Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách...
NHỮNG NGÀY SƯƠNG NHẠT
Ai nhớ con suối nguồn cội xứ sở kể từ khi chiếc áo sơn nguyên, những làng sơn cước của thứ xã hội bán khai bé bỏng tháo cởi hơn 100 năm trước để mang vào kiếp "phố", đô thị, muốn xem hình hài của nó, thì hẳn đây là dịp. Đã qua 265 ngày vắng nước, đủ để cỏ dại mọc xanh dưới đáy hồ, liếm ra dòng suối cổ xưa vùi sâu như vừa"sống lại", êm ái và thản nhiên chảy, với nước từ thượng nguồn Hòn Bồ rong ruổi về lúc đục lúc trong theo từng ngày mưa nắng. Nhưng ở phố núi này ai cũng biết số người nhớ con suối Lạch kia hẳn sẽ ít hơn nhiều so với số người nhớ hồ nước Xuân Hương, bởi làng Lạch trú vào chân núi xa xa kia sau nhiều chục thế kỷ nay vẫn lơ thơ dân số đôi ngàn.
Ba ngày sau khi xả nước hồ, những người Lạch từ trong xã Lát_thuộc huyện Lạc Dương_ mới hay, cá lớn thiên hạ đã bắt hết. Vòng quanh hồ Xuân Hương thành "Lễ hội cá" ở xứ du lịch suốt mấy ngày. Vậy mà hôm sau đó nữa bỗng thấy họ xuất hiện, kéo nhau ra Đà Lạt, nhảy xuống dòng suối Lạch chỗ còn nước mà quần thảo, mót lấy những con cá cuối cùng. Đứng trên bờ nhìn xuống, nhận ra đồng bào Lạch ngay, bởi kiểu bắt cá tập trung cao, ánh mắt ngơ ngác, hồn hậu, và dụng cụ thô sơ của cư dân miền Thượng. Đây đó ở nơi cầu Sắt phía thượng lưu những nhóm người Lạch già trẻ túm tụm nướng cá bằng củi ngo ăn thoả thú ngay bên lề cỏ, dĩ nhiên mấy vị đàn ông thì đệm thêm chút rượu đế(nên nhớ chứ không phải rượu cần!) đựng trong những vỏ chai nhựa Lavie. Vấn đề là cá và và thú bắt cá thôi, chứ thực ra nhiều người Lạch không còn quan tâm hay nhớ về con suối Lạch(Lat) này nữa, bởi thời cuộc đã xa lắc còn nhịp sống thì giờ đã là trồng lơghim, và đánh cồng chiêng cho du khách xả xì - trét mỗi khi đêm về, dù cái tên " Đà Lạt"( Da là nước, là suối; và Lat hay Lach là người Lat, người Lạch) đã thành tên của cả xứ sở, của một Đô thị du lịch lừng danh, nơi khách sạn cùng thị dân, xe cộ soi bóng. Những tháng ngày hồ khô cạn này thỉnh thoảng thấy những tốp đàn bà mang gùi kéo mấy đứa trẻ con lững thững đi theo dọc vỉa hè đường Yersin ven hồ để ra trung tâm phố xá trong lặng lẽ và xưa cũ, họ chẳng buồn nhìn xuống lòng hồ, khiến cảm giác nơi mình mọi thứ cứ bạc phơ ra. Ai chẳng nhớ, sau cái tên Grand Lac do người Pháp từ Âu Châu xa lạ bỗng xuất hiện ở cao nguyên Langbian đặt thì người Việt vốn ưa mỹ ngữ mà gọi bóng bẩy hơn cho dòng suối này là " Xuân Hương", thì cái tên "Lat" cho dù là suối hay hồ, nước hay nguồn, vẫn gợi thương vời vợi một cội rễ núi ngàn ngun ngút. Cùng với Hà Nội_với hồ Gươm, phố núi cao nguyên Đà Lạt là một trong hai đô thị duy nhất của Việt Nam có hồ nước thiêng liêng, chứa linh hồn, là thắng cảnh Quốc gia, thực thể ngọc ngà nằm giữa lòng đô thị. Có người Đà Lạt nào ra đi không nhớ về hồ Xuân Hương ?
(Trích trong ký "Những Ngày Sương Nhạt" của Nguyễn Hàng Tình đăng trênhttp://www.vanchuongviet.org/ "
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét