Xứ Thượng...
NGHỀ RÈN
... Cũng trong quá khứ, như mọi hoạt động phục vụ cho đời sống con người giữa thiên nhiên hoang dã và biệt lập của đại ngàn, các nghề thủ công được phân công rõ ràng theo giới tính : người đàn ông dựng nhà, đan mây tre, rèn dụng cụ sản xuất, làm trống, làm thuyền độc mộc, chế tác nhạc cụ , tạc tượng mồ, chỉnh ching…Người phụ nữ hái lượm, se chỉ dệt & nhuộm vải may trang phục, làm rượu cần, đan chiếu, làm gốm, thậm chí cả chẻ củi….vv… Trong quá khứ đã từng có tới 70 làng nghề rèn của tộc người Sê Đăng ở Kon Tum, mà sản phẩm làm ra nổi tiếng khắp vùng, được ưa chuộng, bán sang cả Lào, Thái lan...
(Trích theo " Ai có trách nhiệm?" của Linh Nga Niê Kdăm)
(Trích theo " Ai có trách nhiệm?" của Linh Nga Niê Kdăm)
...Giữa giấc ngủ vùi mệt nhọc, chàng A Wư được một con chim rừng bảo phải dùng cây rừng loăng rlinh đốt lửa để rèn vũ khí thì mới giết được ma rừng. Nhưng cây loăng rlinh chỉ để rèn còn không được dựng nhà, không được dùng vào bất kỳ việc gì khác. Nếu không sẽ mất thiêng.
A Wư mang chuyện giấc mơ kể cho buôn làng nghe và dân làng đã giúp chàng tìm loại cây này để rèn vũ khí. Và cũng nhờ vũ khí này mới giết được ma rừng, mang lại no ấm cho các buôn làng tộc người Tơ Đrăh.
Và cũng từ truyền thuyết này, trong 5 nhánh dân tộc Xê Đăng khu vực Bắc Tây Nguyên, tộc người Tơ Đrăh nổi tiếng với nghề rèn. Người đàn ông Tơ Đrăh tài giỏi phải biết làm chiếc rựa sắc, không mẻ để có thể khuất phục được cây rừng.
Người Tơ Đrăh hiện đang sinh sống tại các xã Đăk Ui, Ngok Réo, Đăk Kôi, Đăk Tơ Lung, Ngok Wang trên địa bàn huyện Kon Rẫy, huyện Đăk Hà (Kon Tum). Địa bàn cư trú tộc người Tơ Đrăh sinh sống xung quanh các ngọn đồi Ngok Phi, Ngok Pông, Ngok Kla, Teă Phía… Nơi có những quặng sắt với hàm lượng sắt cao, thường ở dạng cục (tiếng tộc người Tơ Đrăh gọi là Hmao Ktô) và dạng cát (Hmao Jiang).
Để nung được quặng và rèn sản phẩm, người Tơ Đrăh dựng lò rèn làm từ da con mang mà người dân gọi là Tơ Niam Pi Pu. Theo truyền thống, lò rèn Tơ Niam Pi Pu gồm có bễ hơi được làm bằng da mang (kea chiêu), ống bễ bằng gỗ (tê tê), ống dẫn hơi bằng nứa (rơ vang) và ống dẫn hơi chịu lửa dẫn ra lò (rơ chông) và lò nung (kloh tơ niam).
Để đun được quặng sắt, người Tơ Đrăh phải lên rừng tìm được cây rừng có tên gọi là loăng rlinh để làm than. Theo cụ A Xe, làng Wang Tố, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, chỉ với than từ loại cây này, lửa lò rèn Tơ Niam Pi Pu mới đủ độ nóng cần thiết có thể nung chảy quặng sắt tự nhiên. Đặc biệt, khi nung quặng, tài năng của người thợ rèn chính – gọi là bơ ngai tha – được chứng minh qua việc kết hợp 2 loại quặng cát và quặng cục. Việc pha chế 2 loại quặng này được xem là phương thức bí truyền của những bơ ngai tha tài giỏi tạo ra thỏi sắt chất lượng cao, chắc bền và không bị mẻ, gãy khi sử dụng.
Khi đã có những thỏi sắt ưng ý, theo truyền thống thợ rèn tộc người Tơ Đrăh không được phép sử dụng than loăng llinh nữa mà chỉ sử dụng những loại cây khác để cho nhiệt độ thấp hơn. Khi công cụ được hình thành, tộc người Tơ Đrăh còn dùng vẩy tê tê, sừng trâu để sản phẩm được chắc, bền hơn.
(Trích đoạn trong "Truyền thuyết "con dao thần" và bí truyền của thợ rèn trên đỉnh Ngok Phi" của Thanh Luận đăng trên Báo Dân Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét