1. Sơ lược về vùng đất Mường Vang, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình
Mường Vang thuộc huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình là nơi đồng bào Mường sinh sống từ lâu đời ở các thung lũng chân núi. Từ xa xưa, Mường Vang đã nổi tiếng là một trong những trung tâm văn hóa lớn của dân tộc Mường và đến nay người Mường vẫn còn lưu truyền những câu ví: “Nhất pi, nhì Wang, tam Thàng, tứ Tôông” (Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động), “Cơm mường Vó, ló mường Vang” (Cơm mường Vó, lúa mường Vang).
Nơi sinh sống của đồng bào Mường huyện Lạc Sơn, Hòa Bình.
Cũng như các dân tộc khác, trong sinh hoạt văn hoá truyền thống, đám cưới cổ truyền là một hiện tượng văn hóa quan trọng của đời sống đồng bào Mường nói chung, đồng bào Mường Vang nói riêng.
Lễ cưới cổ truyền của người Mường trước đây thường phải trải qua một quy trình rất phức tạp, tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền của. Vì vậy, tập trung nhân lực và tiền của cho một Lễ cưới cổ truyền Mường thường không phải chỉ là một mình gia đình nhà trai, mà thường là cả họ nhà trai hợp sức vào. Có lẽ cũng vì vậy, mà tuy hôn nhân Mường trước đây không qui định theo chế độ một vợ, một chồng, nhưng hầu hết các cặp vợ chồng Mường là hôn nhân một vợ một chồng. Và cũng vì sự tốn kém và phức tạp của Lễ cưới truyền thống Mường mà người vợ thường không dám bỏ chồng khi bất hòa vì nếu bỏ chồng thì nhà gái phải bồi hoàn toàn bộ chi phí của diễn trình lễ cưới cho nhà trai. Mà như chúng ta đã biết, đây là khoản rất lớn trong điều kiện cuộc sống còn đầy khó khăn của đồng bào Mường. Trong khi khảo sát, chúng tôi được một số bậc cao niên Mường cho biết các nghi lễ của một đám cưới đã tạo ra sự ràng buộc giữa nhà trai và nhà gái (thậm chí các cụ còn cho rằng nó giống như giấy Đăng ký kết hôn hiện nay).
Cho đến thời gian gần đây, ngay cả trong những đợt tiến hành nghiên cứu khảo sát vào đầu những năm 2000, chúng tôi nhận thấy tình trạng hôn nhân của người Mường rất bền vững. Hầu hết, người dân Mường rất yêu quí nơi cư trú của mình và hầu như an phận với cuộc sống nơi quê cha đất tổ.
Sau khi tiến hành khảo sát thực địa cũng như nghiên cứu tư liệu đã có của các nhà nghiên cứu khác(1). Chúng tôi nhận thấy:
- Đám cưới cổ truyền của dân tộc Mường mang trong nó nhiều nét độc đáo đậm đà bản sắc văn hóa dân gian Mường. Đây là một trong những sinh hoạt văn hóa rất được đồng bào Mường coi trọng bởi nó bắt đầu một giai đoạn mới của đời người. Người Mường là một trong những dân tộc đặc biệt coi trọng hôn nhân.
- Cùng tiến trình của lịch sử, trong sự giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc, do qui định theo các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới của nhà nước, nhiều phong tục, nghi lễ truyền thống của Lễ cưới Mường ở từng thời điểm đã có sự thay đổi. Ngoài ra, ở mỗi mường/bản, người Mường, bên cạnh những đặc điểm chung của diễn trình Lễ cưới Mường truyền thống lại có một số nét khác biệt nhất định trong việc tổ chức Lễ cưới cho con/em/cháu của mình.
- Mặc dầu vậy, từ nhiều hướng tiếp cận khác nhau, chúng tôi vẫn muốn khẳng định hiện tượng văn hóa dân gian này với những nét văn hoá riêng làm nên sự độc đáo của Lễ cưới cổ truyền Mường.
Nhà sàn của người Mường
Trong phạm vi khảo sát, nghiên cứu và sưu tầm một phong tục, một tập quán văn hoá của người Mường được thể hiện qua Lễ cưới cổ truyền của đồng bào Mường ở địa bàn Mường Vang, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi đã sử dụng một số tư liệu về đám cưới Mường ở một số địa bàn khác để so sánh và làm sáng tỏ sự tương đồng và khác biệt trong hình thức sinh hoạt văn hoá đặc biệt này ở các vùng người Mường cư trú.
Mường Vang là địa danh hiện nay gồm 7 xã: Miền Đồi, Quý Hòa, Tuân Đạo, Tân Lập, Mỹ Thành, Văn Nghĩa, Nhân Nghĩa (thuộc huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình). Đây là vùng đất đai trù phú, có những cánh đồng khá lớn để cư dân Mường ở đây canh tác lúa nước. Trong tương quan với đời sống của các vùng nông nghiệp khác trên cả nước, đây là nơi đồng bào có thu nhập ở mức độ tương đối khá. Nghề chính của cư dân mường Vang là: trồng lúa. Nghề phụ: trồng hoa màu, nuôi cá, khai thác vật liệu xây dựng.
Cho đến nay, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ dân sinh mới chỉ có hệ thống đường điện, trường học (cấp1, 2, 3), trạm y tế, đường giao thông đi lại còn khó khăn. Cư dân ở đây vẫn còn bảo tồn hình thức cư trú ở nhà sàn (chỉ có khoảng 20% nhà xây). Tình hình an ninh, chính trị vùng này hết sức ổn định. Ở đây không tồn tại một dạng tôn giáo nào, chỉ duy nhất có tín ngưỡng thờ tổ tiên, ông bà.
2. Diễn trình Lễ cưới truyền thống Mường
Trước hết, người Mường kết hôn với người ngoài họ tộc. Song, mức độ quan hệ họ hàng đến mấy đời bị cấm thì không có các qui định cụ thể.
Trước đây, khi đến tuổi, người con trai có thể đến nhà người con gái Mường mà anh yêu mến. Đôi trai gái có thể được gia đình cho phép ngồi tìm hiểu/tâm sự ngay ở nhà cô gái. Nhưng gia đình cũng cấm không cho chàng trai được rủ cô gái đi chơi ở ngoài nhà vào ban đêm vì cho rằng như thế là không tốt. Tất nhiên, những tập tục này hiện nay không còn nữa. Đôi trai gái được tự do tìm hiểu kể cả không phải ở nhà của cô gái.
Trong thời gian khảo sát nghiên cứu tại Mường Vang, chúng tôi được biết hôn nhân truyền thống của người ở Mường Vang có hai dạng chính là cưới con dâu và cưới con rể (thường ở các gia đình chỉ có con gái).
Theo TS. Jeanne Cuisinier - người đã dày công nghiên cứu địa lý nhân văn và xã hội học của người Mường Việt Nam từ những năm 1930 thì “Việc cưới xin của người Mường, khác nhau trong chi tiết của các hình thức, rút lại có hai hình thức: mua con dâu, gọi là Khat yu (hay Khat zu) và mua con rể, gọi là Khat cao. Chúng tôi có ý định dịch từ Khat cao, dùng trong xứ Mường, thành: sự mua hay mua con rể. Nhưng chúng tôi phải vội sửa ngay vì lời dịch ấy sai: không bao giờ có sự mua, sự hứa tặng di sản thì có. Bằng sự thừa nhận, người ta hứa cho con rể di sản và sự thừa nhận người chồng chưa cưới, miễn cho bố mẹ anh ta phải trả cho bố mẹ người con gái giá tiền về cô này” [1;353].
Lễ cưới cổ truyền Mường thường gồm có 4 bước chính: Dạm hỏi (Ti kháo thiếng), Ăn hỏi (Ti nòm), Ra mắt chàng rể (Ti cháu) và Lễ đón dâu (Xước du).
2.1. Dạm hỏi (Ti kháo thiếng):
Trước đây, trai gái Mường cũng có trường hợp do gặp gỡ rồi mến nhau, sau đó đi đến hôn nhân. Song đây là trường hợp rất hãn hữu, phổ biến các cặp vợ chồng Mường là do sự sắp đặt của cha mẹ hai bên.
Khi nhà trai có nhu cầu tìm vợ cho con trai mình, trước hết họ dứt khoát phải tìm một người mai mối. Bà (hoặc ông) mối (tiếng Mường là ông mờ, bà mờ) thường là một người có họ gần bên nhà cô gái, là người biết ăn nói giỏi, có sức thuyết phục cũng như có uy tín trong vùng. Ngoài ra, bà (ông) mối còn phải là người có gia đình hoà thuận, con cái “có nếp, có tẻ”. Bà (ông) mối giữ vai trò hết sức quan trọng trong Lễ cưới cổ truyền Mường. Tất cả mọi thoả thuận, giao dịch giữa nhà trai và nhà gái từ đầu cho đến cuối diễn trình Lễ cưới cổ truyền Mường đều thông qua và dựa vào bà mối.
Sau khi chọn được người làm mối, họ nhà trai họp bàn với bà (ông) mối để định hướng, ngày giờ cũng như lễ vật cho việc xuất hành sang nhà gái. Việc chọn ngày do một người gọi là bố thày đảm nhiệm theo kiểu bói đá rò (còn gọi là bói rùa). Tháng 10 và tháng 4 âm lịch người ta không tổ chức Lễ cưới vì đó làtháng thướm - tháng kiêng. Người Mường có quan niệm, “thướm” (nghĩa đen trong tiếng Việt là “vết”- chỉ sự không bình thường, xấu) liên quan tới sự không may mắn, đau ốm. Theo cách tính lịch của họ, trong năm có tháng “thướm”, trong tháng có giờ “thướm”, đó đều là những khoảng thời gian xấu không được dùng cho hôn lễ. Có lẽ cũng giống như người Kinh khi lo việc cưới hỏi cho con cháu thường tránh tháng “ngâu” (dễ chia cách) và giờ ”sát chủ” làm ảnh hưởng tới cuộc sống lứa đôi và việc sinh con. Tuy vậy, giờ “thướm” lại được dùng cho những thợ săn người Mường, giờ này có thể săn bắn được nhiều thú... Khi chọn ngày cưới chính thức cũng vậy, người ta thường tránh ngày đắp bếp (theo cách tính lịch của người Mường) vì sợ sẽ “nóng nôi” con trẻ - ý muốn nói tới trẻ khó nuôi, chậm lớn. Ngoài ra, người Mường cũng còn tiến hành xem tuổi cô dâu, chú rể tương lai xem có hợp nhau không. Song, theo chúng tôi, đây có thể là kết quả của sự giao lưu văn hóa của người Mường với các dân tộc khác ở giai đoạn gần đây.
Sau khi bàn bạc với nhà trai, bà/ông mối sẽ hẹn trước với nhà gái ngày sẽ sang để thưa chuyện. Sau khi được nhà trai đánh tiếng thông qua bà/ông mối, bố mẹ cô gái sẽ mời các bậc cha chú trong họ tộc đến để thông báo sự việc và xin ý kiến. Do vậy, khi bà/ông mối sang thì họ hàng nhà gái đã có sự chuẩn bị đón tiếp. Lần gặp mặt đầu tiên giữa đại diện nhà trai (thông qua bà/ông mối) và nhà gái gọi là Thoỏng thiếng(ướm tiếng). Khi bà/ ông mối (“mờ”) sang thường mang theo một chia rượu. Đến nơi, người nhà của cô gái nhận trai rượu rồi treo lên cột chính trong nhà. Sau thủ tục chào hỏi, trò chuyện qua lại xem ý nhau của đôi bên về hôn sự của đôi trẻ, bố cô gái mới hạ chai rượu xuống rót mời mọi người uống. Bà “mờ” (đại diện cho họ nhà trai) nếu thấy ông chủ nhà không trả lại chai rượu (vỏ) thì biết việc “ướm tiếng“ đã thành công. Gia đình nhà gái cảm ơn gia đình nhà trai và bà/ông mối đã quan tâm đến con gái họ.
Người Mường là dân tộc yêu thích lối nói mang tính ví von. Trong nhiều trường hợp, khi trao đổi với nhau, họ thường nói bóng, nói gió nội dung cần diễn tả. Chẳng hạn, để nói về người con gái chưa có chồng người ta có thể nói về sự cô đơn của một đồ vật hoặc một sinh vật gần gũi nào đó.
Vì sự tế nhị, mặc dù việc cưới xin do cha mẹ sắp đặt, nhưng thường cha mẹ cô gái không trả lời ngay nhà trai (thông qua bà mối), mà thường trì hoãn bằng cách nói thác là cần có sự trao đổi với cô gái. Người Mường rất tôn trọng sự tự do tìm hiểu của con cái. Chính vì vậy, trong chuyện dạm hỏi, bà mối phải đi đi lại lại nhiều lần giữa nhà trai và nhà gái. Ở mỗi lần sang, mức độ thân mật cũng như sự hiểu biết giữa hai nhà tăng dần lên.
Theo tài liệu từ các đợt khảo cứu của TS. Nguyễn Hữu Thức thì: “Lễ Dạm hỏi của một số xã của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa bình phải trải qua 5 lần mang quà (lễ vật) sang nhà gái, tiếng Mường gọi là đi “nòm”, chẳng hạn:
Lần 1: 1 chai rượu, 1 buồng cau, 80 đến 100 lá trầu, 1 gói chè khô.
Lần 2: 1 gánh bánh chưng, 2 chai rượu, 1 gói chè.
Lần 3: 2 gánh bánh dày, 2 chai rượu, 1 buồng cau, 1 gói chè.
Lần 4: 1 gánh bánh dày, 1 chai rượu.
Lần 5: cau, trầu, 1 gánh bánh dày, 1 chai rượu.
(Bánh chưng hình vuông có kích cỡ khoảng 10cm x 10cm, cao 6 cm; bánh dày nhỏ bằng miệng bát cơm, nhưng những chiếc bánh trên cùng sọt bao giờ cũng phải đủ lớn để phủ hết miệng sọt. Các sọt đựng lễ này được đan bằng tre, là sọt mới, đường kính miệng sọt khoảng 40 cm x 40 cm và có chiều cao cũng như vậy).
Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Nhi (sinh năm 1926, hiện trú quán tại xóm Bui, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), Lễ dạm hỏi của Lễ cưới cổ truyền Mường ở vùng Vang Vó (Mường Vang và Mường Vó) thường chỉ trải qua 4 lần “nòm” với các lễ vật như sau:
Lần 1: 1 chai rượu.
Lần 2: 2 chai rượu.
Lần 3: 2 gánh bánh dày, 1 gánh gạo, 1 gánh trầu cau, 2 cây mía, 1 gói đường hoặc 1 chai mật mía.
Lần 4: 3 gánh bánh dày, 30 kg gạo, 4 chai rượu, 2 cây mía, 1 gói đường.
Mỗi lần nhà trai cùng bà mối sang, bao giờ nhà gái cũng tổ chức mời nhà trai ở lại ăn uống. Sau đó, nhà gái sẽ tiến hành đem chia quà của nhà trai cho tất cả các thành viên trong họ hàng (được tính tới 7 đời). Do phải chia cho cả họ, nên phần quà cho từng người cũng rất nhỏ bé, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Chỉ có bà ngoại của cô dâu và Trưởng họ được chia phần nhiều hơn. Phần quà bé nhỏ được chia này còn như một thông điệp về tiến trình của Lễ cưới cổ truyền Mường. Đó gần như là một lời mời cưới, tất cả những người nhận được quà đều phải đến đưa cô dâu về nhà chồng trong ngày lễ “xước du” (rước dâu).
Song, có một điều mà chúng tôi nhận thấy là: dù cho các bước của Lễ dạm ngõ có là 4 hay 5, dù cho lễ vật của các lần có khác nhau, song trong bước Dạm hỏi này, bao giờ cũng là dịp hai gia đình tìm hiểu nhau qua các tiêu chuẩn:
+ Không nhà nào biết yểm, chài để tránh phát sinh mâu thuẫn sau này (người Mường rất tin vào các hình thức yểm bùa “tình yêu” hay để hại nhau bằng các loại lá dược thảo...)
+ Cách thức làm ăn của 2 gia đình và chàng rể, nàng dâu. Chẳng hạn, chàng trai phải là người biết cày ruộng khoẻ, đi săn giỏi. Con gái phải chăm làm, biết dệt vải và đặc biệt là phải biết dệt cạp váy (tạo hoa văn).
+ Hoàn cảnh gia đình của hai gia đình (cùng các điều kiện vật chất).
+ Dòng họ thật thà, ngay thẳng.
Rất ít khi có trường hợp nhà gái không đồng ý chàng rể tương lai. Nhưng nếu xẩy ra sự không đồng ý, nhà gái cũng sẽ từ chối khéo bằng cách “xin khất” chẳng hạn.
2.2. Lễ ăn hỏi (Ti nòm):
Cũng giống như tiến trình Lễ cưới cổ truyền ở nhiều dân tộc khác, Lễ ăn hỏi trong nghi thức của Lễ cưới cổ truyền Mường mang trong nó ý nghĩa thông báo cho cả vùng biết về tiến trình của Lễ cưới sau những thoả thuận đã đạt được bước đầu của hai gia đình ở Lễ Dạm hỏi.
Cho đến Lễ dạm hỏi vai trò của bà/ông mối vẫn là chính. Nhà trai vẫn uỷ quyền toàn bộ việc giao tiếp và thoả thuận cho bà/ông mối.
Sau khi chọn ngày lành, tháng tốt họ nhà trai sẽ mang lễ vật sang nhà gái dưới sự hướng dẫn của bà/ông mối. Lễ vật được đặt trong các sọt đan bằng tre. Ở đây cũng như trong mọi nghi thức của Lễ cưới cổ truyền Mường, buộc bánh hoặc gói các lễ vật dẫn cưới bao giờ cũng là lạt đôi (sử dụng 2 lạt cùng một lúc), bánh dày hoặc bánh chưng bao giờ cũng là bánh chay (không có nhân) như một qui ước về sự trinh tiết của cô dâu tương lai.
Cũng như trên, toàn bộ lễ vật của nhà trai sẽ được đem chia cho tất cả các thành viên trong họ tộc nhà gái.
Lễ ăn hỏi cũng là một hình thức đưa tặng lễ vật - đi “nòm”, nhưng là lần “nòm” lớn nhất, đây còn được gọi là lần “nòm cả”. Để tiến hành “ti nòm” (ăn hỏi), nhà trai cũng phải chọn ngày lành, tháng tốt cho khỏi ảnh hưởng tới hôn sự của con cái sau này.
Lễ ăn hỏi của một Lễ cưới cổ truyền ở Mường Vang thường gồm:
- Một con lợn khoảng 60 kg.
- Một gánh gạo khoảng 30 kg.
- Một gánh bánh chưng khảng 20 cặp.
- Một gánh rượu 40 lít.
- Một gánh trầu lá (80- 120), cau quả (1 buồng).
Vào cuối lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ đưa ra yêu sách “cách của” (cách của tiếng Mường có nghĩa là thách cưới) đối với nhà trai. Thường thì nhà trai nhận lời ngay, tránh nói qua nói lại xin giảm một thứ lễ vật nào đó. Vì họ sợ rằng nhà gái sẽ tự ái và cho đó là sự “mà cả” mua bán. Nếu thấy yêu cầu của nhà gái cao quá, nhà trai lại nhờ bà/ông mối (“mờ”) đến đàm phán sau lễ ăn hỏi để xin rút hoặc khất.
Cô gái Mường bên khung cửi
Từ sau lễ ăn hỏi, cô dâu tương lai đã bắt đầu phải chuẩn bị đồ “hồi môn” mang về nhà chồng (trên thực tế đồ hồi môn này được chuẩn bị sẵn ngay từ lúc một bé gái trở thành một thiếu nữ, khoảng 11-13 tuổi). Thường cô dâu khi về nhà chồng sẽ tặng bố mẹ chồng chăn, gối, đệm. Trong các chuyến đi nghiên cứu, khảo sát của mình, chúng tôi thấy các cô dâu tương lai thường dành hàng năm trời bên khung cửi để tự tay dệt chăn, đệm, gối cho ngày cưới của mình. Ngoài chăn, gối, đệm do cô dâu (hoặc nhà gái) làm, của hồi môn của cô dâu về nhà chồng có thể kèm theo các đồ trang sức bằng bạc, hoặc tiền mặt. Người Mường không dùng đồ trang sức bằng vàng.
Tuy nhiên, cô dâu không mang của hồi môn về nhà chồng ngay sau khi cưới, mà thời gian cô dâu mang của hồi môn về nhà chồng, theo truyền thống trước đây, thường là sau khi đã có con đầu lòng.
2.3. Lễ ra mắt chàng rể (ti cháu):
Thông qua bà/ông mối, nhà trai và nhà gái thoả thuận về thời gian nhà trai làm Lễ ra mắt chàng rể ở nhà gái.
Trước khi mang đồ sang làm Lễ ra mắt chàng rể ở nhà gái, nhà trai bao giờ cũng phải tổ chức một bữa ăn cho các thành viên trong đoàn gồm họ hàng và bà/ông mối. Bữa ăn được tổ chức tuỳ theo kinh tế của nhà trai, nhưng thường chỉ gồm các món ăn thông thường như: chả xương (lợn) băm bọc lá xương xông nướng, giò, xu hào thái nhỏ xào, nem rán, đậu phụ rán, chả nướng (thịt xiên que nướng), xôi, thịt và lòng lợn luộc . . .
Thành phần tham gia đoàn của nhà trai sang nhà gái gồm: bà mối, 2 ông bố là người trong họ nội, ngoại (bố già tuổi trên 60 và bố non tuổi dưới 60), anh em con cháu của nhà trai, chàng rể tương lai và phù rể (piêng).
Lễ vật trong Lễ ra mắt chàng rể gồm có:
- Một vò rượu cần.
- Hai đôi cây mía (cứ hai cây mía bó thành một đôi).
- Một gánh gồm 40 lá trầu và một buồng cau nhỏ.
- Một con lợn sống khoảng 60 kg.
Theo truyền thống thì cho đến lúc này mới có sự xuất hiện của chàng rể trước họ nhà gái. Khi nhà trai mang lễ vật sang đến nơi, nhà gái mở tiệc thết mừng sự có mặt của họ nhà trai. Sau đó, họ nhà gái làm Lễ cúng tổ tiên và nhận con rể.
2.4. Lễ đón dâu (Xước du):
Theo diễn trình của Lễ cưới truyền thống Mường thì Lễ đón dâu (xước du) thường được tổ chức sau Lễ ra mắt chàng rể khoảng từ 1 đến 3 năm. Nếu nhà trai ở xa nhà gái thì mang lễ vật đón dâu từ ngày hôm trước, sau đó ở lại ăn cơm cùng nhà gái. Lễ vật nhà trai mang sang đón dâu phải đủ để cho nhà gái chia cho họ hàng và tổ chức cho họ hàng nhà gái ăn uống tại nhà cô dâu trước khi đón dâu. Trong khi nghiên cứu khảo sát tại Mường Vang, chúng tôi thấy nhà trai thường bao giờ cũng phải chuẩn bị lễ vật đầy đủ theo yêu cầu của nhà gái. Khi lễ vật sang đến nhà gái, đại diện nhà gái sẽ tiến hành kiểm tra số lượng, trọng lượng lễ vật. Và chỉ sau khi đó, các thủ tục tiếp theo của diễn trình Lễ đón dâu mới bắt đầu. Suốt đêm hai họ cùng hát thường rang, bọ mệng kể về công lao sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, răn dạy cô gái phận làm dâu, lời gửi gắm con gái cho nhà trai...
Đoàn đón dâu
Cô dâu và phù dâu khi về nhà chồng bao giờ mỗi người cũng phải cầm theo một con dao nhỏ khi đi đường. Con dao nhỏ này có cán bằng sừng hoãng hoặc bằng nanh hổ. Con dao này được người Mường quan niệm như bùa hộ mệnh để khi đi đường luôn gặp mọi sự may mắn, chống lại mọi thú dữ và ma quỉ trên đường đi.
Phù dâu thường phải là người chưa lập gia đình, biết ăn nói giỏi và nhan sắc thường kém cô dâu để làm nổi bật vẻ đẹp của cô dâu trong ngày cưới..
Dân gian Mường có câu “Chẩu buông klu, du lại mặt” có nghĩa là “Làm rể vào buổi trưa, làm dâu vào buổi tối”. Do đó hai họ sẽ phải tính toán thời gian đi đường sao cho khi đón dâu về đến nhà vào lúc trời chạng vạng tối.
Đoàn đưa dâu về nhà chồng ngoài bà mối cũng còn có hai bố: bố khà (tức là bố già trên 60 tuổi) và bố non(tức là bố trẻ dưới 60 tuổi), hai mẹ: mẹ già và mẹ non. Bố mẹ cô dâu không đưa con gái sang nhà chồng. Bố già và bố non bao giờ cũng là những người rất giỏi đối đáp và có khả năng hát đối đáp.
Người Mường rất coi trọng lời ăn, tiếng nói, do đó cũng rất coi trọng người biết ăn nói có duyên. Người Mường thường nói: “Thiếu gì nước trong giếng, thiếu gì tiếng trong mồm mà không nói ra cho vừa lòng nhau”.
Trong đám cưới cổ truyền của người Mường, người ta rất coi trọng việc trao đổi qua lại thông qua lời ca, tiếng hát. Ở đây cũng cần chú ý một đặc điểm của dân ca Mường là rất chú trọng đến phần lời ca mang tính ngẫu hứng. Do đó, người hát giỏi bao giờ cũng phải là người có tài ứng đối nhanh trên những giai điệu nhất định mang tính đặc trưng không chỉ về phương diện trật tự sắp xếp các âm thanh của dân ca Mường mà còn ở cả cách thay đổi các từ đồng nghĩa.
Nhìn chung, giai điệu của dân ca Mường đơn giản, thường dựa trên một số âm cố định nhất định làm cơ sở cho sự phát triển tư duy âm nhạc. Song, tôi cho rằng ở đây điều quan trọng của giai điệu dân ca Mường lại nằm ở phong cách diễn xướng với rất nhiều âm phụ không có cao độ xác định cũng như kỹ thuật vuốt âm mang đặc điểm riêng của mình. Điều này cũng thường gặp ở một số hiện tượng văn hoá âm nhạc dân gian khác của Việt Nam như tục “Soóng cọ” của người Sán Chỉ huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh chẳng hạn.
Cũng có khi, trước Lễ đón dâu còn có nghi thức thách cưới (“cách của”) và thoả thuận ngày cưới. Ngày cưới lúc này được tính theo nhà trai và thường chưa chính xác, thường là trong một khoảng thời gian giả định nào đó. Việc thách cưới của họ nhà gái tiến hành thông qua bà/ông mối và các bậc cha chú của chú rể. Thường thì khi nhà trai sang đến nơi, nhà gái sẽ mời nhà trai ăn cơm cùng họ tộc. Trong khi ăn cơm, đại diện nhà trai được mời ngồi ở nơi trang trọng nhất gồm có Trưởng tộc nhà gái và bà mối. Nhà gái sẽ trình bày các yêu cầu của mình và đồ thách cưới nhà gái yêu cầu thường là:
- Một con trâu nhỏ, tai (dài) bằng sừng. Nếu không có trâu thì phải thay bằng tiền hoặc đồ vật có giá trị tương đương.
- Một gánh bánh dày không nhân (ám chỉ sự trinh trắng của cô dâu).
- Một ít tiền (có thể chỉ để làm của hồi môn cho cô dâu sau này khi về nhà chồng).
- Một vò rượu cần hoặc 60 lít rượu.
- 60 kg gạo tẻ.
- 40 kg gạo nếp.
- Một gánh trầu cau.
Chuẩn bị cho Lễ đón dâu
Nếu nhà trai đồng ý thì về chuẩn bị. Còn không thì có thể thông qua bà (ông) mối sang nhà gái thoả thuận lại. Song, mỗi lần sang phải mang theo một chai rượu.
Khi đoàn đưa dâu về đến nhà trai, em gái chú rể sẽ ra cất nón cho cô dâu và phù dâu trước khi đi rửa chân để lên nhà.
Tiếp đó nhà trai sẽ tiến hành nghi lễ đón nhận cô dâu làm con cái trong gia đình. Cô dâu (có phù dâu đi kèm) sẽ phải lễ từng người cao niên trong họ tộc nhà chồng theo sự chỉ bảo của ông Trưởng họ. Sau đó, ông đặt tên cho cô con dâu mới của dòng họ, gọi là tên “mạng”, theo vị trí thứ bậc đầu con hoặc theo tuổi sinh của người chồng, đến khi có con đầu lòng thì gọi theo tên con. Khi lễ nhà chồng, nhà gái phải cử hai cô gái theo sau cô dâu để đỡ cho cô dâu cúi lễ và sửa lại đầu tóc mỗi lần vái (vì phải bỏ khăn vấn tóc).
Hiện nay, trong quá trình nghiên cứu tại Mường Vang, chúng tôi được biết: người Mường ở Mường Vang không có trang phục dùng riêng cho ngày cưới. Trong ngày cưới, cô dâu, chú rể cùng họ hàng và bạn bè ăn mặc trang phục như ngày thường nhưng được may mới.
Cuối Lễ đón dâu, nhà trai bao giờ cũng phải có quà tặng cho bà/ông mối và các bậc cha chú đã tham gia đưa, đón dâu. Nếu nhà gái cách xa nhà trai thì những người đưa dâu thường ngủ qua đêm ở nhà trai và ra về vào sáng hôm sau. Lúc này nhà trai sẽ làm một mâm cơm để tiễn họ hàng nhà gái và chuẩn bị thức ăn đi đường cho họ.
Đối với cô phù dâu (“piêng”), nhà trai cũng phải lo quà tặng. Vào cuối ngày lễ cưới, nhà trai sẽ kiểm số tiền mừng cưới và trừ đi số tiền chi phí cho đám cưới, số còn lại dược chia ba, họ giữ lại một phần, còn hai phần được gói vào miếng vải thổ cẩm để vào gánh bánh chưng là quà của cô phù dâu. Trong phong tục Mường, cô phù dâu bao giờ cũng được nhiều quà hơn tất cả mọi người, vì họ quan niệm, hai cô gái (cô dâu và phù dâu) trong một lễ cưới mà một cô thì “được“ chồng, một cô thì không “được” gì (!) do vậy phải an ủi “piêng”...
Theo truyền thống, sau Lễ đón dâu, cô dâu chưa ở ngay nhà chồng, mà trở về nhà mình, nhưng ban ngày phải sang nhà chồng để làm việc, chỉ tối mới về nhà ngủ. Một thời gian sau mới lại ở hẳn nhà chồng, thường là sau khi sinh con đầu lòng. Hiện nay, người Mường ở mường Vang còn giữ phong tục này qua lệ cô dâu thường về nhà bố mẹ ở vài ba ngày ngay sau lễ cưới.
Khi về nhà chồng lần hai, người con dâu sẽ mang theo chăn, gối, đệm đã chuẩn bị từ trước đó để tặng bố mẹ chồng và sử dụng. Chẳng hạn cô con dâu phải chuẩn bị 1 chăn, 1 đôi gối và 1 tấm vải trải đệm để tặng ông bà nội bên chồng; phải chuẩn bị tới 10 chăn, 2 màn, 12 chiếc gối đề dùng trong nhiều năm làm dâu. Trong lần này, vẫn có mặt bà (ông) mối và họ hàng nhà trai. Và cho đến tận lúc này, vai trò của bà/ông mối mới hầu như chấm dứt trong diễn trình của một Lễ cưới truyền thống Mường. Lễ nhận lại con dâu, nhà trai cũng làm cỗ rất lớn tuy số lượng khách không đông bằng lễ cưới chính. Vào ngày này, cô em chồng lại phải một lần nữa đi đón chị dâu cùng những trai đinh trong họ đi khiêng “của hồi môn“ về.
Tuy nhiên, nếu vợ chồng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” thì hai họ lại gọi bà/ông mối đến trách cứ và góp phần giải quyết sự cố.
3. Kết luận
Về cơ bản, đám cưới của người Mường hiện nay vẫn giữ được những nghi thức truyền thống nhưng chúng đã được rút gọn về thời gian. Chẳng hạn, từ khi ướm tiếng cho đến khi dạm ngõ, ăn hỏi và cưới dâu, hai họ nhà trai-gái có thể thoả thuận với nhau trong vòng vài tháng. Còn rất ít những gia đình kéo dài khoảng thời gian từ ăn hỏi đến lễ cưới vì không lo kịp và đủ lễ vật thách cưới. Đây cũng là một thay đổi khá lớn đối với yêu cầu vật chất, giúp cho nghi lễ hôn nhân bớt nặng nề hơn xưa.
Dù vậy, người Mường còn rất coi trọng hình thức thách cưới. Họ cho rằng, qua lễ vật mà nhà gái thách cưới đối với nhà trai, nó thể hiện sự tôn trọng của nhà trai đối với công lao sinh thành và nuôi dưỡng người con dâu. Lễ vật đó cũng thể hiện sự trân trọng của nhà trai đối với nhà gái và để đáp ơn nhà gái đã trao con cho họ. Chúng tôi thấy rất đáng trân trọng quan hệ cộng đồng qua Lễ cưới truyền thống Mường, ở đó thể hiện những ứng xử khéo léo, đề cao các nghi thức của mối quan hệ con người với con người, con người với xã hội (gia đình mở rộng, cộng đồng làng, bản) tạo điều kiện cho những thành viên mới của một đơn vị xã hội mới (đôi vợ chồng trẻ) biết tôn trọng nhau và biết củng cố sự bền chặt mối quan hệ của mình. Đây chính là ý nghiã đích thực của lễ cưới truyền thống người Mường trong đời sống văn hoá- xã hội hôm nay.
Bên cạnh đó, những tác động của lối sống mới từ đô thị, từ giao lưu văn hoá thế giới đã có những ảnh hưởng đáng kể tới phong tục của địa phương trong việc cưới hỏi. Ví dụ, về trang phục ngày cưới, các cô dâu vẫn còn muốn mặc quần áo dân tộc (may mới), nhưng các chú rể thì không chịu và cho đó là lạc hậu, buồn cười. Trước đây, về cuối buổi, lễ cưới thu hút được nhiều người tới chia vui vì những bài hát “Rằng thường” để nhắn nhủ, răn dạy cô dâu. Nay, để làm vui cho đám cưới, nhà trai nào khá giả sẽ thuê dàn máy hát karaoke với những bài hát tình yêu sướt mướt, đau khổ, thật lạc lõng với ý nghĩa của ngày cưới... nhưng lại được thanh niên hưởng ứng. Đây đang là một trào lưu sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật mới trong lễ cưới của các cư dân không chỉ ở vùng người Mường nơi đây, mà ở khắp các vùng nông thôn ViệtNam . Đây cũng là một công việc cần nghiên cứu kỹ và xem xét trên nhiều góc độ của văn hoá- xã hội, văn hoá- giáo dục, để làm thế nào mà ngành văn hoá (địa phương, trung ương) có thể phát huy được các yếu tố văn hoá truyền thống trong đời sống văn hoá của người dân xã hội đương đại.
_Phạm Lê Hòa
Nguồn http://spnttw.edu.vn/____________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét