Miền Bắc gọi là tào phớ, miền Nam gọi là tàu hũ, là món ăn chiều giản dị mà thơm ngon... Ở Ban Mê tôi thường nghe tiếng rao đậu hũ!
NHỚ TRIÊNG ĐẬU HŨ
*Đinh Hoa Lư
Triêng - hay gánh - đậu hũ Huế và Quảng Trị của các o không khác gì nhau. Một đầu là hũ đậu, nó được bao quanh một lớp vải rơm để giữ nóng. Phía đầu gánh khác là cái thùng gỗ đựng những thứ cần thiết như chén muỗng, đường , chanh hay vài thứ lặt vặt khác. Thau nước rửa chén nằm dưới. Đôi ba miếng lá chuối, nổi bập bênh cho nước khỏi chao. Tôi không biết miêu tả thế nào thêm nữa cho tận tường gánh hàng nay, nhưng có điều tôi chưa quên là tiếng rao của mệ hay các o khác mỗi lần triêng hàng ngang ngõ:
- Ai... đậu hũ khôông!?
Cũng chiếc áo dài bạc màu đó, cũng cái nón đã đổi màu xam xám và dáng gánh nhẹ nhàng của o mọi ngày không hề thay đổi.
...
Triêng đậu hũ của mấy mệ hay mấy gánh bán hàng ngày ngang ngõ nhà ngoại tôi. Con đường Ngự thân yêu cũng là con đường quen thuộc của mấy triêng hàng vặt trong thôn, dẫn ra xa tận cánh đồng sau xóm.
Xóm Cửa Hậu tôi thật lạ; không kêu thì thôi, nếu có người kêu o lại, thế là con nít người lớn đều tụ lại mua thêm. Có thể ăn đông người vui hơn, đỡ "ổ ngai" hơn. Có vài người cùng ăn tự nhiên ai cũng thấy vui, quên bẵng đi không khí oi nồng mùa hạ. Nhớ làm xao mấy đứa con trai lứa của em tôi, ngõ nhà chú Huỳnh Chốn, bác Hà công Kinh, chú Phan Hưu đều gần cửa ngọ với nhau. Triêng đậu hũ đặt xuống là cả bầy con nít cỏ cả tôi 'bu' lại...
O múc đậu vào chén thật khéo. Nhẹ nhàng, o vớt từng lát đậu mỏng manh nóng hổi vào chén xong, o thêm muỗng đường cát trắng tinh, một múi chanh nhỏ xíu. Tay o sao nhanh và uyển chuyển quá đi thôi. Việc làm của o bán đậu hũ không dư không thiếu. Ngó vậy mà o cho nhanh không làm ai đợi lâu. Một đời "buôn gánh bán bưng", thân quen trong mọi ngã đường quanh xóm. Nhà nào kêu thì o gánh vào. Khách trong nhà ngồi ngay trước hiên thưởng thức mấy chén đậu trưa hè. Tình làng xóm càng đậm đà, khách ăn không ai xa lạ, mua - bán giúp nhau.
Tôi lại có dịp ghi nhớ cái gia tài, nói đúng hơn là chút vốn liếng cỏn con của o lúc này. Mấy cái chén nhỏ được úp trên cùng, nhưng chúng là chén sành. Mấy cái muỗng cũng bằng sành, khum khum xếp một lớp với nhau. Múi chanh xanh vỏ, thơm thơm mát dịu. Trộn tan xong muỗng đường, chén đậu hũ chưa nguội. Vị đậu hũ nóng tan đều vào lưỡi, thoảng mùi thơm chanh tươi làm người ăn khoan khoái trong lòng! Khách thường kêu thêm chén thứ hai nên hàng mau hết. Gánh hàng ít khi phải đi bán thật xa, từ đầu đến cuối phường là hết.
Hồi này còn có những triêng chè môn sáp. Tôi tin rằng thứ chè này do người trung bày ra đầu tiên. Người Trung hay trồng môn khoai phòng khi thiếu đói, giáp hạt. Ngay từ cung đình Huế vua còn ưa ăn canh mít non, mắm nêm thì chè môn chắc không thể nào thiếu ở chốn Hoàng Cung. Hồi đó. chị thằng bạn tôi cùng phường có gánh chè môn sáp ngon "trứ danh". Đó là lời đồn thôi, do tôi chưa hề ăn chè môn sáp của người chị bạn tôi nấu do hàng ngày ngay sáng tinh mơ là chị đã gánh lên chợ Tỉnh (chợ Quảng Trị ngày xưa). Vậy là khách ăn của chị đâu phải là người trong phường, mà là dân trên phố. Mỗi buổi sáng sớm, đi ngang qua xóm thằng Mẹo, bạn lớn hơn tôi một tuổi, tôi có dịp thấy chị gánh hàng chè môn này lúp xúp ra khỏi con kiệt. Những mâm chè môn màu lam nhạt, múc sẵn ra chén, chồng lên nhau từng lớp.
Giờ tôi xin trở lại chuyện đậu hũ. Nên chăng tôi phải nhắc lại với bạn đọc rằng: ngày đó tôi chẳng hề nghe chuyện "cạnh tranh" buôn bán như thời nay. Trời hè nóng bức, chiều chiều người trong thôn đã thấy triêng đậu hũ. Dáng mệ, dáng o, lúp xúp gánh từ xa. Người ta đợi, triêng đậu tới gần...
Tiếng là ăn nóng, nhưng khi ăn xong lại thấy mát mẻ trong người. Người lớn kinh nghiệm điều này. Tôi tin thế, do khi mồ hôi ra bớt, trong người cảm thấy mát hơn. Con nít thời nào cũng ưa ăn cà-rem. Nhưng trời hè, càng ăn nước đá càng cảm thấy nóng, không mát chút nào? Người viết cũng xin mở ngoặc thêm một ít ở đây: triêng đậu thường xế trưa mới bắt đầu bán. Mấy gánh bún xáo, cháo hầm, cháo bánh canh... mấy o đi bán từ sáng sớm.
O gánh triêng đậu sao mà nhịp nhàng?! Cái đòn gánh cong cong, mềm mại bao ngày trên vai. Gánh đậu còn xa tôi đã nhận ra o. O sắp đặt cho gánh đậu gọn gàng làm sao! Múi chanh cắt rất nhỏ, đến mức tôi không nghĩ rằng tôi cắt được. Tính toán chi ly o kiếm đồng lời. Tô đường cát trắng mịn, loại đắt tiền, o xúc thật khéo bỏ lên mặt chén đậu nhỏ - không quá ngọt, mà cũng không lạt để khách phải nài. Sau này, trong Nam cũng có đậu hũ, sương sâm sương sáo... người ta muốn nhanh nên nước đường nấu sẵn, đen sì; tôi chẳng ưa.
Quảng Trị vào hạ, nắng Nam Lào gay gắt như đổ lửa. Một thời, máy nước đá chưa nhiều trong thành phố. Thật ra trong những phường ngoại ô, bà con ưa ăn đậu hũ hơn là những thau nước trà đá chanh đường.
Vào Nam, tôi vẫn thấy người trong này làm đậu hũ. Người ta làm đậu lại bỏ trong những soong nhôm trắng xóa. Thế là nguội mất, không nóng bằng thứ đậu hũ gánh ngày xưa.
Nay tuy đậu hũ không lạ với bà con bên quê nhà. Thế mà thiếu? Thiếu là thiếu cái khung cảnh ngày đó. Khung cảnh mà người ở trên hay cuối phường đều là bà con cố cựu, cùng sống, cùng lớn lên từ thời Pháp, thời đệ Nhất Cộng Hòa.Từ đầu đến cuối phường đi bộ "chưa tàn điếu thuốc", gần nhau đến thế nhà nào cũng biết tên nhau, chẳng ai xa lạ.
Tuổi già lẩn thẩn, hay nhớ về hình ảnh nào xa lắc... xa lơ, trong đó có gánh đậu hũ lởn vởn hiện về trong trí nhớ tôi. Tôi nhớ sao hình ảnh o giở cái nắp gỗ tròn lên... một màu trắng tinh khôi của hũ đậu, như đám mây trời dày đặc đang thu gọn lại bên trong. Tay o nhịp nhàng với xuống xớt từng vá đậu mong mỏng, mềm mại, vào từng cái chén sành nho nhỏ, xinh xinh, in hình rồng bay, hạc lượn. Một chút tưởng tượng, tôi hình dung cả một bầu trời mây trắng đang quyện mình trong chén đậu vào một ngày hè.
Đinh Hoa Lư
*Trích đoạn trên nguồn http://phudoanlagi.blogspot.com/.../nho-trieng-au-hu-inh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét