Thời gian qua mau.. vẫn có những lớp người thuộc thế hệ sau.. nhớ rừng!
THƯƠNG NHỚ ĐẠI NGÀN
*Nguyễn Duy Xuân
Bây giờ ngồi nhớ lại, ký ức như những đoạn clip quay chậm, đã nhuốm màu thời gian, vui buồn lẫn lộn.
Điều kiện tự nhiên đã ưu ái cho vùng đất này sự màu mỡ của đất đỏ bazan, với những thảo nguyên mênh mông ngút tầm mắt. Nhưng sự ưu ái lớn nhất của tạo hóa cho Tây Nguyên lại là rừng – thứ tài nguyên vô giá ít có nơi nào sánh được. Rừng Tây Nguyên rộng lớn, mang trong mình những bí ẩn của vùng đất được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương.
Hồi mới vào Tây Nguyên công tác, tôi cũng đã nhìn thấy đại ngàn. Thấy thôi, chứ hiểu về nó thì ngay cả bây giờ, sau gần năm mươi năm gắn bó đất cao nguyên, đại ngàn với tôi vẫn còn xa lạ, đầy bí ẩn bởi nó không chỉ là rừng với tuổi đời phải kể đến hàng nghìn, hàng vạn năm mà còn là không gian sinh tồn, không gian thực hành văn hóa và tín ngưỡng của các tộc người nơi đây.
Ngày ấy, rừng Tây Nguyên quả đúng là bạt ngàn. Gần lắm, khắp mọi ngả con người có thể bước chân, chạm tay với tới. Nó trùm lên mát rượi trên Quốc lộ 14, 19 hay 26 mỗi lần xe khách chạy từ dưới xuôi lên, xuyên qua Tây Nguyên. Nó bao quanh trường học, trụ sở cơ quan vừa được dựng bằng chính gỗ của rừng. Nó có khi còn lọt thỏm trong thế cài răng lược ở Ban Mê Thuột và những thị tứ thuở hàn vi “bụi mù trời”.
Rồi “cuộc chiến” giữa con người với rừng bắt đầu. Đó là những năm tháng đói khổ, cái khó bó cái khôn, buộc chúng ta phải hành xử theo kiểu "giật gấu vá vai". Rừng là đối tượng đầu tiên được đưa vào tầm ngắm. “Cuộc chiến” ấy thật không cân sức. Con người giữ thế chủ động tấn công với đủ loại vũ khí trong tay như dao, rựa, cưa, và các phương tiện máy móc.
Tháng 5/1982, tôi cũng “bị” cuốn vào “cuộc chiến” ấy khi cùng đồng nghiệp dẫn mấy trăm sinh viên bừng bừng khí thế đổ bộ vào Cuôr Knia (nay thuộc huyện Buôn Đôn) thực thi nhiệm vụ “dọn rừng”. Nói dọn rừng vì khi chúng tôi vào đến nơi, cả một cánh rừng rộng lớn, bằng phẳng đã bị máy móc san phẳng. Cây rừng ở đây chủ yếu thuộc họ dầu, đã được máy ủi chất thành đống cao như chiến lũy. Nhiệm vụ của các cô cậu sinh viên lúc ấy là dọn sạch số cành cây còn sót lại để kịp mùa gieo hạt trồng lúa hay bắp đậu gì đó.
Nhưng “cuộc chiến” phá rừng rầm rộ nhất là vào khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước trở về sau. Nghĩa là nó đã kéo dài ngót ba bốn chục năm nay. Với khoảng thời gian như vậy, và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, thì chả có rừng nào, đại ngàn nào trụ nổi trước sức tàn phá bởi lòng tham của con người. Rừng nguyên sinh chẳng còn thì người ta quay sang phá cả rừng trồng, miễn là chiếm được đất. Mà đất thì càng ngày càng có giá.
Đắk Lắk hiện có khoảng 227 nghìn héc-ta rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar. Trong đó, Vườn Quốc gia Yok Đôn được ví như “cái kho của cải Giàng làm ra để tặng cho con người”. Trong bút ký “Yok Đôn hoài niệm”, nhà báo Đặng Bá Tiến đã viết: “Bây giờ VQG Yok Đôn đã được mở rộng lên 115.454 ha, nhưng thực ra nó chỉ còn… cái tên và cái vỏ – tôi dám khẳng định như vậy; bởi vấn nạn lâm tặc hoành hành suốt cả mấy chục năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, nên “phần ruột” của Vườn, gồm hầu hết gỗ quý đã bị khai thác gần hết, nhiều tiểu khu các loại gỗ “có tên có tuổi” đã hoàn toàn vắng bóng”.
Ta hiểu nỗi lòng của già làng Ây Nô - nhân vật trong bài ký – người đã sống qua 90 mùa rẫy: “bây giờ mỗi lần nhìn sang Yôk Đôn tao buồn lắm, tao muốn khóc, tao lại thương rừng đau quặn cái gan, cái ruột!”.
Ai thấu hiểu đại ngàn Tây Nguyên hơn những người như già làng Ây Nô? Ai cảm được nỗi đau của họ trước hiện thực đại ngàn đang dần biến mất?
Thương lắm, đại ngàn ơi!
Nguyễn Duy Xuân
*Ảnh Một lớp sinh viên lao động "dọn rừng" tại Cuôr Knia. Ảnh tư liệu của Nguyễn Duy Xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét