Không ít người nhầm tưởng, "hoa hậu xứ Mường" là cụm từ được dân gian hóa để nói về nhan sắc thiếu nữ vùng đồng rừng. Thế nhưng, nó là tên gọi cuộc thi sắc đẹp của các mỹ nhân sơn cước được tổ chức cách đây gần 80 năm...
"Cuộc đua" chọn hoa rừng
Nằm ở vị trí cửa ngõ Tây Bắc, Hòa Bình được coi là thủ phủ của xứ Mường bởi nhiều lý do. Nhưng có lẽ, lý do quan trọng nhất, đấy là nơi cư trú đông đảo nhất của người Mường, dân tộc lớn thứ 3 về số lượng trong tổng dân số Việt Nam. Các số liệu điều tra về dân số qua các năm đã chứng minh điều này.
Trên góc độ lịch sử, tộc người Mường cư trú ở Hòa Bình từ hàng ngàn năm trước. Trải qua nhiều thế hệ, cuộc sống lao động và tinh thần của người Mường đã sản sinh ra nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, làm ngỡ ngàng những người làm công tác nghiên cứu.
Những bông hoa rừng đã làm bừng sáng cả xứ Mường suốt gần một thế kỷ. Cuộc đời của má hồng cũng nổi nênh theo những biến cố, thăng trầm của xứ Mường. (Ảnh hoa hậu xứ Mường đầu tiên - người đẹp Quách Thị Tẻo). - Ảnh tư liệu gia đình.
Nếu tính từ thời vua Hùng dựng nước, thủ phủ xứ Mường Hòa Bình đã qua nhiều tên gọi. Nhà nước Văn Lang bao gồm 15 bộ thì Hòa Bình thuộc vùng Đông Nam Bộ Gia Ninh. Thời Bắc thuộc, Hòa Bình nằm trong quận Vũ Bình. Đến thế kỷ thứ X với cột mốc nhà nước phong kiến đầu tiên giành được nền độc lập, Hòa Bình thuộc quận Phong Châu. Năm 1010, nhà Lý dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long, Hòa Bình thuộc lộ Quốc Oai. Đến đời nhà Trần, Hòa Bình – Lai Châu – Sơn La – Phú Thọ - Hà Tây được chia thành đạo Lâm Tây; sang thời Hậu Lê, Hòa Bình thuộc phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hóa (gồm 3 tỉnh Sơn La – Phú Thọ - Hà Tây). Từ nửa thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX, Hòa Bình thuộc tỉnh Hưng Hóa, Ninh Bình, Sơn Tây và một phần Hà Nội.
Ngày 22/6/1886, tỉnh Mường được thành lập với 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Chợ Bờ và Lạc Sơn. Bộ máy hành chính được đặt ở Phương Lâm, sau một thời gian ngắn chuyển lên chợ Bờ (nên cũng có tên gọi là tỉnh Bờ). Ngày 5/9/1896, tỉnh lị được chuyển về làng Vĩnh Điều (xã Hòa Bình). Tên gọi Hòa Bình của thủ phủ xứ Mường chính thức có từ đó, bao gồm 4 châu: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn và châu Mai Đà. Năm 1901, châu Mai Đà tách thành Đà Bắc và Mai Châu.
Những bản làng ấm áp là nơi sinh ra những người con gái đẹp người, đẹp nết cho xứ Mường. - Ảnh: K.Trung
Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, tự nền văn hóa Hòa Bình đã nói lên tất cả sự bề thế và hoành tráng của mảnh đất cổ.
Thời kỳ Pháp thuộc, quân đội thực dân đã không bỏ qua vị trí chiến lược của Hòa Bình - gạch nối giữa vùng Tây Bắc rộng lớn với trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa Đồng bằng Bắc bộ - nên thiết lập bộ máy cai trị ở đất này. Và có lẽ, hẳn nhiên, những nét quyến rũ của đất và người nơi này, những phong tục tập quán, những sản vật đồng rừng cùng không gian khoáng đạt, trữ tình của vùng cửa ngõ, cũng đánh thức ham muốn của những kẻ đi cướp đất...
Trong khoảng thời gian cai trị ngắn ngủi của mình, thực dân Pháp cũng đã tổ chức được hai cuộc thi hoa hậu xứ Mường – một điều mà có lẽ, từ thuở khai hoang lập ấp, trải qua bao dâu bể, chính những con người bản địa cũng chưa một lần được biết tới.
Trong khoảng thời gian cai trị ngắn ngủi của mình, thực dân Pháp cũng đã tổ chức được hai cuộc thi hoa hậu xứ Mường – một điều mà có lẽ, từ thuở khai hoang lập ấp, trải qua bao dâu bể, chính những con người bản địa cũng chưa một lần được biết tới.
Bịn rịn Mường Vang khiến ai một lần lạc bước cũng không đành lòng cất bước ra đi cho đặng... - Ảnh: K.Trung
Cuộc thi hoa hậu đầu tiên tổ chức tại thủ phủ xứ Mường vào năm 1932. Bông hoa đẹp nhất núi rừng Tây Bắc được trao vương miện là người đẹp Quách Thị Tẻo. Người đứng thứ hai, á hậu là bà Đinh Thị Quỳ (em ruột ông Đinh Công Phục, sau này là cán bộ tòa án tỉnh Hòa Bình).
Cuộc thi hoa hậu lần thứ hai vào năm 1942. Người đẹp xứ Mường được vinh danh lần này là Đinh Thị Nụ, người xóm Cời (Lương Sơn). Á hậu Nguyễn Thị Liên cũng là người đẹp của "miền gái đẹp" Lương Sơn. Hiện nay, bà Liên vẫn đang sống tại xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn).
Cuộc thi hoa hậu lần thứ hai vào năm 1942. Người đẹp xứ Mường được vinh danh lần này là Đinh Thị Nụ, người xóm Cời (Lương Sơn). Á hậu Nguyễn Thị Liên cũng là người đẹp của "miền gái đẹp" Lương Sơn. Hiện nay, bà Liên vẫn đang sống tại xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn).
Cả hai cuộc thi sắc đẹp do người Pháp tổ chức đều gắn liền với các hội chợ. Thời Pháp thuộc, hội chợ (ngày Két-mét) là sự kiện văn hóa lớn ở xứ thuộc địa. Người Pháp cho đăng tin và ảnh người đẹp trên báo Đông Pháp. Đây cũng là hình thức đăng tin để các người đẹp xứ Mường biết đến cuộc thi và ghi tên đăng ký tham dự.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, các cuộc thi hoa hậu xứ Mường chấm dứt. Nhìn ở khía cạnh văn hóa thì những cuộc thi sắc đẹp được tổ chức cách đây cả 8 thập kỷ, chứng tỏ thời nào cái đẹp cũng được tôn vinh và được cư xử theo đúng những cái mà nó đáng được nhận.
Tuy nhiên, mỗi đời người, mỗi số phận đều có những khúc quanh của riêng nó. Cuộc đời của hai hoa hậu đầu tiên của xứ Mường, và cũng là những hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, là những bức tranh nhiều màu sắc, với những hỷ nộ ái ố, và có những quãng ngưng đầy đau buồn...
Tuy nhiên, mỗi đời người, mỗi số phận đều có những khúc quanh của riêng nó. Cuộc đời của hai hoa hậu đầu tiên của xứ Mường, và cũng là những hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, là những bức tranh nhiều màu sắc, với những hỷ nộ ái ố, và có những quãng ngưng đầy đau buồn...
Kiên Trung
Theo vietnamnet.vn
Theo vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét