy “đông” về. Xứ Bắc mùa đông, đã giá rét lại còn mưa dầm, chỉ có vùng đất với mùa đông buốt giá ấy mới có thể ngưng đong thứ mỡ lợn chảy ra sau một quá trình ninh nhừ thành thứ thạch đông béo ngậy.
Trong mâm cỗ Tết, có thể thiếu giò thiếu chả chứ tuyệt đối không thể thiếu được bát thịt đông. Chị cảm thấy biết ơn các bà, các mẹ đã sáng tạo nên một món ăn độc nhất vô nhị không miền nào có được. Một món ăn khiến người xa xứ mỗi lần thấy gió đông về đều nhớ quê hương đến quắt quay.
Còn với chị Huyền Trang ( phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì mùi Tết xưa là hương thơm của nồi nước mùi già: “Mùi vị Tết trong ký ức của tôi là mùi của lá mùi già đấy là cái mùi nước lá vào đêm trừ tịch, bà ngoại tôi thường sẽ chuẩn bị nồi nước tắm vào lúc 8h tối, sau đó là bà đun lá mùi già, chút xả, chút hương nhu, vài thanh quế nữa.
Cái mùi hương bốc lên ngào ngạt khắp nhà, ngửi thì rất thích nhưng hồi trẻ con thì tôi cảm thấy việc đi tắm lúc 9 rưỡi - 10h tối rất là ngại tắm vì trời miền Bắc thì lạnh ơi là lạnh, bà ngoại vẫn kiên quyết từ trẻ con đến người lớn phải đi tắm nước lá mùi già vào đêm trừ tịch thì khi mà vào phòng tắm bà sẽ mở nồi ra một chút hương thơm nồng nàn lan toả khắp phòng tắm.
Sau khi tắm xong trẻ con sẽ mặc quần áo nghiêm ngắn và không nghịch đùa nữa, người lớn cũng vậy sẽ mặc áo dài, áo vest để chuẩn bị chờ đón giao thừa.”
Chị Trang chia sẻ thêm, cũng như ngày xưa được bà ngoại nấu nước lá mùi già cho tắm, đến bây giờ dù tất bật với công việc chị Trang vẫn tranh thủ nấu nước mùi cho cả nhà cùng tắm vào đêm trừ tịch. Những đứa trẻ từng được tắm nước lá mùi già thì hương thơm dịu ấy không thể lẫn với mùi khác. Nó còn vương mãi trên da thịt, ăn sâu vào ký ức mà không một thứ nước hoa nào sánh bằng.
Trong ký ức của chị Trang, Tết còn là sự háo hức khi ngửi thấy mùi quần áo mới. Tết nào được mẹ mua quần áo mới thì háo hức, vui sướng đến vô cùng, cứ ngắm nghía, hít hà mãi và chỉ mong nhanh đến mùng 1 Tết để được diện quần áo mới đi chúc Tết.
Mùi Tết xưa mà có lẽ, đi qua bao nhiêu tháng năm, ai ai cũng sẽ còn nhớ đó chính là mùi pháo. Pháo tuy đã bị cấm từ lâu nhưng, nhưng với nhiều người tiếng pháo chính là âm thanh gọi Tết về, báo hiệu năm mới bắt đầu. Mỗi sáng mùng 1 bước ra sân, nhà ai cũng đỏ rực xác pháo, tụi trẻ con đứa lùa chân trong đám giấy đỏ ấy, đứa hốt từng nắm tung lên trời, hình ảnh ấy sẽ không thể nào quên.
Đó là buổi sớm ngày đầu năm se lạnh, mở lên một bản nhạc xuân, được hít hà mùi hương thơm từ nén nhang trầm bố mẹ vừa thắp trên bàn thờ tổ tiên, được hít hà mùi thơm của của hoa đào, hoa mai, hoa cúc vạn thọ, mùi của thịt kho tàu, khổ qua…
Tất cả hòa quyện thành mùi Tết sum vầy, mùi ấm cúng, mùi của những năm tháng tuổi thơ êm đềm, mà mọi người đã gói ghém như một phần quê hương, làm hành trang, để mang theo suốt chặng đường đời.
Phóng viên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét