Hãy đến từ lòng người, và đến chính nơi ta
Đến với lòng thật thà, đừng dối trá điêu ngoa... (Nguyễn Quyết Thắng)
DU CA XỨ BAN MÊ THUỘT-BẠN MỘT TRỜI
*Nguyễn Minh Nữu
...
Ngày xưa đó… Tôi gặp Nguyễn Quyết Thắng năm 1969 ở Ban Mê Thuột. Tôi 19 tuổi, mới ra trường và đang làm việc tại bệnh viện. Thắng 20 tuổi, đang bị thương và nằm bệnh viện chờ giải ngũ.
Khuôn mặt trắng trẻo thư sinh, thêm giọng hát trữ tình và ngón đàn Guitar điêu luyện hấp dẫn tôi ngay từ lần đầu tiên nhìn Thắng ôm đàn ngồi hát một mình ở hành lang bệnh viện. Tôi ghé tới gần, ngồi xuống rút điếu thuốc châm mồi và im lặng nghe Thắng hát.
Chúng tôi làm quen với nhau như vậy. Thắng tặng tôi một xấp những tờ nhạc của Thắng quay ronéo, trong đó một ca khúc đã được dùng làm nhạc chính của phim Trường Tôi: ca khúc “Vắt Tay Lên Trán” qua tiếng hát Thái Hiền. Tôi cũng tặng Thắng tập thơ quay ronéo mỏng dính, mà tôi không còn nhớ tên.
Ba hôm sau, Thắng ôm đàn đến và hát cho tôi nghe một bài thơ Thắng vừa phổ nhạc là bài “Giòng Ăn Năn”.
Lúc đó, khoảng giữa năm 1970, Đoàn văn Khánh cũng vừa đổi lên làm việc ở Ban Mê Thuột. Ba đứa tự nhiên kết nối với nhau thành một nhóm mà tình cảm và kỷ niệm vẫn còn giữ được đến bây giờ.
Trong bài tùy bút “Buổi sơ ngộ thanh xuân”, Đoàn văn Khánh ghi lại:
“Một tối hạ nồng 1970 trên cao nguyên, hai thằng lính trẻ từ doanh trại ngang qua khu Biệt điện Bảo Đại, thong dong dưới tán mưa không đủ thấm ướt áo quãng đường hơn một cây số thì ra tới trung tâm thị xã. Nhà thờ Chính Tòa vẫn đang lặng thinh với pho tượng Chúa dang rộng đôi tay mong cứu vớt muôn loài thoát khổ nạn chiến tranh. Nguyễn Minh Nữu phục vụ ngành Quân Y tại đây hồi năm trước còn tôi từ một đơn vị tác chiến ở Đồng Tháp Mười mới chân ướt chân ráo xin chuyển lên để quên đi cuộc tình lỡ đầu đời và cái chính là theo lời… rủ rê của NMN – người bạn chí cốt thời niên thiếu – rằng Ban Mê Thuột không phải Buồn Muôn Thuở đâu mà là “hứa địa” văn nghệ bởi nơi đây… Bạn Một Trời. Lát nữa, anh sẽ gặp một tên thương binh, đúng hơn là một nhạc sĩ Du Ca đàn hay hát giỏi. Nguyễn Quyết Thắng cùng tuổi với bọn mình rất… dễ thương!
Buổi sơ ngộ của chúng tôi diễn ra tại nhà bố mẹ Thắng: Quán bánh cuốn Thanh Tùng đường Hai Bà Trưng nức tiếng một thời. Mái tóc dài bồng bềnh phủ gáy. Nước da trắng xanh do nằm bệnh nhiều ngày. Chiếc áo lính thám kích rằn ri hờ hững khoác vai. Giọng Hà Nội rặt thật truyền cảm khi NQT cất cao tiếng hát những bản Du Ca trầm hùng… Cứ thế đan xen giữa nhạc NQT với thơ NMN và ĐVK hừng hực tuôn tràn bất tận đến khi nhìn ra ngoài đường thì đã tới giờ giới nghiêm / cấm quân. Dọc ngang nhiều chiếc xe Quân Cảnh tuần tra hú còi inh ỏi. Từng đốm hỏa châu thay nhau bì bụp nổ và lửng lơ rơi rơi giữa thinh không thắp đỏ rực lên những mảng trời thần chết. Thắng nhờ cô em gái pha thêm café, ấm trà nóng và chúng tôi cùng ngồi đếm tiếng đại bác đì đùng vọng về đợi hừng đông lên…”
Nguyễn Quyết Thắng cũng ghi trong Hồi Ký:
“Ngày 08-08-1971 tại căn nhà của tôi được mệnh danh là “căn nhà của lần bom qua” số 83 Lê Văn Duyệt BMT, chúng tôi gồm 3 người là Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Minh Nữu và Đoàn Văn Khánh đã ngồi bên nhau thành lập hội văn nghệ lấy tên là: “Cơ Sở Văn Nghệ Con Người” , với mục đích ấn hành các tác phẩm do chúng tôi sáng tác trong khả năng và phương tiện sẵn có, đa phần là quay ronéo. Cũng từ đó tôi có thêm được khá nhiều những người bạn văn nghệ khác tham gia như: Hoàng Ngoan Đồng, Nguyễn Phương Căn, Xuân An, Lâm Văn Sang , Trần Hoài Thư, Phạm Tuấn Ngọc, Phan Ni Tấn, Lê Hồng Thái , Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Mạnh Tấn, Trần Bề, Nguyễn Thành Long, …
Những ấn phẩm lần lượt đã được phát hành như:
01- Lá Xanh Đời – nhạc Nguyễn Quyết Thắng.
02- Để Nhớ – tuyển tập Thơ, Văn, Nhạc mùa thu – nhiều tác giả.
03- Kể Cả Cái Chết – thơ phản kháng – nhiều tác giả.
04- Lục Bát Giao Thừa – thơ nhạc mùa xuân – nhiều tác giả.
05- Hát Để Xông Đất Mới Cho Quê Hương – tập nhạc Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Phương Căn, Phan Ni Tấn .
06- Chân Đi Trên Những Ngọn Đèo – văn Nguyễn Minh Nữu.
07- Khoảng Rừng Rất Xanh Trong Hồn – thơ Đoàn Bằng Hữu.
08- Lục Bát Phượng Hồng – thơ nhạc mùa hạ – nhiều tác giả.
09- Ly Ca – nhạc Nguyễn Quyết Thắng và Du Ca Lòng Mẹ.
10- Thoáng Tình – thơ Thái Trung.
11- Hát Ngợi Ca Tình Nhân – nhạc Nguyễn Quyết Thắng, Đoàn Văn Khánh, Nguyễn Minh Nữu.
12- Ban mê Và Cung Mi – nhạc Nguyễn Quyết Thắng.
13- Những Ngày Đã Đến – tập truyện ngắn Thái Trung.”
Nhớ về những ngày tháng đó, trong hào hứng của tuổi thanh niên, chúng tôi ngồi và suy nghĩ thật viễn mơ rằng khoảng năm ba năm nữa, khi không còn chiến tranh, chúng ta cũng vừa vượt qua khỏi cái tuổi mới lớn, mỗi người làm việc từ vị trí riêng, sẽ cùng nhau thực hiện một cơ sở văn nghệ liên kết với nhau thành Ấn Quán, Xuất Bản, Thư Trang, Tạp Chí, và Câu Lạc Bộ. Đã qua rồi cái thời Bút Nhóm, Thi Văn Đoàn, nên chúng tôi đặt tên là Cơ Sở Văn Nghệ Con Người. Thật tiếc là khi chúng tôi (Thắng, Khánh, Nữu) chưa kịp lớn để có cơ ngơi ổn định cùng chung tay thực hiện ước mơ thì đời đã đưa ba đứa đi ba phương trời…
Nguyễn Quyết Thắng là con người hiền hòa, đắm thắm, chơi với bạn bè nhún nhường, thường chịu đựng nhiều hơn. Đời sống rất đạo đức, yêu một người và yêu một đời, cho nên trong nhạc của Thắng thường là một thứ tình cảm trong sáng, nhẹ nhàng và hướng về quê hương đất nước. Nhưng nói như thế không phải Thắng là người dễ chịu, rất khó tính là khác. Cái gì Thắng cho là đúng thì dẫu có chứng minh thế nào cũng không thuyết phục được, quá lắm, nghĩa là Thắng thấy không thể phản bác được thì Thắng im lặng và … tiếp tục suy nghĩ theo ý của mình. Trong hơn trăm ca khúc Thắng viết xuống, nhiều nhất vẫn là những ca khúc viết về thân phận con người và tình yêu nồng nàn với đất mẹ. Và thực sự là Thắng rất thành công ở thể loại này. Thí dụ ca khúc “Vắt Tay Lên Trán”:
Nằm vắt tay lên trán, ta nghĩ đến chuyện cuộc đời,
Ngồi bấm đốt ngón tay, ta nghĩ đến chuyện ngày sau.
hay “Hát Từ Tim Hát Bằng Hơi Thở”:
Hãy đến từ lòng người, và đến chính nơi ta
Đến với lòng thật thà, đừng dối trá điêu ngoa
Hoặc “Đứa Học Trò Trở Về”:
Nhìn diều đang lên cao, nghe sáo trúc reo
Nhìn về nơi phương xa trái tim con nở hoa
Nhìn đàn em thơ qua, nghe chúng múa ca
Nhìn vào lòng thương yêu ngậm lúa thơm quê nhà…
Còn về tình yêu, có lẽ chỉ năm ba bài rất hồn nhiên và cũng rất nhẹ nhàng. Thắng phổ nhạc thơ của nhiều người, dường như cũng với tiêu chí đó, những lời thơ về thân phận, về đất nước. Những ca khúc tình yêu đắm đuối thì có lẽ chỉ có trong những ca khúc nhạc của Thắng nhưng người viết lời là Đoàn văn Khánh hoặc tôi.
Trong khoảng 15 ca khúc viết chung Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Minh Nữu thì chỉ có ba bài là phổ từ thơ, còn lại hầu như nhạc của Thắng viết, đưa qua, và tôi ngồi viết lời xuống theo cảm nhận của lúc mình nghe.
Thú thật là tôi yêu thích những ca khúc viết lời trên nền nhạc của Thắng nhiều hơn các ca khúc Thắng phổ từ thơ của tôi. Tại sao vậy? Tôi nghĩ có lẽ, lúc nhắm mắt lại, nghe tới nghe lui một âm điệu, rồi tới lúc thấm thía, thú vị mới viết lời xuống như một bài thơ hòa được cái cảm xúc của người viết nhạc và chung được cái rung động của chính mình.
Chuyện viết lời trên nền nhạc có sẵn thì trước đó đã có nhiều lắm. Mộng Dưới Hoa mà Phạm Đình Chương phổ nhạc đâu phải là thơ của Đinh Hùng hết, mà chính Đinh Hùng đã ngồi bên cạnh Phạm Đình Chương để viết lời cho nhiều đoạn. Hay bản nhạc của Trần Trịnh đưa Hà Huyền Chi viết lời thành Lệ Đá, sau đó, tiếp tục cảm hứng, Hà Huyền Chi đã viết tới 6 lời khác nhau cho một bài hát. Và nhất là Hoài Linh (Nhạc Sĩ, không phải Nghệ Sĩ Hoài Linh) đã gần như một người viết lời chuyên nghiệp cho Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Mạnh Phát, Song Ngọc, Nguyễn Hiền, Văn Phụng… đó sao.
Khi gặp và chơi với nhau, tôi đã viết lời khoảng một hai bài, sau đó, nhiều nhất là lần ba đứa quyết định in chung tập nhạc mà tôi có dịp kể lại trên facebook như sau:
Năm 1972, vợ chồng Nguyễn Quyết Thắng – Hồ Minh Chiến vừa mới thành hôn và có một chuyến đi chơi lên Đà Lạt. Lúc đó tôi đang ở Đà Lạt, ngồi lại bên nhau và quyết định làm tập nhạc Hát Ngợi Ca Tình Nhân với 12 ca khúc do Nguyễn Quyết Thắng soạn nhạc và Đoàn Văn Khánh với Nguyễn Minh Nữu viết lời. Bây giờ hồi tưởng lại, hoàn toàn không nhớ nổi là làm thế nào để làm được. Nhớ là nhớ cái kỹ thuật in lúc bấy giờ là Muntilic Ronéo, một kỹ thuật mới toanh, và không phổ biến bên ngoài, chỉ có một máy in nằm trong Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Máy này in ấn ra sao, tôi không biết, nhưng layout trên một tờ giấy giống như giấy stencil, loại giấy để quay ronéo, khác là không cần làm thủng giấy, mà viết lên bằng bút nguyên tử đen. Về loại máy in ấn này, Trần Thị Nguyệt Mai đã bỏ công vào Internet tìm kiếm, và sau đó cho biết đó là loại máy Mimeograph machine. Ngày đó, dù đang đi du lịch, Nguyễn Quyết Thắng cũng ngồi kẻ nhạc, sau đó Trần văn Nghĩa viết chữ. Tại sao vào đó in được? Tại sao quen Trần văn Nghĩa để nhờ Nghĩa viết chữ? Trí nhớ mù mờ không nhớ nổi. Tập nhạc in ra, Thắng đem về Ban Mê Thuột và Saigon, rồi tặng khắp nơi.
Sau 1975, Thắng đi Hòa Lan, Khánh ở Ban Mê, tôi ở Saigon qua năm bẩy lần dọn nhà… chẳng đứa nào còn giữ được.
Năm 2013, Anh Phạm Tuấn Ngọc từ trần. Khi soạn lại sách vở cũ trong nhà, Chị Phạm Tuấn Ngọc đưa lại cho Đoàn văn Khánh một bản mà ngày xưa năm 1973 cả ba đứa ký tên tặng anh Ngọc.
Khi Khánh đưa cho tôi để photo, đã nhiều lần tôi nghĩ tên TRẦN VĂN NGHĨA, chỉ loáng thoáng là một bạn làm thơ có nét chữ rất đẹp, bay bướm mà lại dễ đọc. Nghĩa là ai, ai trong đám đã quen để nhờ, và anh ta giờ ở đâu, ra sao…
Thế mà nhờ Facebook tôi đã tìm ra Trần văn Nghĩa, là một người làm thơ, cũng là một nhà giáo và đang nghỉ hưu tại Phan Rang. Tuyệt vời nhất khi tôi gửi qua một trang hình chụp và hỏi có phải đây là nét chữ của ông?
Nghĩa xác nhận và muốn có toàn bộ những trang chữ viết cũ.
Hôm nay viết lại để nhớ tới Trần văn Nghĩa là người có nét chữ tài hoa, gửi tới Lê Hồng Thái là họa sĩ vẽ phụ bản, gửi tới Nguyễn Quyết Thắng, tác giả soạn nhạc, gửi tới Đoàn văn Khánh và lưu lại cho chính mình như một kỷ niệm tuyệt đẹp của thời mới lớn. Cùng lúc để nhớ về Huynh Trưởng Phạm Tuấn Ngọc, một người anh đã đi xa.
Rồi tới khi ba đứa ba nơi, Đoàn văn Khánh ở Saigon, Nguyễn Quyết Thắng ở Hòa Lan và tôi ở Hoa Kỳ. Thắng lại gửi liên tiếp một số bài nhạc nữa, trong đó, tôi chỉ viết lời cho bốn bài.
Kỷ niệm nhớ nhất là một bài tôi đặt tên là Biền Biệt Bóng Trăng Tan. Bài đó viết xong gửi qua Thắng, Thắng trả lời liền: Dâm đãng quá, sửa lại đi. Tôi chới với, im lặng. Sau đó Thắng tự sửa lại mà Thắng cho là … nhẹ nhàng và thơ mộng hơn. Tôi không phản bác, vì “Sống với một người bạn bảo thủ, thì phải có một người bạn ừ hữ” chứ.
Nhưng là kỷ niệm, nên ghi lại cả bốn câu đó mời các bạn xem chơi:
Tôi viết là:
Một đôi lúc chợt nghe bàng hoàng
Bên đời đã hoang tàn còn ai
Người như khói khăn hài mù tăm
Hương ái ân còn đẫm chăn nằm.
Thắng sửa lại là:
Một đôi lúc chợt như bàng hoàng.
Bên đời đã muôn vàn sầu ai.
Người như bóng mây trời mờ bay.
Hương đắm say còn đẫm trăng gầy.
Kỳ lạ là thấy Thắng tự ý sửa lời mình viết, tôi không buồn giận, mà lâu lâu nghe, lại thấy Thắng sửa lại cũng hay, phải đẫm trăng gầy mới trong sáng và thơ mộng bạn à.
Chơi với nhau gần 50 năm, bây giờ cả ba đứa ở ba phương trời, đều ở gần tuổi cổ lai hy rồi. Suốt bấy lâu chúng ta đã đem tới cho nhau biết bao niềm vui, hạnh phúc và cũng chẳng thể thiếu những lúc buồn giận, bực bội. Nhưng … biết có còn cơ duyên gặp lại nhau lần nữa hay không?
Nguyễn Minh Nữu
*Trích đoạn trên nguồn https://123hoang.wordpress.com/tag/nguyen-minh-nuu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét