Trong mỗi gia đình người Việt nói chung, bếp lửa là thứ không thể thiếu.. Nhưng với người Mường nét văn hóa bên bếp lửa sẽ còn mãi, là nơi mà người đi xa luôn nhớ về mỗi khi màn đêm buông..
BẾP LỬA NGƯỜI MƯỜNG
*Hoàng Nhâm
Có lẽ dân tộc Mường ở nước ta cũng không nằm ngoại lệ, lửa trong đời sống sống sinh hoạt và trong tâm linh đối với họ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đặc biệt, bếp lửa có thể được ví như là linh hồn trong ngôi nhà của người Mường. Với họ, khi xây dựng một ngôi nhà mới đến khi chuẩn bị dọn về ở thì nghi lễ làm bếp và nhóm lửa là vô cùng quan trọng.
Đối với nhà sàn thì khi làm khuôn và lấy đất đắp bếp phải chọn được ngày tốt theo tuổi của gia chủ. Đất để đắp bếp phải lấy ở nơi đất sạch sẽ (thường là đất đống mối). Nhóm lửa cũng phải chọn ngày, giờ tốt để sắm mấy mâm cỗ làm lễ cúng xin tổ tiên, thổ thần cho phép được nhóm lửa và mời anh em nội ngoại, làng xóm đến chứng kiến ngày nhóm bếp.
Lễ cúng nhóm bếp xưa kia thường được các thầy mo hoặc là các vị cao niên trong nhà thực hiện nhưng việc châm lửa nhóm bếp thì lại phải nhờ một vị cao niên, sống có uy tín trong cộng đồng, họ tộc và phải là gia đình có con cháu gái, trai đề huề, làm ăn phát đạt để nhà chủ được nhờ hưởng phúc-lộc-thọ-khang từ người nhóm lửa. Sau nghi lễ nhóm bếp, người châm lửa thường được gia chủ biếu quà là chiếc khăn mặt, vuông vải hoặc gà, gạo, rượu, tiền.
Trong khu nhà của người Mường, không thể thiếu ban thờ thổ công và vua bếp ở góc nhà. Việc sử dụng bếp trong sinh hoạt hàng ngày cũng rất được chú trọng và kèm theo nhiều điều kiêng kỵ. Chẳng hạn, xưa kia người Mường phải giữ cho bếp quanh năm đỏ lửa. Vì thế, trong những ngày tết, người Mường kiêng nhất là bếp bị tắt lửa, bởi họ cho rằng, nếu bếp bị lụi trong ngày tết thì năm đó gia đình sẽ làm ăn thất bát.
Người Mường cũng có những quan niệm vừa duy tâm, nhưng cũng rất thực tế như thú dữ hay tà ma chỉ sợ mỗi bếp lửa nên bếp tắt thì tà ma, thú dữ sẽ mò vào nhà. Bếp tắt trong ngày tết mà phải sang nhà khác lấy lửa thì rất ngại vì chẳng ai muốn chia sẻ “cái đỏ” của mình trong ngày đầu năm. Hoặc nếu phải cho lửa thì người đi xin sẽ bỏ ra ít tiền, tượng trưng cho việc phải đi mua lửa.
Chính sự kiêng kỵ này khiến cho nhà nhà vào dịp tết phải kiếm những cây củi khô, to và chắc để “cái bếp”. Vào mỗi buổi sáng, trước khi nấu ăn bao giờ cũng phải lấy một miếng thịt nhỏ ném vào giữa bếp để mời vua bếp. Quan sát bếp lửa trong những ngày đầu năm, nếu thấy ở đầu cây củi bỗng lửa cháy phì phì và ánh sáng của lửa sáng trắng hơn thì họ cho rằng đó là lửa cười và sang năm mới sẽ làm ăn thuận lợi.
Trong đun nấu cũng có nhiều điều kiêng kỵ với bếp lửa. Phụ nữ đun nấu không được ngồi ở vị trí cửa bếp (miệng của chiếc kiềng ba chân) mà phải ngồi lệch sang bên cạnh; ngồi sưởi phải khép chân bo gối. Củi đun phải đun đúng chiều gốc vào trong bếp để “tránh” khi sinh nở thai sẽ bị ngược; khi đun nấu không để nước sôi tràn xuống bếp sẽ làm ăn lụi bại. Tuyệt đối không được ném lá tươi vào bếp vì làm như vậy khuôn mặt sẽ sớm bị già nua héo hắt.
Mọi người tuyệt nhiên không được khạc nhổ vào đống tro quanh bếp. Bế trẻ nhỏ (bé trai) cạnh bếp lửa thì phải chú ý không để trẻ đái câu vào bếp. Nếu đái vào thì dễ bị vua bếp làm cho “bống chim” và nếu khi bị bống chim thì nên lấy thanh tre bổ thành chiếc gắp mỏng kẹp nhè nhẹ bảy lần vào chim đứa trẻ rồi lấy lạt buộc gắp lại, nướng sát bếp lửa cho khi nào cháy gắp thì thôi và đứa trẻ sẽ mau khỏi (chữa hèm).
Khi nướng thuốc nam để đắp cho người đau yếu, người Mường chỉ nướng ở hướng mặt trời lặn vì họ cho rằng, nướng ở phía mặt trời mọc thì bệnh sẽ càng tăng nhanh. Còn nếu nướng thuốc ở các hướng khác của bếp lửa thì thuốc ít tác dụng. Phụ nữ khi sinh nở được nhóm một bếp lửa ngay cạnh giường đẻ. Bếp lửa này giúp cho sản phụ và trẻ sơ sinh tránh được ẩm mốc, quán gió, nhưng nó cũng mang cả ý nghĩa xua đuổi tà ma hoặc đặt các vật kim loại như lưỡi cày, dao cùn như thể yểm bùa để canh vía dữ của những người đến thăm sẽ làm cho trẻ khóc dạ đề hoặc sài đẹn ốm yếu...
Đó là những quan niệm hay tín ngưỡng dân gian xung quanh bếp lửa của người Mường xưa kia. Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, khiến cho những quan niệm về bếp lửa của người Mường cũng thay đổi theo, thậm chí đã mờ nhạt dần. Bởi vậy, những điều nói trên cũng là để tham khảo một tục xưa, nét cũ về bếp lửa của người Mường.
Hoàng Nhâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét