Người M’nông có câu: “Tu đak manh mih”, nghĩa rằng sông chảy nhờ nguồn nước, suối sông là thứ quý báu nhất trên đời. Họ mang ơn sông suối ấy .. (Dòng Sông Miền Thượng, Mi Đang Chảy Đi Đâu-Nguyễn Hàng Tình)
DÒNG NƯỚC ĐỜI NGƯỜI
*Nguyễn Hàng Tình
...
Khi chảy qua mỗi vùng rừng, mỗi tộc người, mỗi (làng) plei, bon, buôn, dòng sông mang lấy một cách gọi “nước” khác nhau. Nơi thì gọi sông là Đa, nơi gọi là Đăk, nơi gọi Lak, nơi gọi Ea, nơi gọi Sê, nơi lại gọi là Ya… Như một con sông Đồng Nai thôi, người phía đỉnh núi Bidoup gọi là Đa Nhim, xuống chút nữa là Labá, chút nữa thành Đa Sa, chút nữa thành Lien Khang, chút nữa là Đa Chamo, chút nữa Dạ Dờng, chút nữa Đa Dâng, chút nữa Đa M’rong, chút nữa Đa Oai, chút nữa Đa Quay, chút nữa là La Nga… Tên gọi cho sông gắn với lai lịch nguồn nước, ký ức cộng đồng. Càng quẩn quanh đại ngàn, chảy miên man là những cái Đa, Đăk, Đă, Ya, Ea ấy… hoá thần, là thần, chứ không còn là nơi nước chảy. Người ta cúng sông, bến nước là vì vậy. Dòng sông sinh ra văn hoá cho con người nơi nó đi qua. Mỗi tộc người cúng khác nhau. Chính nó, sông, lại còn phải sống đời sống của những thực thể khác: thác đổ, ghềnh đá, vực sâu, hang động, nước qua thung lũng, thảo nguyên, đồng bằng…
Mùa mưa lũ sông đồng bằng có dữ dội thì sự dữ dội cũng không thể bằng những đoạn giang ở cao nguyên. Sông đồng bằng, sự dữ dằn chỉ xuất hiện thi thoảng vào mùa mưa bão, nhưng tất cả vẫn được gây men từ thượng nguồn, hứng đựng những gì của thượng nguồn thôi. Kể cả phù sa ở miền hạ lưu, cũng chỉ là sản phẩm tăng thêm của hành trình đào khoét núi non, gặm đất, vận chuyển của nước sông sục sôi nơi miền Thượng. Vì vậy mà sông trong lòng người sơn nguyên nó huyền bí, sâu kín vô tận so với người đồng bằng. Có những đoạn sông dài hàng chục cây số chảy êm ái, là đất sống, “quê hương” cho những con thuyền độc mộc đặc trưng của cư dân sơn cước. Thuyền độc mộc, là nguyên cây gỗ lẩy ra từ đại ngàn, đục rỗng, để rồi cùng người lang thang trên sông thượng ngàn. Sông rừng cạn thì thuyền độc mộc cũng biến mất nói chi đến tượng gỗ nhà mồ, nhà dài.
Chả thấy con thác nào ở những dòng sông đồng bằng, cũng như chả thấy thuỷ điện nào xây trên những mặt sông phẳng như lụa ấy. Ở miền cao nguyên, trong một dòng chảy thôi, nhưng lúc dòng nước ấy là sông, lúc là thác, là ghềnh, là vực. Có những đoạn sông thành thác đẹp ngất trời như Đray Sap, Đambri, Yaly, Pongour, Bobla… Không thể đếm hết thác trên sông miền Thượng, vì đó như sự biến tấu của sông ngòi. Có những đoạn sông trải ra chuỗi thác một lúc 6, 7, 10, 15… tầng nước. Những mảnh lụa trắng tung ra giữa màu xanh thiên nhiên và hùng vĩ trong âm thanh hoang dã. Đấy không là vẻ đẹp quê hương, cảnh thanh bình, hồn vía xứ sở thì là gì.
Và cũng chính địa hình trắc trở, biến chuyển liên tục, dốc đó khiến sông suối cao nguyên trở thành những dòng sông năng lượng. Ở đó, khá nhiều thắng cảnh nằm trong rừng mà vẫn nổi tiếng, được Nhà nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia, như Pongour, Trinh Nữ, Đăk R’tih, Đray Nu, Đray Sap, Đambri... Không để ý đến việc ai đó xếp hạng cho những cảnh sắc của quê xứ, người cao nguyên chỉ biết đó là “môi trường sống”, là những thứ máu thịt. Họ “đọc” suối, sông như ta thuộc “số nhà” ở phố. Đến khe đá còn đặt tên. Sông suối còn là không gian sinh hoạt của người. Không phải bến sông là nơi hò hẹn đâu, mà là cuộc đời, nơi lấy nước uống, nước tưới, tắm giặt, giỡn đùa. Chứa chan ký ức. Cuộc đời con người không thể thiếu sông. Nên khi một đoạn sông nào đó biến mất, là mất từ bến nước đến con người, tiêu tất cả những giá trị tồn sinh ôm lấy sông.
...
Nguyễn Hàng Tình
*Trích phần “Dòng nước đời người" trong bút ký Dòng sông miền Thượng, Mi đang chảy đi đâu của Nguyễn Hàng Tình đăng trên https://www.thiennhien.net/.../dong-song-mien-thuong-mi.../
*Ảnh Sông Sêrêpôk - Ban Mê Thuột (Đắk Lắk) 1969 - Photo by Larry Pyrzynski.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét