Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

NGÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN TÔI DẠY *Thầy Huỳnh Ái Tông

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Trường Kỹ Thuật Y Út là một công trình đẹp nhất của xứ Ban Mê Thuột ngày ấy...
NGÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN TÔI DẠY
*Thầy Huỳnh Ái Tông
Mặc dù chưa đến ngày khai Trường, nhưng sau khi nhận Sự Vụ Lệnh, vé máy bay tôi liền lên đường nhận nhiệm sở, trước ngày khai trường cả tuần lễ.
Theo Sự Vụ Lệnh, trường tôi đến dạy là Trường Kỹ Thuật Ban Mê Thuột, khi chọn nhiệm sở, tôi không hề biết qua trường này, tôi cũng không quen biết bất kỳ ai ở vùng đất đó, tôi chỉ biết sơ Ban Mê Thuột ở trên Cao nguyên Trung Phần, nơi có nhiều đồn điền Cao su của người Pháp.
Hỏi thăm người khác, từ Sàigòn đi Ban Mê Thuột bằng cách nào? Có người nói một là đi máy bay, còn đường bộ trước đó vài năm đi theo quốc lộ 13, qua Bình Dương, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp rồi đến Ban Mê Thuột, nhưng lúc đó đường này không còn đi được nữa vì không an ninh, muốn đi đường bộ phải ra Nha Trang, từ Nha Trang qua ngã Khánh Dương lên Ban Mê Thuột.
Khi nhận Sự Vụ Lệnh, có kèm theo giấy Trưng dụng hàng không, đem giấy Trưng dụng ấy ra Air Việt Nam để lấy vé máy bay đi Ban Mê Thuột ngày 10-9-1966. Tôi nhớ hồi đó Hàng Không Việt Nam có trụ sở trên đường Phan Đình Phùng, có quầy bán vé ở nhà ga Xe lửa Sàigòn, trên đường Lê Lai, nơi đây có Bưu Điện, Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín và quầy vé Air Việt Nam.
Khi đi, hành khách Air Việt Nam đến trạm trung chuyển ở đầu đường Phạm Ngũ Lão, địa chỉ là số 10 hay 12 Phạm Ngũ Lão, nay tôi không thể nhớ, và nơi đó cũng như chỗ bán vé đã làm thành công viên 2 tháng 9. Nơi đây làm thủ tục cân gửi hành lý … rồi có xe buýt của Air Việt Nam đưa lên Tân Sơn Nhất. Hành khách không được đi thẳng vào phi trường Tân Sơn Nhất. Trên xe buýt chỉ có người có vé mới được lên xe, lại có một cảnh sát theo xe hộ tống, để không cho bất cứ ai lên xe ở dọc đường. Tôi không nhớ được vì cớ gì phi trường Tân Sơn Nhất lại được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ như thế, trước đó khoảng năm 1964 hay 65, ai muốn ra vào xem máy bay lên xuống, đưa đón thân nhân đều được vào ra phi trường Tân Sơn Nhất tự do.
Tôi nhớ hôm đó, tôi đi chuyến bay sớm, cất cánh vào lúc 6 giờ 30, giấy hẹn có mặt ở trạm trung chuyển lúc 4 giờ sáng, trước khi ngủ, tôi để đồng hồ reo lúc 4 giờ, nhưng không hiểu sao tôi không nghe đồng hồ reo, khi giật mình thức dậy đã 4 giờ 30, hấp tấp đánh răng, rửa mặt, mặc áo quần ra đường gọi Cyclo máy đi đến trạm trung chuyển Phạm Ngũ Lão. Có người đợi tôi để chúc thượng lộ bình an, tôi cũng chỉ nói mấy lời rồi lên xe cho kịp chuyến, nhờ đó tránh được cảnh “chia tay sao mà buồn quá vậy!” ở sân ga.
Thuở đó Air Việt Nam chỉ có máy bay hai động cơ DC3, DC46 về sau mới có 2 chiếc Boeing 727, đến 1975, chỉ còn sử dụng một chiếc, chiếc kia nằm ở Hồng Kông. Hầu hết các chuyến bay đi Ban Mê thuột là DC3 chở được 28 hành khách. Đường bay Ban Mê Thuộc lúc đó mỗi ngày một chuyến, và chỉ mất 45 phút để bay từ Tân Sơn Nhất đến Ban Mê Thuột.
Khi phi cơ bay chừng 15 phút, nhìn ra cửa sổ, thấy rừng cây um tùm, phi cơ không bay cao lắm nên có thể nhìn thấy những tàng cây to, khi phi cơ hạ thấp cao độ, nhìn xuống thấy rừng, đồi núi và những hàng cây cao su, rồi phi cơ hạ cánh trên phi đạo ngắn, phi trường nhỏ ở một chỗ hoang vắng. Sau này tôi mới biết đó là phi trường Phụng Dục.
Từ phi trường, lên xe buýt Air Việt Nam để về trung tâm phố chợ, xe chạy băng qua một khu lâm viên chừng 20 mẫu của chánh phủ trồng cây sao và cây giá tị, rồi xe chạy qua hậu cứ của Trung đoàn 45 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh, rồi xe chạy qua đồn điền co su CHPI hay CHPN ? lâu quá tôi không nhớ rõ. Dưới tàng cây cao su, người ta lại trồng cà phê, vì cây cà phê thích hợp sống như thế, xe vượt qua phi trường nhỏ, chỉ dùng cho L19, nên còn được gọi là Phi Trường L19. Phi trường này chỉ cách trung tâm thị xã không đầy 500 thước, xe chạy hết phi trường này là một bùng binh, nơi đây có nhà thờ Chánh tòa của Ban Mê Thuột, trước nhà thờ có một tượng đức chúa lộ thiên.
Qua khỏi bùng binh, đến một ngã tư, xe quẹo phải, đó là đường Lý Thường Kiệt, xe dừng lại trước trụ sở Hàng Không Việt Nam tại Ban Mê Thuột. Đặt chân xuống một thành phố xa lạ, tôi gọi một chiếc Cyclo đạp để đi về trường kỹ thuật Ban Mê Thuột, xe Cyclo chạy ngược trở lại bùng binh rồi quẹo phải, tôi thấy xe chạy qua Ty Điện Lực, Bưu Điện bên tay phải, còn bên tay trái là Tiểu khu, tòa hành chánh tỉnh Darlac, Ty Ngân khố, trước mặt Ty là một công viên, Cyclo quẹo phải, tôi nhìn thấy bên tay trái là Ty Y tế, Bệnh viện, còn bên tay phải là một khu kín cổng cao tường, cách một con đường là Ty Tiểu học, tiếp theo là trường Tiểu Học xây gạch, lợp ngói, tọa lạc trên khu đất rất rộng, kế tiếp là khu xây cất mới, khang trang, cyclo dừng lại trước một căn nhà gỗ lợp fibro xi-măng, cửa khóa, người đạp cyclo cho biết đã tới nơi.
Tôi theo con đường đất đi vào trường, chừng 50 thước thì đến dãi lớp học, ngoài sân dãi lớp học còn in những vết hằn của xe tải, nhìn lại đôi giày dính đầy đất bùn đỏ, đó là hậu quả sau cơn mưa buổi tối hay mới sang hôm đó, tôi phải chà giày mấy lượt trên mấy tấm đan, bùn vẫn còn dính, nhưng đành vậy tôi theo hành lang dãy lớp học, tìm vào văn phòng Hiệu Trưởng để trình Sự Vụ Lệnh.
Gặp Hiệu Trưởng, tôi mới biết đó là giáo sư Đống Văn Quang, khi tôi còn học Cao Thắng, có biết ông dạy tại đó môn Lý Hóa, nhưng tôi không có học với ông ta, sau khi hỏi biết tôi không có quen biết ai ở Ban Mê Thuột, ông ta bảo tôi ở luôn tại trường với hai người khác, sau đó ông Quang đưa tôi sang phòng hành chánh giới thiệu, rồi đưa tôi sang giới thiệu với ông Nguyễn Văn Huệ, Phụ Tá Học Vụ và Học Sinh Vụ của Trường. Ông Huệ tự giới thiệu tôi mới biết ông ta học khóa đầu tiên của Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật năm 1962, khi ông ra trường thì tôi mới vào năm đầu tiên cho nên chúng tôi chẳng quen biết nhau, nhưng cả hai chúng tôi đều là học sinh Cao Thắng, lại là đồng nghiệp cùng dạy một môn, nên dễ thông cảm nhau và ông đã luôn giúp đỡ tôi trong sự nghiệp giáo dục kỹ thuật.
Ông Huệ đưa tôi đến phòng Học sinh vụ gặp ông Giám Thị kiêm Thủ kho Nguyễn Văn Anh, ông Anh cũng ở tại trường với vợ con, thấy đã trưa, ông mời tôi về nhà ông ăn bữa cơm đầu tiên trên đất lạ.
Gọi là nhà ông, thật ra đó là một phòng mỗi bề chừng 6 thước, chỉ đủ kê một cái giường đôi và một bàn tròn ăn cơm. Ngồi vào bàn ăn, tôi được giới thiệu với anh Nguyễn Văn Tuấn, thư ký của trường, tiện thể ông Huệ nói dùm, nhờ ông bà Anh nấu cơm tháng cho tôi ăn, còn ở thì ở chung phòng với ông Huệ và ông Tuấn.
Trường Kỹ Thuật Ban Mê Thuột có tên chính thức là Trung Học Kỹ Thuật Y-Út, được Mỹ xây dựng qua chương trình viện trợ Mỹ, được cất trong khu đất của Trường Tiểu Học Ban Mê Thuột, trước kia nó có một lớp dạy nghề, từ cơ sở đó xây dựng lên. Tưởng cũng nên nói thêm đây là khu đất rộng, nên năm 1957 chánh phủ có mở cuộc triển lãm tại đây. Trong lễ khai mạc ngày 21-5-1957 Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến chủ tọa, đã bị ám sát, ông Diệm thoát nạn, nhưng hình như ông Bộ Trưởng Canh Nông bị tử thương.
So với thành phố Ban Mê Thuột vào thời đó, Trường Kỹ Thuật Y Út là một công trình đẹp nhất tỉnh, những buổi lễ lớn có Tổng Thống chủ tọa, hoặc lễ của Quân Đoàn 2, hoặc của Tòa Tỉnh thường mượn Trường để tổ chức.
Trường là một quần thể gồm ba phần: Trường lớp, Ký túc xá và Xưởng. Thật ra chỗ anh đạp Cyclo cho tôi xuống xe không phải là cổng trường, anh ta cho tôi xuống đó vì nơi ấy là lối đi phụ hay đi tắc có nhiều người sử dụng, người ta tránh đi cửa chính vì phải đi xa thêm khoảng chừng 50 thước nữa, lại phải đi ngang qua nhà xác của bệnh viện.
Từ lối chính đi vào, con đường rộng khoảng chừng 8 thước và thoai thoải xuống dốc để vào cửa, Trường không có cổng cũng không có bảng tên Trường, từ ngoài đường nhìn vào, thấy mặt chính giữa, có ba cửa ra vào, mỗi cửa có hai cánh, mỗi cánh là một miếng kiếng ngang khoảng 1 thước, cao chừng 3 thước, phần này chừng 6 thước bề ngang có mái hiên che bậc thềm, bên tay phải, hướng đông có một phòng nhỏ dài chừng 3 thước, bên tay trái một bức tường kín dài chừng 6 thước, phần này nóc bằng, bên tay phải tiếp theo phòng nhỏ, lùi vào trong chừng 2 thước là bốn lớp học, có mái kiểu nhà rông đặc trưng nhà của người Thượng, lợp ngói đỏ.
Vào trường từ ba cửa chính, chúng ta gặp phải đại sảnh rất rộng và thoáng, vì phía sau cũng là cửa kính như phía trước, đại sảnh này chừng 12 thước sâu, ngang 16 thước, ở giữ có 4 cây cột tròn tô đá rửa, ngoài ra không bày biện chi hết.
Bên tay trái, hướng tây liền với đại sảnh có ba cửa đi, cửa sát tường trái đi vào phòng hành chánh, phòng này ngang chừng 2 thước rưỡi dài chừng 5 thước, qua khỏi phòng Hành chánh là phòng Hiệu Trưởng, phòng này mỗi cạnh chừng 3 thước, từ phòng này, có một cửa thông ra hai phòng khác, một là văn phòng của phụ tá Học Vụ và Học sinh vụ, hai là phòng Phụ tá kỹ thuật, hai phòng này đều có cửa mở ra đại sảnh, thông nhau và thông qua phòng Hiệu Trưởng. cạnh cửa phòng Phụ Tá Kỹ Thuật là dãi cửa kính phía sau đại sảnh, phía sau đại sảnh là một sân cỏ nhỏ, ở giữa là hồ nước mỗi cạnh chừng 3 thước, tiếp liền theo phòng Hiệu Trưởng và hai Phụ Tá là một phòng ngang chừng 5 thước, dài chừng 12 thước, có hành lang nối liền với đại sảnh, đây là Thư viện, nhưng sử dụng làm lớp Kỹ Nghệ Hoạ, có cầu thang đi lên tầng lửng ở phía trên phòng Hiệu Trưởng, nơi đây làm Phòng Y Tế, có thể dùng làm phòng ngủ cho khách của Trường.
Bên tay phải, hướng đông của đại sảnh có một phòng ấy là phòng Học Sinh Vụ, nơi đây các Giám Thị làm việc, lùi vào kế đó là một phòng nhỏ chừng 2 thước với 3 thước, có bộ sa-lông gỗ, để giáo sư ngồi nghỉ chờ giờ dạy, cũng là phòng khách.
Ở đại sảnh, kế tiếp phòng khách là cửa thông ra hành lang của 3 lớp học.
Theo hành lang này, bên tay phải trước khi đến ba lớp học là một kho, có tầng lầu dùng để máy chiếu phim cho Hội Trường và chứa sách vở, dụng cụ, học cụ của Trường. bên tay trái hành lang là giảng đường, giảng đường này dài chừng 20 thước, ngang khoảng 16 thước, giảng đường xây có những bậc thang, cuối giảng đường là sân khấu. Phần dưới giảng đường không liền với kho, vì có hành lang, nhưng phần trên hành lang, xây thành kho nối liền với giảng đường, nơi đây để đặt máy chiếu phim vào giảng đường như trong rạp chiếu bóng.
Tiếp theo sân cỏ và lớp Kỹ Nghệ Họa là Ký túc xá, nhưng nó kéo dài ra hướng tây. Ký túc xá này xây cất hầu hết là gỗ, mái theo kiểu nhà rông, có sức chứa 200 học sinh. Tầng trệt là phòng ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, tầng trên là phòng ngủ, nhà vệ sinh. Về phía cuối ở hướng tây, ngăn giữa nhà bếp với nhà vệ sinh cũng như phòng ngủ với nhà vệ sinh là một cầu thang, cầu thang này dẫn luôn lên tầng lầu hai chỉ có ba phòng, phần còn lại để trống, không có lót sàn. Một cầu thang nữa ở ngay đầu Ký túc xá, chỗ giáp với sân cỏ và giảng đường.
Chính 3 phòng trên lầu hai này, ông Huệ, ông Tuấn và tôi ở chung một phòng cuối ở phía tây nên có cửa kính nhìn ra chỉ thấy núi rừng. Hai phòng kia gia đình ông Hiệu Trưởng ở.
Về Xưởng thì có một dãy xưởng cũ có ba phòng, một phòng dành cho các giáo sư ở, hai phòng còn lại làm xưởng Kỹ Nghệ Gỗ. Trước xưởng này có cây cột cờ, mỗi buổi sáng học sinh chào cờ ở đây, có vài cây rừng to chừng một người ôm, trường để cho có cây xanh, bóng mát, xưởng này nằm dọc theo đường lộ, cách xa đường lộ trên 50 thước, như vậy nó cũng song song với Ký túc xá, nằm về hướng đông, cách xa Ký túc xá cũng chừng 50 thước, phía sau xưởng này là nhà ông Giám Thị Anh, sau nhà ông giám thị Anh là một con đường cũ, còn nhìn ra vì hai bên đường có hai hàng điệp tây gốc thật to. Mùa hè điệp trổ đỏ và nhiều tiếng ve sầu ở đó.
Một dãy xưởng mới cất nằm giữa xưởng cũ và Ký túc xá, thẳng góc và cách những nơi này cũng chừng 50 thước, nơi đây có Xưởng Kỹ Nghệ Sắt, Máy Dụng Cụ, Cơ Khí Ô Tô.
Trường mục đích ban đầu là xây cất dành riêng cho dân tộc thiểu số, các em học ở đây không đóng thứ tiền nào cả, ăn uống, quần áo, sách vở do chánh phủ cấp, cho nên học sinh của Trường gồm có các sắc dân vùng cao nguyên chủ yếu là Ra-đê, Chàm, Thái, M'nông, Ba-na, Cờ-ho, Sê-tiêng …
Khi đi dạy một thời gian tôi mới biết là người Ra-đê chủ yếu ở vùng Darlac và người Chàm là hai sắc dân có thể có cùng nguồn gốc vì học sinh Chàm nói chuyện với nhau, học sinh Ra-đê nghe hiểu họ nói gì, cũng như học sinh Ra-đê nói chuyện với nhau học sinh Chàm nghe hiểu họ nói với nhau về chuyện gì, đó chính là các em nói cho tôi biết.
Tôi có mua một quyển sách Học tiếng Ê-đê do Bộ Giáo Dục ấn hành, tôi cũng có học với các em học sinh tiếng Chàm, nhưng nói chung tôi không có khiếu về ngôn ngữ, tôi học từ lớp đệ thất đến đệ nhị Pháp văn, nay đến Pháp chắc tôi chỉ còn nghe và nói được Bonjour với Merci mà thôi ! Tôi học Hán văn bốn, năm năm, học đàm thoại một năm với bà giáo sư Khưu Thị Huệ, nay tôi chỉ còn nhớ :- Nị hạo ma ? - Tố xạo xẻn ? Ọa hện hạo. Và tiếng Chàm tôi học với các em nay chỉ còn nhớ: Ti nao ? (Đi đâu ?). Kao họa ô ? (ăn cơm chưa?)
Giáo sư dạy lớp có Đống Văn Quang, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Thiêm, Nguyễn Đức Lưu, Nguyễn Thị Lộc, dạy giờ có Trần Hữu Thời (Toán), Nguyễn Văn Huyên, Miss Diana Garnier, gs Ngọc (Anh Văn), gs Quang (Hội họa). Phụ tá Kỹ thuật: Kỹ sư Nguyễn Văn Hoán. Kỹ nghệ Sắt: gs Nguyễn Hữu Phòng, Lê Văn On, Đồng Văn Tập. Kỹ Nghệ Gỗ: gs Nguyễn Văn Hoanh, Nguyễn Văn Pháp, Nguyễn Văn Tâm, Y B’hram. Cơ Khí Ô Tô: gs Nguyễn Ngọc Xuân, Trương Anh, Quảng Đại Khẩn. Máy Dụng Cụ: gs Nguyễn Ngọc Yến, Lê Văn Hớn.
Giám thị: Ông Nguyễn Văn Anh, Y Huan Nié .
Phòng Hành chánh có: Ông Nguyễn Văn Tuấn Trưởng phòng, chị Tuyết, cô Dung, cô Liên.
Y tá: Bà Ngọc.
Hai người nấu bếp là: ông Hóa, ông Nghi và một lao công ông Nguyễn Văn Hội, cựu quân nhân.
Hầu hết giáo sư và nhân viên đều ở tại Trường, riêng các vị sau đây có nhà riêng hoặc ở trọ nhà ngoài: gs Nguyễn Đức Lưu, Nguyễn Văn Thiêm, Nguyễn Ngọc Xuân, Y B’hram, Y Huan Nié, cô Dung, bà y tá, ông Hóa, ông Nghi và ông Hội.
Trường vào năm đó, có ba lớp Đệ Thất, Hai lớp Đệ Lục, Hai lớp Đệ Ngũ và hai lớp Đệ Tứ, trong đó có một số học sinh Việt Nam được theo học, chế độ ngoại trú. Năm sau Trường được phép tuyển 2 lớp học sinh người Kinh, nên có tổ chức thi tuyển.
Là giáo sư chuyên nghiệp đệ nhất cấp, nên phải dạy 20 giờ tuần, tôi được phân phối dạy một số giờ cho các lớp đệ thất, đệ lục về Kỹ Nghệ Họa và Việt Văn. Thật tình mà nói, mới ra trường, lại không có sách giáo khoa, bắt tay vào dạy môn chính của tôi là Kỹ Nghệ Họa mới thấy khó, tôi phải bắt đầu dịch từ sách Pháp văn ra để dạy, còn môn Việt Văn thì dễ vì đã có sách giáo khoa, tôi cũng có học Văn khoa hai năm, nên dạy môn này cũng không khó lắm.
Trường có một Cố vấn Mỹ, còn cô Diana là Thiện Nguyện viên của tổ chức nào đó, cô dạy Anh văn cho Trường Kỹ Thuật Y Út và Trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột, có lúc cô dạy thêm Anh Văn buổi tối cho chúng tôi. Năm đó, sinh nhật cô, cô mời chúng tôi tới nhà trọ ăn Sinh Nhật, hôm đó cô mặc áo dài màu vàng vải nội hóa, dù cô yêu mến văn hóa Việt, nhưng chắc cô phải tập lâu ngày mới thấm nhuần, chứ không thể chỉ khoát chiếc áo mà thôi, trông cô với chiếc áo dài cũng hơi thô, như người Việt chúng ta mặc áo đầm, trường hợp đó tôi nhớ đến ông Hồ Hữu Tường bảo là lấy sở đoản chọi với sở trường. Chúng tôi đi dự có chị gs Ngọc, ông Hoán, Huệ, Pháp, Yến và tôi. Về sau cô Diana kết duyên với anh Chi giáo sư Anh Văn Trường Tổng Hợp Ban Mê Thuột.
Trước khi đi dạy, tôi đã hút thuốc, nhưng lúc ở chung trong một phòng ông Huệ và ông Tuấn không ai hút thuốc cả, ăn sáng xong, uống một ly cà phê sửa phì phà vài hơi thuốc ở một nơi lạnh lẽo thật là tuyệt, tuyệt hảo cho tôi nhưng trong căn phòng nhỏ, khói thuốc làm khó chịu hai người kia, tôi quyết định bỏ thuốc và tôi dứt ngang, không có bỏ ừ từ, không có hút bớt lại, không có ngậm kẹo …, chỉ cần một chút ý chí, bỏ là bỏ. Một hai hôm đầu có nhớ đến thuốc, nhưng không hút nó không làm cho tôi khó chịu, không gây cho tôi chút xáo trộn nào về thể chất. Sau đó tôi về Sàigòn, bạn tôi nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu mời hút thuốc, tôi cho anh biết, tôi đã bỏ thuốc. Anh nói có một linh mục nói với anh, anh nói lại cho tôi để biết: “Bỏ thuốc dễ, nhưng hút thuốc lại lại còn dễ hơn”.
Những người bỏ thuốc, sau khi hút lại, có kinh nghiệm cho rằng lời nhận xét ấy đúng lắm và còn cho biết thêm, trước khi bỏ thuốc, hút một ngày nửa gói, sau khi hút lại, hút ngày một gói. Tôi hút thuốc hồi còn nhỏ, khi ở nhà quê, tôi cùng mấy anh chăn bò vào buổi trưa thường ghé xóm kia chơi, xóm ấy người ta trồng thuốc lá, họ sắt thuốc lá thành từng sợi nhỏ bằng cộng chân nhang, rồi rãi lên một tấm đệm phơi, sau đó đạp lên thuốc đã phơi cho nó dẻ (xẹp) xuống, cuối cùng người ta phân ra từng miếng, rồi xếp lại thành một bánh thuốc.
Chúng tôi giúp họ, dẫm đều thuốc lá trên chiếc đệm ở ngoài trời nắng chang chang, trả công chúng tôi, họ xé một nắm thuốc cho, các anh lớn lấy thuốc rồi ra sau hè tìm lá chuối non, xé một miếng, bỏ thuốc vào đó vấn hút. Vì những năm đó chiến tranh, không nhập cảng được vải vóc, nên phải dùng bông vải dệt vải ta, không có nhập cảng được giấy, không có giấy quyến vấn thuốc, người ta phải xé giấy nhật trình, sách, giấy tập học cũ để vấn thuốc. Vì không có vải, có người phải lấy bao bố tời may quần áo mặc tạm, vì không có quần áo nên mặc hoài một bộ, do dơ bẩn nên sinh ra rận và rệp. Câu nói: “Nghèo mạt rệp”, có sống qua thời đó mới hiểu đầy đủ ý nghĩa của nó. Còn hút thuốc, xé cả sách vấn thuốc, nhiều quyển sách quý đã bị đốt vào tời kỳ này! Tôi biết hút thuốc từ đó. Hồi thời Hòa Hảo, mấy anh bộ đội Hòa Hảo nhờ tôi đi mua thuốc lẽ Capstain hay Ách Chuồn để mấy ảnh pha với Cần sa hút, mấy anh ấy cho tôi thử, cho tôi hút, khi quân đội quốc gia tấn công, mấy anh bỏ chạy, tôi cũng bỏ hút luôn từ đấy.
Những học sinh Thượng, ngày nay tôi còn nhớ như Y Tàlung Arul, sau em học Bách Khoa Trung Cấp Sàigòn và nghe đâu về sau em về dạy tại Trường Y Út, em Não Văn Anh người Chàm cũng giống như Y Tàlung Arul, những học sinh khác như Ngô văn Ngym, Nguyễn Văn Nha, Đèo Văn Khang, Linh Ký Nam, Não Minh Tròn, Thạch Văn Mè, Nguyễn Hữu Trí.
Não Minh Tròn, người em tròn trịa và hơi lùn tương xứng với tên của em, đặc biệt em có đôi mắt sáng ngời, luôn luôn tươi cười. Linh Ký Nam rất lanh lợi, em cho biết, em là cháu của tướng Linh Quang Viên, nhà em có nhà máy xay lúa nhỏ, có lần em mời tôi về nhà em chơi, rồi em dẫn tôi ra suối, đi tìm cà phê cức chồn.
Cà phê cức chồn người ta khen ngon, thật ra thì con chồn khi ăn, nó lựa những trái cà phê chin đỏ, những trái thật ngon nó mới ăn, trái cà phê vào bụng chồn chỉ tiêu phần vỏ lụa, khi nó đi tiêu, phân nó thành một cục dài như trái chuối cao toàn là hột cà phê tốt.
Nhưng cà phê ngon không phải chỉ là yếu tố giống cà phê ngon, mà nó còn yếu tố pha chế. Trước đó Linh Ký Nam có cho anh Lê Văn Hớn và tôi mỗi người nửa ký cà phê cức chồn, đêm về pha uống cũng chẳng ngon hơn cà phê ngoài tiệm “các chú”. Hồi còn nhỏ học ở Châu Đốc, bên cạnh nhà chú tôi là nhà bà Xẩm chủ tiệm nước Thái Bình, thỉnh thoảng tôi thấy một anh người làm, đem lò than và dụng cụ rang cà phê, ngồi sau nhà rang. Dụng cụ là một ống rang, ống làm bằng lưới kẻm, cọng kẻm bằng cọng chân nhang, ống đường kính chừng gang tay, dài độ hai gang tay, ở giữa xỏ một cây sắt tròn chừng ngón tay, một đầu ló ra khỏi ống chừng nửa gang, đầu kia ló ra khỏi ống dài chừng 2 gang tay, uốn thành một tay quay, người ta hàn cho ống và tay quay dính chặt nhau, ở giữa thân ống làm một cái cửa chừng nửa bàn tay, có nắp đậy lại và được gài chặt, không thể tự động mở nắp. Lại có một cái giá cũng bằng cây sắt để nâng giữ tay quay ở hai đầu ống. Trước tiên người ta mở nấp đổ hột cà phê khô vào, đóng nắp gài cẩn thận, đặt ống lên giá, bên dưới ống là lò than cháy đỏ, người ta bắt đầu quay tay quay từ từ, đều tay, ống có cà phê bên trong tự trộn đều, đến lúc nào đó, người rang mở cửa sổ cho beurre vào, đến lúc nào đó người rang lại cho rượu Rum vào, những lúc đó cà phê bốc khói và lan tỏa mùi thơm.
Cho nên cà phê ngon phải là giống cà phê ngon, hạt cà phê tốt, với hương vị và bí quyết rang. Người ta có thể lựa cà phê lúc thu hoạch, cà phê trái có chùm như chum hạt tiêu, nhưng hạt nó to gắp ba bốn lần, nên chùm cà phê to hơn chùm tiêu gắp ba bốn lần, hái cà phê lựa chùm nào chín đều mới hái, sau khi chà sát bỏ vỏ lụa, người ta lại lựa những hạt cà phê tròn đều, cho nên các thương hiệu cà phê sẽ ghi thêm “Premier Choix”. Tôi nhớ có lúc theo ông Nguyễn Văn Anh, ra một nhà thầu người Hoa, cung cấp thức ăn và dụng cụ như chổi, bùa cào, xẻng cho Trường, thường gặp người Hoa này ngồi lựa từng hạt cà phê trong một cái nia có khi là cái sàng.
Có lần ông ta kể chuyện, ông là cháu của Thái Thạch, một cửa hàng bán rượu danh tiếng trên đường Catinat Sàigòn, cửa hàng này ở ngã tư, xéo bên kia là rạp hát Majestic. Một hôm ông ta xuống hầm rượu, thấy một chai rượu chát lưu niên, không thấy khách mua uống, ông ta bèn lấy uống cho trống chỗ, ông ta không biết đó là chai rượu ngon lại để dưới hầm lâu năm, tuy dễ uống, nhưng ông ta đã bị say đến ba ngày. Sau này, tôi gặp phải trường hợp tương tự đáng thương tâm. Số là vào dịp hè đi gác thi, anh Nguyễn Hữu Chí giáo sư Kỹ Thuật Cao Thắng có đứa em thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, gặp chúng tôi là đồng nghiệp, anh nhờ giúp đỡ, chắc cũng là nói hờ, suốt kỳ thi tôi không gác phòng em anh Chí thi, không biết các đồng nghiệp khác có giúp đỡ không, kỳ thi ấy em anh Chí đỗ, kết quả rồi, anh mời chúng tôi đi ăn một bửa ở quán Thanh Tuyền trên đường Nguyễn Cư Trinh, khi ăn uống xong rồi, ăn tráng miệng rồi, nhưng anh em còn hứng thú chuyện trò vì sau khi ra trường mỗi người một nơi, lâu ngày mới gặp lại, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện chánh trị, chánh em, chuyện thời cuộc trong, ngoài nước đủ cả. Thấy ngồi lại quán lâu mà không ăn uống gì bất tiện, sẵn năm đó Tổng Cục Tiếp Tế có nhập về rượu chát 5 lít một chai, anh nào đó gọi một chai uống chơi, nghĩ rằng nó dễ uống, ai cũng uống được, nên ai cũng nhâm nhi bù lại sau những ngày gác thi, chấm thi.
Sáng hôm sau, tôi đi xe đò về Long Xuyên, lên xe tôi vẫn “lắc lư con tàu đi”, cho đến khi về tới Long Xuyên 12 giờ trưa tôi mới tỉnh rượu, sau nghe lại anh Trần Phát Lạc, giáo sư Cao Thắng cùng với vợ là giáo sư Triệu Thị Chơi và đứa con trai nhỏ, anh lái xe Toyota đưa cả nhà về thăm gia đình ở Tây Ninh, dọc đường bị tai nạn, đứa con trai chết, anh bị thương cột sống, nằm bệnh viện ba tháng, rượu chát dễ uống nhưng say ngầm, thật tai hại!
Các Trường Kỹ thuật hàng năm sử dụng một số tiền khá lớn của ngân sách quốc gia, vì các nguyên liệu trường phải mua sắm rồi phân phối cho học sinh thực hành, thực hành xong món thủ công, giáo sư chấm điểm xong rồi vất bỏ. Chẳng hạn như phát cho học sinh một thỏi sắt để tập dũa cho các mặt phải thật bằng phẳng, rồi mặt nọ phải thẳng góc với mặt kia, hoặc phát hai miếng sắt, tập cưa dũa đục một miếng thành mộng đực, miếng kia thành mộng cái, khi lắp lại phải khít khao, đưa lên ánh sáng, ánh sáng không lọt qua các mặt hai mộng tiếp xúc nhau, học sinh thực hành rất công phu, nhưng cuối cùng cũng vất bỏ, hao phí ngân sách. Cho nên Nha Kỹ Thuật Học Vụ lập ra Quỹ Sản Xuất, dùng tiền của quỹ này mua nguyên vật liệu, lấy nguyên vật liệu này cho học sinh làm thủ công, thực hành, nhưng thủ công bán được để lấy lại vốn cho Quỹ Sản Xuất.
Trường Ban Mê Thuột còn xin được ngân sách tiền, để mở các lớp dạy nghề, đào tạo công nhân ngắn hạn, lớp mở dạy mỗi khóa 3 tháng, học viên là những người trong tuổi lao động, nhân đó ông Đống Văn Quang mở một lớp dạy Thợ Hồ, Thợ Hàn, Thợ Mộc. Học viên thợ hàn làm khung cửa sổ, thợ mộc làm cửa sổ, cửa cái, thợ hồ xây nhà. Riêng thợ hồ, ông mời một kiến trúc sư dạy. Và cuối khóa học, Trường có một ngôi nhà gạch, nằm trước mặt trường, mặt nhìn ra đường đi vào trường, lợp Fibro, có 4 phòng: một phòng khách, hai phòng ngủ và một phòng dùng làm nhà bếp, vệ sinh. Sau này ngôi nhà đó dành cho Hiệu Trưởng ở.
Và xây một căn nhà gỗ, ngang, dài chừng 6 thước, nằm ở góc cuối đất Trường về hướng Đông Bắc, cách dãy xưởng mới cất chừng 100 thước. Về sau gs Nguyễn Hữu Phòng và gia đình ở căn nhà này.
Về thành phố Ban Mê Thuột, vốn phát xuất từ Buôn tiếng Ê-đê là làng, Mê Thuột là đọc trại của Ama Thuot là tên của vị Tù trưởng, quyền uy, giàu có vùng này ngày xưa, cho nên người Ê đê gọi Buôn Ama Thuot là Làng của ông Ama Thuot, người Pháp gọi là Buon Ma Thuot, người Việt chúng ta gọi là Buôn Ma Thuột hay Ban Mê Thuột, nó là Tỉnh lỵ của tỉnh Darlac. Chữ Ban Mê Thuột, người ta diễn dịch ra xứ Bụi Mịt Trời, Buồn Muôn Thuở, Bánh Mì Thịt…
Thành phố nhỏ chừng 4 cây số vuông, dân cư chừng 10 ngàn, Chợ không có nhà lồng như các chợ khác, chỉ là những Kios, nhưng đặc biệt có rất nhiều Kios bán vàng chen lẫn với những hàng thịt, cá, rau cải. Vàng thật bán ở chợ Ban Mê Thuột như vàng giả bán ở Sàigòn!
Trước chợ có một rạp chiếu bóng, bên hông chợ là hai dãy phố, trong đó dãy phố phía đông có hiệu thuốc tây của cụ Tôn Thất Hối, thân phụ ông Tôn Thất Niệm, là nhạc phụ của ông Trần Quang Thuận, nhân sĩ Phật Giáo. Phía sau nhà thuốc Tây này là dãy phố có quầy vé Hàng Không Việt Nam, khoảng năm 1970, quầy vé đã chuyển đi chỗ khác.
Đường trước chợ và rạp chiếu bóng là đường Phan Bội Châu, dẫn đi về hướng Tây, trên đường đi có chùa Sắc Tứ Khải Đoan, ghép tên vua Khải Định và Đoan Huy hoàng thái hậu, chùa xây cất năm 1951, là chùa Sắc Tứ cuối cùng của nhà Nguyễn, chùa cất bằng gỗ quý, lợp ngói, có một Chánh điện và một hậu liêu riêng biệt, cạnh đó có Trường Trung Học Bồ Đề, đi xa hơn một chút là một đơn vị pháo binh.
Từ phía sau Trường Kỹ Thuật có thể trông rõ Chùa Khải Đoan vì giữa chùa và Trường là một thung lũng, nên không bị cây cối che mắt, đêm đêm ở Trường nghe rõ tiếng đại hồng chung của Chùa những buổi công phu.
Có nhiều đêm nghe rõ tiếng súng đại bác, nghe được tiếng đạn bay và có khi tôi đếm tiếng bắn cho đến khi tiếng nổ từ một chốn xa xa.
Đường phía sau chợ là Quang Trung, đi về hướng tây là một thung lũng, có suối, gọi là Suối Đốc học, đi về hướng đông, qua khỏi hai ngã tư rất ngắn là bùng binh ngã sáu, nơi đây có nhà thờ Chánh toà, có rạp hát Thống nhất dành cho cải lương, có một đường đi ra phi trường, một đường khác đi đến Trung Học Tổng Hợp, đường trước mặt nhà thờ chánh tòa là đường đi về Sàigòn. Từ ngã sáu theo đường này đi về nam, bên tay trái, trước tiên là Rạp hát Thống nhất, kế đó khuôn viên của cụ Tôn Thất Hối, tiếp đó là Tiểu Khu, cạnh Tiểu Khu là Toà Tỉnh, kế đó là con đường, tiếp theo con đường là Ty Ngân Khố. Con đường này đi xuống dóc, dưới dốc là con suối, cạnh suối có Hồ Tắm của Bảo Đại, lúc tôi đến đã hoang tàn vì không ai chăm sóc, đôi phiến đá đã mất, tuy nhiên vẫn có thể tắm, qua bên kia suối là xóm dân cư. Ty Ngân Khố Tết Mậu Thân đã bị san thành bình địa.
Bên tay phải từ ngã sáu xuôi nam trước tiên là Ty Điện Lực, qua khỏi đó là Bưu Điện, qua khỏi Bưu Điện là Sân Vận Động, qua khỏi Sân Vận Động là một dãi tường dài bao bọc Biệt Điện của Bảo Đại, đối diện bên kia tường là Tiểu Khu và Toà Hành Chánh, đi đến hết tường biệt điện là một công viên, nằm trước mặt Biệt điện, qua khỏi công viên là công ốc của Tòa Đại Biểu Chánh Phủ Cao Nguyên Trung Phần, sau Mậu thân trở thành Ty Ngân Khố...
Con đường chạy ngang trước Biệt điện là đường Nguyễn Du, về hướng đông đi ngang qua hông toà tỉnh, đi xuống hồ tắm, về hướng tây đi qua Ty giáo Dục, Truờng Tiểu Học và Trung Học Kỹ Thuật, bên kia đường là Ty Y Tế và Bệnh Viện.
Ở đầu chợ, nối liền dãy phố có nhà thuốc Tây và Air Việt Nam, có hai cửa hàng lớn, tôi có quen với chủ nhân của một trong hai cửa hàng ấy, tên là Trúc Lâm.
Ở cuối chợ có hiệu may quần áo Hoàn Toàn, là nhà thầu hàng năm cung cấp quần áo đồng phục xanh dương cho học sinh Trường Kỹ Thuật, sau năm 1975, ông Hoàn Toàn về Ngã Sáu Sàigòn, kinh doanh cửa hàng bán dụng cụ thể thao.
Ở góc ngã tư bên kia đường, về phía tay trái của hiệu may Hoàn Toàn, có một cửa hàng sách báo, có hai chị em Phượng, Phi. Chị Phượng hơi thấp người, cô Phi hơi tròn trịa một chút, cả hai đều trắng trẻo, dễ nhìn, mỗi chiều, ông Huệ và tôi thường ra đó mua sách báo, đứng lựa nói vài câu với Chị Phượng hay Cô Phi. Ông Huệ đã có fiancé, nếu không thì ông và chị Phượng cũng rất xứng đôi. Ông Huệ. Không dấu diếm gì chuyện ấy với tôi, theo lời ông nói: Gia đình chị Phượng ở vùng Phú Nhuận, nhà có xe hơi. Chị Phượng luôn tươi cười nên có duyên hơn cô Phi luôn luôn im ỉm. Dĩ nhiên có nhiều chàng trai nhà lành, sĩ quan trẻ trồng cây si nơi quán báo này.
Hè năm 1967, tôi lập gia đình, và nghỉ Hè tại nhà nhạc gia tôi. Một hôm tôi đi chơi về, nghe nói có người đàn bà ẩm theo đứa con nhỏ mới sanh ngoài tháng tìm tôi. Tôi biết, tôi không liên can gì, nhưng chắc chắn để sự nghi ngờ lớn cho bên nhà vợ. Đến khi về nhà, gặp chị ấy tôi không biết là ai, chị ấy nói cho tôi biết, chị là vợ anh Kỹ sư Hoán, ở Quảng Ngãi vào, xin ngủ nhờ nhà tôi một đêm để sáng mai đi Ban Mê Thuột. Vì nhà không có chỗ, không thể để chị ấy với đứa con nhỏ phải “ăn chay, nằm đất”, nên tôi chạy đến nhà gs Lê Văn Hớn ở trong hẽm cạnh rạp hát Thái Bình ở gần chợ Thái Bình, đường Phạm Ngũ Lão, vì nhà anh Hớn 3 tầng, chỉ sống có hai mẹ con. Chuyện này, đáng lý ra ông Hoán phải tin cho tôi biết trước, đàng này không, làm cho tôi hụt hẩng không biết chuyện chi. Sau đó, gặp lại nhau, chỉ biết cười xòa. Con gái ông Hoán năm nay cũng đã ngoài 40, anh Hớn cùng tuổi với tôi, anh cũng bị động viên khóa 27, cùng học Quân cụ, cùng xuống vùng 4, anh ở đơn vị Kho Đạn Bình Thủy, Cần Thơ, rồi được biệt phái Trường Kỹ Thuật Ban Mê Thuột như tôi, sau anh chuyển về Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức, cưới con gái bà chủ nhà Bảo sanh Thái Bình, trên đường Phạm Ngũ Lão, sau anh vượt biên sang Đức, có gửi về cho tôi món quà, nay tôi mất liên lạc với anh.
Hết Hè, khi trở lại dạy thì ông Đống Văn Quang đã thuyên chuyển về Sàigòn, hình như ông Quang bị rắc rối chi đó về vấn đề học sinh. Kỹ sư Nguyễn Văn Hoán lên làm Hiệu Trưởng, gs Nguyễn Văn Hoanh làm Phụ tá Kỹ thuật.
Tình hình Ban Mê Thuột có vẻ bất an vì sự hoạt động của phong trào FULRO (chữ viết tắc của tiếng Pháp: Front Uni de Lutte des Races Opprimées gồm có người Chàm, người Thượng, người Campuchia Krom. Có một hôm tòa Tỉnh cho biết cần phải đề phòng, có thể Fulro sẽ quấy phá, đêm ấy ông Hoán, Huệ, Hớn và tôi không dám ngủ trong trường, phải đi ra phố chơi tới khuya, rồi lặng lẽ về căn nhà gỗ chỗ im vắng để ngủ, một đêm chịu rét căm căm vì nhà ấy chưa có cửa kín then cài, nhưng cuối cùng có thể tin tức tình báo không chính xác, chuyện Fulro quấy phá không xảy ra.
Một lần khác, đêm khuya đang ngủ yên giấc, tôi bổng bị gọi dậy, ông Huệ cho biết học sinh ồn ào ở dưới, chắc là có Fulro về, nên “dĩ đào vi thượng sách”, thế là ông Huệ, Tuấn mở cửa phòng, dọt lẹ qua tòa Tỉnh, tôi chậm chân nên không dám chạy theo, đành khóa cửa tử thủ, chừng một giờ sau mấy ông chạy lánh nạn quay về, cho biết bên tòa Tỉnh phái người qua dọ thám, kết quả cho biết có vài học sinh uống rượu say, trong số đó có em Thạch Văn Mè, người Chăm.
Theo thỏa thuận của chánh phủ với phong trào Fulro thì ở Trung ương có ông Bộ Trưởng Sắc Tộc Paul Nưr, những tỉnh có dân tộc thiểu số, có thêm một Phó tỉnh trưởng sắc tộc, ông Phó tỉnh trưởng Đạc Lắc là người Ê-đê có học kỹ thuật thời Pháp, ông bị cụt một tay, vì là cựu học sinh kỹ thuật nên ông luôn quan tâm, giúp đỡ học sinh và Trường Kỹ Thuật Ban Mê Thuột.
Tôi dạy được một niên khóa, niên khóa sau dạy nửa chừng, tôi bị gọi đi khóa 27, tưởng như lần trước, khóa 26 bị gọi đi vào Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngũ ở Quang Trung mấy hôm, ăn bánh mì kẹp chả lụa, dùng cà phê đen súc miệng, nghe Trịnh Công Sơn nghêu ngao hát mỗi buổi trưa trên con đường nhựa, dưới những tàng cây bả đậu, chán ở lại được cho về, lần này mới vào hai hôm, nghe họ Trịnh hát chưa đã, một chiều 12-1-1968 được gọi tên, bỏ lại chiếu mùng, leo lên GMC tài xế trực chỉ Trường Bộ Binh Thủ Đức.
Tôi đã trải qua khóa 27 Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trường Quân Cụ Gò Vấp, nơi đây có lệnh làm đơn xin biệt phái, rồi tiếp tục ra đơn vị Đại Đội 21 Quân Cụ ở Sóc Trăng, làm Trung Đội Trưởng Lưu Động ở Cà Mau, lại chuyển về làm Trung Đội Trưởng Hậu Cứ của Đại Đội Bảo Toàn, Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận. Ở đây tôi đã kết bè với giáo sư Hồ Ngọc Thu, ăn cơm quán, ngủ trong đơn vị, rảnh rang đi Bãi xào, uống bia. Đến đầu tháng 9 năm 1969 tôi được giấy biệt phái, Đại úy Đại Đội Trưởng Nguyễn Ngọc Sang nói với tôi: “Anh ở chơi với anh em thêm vài ngày nữa, rồi tôi ký Giấy phép cho anh nghỉ thêm 10 ngày ở Sàigòn với vợ con, sau đó anh sẽ đi trình diện Trung Tâm 3 Quảng Trị”. Vài ngày của Đại úy Sang, tôi phải ở lại đến nửa tháng để cùng Thiếu Úy Thu sáng, trưa, chiều, tối đi uống bia do bạn bè đãi, có khi do đàn em đãi, có khi chỉ có hai đứa với nhau, tôi sợ nhất những ngày này, vì nhiều trường hợp người ta được giấy giải ngũ mấy ngày chót phù du đó lại bị chết do lằn tên mũi đạn vô tình, cho nên ngày chót tôi ra Air Việt Nam Sóc Trăng lên phi cơ về Sàigòn.
Nghỉ hết 10 ngày phép ở Sàigòn, tôi trở lại Trường vào cuối tháng 9 năm 1969, ông Nguyễn Văn Hoán vì một chuyện chi đó, bị chuyển về Sàigòn, ông Nguyễn Văn Huệ lên làm Hiệu Trưởng. Tôi được ông Huệ đưa lên làm Phụ tá Học Vụ và Học Sinh Vụ, kiêm luôn Phát Ngân Viên thay thế ông Y B’Hram, một số các giáo sư mới ra Trường Sư Phạm Kỹ Thuật được phân bổ về Trường như giáo sư Hoàng Văn Thư dạy Kỹ Nghệ Họa, Lê Văn Quang dạy Kỹ Nghệ Gỗ, Nguyễn Quí Hảo, Nguyễn Văn Diệu, Trần Văn Long dạy Máy Dụng Cụ, giáo sư Phạm Thị Lài tốt nghiệp Sư Phạm Nữ Công Gia Chánh và Quảng Đại Hội tốt nghiệp Bách Khoa Trung Cấp dạy Kỹ Nghệ Gỗ.
Phòng hành chánh, ông Tuấn đã chuyển đi, ông Đoàn Ái Hảo, từ Trường Kỹ Thuật Huế chuyển vào làm Trưởng phòng hành chánh.
Nhưng Trường cũng có ông Đồng Văn Tập, bỏ dạy học đi theo phong trào Fulro.
Tôi có đưa nhà tôi và một đứa con gái lên ở trong Trường, tôi lấy một trong hai phòng, trước kia gia đình ông Quang sử dụng để ở, phòng còn lại anh Quang, anh Diệu và anh Long ở. Nhà tôi ở Ban Mê Thuộc được hai tháng, thấy không thích hợp nên quay về Sàigòn, đi làm lại ở Tòa Đô Chánh.
Mặc dù ông Huệ muốn cột chân tôi lại, nhưng chồng đâu vợ đó chớ không thể sống “một kiểng hai quê”, nên tôi chờ đợi hết niên khóa để xin đổi về Sàigòn.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Xuân dạy học, nhưng có nhà cửa tại Ban Mê Thuột, có cơ sở sửa chữa xe, lại mua đất ở Buôn Hô cách Ban Mê Thuộc chừng 40 km để trồng cà phê, một số giáo sư như Nguyễn Văn Hoanh, Nguyễn Quí Hảo, Lê Văn Quang … theo chân gs Xuân cũng mua đất, mua máy bơm nước, trồng cà phê.
Ban Mê Thuộc là rừng, nên có nhiều bướm, nhiều màu sắc khác nhau, đến mùa, bướm bay khắp chốn, trước khi thành bướm, nó là sâu, ở Ban Mê Thuộc có một loại cây, lá nó bằng ngón tay, đến mùa sâu đầy cây, mỗi con lớn hơn cọng chân nhang, dài cở hai lóng tay, toàn thân màu xanh, hình như nó là loại sâu đo, vì khi di chuyển, nó cong mình lại rồi búng tới một cái, thân nó di chuyển một khúc, người Thượng bắt sâu đó bỏ vào miệng ăn tươi, nuốt sống nó trông có vẻ ngon lành lắm, sâu này ăn chừng ba ngày là sạch lá của cây.
Một hôm, sau khi ăn cơm từ nhà ông giám thị Anh đi về phòng nghỉ trưa, tôi thấy có một số học sinh và trẻ con Thượng chừng 10 em, có đứa leo lên cây, có đứa đứng ở dưới chỗ mấy cây gần cột cờ, chúng bắt sâu ăn.
Đến giờ học buổi chiều, tôi đang ở phòng làm việc, chợt thấy chị Nguyễn Thị Lộc vợ ông Huệ, hớt hơ hớt hải, chạy đến phòng tôi, chị nói:
- Anh mau đến lớp, xem học sinh nghịch ngợm quá quắc !
Tôi đi mau đến lớp Đệ lục của chị Lộc dạy, học sinh đã vào lớp, thấy tôi đến, các em đứng lên, từ ngoài cửa, nhìn trên bàn giáo sư, tôi thấy 6, 7 con sâu đang bò, tôi hiểu chị Lộc sợ sâu, tôi hỏi:
- Em nào đã bỏ sâu lên bàn, dơ tay lên, hoặc thấy ai bỏ sâu lên bàn, chỉ cho tôi biết.
Tôi hỏi đến ba lần, không em nào nhận mình đã bỏ sâu lên bàn giáo sư, tôi biết ít ra phải có ba bốn em làm việc đó, nhưng không em nào dám nhận, tôi cũng giận, nên phạt các em:
- Không em nào nhận cả, cũng không em nào cho biết đã thấy ai bỏ sâu lên bàn, như vậy có người làm lỗi, có người đồng lõa giống nhau, bây giờ tất cả lấy cây thước hay cây bút chì ngậm vào miệng, quỳ gối lên, giăng hai tay ra.
Các em răng rắc làm theo tôi, và tôi đứng đó đến 15 phút mới cho các em ngồi xuống, và nói với các em:
- Tôi phạt để các em nhớ, từ nay không nên có bất cứ hành động nào vô lễ với giáo sư, người Việt chúng ta tôn kính thầy, cô trên cha mẹ. Cha mẹ các em, các em không đùa nghịch phá phách như vậy, tại sao lại làm cho cô giáo sợ mấy con sâu đó?!
Còn một việc nữa, tôi muốn nói với các em, ra đường nhiều em gặp giáo sư không chào hỏi, đó là việc thiếu lễ độ của một học sinh đối với Thầy, Cô giáo. Từ đây về sau, tôi khuyên các em, gặp giáo sư của Trường bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào cũng phải chào, người ngoài nhìn vào sẽ khen học trò Kỹ Thuật lễ phép. Tôi biết, một số các em nội trú nghĩ rằng đi ra ngoài là phạm kỷ luật, tránh chúng tôi không chào, sợ chào giáo sư biết mặt sẽ bị phạt, nhưng các em thấy chúng tôi là chúng tôi đã thấy các em rồi, phạt hay không là chuyện khác, một học sinh lễ phép, giáo sư dễ tha thứ hơn là học sinh vô phép, hơn nữa các em nghĩ coi, các em cúi đầu chào chúng tôi, chúng tôi cũng phải cúi đầu chào lại, ai lỗ hơn ai ?
Từ lần tôi nói chuyện với các em đó, ra đường các em chào chúng tôi quá lễ phép, không phải chỉ cúi đầu mà thường các em đứng lại khoanh tay cúi đầu chào rồi mới đi, còn chuyện tôi phạt tập thể như vậy, đáng lẽ ra chỉ nên giảng cho các em hiểu về sự tôn kính các giáo sư, biết tự trọng và tự giác về những điều sai trái của mình, làm được vậy thì tốt hơn là phạt tập thể các em.
Tôi cũng thường đi chơi với các em học sinh, có hôm đưa 6, 7 em đi đến lâm viên quốc gia cấm trại, thầy trò cùng nhau đi tìm hái lá sâm, đem về tôi vò lá sâm, hôm sau giờ nghỉ, các em đến phòng tôi ăn lá Sâm.
Tôi cũng cùng vài học sinh khác, vào đồn điền của em Nguyễn Hữu Trí, hái ổi, đu đủ ăn, đất Ban Mê Thuột rất màu mở, trồng cây ăn trái cho trái to, khoai lang củ lớn nhưng ăn không ngọt.
Tôi có được ông Châu đạo xưa ở đất Bắc, nay vào định cư ở làng Hòa Bình toàn người Thái, ông có con học ở Trường, một ngày con ông bỏ học vô cớ, tôi phải mời phụ huynh đến để báo con, em vắng mặt, phụ huynh là ông Châu đạo cũ, đến gặp tôi, rồi ông mời khi nào có dịp ghé qua nhà ông chơi, sẵn đi mua cao hổ cốt, tôi đã ghé nhà ông, được ông tiếp đón niềm nở, Tùng Nghĩa ở Đà Lạt cũng là một làng Thái, vì cũng có học sinh từ Tùng Nghĩa lên Ban Mê Thuột học.
Cuối năm 1969 hay đầu năm 1970, lực lượng Fulro có làm lễ trở về với quốc gia, lễ chánh tổ chức tại Sân Vận Động Ban Mê Thuột. Một lễ khác tổ chức tại đại sảnh Trường Kỹ Thuật do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa với người Thủ Lĩnh FULRO trở về hợp tác với chính phủ. Trong buổi lễ có nghi lễ uống rượu Cần, sau đó yến tiệc do Tổng Thống Khoản đãi, trong thức ăn, có một con bò thui nguyên con, đứng thế hùng dũng, khi ăn lấy dĩa, dao, muỗng, nĩa, đến bên con bò, muốn ăn chỗ nào, dùng dao cắt chỗ đó.
Học trò của Trường được làm hàng rào danh dự đứng dài theo đường vào Trường, ông Nguyễn Văn Huệ đứng một đầu hàng, tôi đứng một đầu hàng, khoảng 11 giờ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến, Tổng Thống xuống xe, đến bắt tay ông Huệ rồi sang bắt tay tôi, hôm ấy Tổng Thống mặc nguyên bộ đồ trắng bốn túi, ông quay lưng đi rồi, tôi nhìn thấy tóc ông đen, nhưng ở phía sau có một chòm tóc bạc trắng cỡ chừng ngón tay.
Hôm ấy Thứ Bảy, ông Huệ và tôi có giờ dạy thêm ở Trường Tổng Hợp, khoảng 1 giờ trưa chúng tôi đi dạy, lễ đang vào tiệc, buổi chiều dạy xong về, tôi hỏi ông Anh:
- Ché rượu cần còn đây không Bác Anh ? Tìm uống cho biết rượu cần!
Ông Anh cười trả lời:
- Ché rượu cần, các ông bên tòa Tỉnh mang về ngay sau khi Tổng Thống ra về, họ cho biết đổ vào đó toàn là Whisky, chớ có phải nước lã đâu.
Những năm ở Ban Mê Thuột, tôi không uống rượu cần, sau nầy năm 1972 hay 73 trở lại tổ chức thi tuyển vào Đệ Thất, ông Mai Văn Tánh, Hiệu Trưởng Trung Học Kỹ Thuật Phước Tuy, chánh chủ khảo cùng tôi và vài giáo sư, đi vào Buôn Ê Ban, đến nhà ông Y B’Hram xin uống rượu cần, lúc đó ông đã về hưu, nhà không có rượu, ông nhờ người đi mượn hàng xóm, ông cho biết rượu làm từ cơm, khi uống lễ, người ta dùng một cái chén, một cái tô, một cái ly cối, đầu tiên người ta đỗ nước vào đầy ché, kế đó người ta dùng bất cứ cái chén, cái ly, hay cái tô múc đầy nước, để khi chúng ta dùng cái cần uống tới đâu, người ta đổ nước vào đầy ché lại cho đến khi nào hết nước trong chén hay tô thì thôi. Nhưng hôm ấy ông Y B’Hram bảo, các anh cứ uống tự nhiên vì không phải lễ lộc, không bó buộc chi cả.
Năm 1969 hay 1970, có cuộc bầu cử, lần đó ông Huệ không có mặt để bốc thăm về địa điểm Trường phải giữ một đơn vị Bầu Phiếu, ông Phó tỉnh trưởng thượng vụ đại diện cho Trường, bốc thăm Trường phải giữ đơn vị Bầu Phiếu ở Nhà máy Thủy Điện, đây là một nhà máy do Pháp xây dựng từ trước, cung cấp điện cho toàn thành phố, mỗi tháng vào một ngày nhất định toàn bộ bị cúp điện ban ngày để nhân viên nhà máy tu bổ các Turbine. Nơi đây gần thị xã, nhưng vào lúc đó đường bộ không an ninh, nên ông Phó tỉnh trưởng xin cho đơn vị chúng tôi đi bằng trực thăng, vào đó trước một ngày, hôm sau bầu cử theo quy định từ 6 giờ sang đến 6 giờ chiều, nhưng tòa Tỉnh yêu cầu khoảng 3 hay 4 giờ sẽ có trực thăng vào bốc thùng phiếu về, nên phải chuẩn bị từ 3 giờ, có trực thăng đến, phải lên ngay để tránh bị pháo kích.
Trưa hôm trước, khoảng 1 giờ, chúng tôi có mặt ở phì trường L19, rồi trực thăng bốc vào Nhà máy thủy điện, trực thăng cất cánh khoảng 15 phút là đáp xuống. Chúng tôi ở đây có dịp đi tham quan nhà máy thủy điện, nhà máy này có 3 turbine, 2 cái chạy, một dự phòng, nước trên đập cao chừng 50 thước, có ống thép, đường kính chừng 1 thước, dẫn xuống turbine làm quay cánh quạt, turbine quay, thế là phát điện, đứng gần các turbine chỉ nghe tiếng quay vo vo rất nhỏ, sau khi quay turbine, nước đổ ra chảy thành dòng thác.
Xung quanh toàn là cây rừng, âm u, tĩnh mịch.
Hôm sau, đơn vị mở cửa, bắt đầu bỏ phiếu, chỉ có le que mấy nhân viên Nhà máy thủy điện, chờ đến 8 giờ mới tìm cách liên lạc hỏi về tòa tỉnh, không ai biết tin tức tại sao đồng bào chưa đi bầu phiếu, cho đến gần 9 giờ, trung tâm điều hành tỉnh mới cho biết, đồng bào tưởng thùng phiếu ở cầu 14, họ đã đi ra đó từ 5, 6 giờ sáng, nay biết thùng phiếu đã mang tận chỗ của cử tri, họ sẽ đi về để bầu phiếu, nhưng ít ra phải 11 hay 12 giờ họ mới về tới.
Biết vậy chúng tôi an tâm chờ, đến khoảng 11 giờ 15 lần lượt có đồng bào thiểu số đến bầu phiếu, chúng tôi mừng và cảm thấy thương cho họ phải vất vả lội đi 9, 10 cây số rồi phải lội lộn về, đàn ông đi rừng đã quen, nhưng đàn bà, có người còn phải đai con mọn theo mình. Ở vùng cao nguyên, mỗi người dân được mua 15 hay 16 ký gạo một tháng, không đi bầu không được mua gạo, cho nên dẫu vượt suối, băng ngàn họ cũng phải đi, đi một chuyến để có gạo ăn hàng tháng, vài năm.
Cho đến khoảng 2 giờ chiều thì đơn vị chúng tôi đã xong, anh em lo làm biên bản, thu dọn mọi thứ, sẵn sàng chờ trực thăng bốc về. Khoảng 3 giờ chiều, được trung tâm cho biết thực thăng sẽ đến trong vòng 5, 10 phút, chuẩn bị lên trực thăng. Rồi trực thăng đến, chúng tôi nhanh chóng lên trực thăng trở về thị xã, giao nộp thùng phiếu cho thùng phiếu trung tâm. Đến đó là hoàn tất nhiệm vụ, sau đó hơn một tuần, tòa tỉnh mời tất cả nhân viên các thùng phiếu vào trong Biệt điện ăn tiệc liên hoan, tổ chức thành công bầu cử. Đêm đó chúng tôi được vào bên trong khuôn viên Biệt điện, ăn uống self service. Trong biệt điện, cửa mở, đèn sáng trưng, nhưng chỉ dành cho một số ít các quan chức cao cấp mà thôi.
Vào gần cuối năm học, một buổi trưa có nhánh cây gãy đập vào cây cột cờ, cột cờ gãy theo. Sau khi ăn cơm ở nhà ông Anh ra, thấy vậy tôi báo cho ông Anh biết, ông ta nói với tôi:
- Đây là điềm! Anh nhớ truyện Tàu cột cờ các ông Tướng gãy là có chuyện vậy anh tiếp tôi, khiêng cây cột cờ gãy, đem ra sau nhà tôi để và khiêng nhánh cây gãy đem ra liệng gần mấy cây điệp, như vậy không ai biết cột cờ gãy, người ta khỏi dị nghị.
Đến Hè, tôi xin chuyển về Sàigòn, ông Huệ bấm bụng cho tôi đi, ông dặn tôi về gặp Giám Đốc Nha vì ông đã giới thiệu tôi đi làm Hiệu Trưởng trường khác, cũng nên gặp ông Huỳnh Văn Năm chủ sự phòng Nhân Viên để theo dõi kết quả thuyên chuyển của tôi.
Khi tôi vào phòng Nhân viên, gặp ông chủ sự Huỳnh Văn Năm, ông Năm cho tôi biết:
- Thời ông Nguyễn Văn Thơ làm Bộ Trưởng, ông Thơ có nói với tôi cho em đổi về Sàigòn, nhưng em mới lên Ban Mê Thuột 1 năm, cho em về người khác sẽ phân bì, mặc dù tôi rất kính nể ông Bùi Văn Dương, nguyên Thanh Tra hàng tỉnh Bến Tre là người nhờ ông Thơ nói với tôi, nhưng không thể giúp em. Bây giờ em đã ở trên ấy 4 năm, đổi về được rồi, để tôi sắp xếp cho em.
Ông ngưng nói, kéo hộc tủ ra một tờ giấy, để trước mặt ông và hỏi tôi:
- Em có biết tại sao nhiều người cùng đứng đơn thưa ông Hiệu Trưởng Ban Mê Thuột không?
Tôi nhìn vào tờ đơn, thấy tên của 12 giáo sư đã thưa ông Huệ về những chuyện chi đó, tôi trả lời cho ông Năm:
- Thưa ông chủ sự, ai lên Ban Mê Thuộc, nơi đèo heo hút gió, mưa bùn, gió bụi đều nghĩ mình bị phạt, đều muốn đi về Sàigòn, Hiệu Trưởng không chấp thuận vì chưa đủ thâm niên, họ đâm ra oán thán, nhiều người ở trong trường, không phải tốn tiền nhà, lại đòi hỏi Trường phải cung cấp cái nọ cái kia, không lấy tài sản của Trường cho họ xài họ đâm oán giận, Hè về Sàigòn bỏ canh gác ở Trường, dịp lễ, Tết lên trễ, bỏ dạy. Hiệu Trưởng khuyên nhũ giáo sư làm cho đúng bổn phận, đừng đi trễ, nghĩ sớm, vì những lý do đó, họ vạch lá tìm sâu. Theo tôi, ông Huệ rất đàng hoàng với giáo sư mẫu mực.
Ông Năm trầm ngâm, hình như ông định hỏi thêm nhưng lại thôi, ông nói:
- Cám ơn em đã cho tôi biết tình hình như thế, tôi cũng nghĩ vậy.
Tôi chào ông rồi ra.
Khi về Ban Mê Thuột, tôi cho ông Huệ biết, có 12 giáo sư đã thưa ông, thưa chuyện chi tôi không rõ, lúc đó ông Huệ mớt bật ngửa ra, là mình đang bị các giáo sư thưa kiện, tôi không hiểu ông làm sao, chỉ trong vòng vài ngày, có sự vụ lệnh thuyên chuyển 12 gíáo sư và tôi là người thứ 13.
Ông Anh nhắc cho tôi nhớ:
- Anh thấy không ? Cột cờ gãy là có chuyện, may mà anh và tôi đã dẹp sớm.
Ông Huệ nói với tôi:
- Sự Vụ Lệnh đã có, tôi muốn mấy anh đó đi gấp cho tôi khỏi thấy mặt. Họ đâm sau lưng tôi mà giả nghĩa, giả nhân.
Tôi hỏi:
- Thật anh muốn họ đi sớm không ?
- Anh biết ! Về hành chánh, có Sự Vụ Lệnh là đi, nhưng 5 hôm, 10 nữa, nửa tháng hoặc một tháng, thiếu chi lý do để họ trình diện trễ, tức là ở lại lâu hơn.
- Không khó chi hết. Anh sang tòa Tỉnh xin lệnh trục xuất 12 ông ấy trong vòng 48 tiếng đồng hồ phải ra khỏi tỉnh, đồng thời anh lấy vé máy bay cho các ông ấy luôn. Để mọi người khỏi nghi ngờ, anh cũng cho tôi vào danh sách đó luôn và kèm theo giấy máy bay y như 12 ông kia, rồi giao cho phòng hành chánh làm thủ tục tống đạt.
Phần tôi, còn một khó khăn vì tôi là phát ngân viên, tôi đi Trường chưa kịp đề cử người thay thế, khi ngân phiếu về, không có chữ ký của tôi, không có tôi, tiền lương không lãnh được. Do đó tôi phải ký giao cho ông Huệ một khống chỉ (ký tên trên tờ giấy trắng), và khi về Sàigòn, tôi đến phòng Tài chánh của Nha Kỹ Thuật gặp ông Hiền, chủ sự phòng, tìm Ngân phiếu của Trường kỹ thuật Ban Mê Thuộc ký vào đó. Khi Ngân phiếu về tới Trường có chữ ký của tôi, và trên khống chỉ, ông Huệ sẽ ghi thêm xin Ty Ngân khố Tỉnh cho lãnh ra mỗi thứ mệnh giá bao nhiêu tiền, phải có tiền chẵn, tiền lẻ khi phát lương mới dễ dàng, mau chóng.
Năm 1974, ra Nha Trang tổ chức thi Tú Tài 2 Kỹ Thuật, nhà Trường có mời anh em trong Hội Đồng Giám thị từ Sàigòn ra dự tiệc tiễn đưa ông Nguyễn Ngọc Xuân, được thuyên chuyển về Trường cũ Ban Mê Thuột, và mừng ông Chuổi đi nhậm chức Hiệu Trưởng Trung Học Ban Mê Thuộc. Vài tháng sau được tin ông Xuân đi cùng tài xế vào đồn điền cà phê của ông ở Buôn Hô, dọc đường bị lực lượng Fulro chận lại hỏi chi đó, ông Xuân phản đối, thế là họ bắn ông Xuân chết, đáng thương cho anh, chạy ngược chạy xuôi chạy để về mái ấm, chẳng được bao ngày rồi nằm xuống buông tay!
Trường Ban Mê Thuột là Truờng tôi dạy đầu tiên, ghi nhiều dấu ấn trong tôi về nghề giáo, nơi đây tôi bắt đầu sự nghiệp của mình.
Đã trên 40 năm, nhiều khi nhớ trường cũ, nhớ những học sinh thân yêu của mình, tôi không hiểu nay các em sống ra sao, thành đạt thế nào, tôi nghĩ sẽ có ngày trở lại để tìm một chút dấu xưa.
Ngày 15-2-2009
HUỲNH ÁI TÔNG
Đỗ Minh Hương, Hai Dangngoc và 85 người khác
27 bình luận
2 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

27 bình luận

Phù hợp nhất

  • Lo Lem
    Bài viết hay quá ,tác giả lột tả rất rõ từng chi tiết , làm hồi sinh lại tất cả những kỷ niệm của những ngày tháng cũ ,mà nay đã xa vời vợi .🤔
  • Hai Dangngoc
    Ngồn ngộn thông tin và dài quá nên chưa thể đọc kỹ. Chắc sẽ còn quay lại vài lần để tìm lại những nơi không còn dấu tích 😋
    2
    • Xứ Thượng
      Hai Dangngoc Dạ, bài viết như hồi ký của một người Thầy lạ lẫm với xứ Buồn muôn thuở... Em trích đoạn nhiều lần riêng biệt, lần này em đăng lại hết bài, đó Thầy!
    • Hai Dangngoc
      Xứ Thượng nhớ những ngày đầu "lạc" trong khu "rừng giữa phố" Tôn Thất Hối, nắm tay quay vòng "dây thân ái" với các bạn du ca mới quen trong công viên trước dinh Bảo Đại, loanh quanh khu nghĩa địa Công giáo gần kề phi trường L19, lang thang tìm nhà người "bạn qua thư" dưới suối Đốc học, hay tuốt bên trại Tàu, cuốc bộ đi tìm người bạn cùng khóa bên trường kỹ thuật hay đạp xe xuống tận trường Nông Lâm Súc. Mới đó mà đã súyt soát 50 năm. Những người bạn đó chẳng còn ai ở lại với xứ Buồn Muôn Thuở nữa 💜
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 6 ngày
      • Đã chỉnh sửa
    Xem thêm 1 phản hồi
  • Liem Ha
    Tôi nhận nhiệm sở trường kỹ thuật Y Ut năm 1972 cho đến tháng 3 năm 1975. Anh Huỳnh Ái Tông tác giả bài viết hiện đang ở Mỹ.
    3
    • Xứ Thượng
      Liem Ha Cám ơn Anh nhiều! Em phải gọi là Thầy mới phải!
    • Liem Ha
      Thầy bà gì...coi nhau như anh em hay bạn bè là tốt rồi...
      2
    • Natanio Pham
      Thầy Trần ái Tông cũng từng có thời làm hiệu trưởng trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ ở Sài Gòn . Thầy hiện nay vẫn sinh hoạt với nhiều hội nhóm CHS-Sinh Viên . Trong đó có Hội Cựu HS Trường Kỹ Thuật Cao -Thắng Sài Gòn ở Nam & Bắc California
    • Xứ Thượng
      Natanio Pham Em giỏi quá! Cám ơn em nhiều nha!
  • Phi Toan
    Bài viết dài và quá hay! Người cùng cảnh vật xưa hiện về trong nỗi nhớ miên man! Xin cảm ơn anh Xứ Thượng!
  • Đinh Hạnh
    nhìn lại hình ảnh trường kỹ thuật
    Một thời quá xa
    Nhớ lắm anh DAT ơi … 
    Xem thêm
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 6 ngày
    • Đã chỉnh sửa
    • Xứ Thượng
      Đinh Hạnh Tuổi thơ ở gần trường này thì đúng là thiên đường rồi đó em! Thầy Đống Văn Quang hiệu trưởng trường kỹ thuật... còn có yêu cô Phượng không thì anh không biết!
    • Đinh Hạnh
      Xứ Thượng Em nhớ rồi
      Thầy Quang hiểu trường
      Có một năm học sinh biểu tình
      • Thương thương
      • Phản hồi
      • 6 ngày
  • Liem Ha
    Người đứng giữa đúng là Anh Đổng Văn Quang , người đứng bên phải là Ông Nguyễn Văn Anh giám thị, người quê quán ở Bình Dương, sau 75 ông trở về BD .
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 6 ngày
    • Đã chỉnh sửa
  • Mặc Phong Trần
    Năm 2004 cháu học trường này , ở giữa khuôn viên trường lúc đó vẫn còn viên đá do tổng thống Nguyễn văn Thiệu đặt nhân ngày khởi công mở rộng trường
  • Lưu Hoàng Long
    Cám ơn tác giả đã gợi lại một trời kỷ niệm
  • Natanio Pham
    Tác giả bài viết , Thày Huỳnh Ái Tông rất năng nổ và có sự nghiệp hoạt động rất phong phú ở nhiều lãnh vực.....
  • Bạch Yến
    Ký ức về những ngôi trường xưa ở Bmt, ngày ấy chữ Thầy trò, nghĩa đạo lý quân sư phụ được tôn trọng .
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 6 ngày
    • Đã chỉnh sửa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét