"Cuộc đời con người không thể thiếu sông. Nên khi một đoạn sông nào đó biến mất, là mất từ bến nước đến con người, tiêu tất cả những giá trị tồn sinh ôm lấy sông" (Dòng Sông Miền Thượng, Mi Đang Chảy Đi Đâu-Nguyễn Hàng Tình)
"KẺ" ĐƯA TIN RỪNG GIÀ
*Nguyễn Hàng Tình
K’Nhal cùng đứa con khiêng chiếc xuồng lên khi không thể bơi tiếp. Anh và cậu con không có phép mầu để ôm xuồng bay qua cái đập khổng lồ kia. Cái đập thuỷ điện đã ngăn dòng sông mẹ Dạ Dờng lại, kể từ ngày thuỷ điện Đồng Nai 3 hình thành năm năm trước. Một cái đập thôi nhưng đã chia cách thế giới tự nhiên trên một dòng sông và làm khác đi thế giới ấy…
K’Nhal bảo xưa anh cứ thế mà thả xuôi đánh cá cho đến khi “no” cá, chán chê thì nghỉ; rồi chèo ngược về hoặc cắm đại xuồng ở bến rừng – sông nào đó mà về. Nay chỉ chờ trời mưa nhiều ngày, có bão lũ, thuỷ điện xả nước, thì mới nghĩ đến việc bắt con cá con tôm dưới dòng sông mẹ. Tức là bắt cá ở đoạn sông xưa bỗng một ngày đọng nước chứ không phải nguồn chảy thiên nhiên hàng ngày từ núi rừng. Sông hết chảy thì hồ đây đó cũng không còn nước. K’Nhal tâm tư là anh nhớ sông, nhớ nước, nhớ cảm giác bắt con cá, thèm ăn con cá nước ngọt mà đi bắt, chứ nhiều người ở bon B’tung, xã Dăk Plao, huyện Dăk Glong, tỉnh Dăk Nông của anh đã mòn mỏi, không buồn đi bắt con cá nữa. Anh kể bà con bon (làng) Mạ giờ quen dần bán cái bắp, cái càphê, điều để đi mua con cá biển, cá hấp mà ăn, người ta đưa từ xứ biển Bình Thuận lên. Nghe anh nói mà lòng tôi chùng xuống.
“Kẻ” đưa tin rừng già
K’Nhal ngồi đấy, xả hơi với chút cá ít ỏi bắt được, sau khi đưa thuyền lên bờ để chờ xe công nông đến chở nó đi tìm khúc sông có nước khác. Theo Nhal, sông là mạch máu của núi rừng, của miền xứ Thượng quê anh. Trong lòng anh, sông, cuộc đời nó, vẫn quẩn quanh cao nguyên này. Cảm giác “sông không ra khỏi xứ”, bởi nó bắt đầu từ những mạch nước nhỏ nhất trên núi, trong rừng già lê thê. Cứ lê thê miết như thế cho đến khi gom đủ suối để thành sông. Trong dân gian miền Thượng ngày nào, họ không biết dòng sông của mình sẽ tới đâu, và “nói” lời tạm biệt với dòng sông là không thể. Chỉ người từng trải, hiểu biết mới biết nó chảy đi đâu đó thôi về dưới kia, chỗ thấp hơn, đến đại dương, một chốn xa xôi hư ảo.
Nhal rằng nhìn dòng nước của sông là biết quanh đó rừng già hay rừng thưa, và những loài cá gì thường sinh sống. Sông chảy từ rừng già ra, nước trong, xanh thẳm, và lạnh. Sông chảy từ rừng thưa xuống thì nước đục.
Sông chảy từ rẫy nương xuống thì nước đục hơn nữa. Dòng sông nằm trong rừng nguyên sinh khi chảy dòng nước không thấy nhiều rác, cây lá, bọt nước... Tốc độ nước chảy cũng cho biết rừng bên trên nhiều hay ít. Sông ở rừng già nước lạnh nhưng coi vậy mà hiền. Sông chảy qua núi đồi không rừng, nước rất dữ. Đếm giờ mưa có thể ước được bao giờ con nước nó đến khúc sông nào, chảy qua bến sông kia, dâng lên tới chỗ cái cây nào quen thuộc. Địa hình cao nguyên là vô vàn hình hài, tầng nấc, khúc khuỷu. Nên nước bền bỉ len theo rừng để đi, lúc thì cuồng nộ hung hãn đâm thủng núi non, va thẳng vào những bãi đá lộ thiên, đổ xuống vực thẳm. Lúc lại chảy dịu dàng, rồi cuồng lên ngay. Kể cả mùa khô, sông cũng không thể êm đềm. Sự trắc trở của địa hình bắt nó phải khùng điên, cuồng nộ. Nước chảy mà như “nhảy”. Sông biến ảo.
Sông tiến về đến đồng bằng là thứ sông xa nguồn, tách xứ, phẳng băng ra, cởi trần, như “xa lộ” cho nước, chẳng dùng dằng, quyến luyến, vòng vo nữa. Nhưng rắc rối và liêu trai mới là kỳ diệu của một thực thể mang tên “con nước miền Thượng”.
Núi non cách trở, có những địa bàn con sông, đường thuỷ, trở thành giải pháp tối ưu cho việc đi rẫy đi nương, chở bắp, mì, càphê về, và phân bón, máy tưới… Theo dòng sông, hay xuất hiện những bến thuyền độc mộc là vì thế. Dĩ nhiên trên mỗi bến thuyền ấy là làng, bon, buôn, plei với cư dân sinh trú lâu đời. Người dân bám vào những con sông, men theo dòng nước để sống, để vào rừng kiếm nấm kiếm rau, con chim con thú; đưa nông sản, củi… về trên những dòng sông đó. Người Mạ, K’ho, Êđê, M’nông, Jrai, Bahnar… cũng dựa vào những con sông đó để kiếm thực phẩm, hoặc đánh bắt cá nước ngọt về ăn, trao đổi, mang ra chợ bán. Dòng sông sinh ra bao nghề nuôi sống con người. Con người nương theo dòng sông tự nhiên mà tồn tại. Một cuộc sống chan hoà và thanh bình, nương tựa sông núi...
...
Nguyễn Hàng Tình
* Trích phần “Kẻ” đưa tin rừng già trong bút ký Dòng sông miền Thượng, Mi đang chảy đi đâu của Nguyễn Hàng Tình đăng trên https://www.thiennhien.net/.../dong-song-mien-thuong-mi.../
*Ảnh Bến thuyền trên dòng sông Krông Ana- Thị Trấn Buôn Trấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét