Ngay từ thời gian đầu, trong Sách Lễ Rô-ma, ngày lễ “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” có tên “Assumptio Beatæ Mariæ Virginis”... Giáo hội Công Giáo Việt Nam muốn giữ nguyên vẹn ý nghĩa của tên gọi .. nên dịch là Lễ “Đức Bà Mông Triệu”..
VỀ VỚI MẸ GIANG SƠN
*Gb. Nguyễn Thái Hùng
...
Chòm Sao Bắc Đẩu
Cùng với Đức Mẹ La Vang (1798) Tổng giáo phận Huế và Đức Mẹ Trà Kiệu (1898) giáo phận Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, 5 tượng đài Đức Mẹ đã được đặt thêm: Đức Mẹ Phượng Hoàng (1959) ở Pleiku, tỉnh Gia Lai, giáo phận Kon-Tum; Đức Mẹ Trinh Phong (1961) tại Eo gió, điểm cao nhất của Đèo Ngoạn Mục, ranh giới giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, giáo phận Nha Trang; Đức Mẹ Tà Pao (1959) ở xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, giáo phận Phan Thiết; Đức Mẹ Thác Mơ (1959) tọa lạc trên một ngọn đồi dưới chân núi Bà Rá thuộc phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, giáo phận Ban Mê Thuột và Đức Mẹ Giang Sơn (1960) nằm trên đồi Giang Sơn, cách thành phố Buôn Ma Thuột 30 km về phía đông nam theo Quốc lộ 27 đường đi Đà Lạt, giáo phận Ban Mê Thuột, tạo thành một Chòm Sao Bắc Đẩu, với ngôi sao sáng nhất là Đức Mẹ La Vang, với ước nguyện đặt mọi sự dưới bàn tay Mẹ dẫn dắt.
...
...
Đức Mẹ Giang Sơn, Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo họ Ban Mê Thuột được thành lập ngày 15.08.1934, thuộc giáo phận Kon Tum. Ngày 30.3.1937 được nâng lên thành giáo xứ và bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn làm Cha sở tiên khởi.
Ngày 22.06.1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ra Sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột. Cùng ngày hôm ấy, Ngài bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Ban Mê Thuột. Bổn mạng Giáo phận Ban Mê Thuột: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và được mừng kính vào ngày 22.6 hằng năm.
Giáo phận Ban Mê Thuột là nơi sinh sống của ba sắc tộc bản địa: Dân tộc Êđê (Đăk Lăk), dân tộc M’Nông (Quảng Đức, Đăk Nông) và S’Tiêng (Phước Long). Địa giới là tỉnh Đăk Lăk, tỉnh Đăk Nông và một phần của tỉnh Bình Phước. Diện tích là 24.474 km2.
...
...
Giáo phận Ban Mê Thuột có 3 Trung Tâm Hành hương lớn:
- Trung Tâm Hành hương Đức Mẹ Thác Mơ tại giáo xứ Phước Long, giáo hạt Phước Long, tỉnh Bình Phước.
- Trung Tâm Hành hương Đồi Thánh Tâm tại giáo xứ Xã Đoài, giáo hạt Darmil, tỉnh Đăk Nông.
- Trung Tâm Hành hương Đức Mẹ Giang Sơn tại giáo xứ Giang Sơn, giáo hạt Giang Sơn, tỉnh Daklak
Đến Hẹn Lại Lên
Tháng Tám trời mưa hay nắng. Người người lũ lượt về với Mẹ. Người kinh, người sắc tộc. Người già, người trẻ. Những gia đình, các thai phụ và cả những trẻ đang còn bế trên tay... về với Mẹ Giang Sơn.
Tượng đài Đức Mẹ Giang Sơn được linh mục Giuse Nguyễn Hữu Nghị khởi công năm 1961. Sau hai năm xây dựng, linh mục Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn chủ sự làm phép và long trọng tổ chức lễ khánh thành trong 3 ngày (từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1963).
Tượng Đức Mẹ cao 6,32 mét, do điêu khắc gia Đinh Văn Lượng ở giáo xứ Phát Diệm, thuộc Giáo phận Sài Gòn đảm trách, nét mặt Đức Mẹ hiền từ nhân hậu, trên đầu Đức Mẹ mang triều thiên 12 ngôi sao. Tượng đài xây dựng trên đồi đá xếp tự nhiên ở độ cao 823m so với mặt biển. Đường từ quốc lộ lên đến tượng đài dốc đứng, rộng hơn 3m, dài khoảng 1,5 km, lát đá hộc.
Năm 2000, linh mục Phêrô Bùi Văn Thục cho trùng tu, tôn tạo lại bệ tượng Đức Mẹ bằng đá hoa cương, mở rộng mặt bằng, gia cố bờ tường chung quanh lễ đài, xây dựng bốn gian nhà và hai phòng cơm dành cho khách hành hương. Tháng 11 năm 2002, xây dựng nhà Bát Phúc và hoàn thành công trình trùng tu vào ngày 31 tháng 12 năm 2002. Dọc bên đường có sẵn ghế đá để khách hành hương nghỉ chân.
Vào các ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, các ngày thứ bảy đầu tháng, và nhất là 15.8 hàng năm, lễ Mẹ Mông Triệu, có rất đông khách hành hương từ khắp nơi về dự Thánh lễ tôn vinh Đức Mẹ .
Đức Mẹ Giang Sơn, tôi cũng đã đến nhiều lần. Hành hương với gia đình, với người thân, với bạn bè, với các anh chị dự tòng hay đi một mình.
Ngày 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Mông Triệu, trời nắng cuối hạ vàng, tôi cũng là một người hành hương trong hàng ngàn người đến với Mẹ. Tôi đến đây để làm gì? Bạn đến đây để làm chi?
Tôi đến để cầu nguyện với Mẹ. Để dâng Mẹ bao lo âu cuộc sống. Để phó thác cho Mẹ cuộc đời con cũng như những người thân yêu. Để xin Mẹ chỉ lối dẫn đường trong cuộc sống đầy cạm bẫy chông gai. Để xin Mẹ an ủi... và cũng để an ủi Mẹ.
Trước khi đến với Mẹ ở đồi Giang Sơn, bao giờ tôi cũng ghé Đồi Thánh Giá. Tôi đi Đàng Thánh Giá. Cùng bước theo chân Con Mẹ vác thập giá, lên đỉnh đồi Golgotha, con đường thương khó mà Mẹ đã theo sát Con mình. Mỗi làn roi quất trên thân thể Thầy Giêsu, là một lưỡi gươm đâm nát trái tim Mẹ. Mỗi lần ngã quị là một lần trái tim Mẹ nát tan. Mỗi giọt máu Con Mẹ rơi xuống là vạn mũi kim đâm thấu tâm hồn Mẹ. Trên đỉnh đồi Golgotha, người ta đóng đinh Con Mẹ. Trong buổi chiều tà, Mẹ ôm xác Con mình, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể đã “cắm lều giữa chúng ta” (x. Ga 1, 14). Mẹ có sợ không? Lời thiên sứ lúc truyền tin “Maria, đừng sợ!” (x. Lc 1, 30) có theo Mẹ đến tận chân thập giá? Tuyệt đỉnh của đau khổ là gì? Thưa: Phục sinh. Có Qua Thập Giá Mới Đến Được Vinh Quang.
Bên cạnh đồi Thánh Giá là ngọn đồi Phục Sinh.
Trên ngọn đồi Đức Mẹ Giang Sơn, nhìn về Đồi Thánh Giá, Mẹ dõi theo bước chân của Con mình, người con mà 2000 năm trước, Mẹ đã theo sát đến tận đỉnh đồi Golgotha. Hôm nay, Mẹ đứng đây, Mẹ dõi theo bước chân ai?
Trên đỉnh đồi Golgotha, khi thấy dưới chân thập giá có Mẹ và người môn đệ yêu quý, Thầy Giêsu nói với Mẹ: “Đây là con Bà”, và nói với môn đệ mình yêu mến: “Đây là Mẹ anh” (x. Ga 19, 26-27). Từ giờ phút đó, người môn đệ nhận Mẹ về nhà mình.
Mẹ đã nhận chúng con là con của Mẹ. Tất cả mọi người. Chúng con đến với Mẹ để dâng lời cảm tạ, để được chở che giữa sóng gió cuộc đời... và cũng để bắt chước Mẹ sống đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng và đức mến trọn hảo.
Từ đỉnh đồi Đức Mẹ Giang Sơn, tôi nhìn về Đồi Thánh Giá với bao ưu tư trong cuộc sống! Con đường Chúa đi, có Mẹ cùng bước. Con đường tôi đi, có Mẹ chở che. Còn con đường của bạn? Của bao anh chị em chung quanh ta??
Trên đường trở xuống, tôi cũng gặp rất nhiều người lên viếng Mẹ. Nên chăng, ngoài Thánh lễ long trọng do Đức Giám mục chủ tọa, cũng còn có Thánh lễ vào những giờ khác để tất cả mọi người đến với Mẹ được hưởng nhờ những ơn lành mà Mẹ hứa ban một cách trọn vẹn?
Về lại giữa đời thường, tôi phải làm gì để bắt chước Mẹ sống đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng và đức mến trọn hảo?
Còn bạn, bạn phải làm chi?
Ngày lễ Mẹ Mông Triệu 15.8.2019
Gb. Nguyễn Thái Hùng
*Trích đoạn trong nguồn https://gpbanmethuot.vn/van.../ve-voi-me-giang-son-4048.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét