Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

ĐỒI ČƯ H’LĂM, TRUYỀN THUYẾT RỪNG THIÊNG * GD&TT

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Đồi Čư H’lăm mang vẻ đẹp bí ẩn, bao phủ bởi những truyền thuyết của người Êđê Kpă nơi đây...
ĐỒI ČƯ H’LĂM, TRUYỀN THUYẾT RỪNG THIÊNG
* GD&TT
Trong tiếng Êđê: Čư có nghĩa là núi, H’lăm có hai nghĩa: một là để chỉ tội loạn luân, trái đạo đức giữa những người bà con gần, hai là để chỉ người con gái bị vùi lấp (H - người con gái, phái nữ, Lăm - sự vùi lấp). Như vậy Čư H’lăm có nghĩa là núi của sự loạn luân hay núi có cô gái bị vùi lấp.
Toàn bộ ngọn đồi có diện tích 18,96 ha, trong đó 15,65 ha là rừng nguyên sinh. Độ cao ở đỉnh là 524 m, chân đồi cao 470 m so với mặt nước biển, độ dốc bình quân 15o. Đồi được chia làm 5 tầng: 3 tầng trên là cây gỗ rồi đến tầng cây bụi tái sinh và cuối cùng là tầng thảm cỏ.
Diện tích rừng nguyên sinh không lớn lắm, song động thực vật ở đây khá phong phú và đa dạng. Theo kết quả điều tra rừng tự nhiên của Hạt kiểm lâm huyện Čư M’gar kết hợp với Khoa Nông Lâm nghiệp trường Đại học Tây Nguyên năm 1996, kết quả bước đầu đã định danh được 112 loài nằm trong 38 họ trên tổng số 3.000 loài thực vật có ở Đắk Lắk. Trong số 112 loài đã được xác định có các loài chiếm ưu thế là: Trám, Nhọc, Bằng Lăng, Na, Nhãn… Một số loài thuốc dược liệu như: Chân chim (Schefflera octophylla), Gạo hoa đỏ (Gossampinus malabarica), Xoan mộc (Toona suremi); Duối nhám (Streblus asper Lour); Bưởi bung (Glycosmis Citrifolia (Willd) Lindl),…, cây gỗ quý như: Cà te (Afzelia xylocarpa), Gõ mật (Sindora siamensis),… Trữ lượng bình quân 390 m3gỗ/ha, các loài gỗ quý hiếm chiếm 13%, đồng thời trữ lượng này tập trung ở dạng có cấp tính thành thục (tức số cây có đường kính lớn trên 50cm) chiếm 71% trong toàn bộ khu rừng của ngọn đồi. Về động vật hoang dã còn lại chủ yếu là bò sát, nhím, chồn, cù lần,…
Rừng nguyên sinh trên đồi Čư H’lăm được bảo tồn là dấu ấn văn hóa tâm linh đã in đậm trong tâm thức của người Ê đê Kpă – cư dân tại chỗ lâu đời ở đây để nhắc nhở, giáo dục mọi thế hệ ghi nhớ ý thức tôn trọng luật tục, tôn trọng luân thường đạo lý, tránh tội loạn luân. Đây không chỉ là việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc mà sâu xa hơn chính là sự bảo vệ sự sống còn của con người.
Đồi Čư H’lăm được coi là một ngọn núi thiêng, xung quanh nó là những câu chuyện, truyền thuyết nhằm lý giải cho tên gọi Čư H’lăm.
Chuyện kể rằng: Từ rất xưa, ở phía Đông của ngọn đồi có một buôn người Êđê sinh sống. Trong buôn có hai anh em họ Niê tên là Y Đin và H’Hoan yêu nhau. Theo luật tục của người Êđê, anh em cùng họ không được lấy nhau, bởi đó là sự loạn luân, là tội lỗi không thể tha thứ, ai vi phạm thì sẽ bị làng bắt tội. Hai người phải chịu sự trừng phạt của buôn làng, phải ăn cơm trong máng heo, làm lễ cúng Yang (trời) một con heo trắng… Nhưng kỳ lạ thay, khi già làng đang làm lễ cúng thì bỗng nhiên con heo đặt trên bàn cúng vùng dậy chạy. Con heo chạy đến đâu buôn làng sụp dần đến đó, trở thành vùng đầm lầy nằm ở phía đông dưới chân đồi hiện nay. Để nhắc nhở giáo dục cho con cháu mai sau không phạm phải sai lầm, dẫn đến tai họa cho buôn làng, những người dân mới đến định cư đã đặt tên cho buôn và ngọn đồi là Čư H’lăm (có nghĩa ngọn đồi và buôn có cô gái mắc tội loạn luân). Cũng từ đó mỗi khi đang đi trên đồi, ai vô tình nhắc đến tên hai anh em Y Đin và H’Hoan thì tự nhiên không biết đường về, cây cối trên núi cũng không ai dám chặt, vì cứ chặt về làm nhà thì tự nhiên nhà sẽ bốc cháy. Đặc biệt là dưới thung lũng ở giữa đồi thỉnh thoảng có người “may mắn” thấy có dòng nước chảy ra như suối, xung quanh mọc những cây môn ăn được … Cứ như thế câu chuyện được truyền miệng mãi, khu rừng nhờ thế vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Lại có chuyện kể rằng: Ở một buôn nằm ở phía Đông của đồi Čư H’lăm hiện nay, có hai anh em cùng họ Niê yêu nhau. Theo luật tục của người Êđê thì những người có cùng họ (họ mẹ) lấy nhau sẽ bị coi là tội loạn luân, chẳng những trái với đạo đức là còn gây ra tai hoạ như hạn hán, mất mùa, dịch bệnh... Người phạm tội sẽ bị xét xử theo phong tục và chịu nhiều hình phạt nặng như: nộp cho làng một con trâu trắng, hai chiếc bát đồng để cúng đất (Tuh lăn). Sau khi cúng, người chủ lễ (Pô lăn) chích máu ở đầu ngón tay trỏ người phạm tội, cho họ uống, rồi buộc hai người phải xuống suối tắm và ăn cơm trong máng lợn để xoá tội lỗi của mình.
Hai anh em không thực hiện việc phạt tội, họ mong muốn xóa bỏ luật tục trái ngang đó. Chàng trai đã bỏ làng ra đi, còn cô gái ngày ngày lên trên ngọn đồi than khóc, nguyện cầu, chờ mong chàng trai trở về. Ngày lại ngày, nước mắt của cô thấm xuống đất làm trũng cả một vùng của ngọn đồi tạo nên thung lũng như ngày nay, toàn thân cô cũng hoà tan vào dòng nước và bị chôn vùi trong lòng đất. Còn buôn làng nơi cô và người yêu từng sinh sống cũng bị sụp sâu xuống đất tạo nên một vùng đầm hồ. Sau một thời gian, chàng trai trở về chốn cũ thì không thấy buôn làng và người thương đâu. Chàng bèn thả một quả bầu khô và khấn nguyện nơi nào quả bầu dạt vào sẽ là nơi cô gái ở, rồi chàng lần theo quả bầu trôi, đến đồi tự nhiên quả bầu dừng lại. Chàng lên đồi tìm mà chẳng thấy cô gái đâu mà chỉ thấy một thung lũng sâu, phía dưới có một dòng suối trong chảy róc rách, thoang thoảng mùi hương, tiếng suối chảy như tiếng khóc nỉ non của cô gái. Từ đó, chàng trai ngày qua ngày vì thương nhớ người yêu nên đã chết tự lúc nào. Người đời về sau đã đặt tên cho ngọn đồi là Čư H’lăm (đồi có cô gái bị vùi chôn, hay đồi của sự loạn luân) và cho rằng chính dòng suối thỉnh thoảng xuất hiện trên đồi đã minh chứng cho lòng thuỷ chung, trong trắng của cô gái. Từ đó, họ cũng không chặt phá cây rừng ở đây nữa vì hồn cô gái đã ngự ở trên đồi, trở thành nữ chúa rừng xanh, mỗi khi ai có uẩn khúc gì thì lên đồi mà khấn nguyện, họ sẽ cảm thấy như được giải toả, thanh thản hơn. Chính vì thế, khu rừng nguyên sinh trên ngọn đồi được bảo tồn nguyên vẹn và truyền thuyết vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.
GD&TT
*Ảnh: Bà con dưới chân núi Čư H’lăm vào rừng tận thu cành cây gãy đổ (Việt Dũng)
Có thể là hình ảnh về ngoài trời
Tất cả cảm xúc:
Khanh Vuquoc, Bạch Yến và 76 người khác
19 bình luận
3 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

19 bình luận

Phù hợp nhất

  • Hien Nguyen
    10,000.00(mười ngàn không xứ) dấu phẩy chỉ con số còn tiếp chấm fs mới là hết. Ngày trước nghe chư là núi, đăk hồ ea suối. Thập niên50 sáu dân tộc miền cn/ tp hình như chưa có chữ viết
  • Trunglap Lê
    Đáy gùi hình vuông chỉ có ở người Ê Đê.
  • Nguyễn Bước BD
    Bạn có thể nói thêm đặc thù chiếc gùi Êđe? (Đáy túm, miệng xòe khác với gùi Jarai).
  • Đinh Hạnh
    NHỚ 1978
    EM GÙI CUI ĐÂU LƯNG
  • Kim Thịnh Dancer
    Câu chuyện về truyền thuyết cư H' Lăm hay quá ..xúc động quá a ha
  • Lan Quach
    Rất hay tuyệt vời luôn ạ
  • Nhãn dán Thay lời muốn nói An animated yellow left hand with thumb up.
  • Khắc Thiện Đinh
    Tác giả chỉ là người dạo chơi, không phải là người nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này. Cái đồi này hiện còn rất nhỏ do bị lấn chiếm, cây cối bị cư dân địa phương tàn phá gần hết. Hiện nay nó đã bị tỉnh bán cho công ty cà phê Trung Nguyên làm khu du lịch sinh thái.
    Chấm hết những huyền thoại !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét