Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

"LỆ" ĐẸP MỘT THỜI... *Nguyễn Đức Dũng

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Chuyện về dinh điền Quảng Nhiêu ngày xưa... (Ảnh Thị trấn Quảng Phú bây giờ)
"LỆ" ĐẸP MỘT THỜI...
*Nguyễn Đức Dũng
Quảng Nhiêu, Ban Mê Thuột tỉnh DakLak ngày xưa mà bây giờ đổi tên thành thị trấn Quảng Phú, huyện Cưmgar, tỉnh DakLak ấy là nơi bà con người vùng đông huyện Thăng Bình, Quảng Nam của mình vào sinh cơ lập làng từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước.
Làng quây quần trên một bình nguyên rộng vuông vức, được tổ chức thành 3 thôn theo sự sắp xếp những hộ gia đình cùng xã ở quê nhà, nghĩa là mỗi thôn như vậy gồm toàn những gia đình ở một xã tại nguyên quán, có thôn không đủ nhân khẩu thì người ta ghép hộ của mấy xã nguyên quán vào với nhau. Đó là sự phân biệt theo khu vực cư trú và sắp xếp của chính quyền thời bấy giờ, chớ kỳ thực thì từ đầu trên cho chí xóm dưới đều rặt một giọng Thăng Bình quê kiểng, khách lạ có việc vào làng đi đến đâu cũng nghe đều một giọng nói, in tuồng đang đi trên vùng đất của xứ Quảng Nam quanh năm nắng gió miền trung và sở hữu nhiều bão lụt. Các khu dân cư được quy hoạch đều chằn chặn, nhà nào cũng có một mảnh vườn rộng chí ít cũng được ba, bốn sào tùy theo số nhân khẩu trong hộ mà có sự xê xích chút ít. Đường làng được thiết kế như bàn cờ và rộng thoáng, chung quanh làng có hàng rào bao bọc, còn đồng đất canh tác thì được phân chia rõ ràng và công bằng bố trí phía ngoài làng, sau rồi người dân phá vỡ khai hoang thêm rộng dần ra để tăng diện tích trồng trọt hoa màu. Người ta gọi đó là Dinh Điền để phân biệt với làng xã bản địa, chỉ tính quanh vùng Ban Mê Thuột thì ngoài Dinh Điền Quảng Nhiêu còn có Dinh Điền của dân Quảng Nam mình như Dinh Điền Đạt Lý, và một vài nơi khác nhưng không trù phú bằng.
Cùng rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún rồi đùm túm vào miền đất đỏ bazan phì nhiêu này, theo như câu nói cửa miệng của mọi người là “đất cũ đãi người mới“ nên bà con mình ai nấy đều chí thú làm ăn, nhờ trời, mà thật cái xứ đất cao nguyên này cũng lạ, nó không như ở ngoài quê mình, dạo nớ người ta trồng bất cứ thứ nông sản gì cũng đều trúng mùa, năng xuất rất cao mà sản vật cũng giàu dinh dưỡng, từ cũ khoai trái bắp cho chí lúa đậu các thứ đều mũm mĩm và ngon ngọt, trông sướng con mắt. Mùa nào thức nấy, khi thu hoạch xong ngoài đồng về thì nhà nào nhà nấy cũng nấu ăn chơi hoặc dặm vào những nửa buổi nửa chiều, dầu khoai bắp hay đậu phụng cũng vậy, cứ đều giăng giăng một kiểu là người ta nấu đầy cái thùng thiếc đựng dầu hỏa hiệu” Con Sò”, coi đó như là một “đơn vị tính“, không kể nhà mình nhiều hay ít nhân khẩu, bởi để hàng xóm ghé chơi lúc nào cũng có sẵn mà dọn ăn cùng rồi chuyện trò cho nó có duyên cái miệng, ai cũng ngại rằng mình nấu ít đi thì bà con chòm xóm cho ra rằng tay nớ hắn hà tiện. Cứ vậy cuộc sống của mọi người quanh năm đủ ăn đủ mặt và ngày càng thơ thới, không như ngày trước đầu tắt mặt tối ở ngoài quê từ ngày tý cho chí ngày hợi mà vẫn túng quẩn lại hoàn túng quẩn. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi gió thuận mưa hòa như vậy nên chẳng mấy năm lập làng, nhà nhà đều tương đối no đủ và bắt đầu có của để dành dụm.
Ông bà mình nói ít khi mô mà trật, rằng “ phú quý thì sinh lễ nghĩa”. Đã qua cái đận cơ hàn, làm ăn như cầu được ước thấy, bà con lại bắt đầu nhớ nghĩ tới quê hương xứ sở, nhớ tới những phong tục tập quán mà hồi còn ở ngoài mình dầu nghèo khó đến mấy thì cũng cố mà giữ gìn nề nếp cha ông bao đời dạy lại, các dịp tế lễ xuân thu nhị kỳ, các ngày giỗ chạp, rồi những thói quen kiêng cữ, những hành xử mang tính quy ước lại dần hồi được bà con cùng nhau chung tay tổ chức xây dựng lại, gần như nguyên vẹn cái lề thói đã truyền đời của con dân xứ Quảng.
Sau khi đã cắm rễ ổn định được ở quê người, trong quá trình cộng cư, giao tiếp trao đổi với người dân của chính cái xứ đất mới ấy, cùng với điều kiện thời tiết thổ nhưỡng tự nhiên và các mặt sinh hoạt, nói như ngôn ngữ bây giờ gọi là “Tiếp biến văn hóa”, bà con Quảng Nam ở Quảng Nhiêu xuất hiện một tập tục hoàn toàn mới mẻ và đầy tính nhân văn, đầy tình thân ái, đó là bà con ta vui vẻ hòa vào một tục lệ mới với người bản địa một cách gần như tự nguyện, gọi tự nguyện vì đây là một tập tục phải hội đủ điều kiện của hai thành tố chủ khách. Điểm độc đáo của cái “Lệ” này là sự thay đổi vị trí chủ khách diễn ra hết sức nhuần nhuyễn, cụ thể là lệ chúc tết của bà con dân tộc Ê Đê dành cho bà con người Kinh ở Dinh Điền Quảng Nhiêu mình. “Lệ“ là “Lệ” của người Ê Đê, có nghĩa lệ này bà con Ê Đê là “chủ”, nhưng khi đến chúc tết nguyên đán của bà con người Kinh thì họ trở thành “khách” và bà con người Kinh đang khách lại hóa ra “chủ”, chủ đây là “chủ nhà”, là đối tượng được chúc, như vậy vị trí của hai bên cũng theo ý nghĩa đó mà thay đổi vai trò trong quá trình diễn ra buổi lễ chúc tết rất đặc sắc này.
Mỗi năm, cứ vào khoảng mùng bốn tết nguyên đán trở đi đến chừng mùng bảy hoặc mùng tám tết, bà con Ê Đê ở những buôn làng kế cận đều tổ chức thành từng đoàn người mà hình như mỗi đoàn ấy là một gia đình, họ mang gùi và xếp đội hình đi rất thứ tự, người cao tuổi nhất của đoàn đi trước, sau đó cứ theo độ tuổi mà xếp vào phía sau hàng, cuối cùng thường là là những em bé nhất. Đoàn đi đến từng nhà của đồng bào người Kinh rồi xếp một hàng dọc nghiêm trang ở trong sân ngay phía trước cửa, có những đoàn dài cỡ mười mấy người, Phía gia chủ bao giờ cũng bố trí người lớn ở nhà trong dịp này để tiếp đoàn, sau khi hai bên chào hỏi, người trưởng đoàn đọc một tràng tiếng Ê Đê dài như một bài hát, đây là lời chúc tết của đoàn chỉ dành cho bà con người Kinh ở Dinh Điền này, nội dung lời chúc không ngoài ý nghĩa như chúng ta vẫn thường chúc nhau trong mấy ngày tết, đoàn chúc cho gia đình có nhiều sức khỏe, sang năm mới làm ăn được bội thu vụ mùa, khoai lúa từ đồng được về đầy sân, chúc cho gia súc gia cầm nuôi trong nhà sinh sôi nảy nở mau lớn nhanh đàn, chúc cho trời đất gió thuận mưa hòa để người người được bình an, ấm no hạnh phúc vv…vv. Sau khi nhận được lời chúc mừng, chủ nhà cũng vui vẻ và chân tình chúc lại, điều cần nói ở đây chính là sự chân tình, vì bà con người dân tộc cảm nhận được sự thành thật ấy qua ánh mắt, khuôn mặt và nụ cười của gia chủ, nếu nhận ra sự không thật lòng từ chủ nhà thì họ sẽ im lặng ra đi mà không nhận tặng vật, (cũng nên biết rằng những tặng vật này đối với bà con dân tộc Ê Đê chỉ mang tính kết nối tình thân giữa hai cộng đồng trong một dịp lễ tết mà thôi, vì họ hoàn toàn không thiếu đói, lúa khoai họ làm ra cũng đầy kho lẫm, họ chỉ thiếu muối ăn, thuốc chữa bệnh và những vật dụng sản xuất), kế đến, chủ nhà mang ra các thứ bánh quà ngày tết và hai tay trang trọng tặng đoàn, tặng vật thì tùy vào mỗi gia đình mà không câu nệ chủng loại, có nhà một vài đòn bánh tét, có nhà chỉ nửa đòn bánh thôi nhưng người nhận vẫn vui vẻ và cung kính, có nhà thì xâu bánh ú hoặc chục bánh ít lá gai, có nhà lại các loại bánh mứt hay một chai rượu nải chuối gì cũng được…Người trưởng đoàn cung kính hai tay đón nhận rồi bỏ vào sau gùi mang trên lưng, khi gùi đầy sẽ chuyển tiếp đến những người mang gùi phía sau trong quá trình đi chúc tết ở các nhà khác, đoàn đi cho đến nửa buổi chiều thì bắt đầu trở về lại buôn làng.
Sau những ngỡ ngàng của việc người dân Ê Đê đến chúc tết mấy năm đầu tiên thì người ở làng cũng bắt đầu hòa nhập được vào cái tục lệ đẹp đẽ và đầy tình thân ái này, bà con thành ra lại có thêm một nỗi đợi chờ như sự hiển nhiên và tình cảm, cứ sau tết mùng bốn mùng năm rồi mà chưa thấy đoàn đến thăm thì lại nhớ và mong ngóng, như mong ngóng một người bà con thân thiết của mình đi làm ăn xa chưa kịp về đón tết với gia đình, và khi đầu ngõ xuất hiện một ông già Ê Đê dẫn đoàn bước vào sân là cả nhà lớn bé đều ùa ra chào đón với tấm lòng mừng vui thật sự, tíu tít những lời thăm hỏi chân tình và quý mến. Cứ thế, mỗi năm, khi chuẩn bị sắm sửa bánh trái mừng xuân để cúng gia tiên và sử dụng trong mấy ngày tết nhất, bà con Quảng Nhiêu lại tự nhủ lòng mình là nhớ “trí” một phần đường hoàng để vào đầu năm thực hiện một công việc đã trở thành nghi thức đầy cảm động.
Tác giả: Nguyễn Đức Dũng
Có thể là hình ảnh về cây và đường
Tất cả cảm xúc:
Thanh Lộc Nguyễn, Phi Toan và 30 người khác
6 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

6 bình luận

Phù hợp nhất


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét