Xưa, ít ai trồng cây sương sâm, càng không có người hái lá sâm đi bán kiếm tiền. Cây sâm ngày trước được xem là cây dại...
MÁT LÀNH SƯƠNG SÂM
*Sông Côn
...
Theo như lời má, lá sương sâm có tính mát, nhuận tràng, hạ nhiệt, giải độc. Mùa hè ăn sương sâm thanh nhiệt, rất tốt cho cơ thể.
Bởi vậy, nhiều trưa hè, mấy chị em trốn ngủ, tụm lại vò lá sương sâm làm thạch, bị má la cho một trận. Nhưng vào nằm rồi, vẫn rì rầm bàn tán về chuyện làm sương sâm.
Thiệt ra, món sương sâm dễ làm vô cùng. Chỉ cần rửa sạch lá sâm, cho vào cối với một ít nước, rồi giã nhuyễn, vớt xác bỏ đi, giữ lấy nước, rồi cạo ít nang mực (có trong con mực nang ở biển) là xong. Mà cũng lạ là có nang mực cho vào, thạch sương sâm dai hơn, thơm ngon hơn. Học theo cách ấy, mỗi khi má hay bà ngoại đi chợ, mấy chị em lại không quên dặn dò mua nang mực về để dành trên gác bếp, khi cần mang ra dùng.
Nồi nước sương sâm sau khi lọc xong, để tầm hơn tiếng đồng hồ đã đông đặc, khiến mấy chị em thích thú reo hò. Làm thạch xong, chị thường đi dạo hết mảnh vườn nhà để tìm dừa khô rụng, rồi lụi cụi chặt ra, cạy lấy cơm mang đi mài, vắt lấy nước cốt. Sau đó mới đi nấu nước đường. Mà chị nấu nước đường không được ngon như má. Má nói, khi nấu nước đường, phải cho chút gừng sẻ mới thơm ngon được.
Mùa hè mà được ăn sương sâm thì không có gì bằng. Nhớ những buổi trưa, cả nhà ăn cơm xong, má chị thường múc mỗi người một chén sương sâm để tráng miệng. Chị vẫn nhớ như in, chén thạch sương sâm của má dai dai, sực nức mùi của lá rừng, mùi nước đường có pha gừng và vị thơm thơm, béo béo của nước cốt dừa, ăn vào tới đâu mát tới đó.
Biết cả nhà thích ăn nên mỗi khi lên rẫy gặp dây sương sâm má đều hái về. Một dây ít quá thì má mang đi phơi, đến khi hái được nhiều dây góp lại, má lại làm một nồi sương sâm cho cả nhà cùng thưởng thức.
Chị nhớ, dây sương sâm ngày ấy mọc đầy các bờ rào, men theo các lối lên rẫy mì, rẫy bắp. Là thân dây leo nên lan khắp bờ bụi. Dây nào dây nấy cũng tốt um, xanh mướt sau một trận mưa.
Món sương sâm mát lành chắc chắn luôn là món ăn gắn liền với tuổi thơ của bao cô, cậu ở những vùng quê miền Trung như chị.
Bây giờ, chị nghe má nói lá sương sâm ở quê cũng không còn mọc nhiều ở trên rẫy, do phần nhiều gia đình làm bờ rào bao quanh bằng gạch, đá nên không có chỗ cho sương sâm leo bám. Nhưng thay vào đó, sương sâm lại mọc nhiều ở các vườn nhà, vì nhiều nhà kiếm giống về trồng.
Trong vườn nhà ở quê, má cũng trồng mấy dây sương sâm. Mùa nắng thì trông hơi khô cằn; mưa xuống, dây tốt, leo bám đầy bờ rào. Lâu lâu, có thành viên nào trong gia đình bị nhiệt trong người, má ra vườn hái ít lá vào làm thạch ăn cho mát.
Cu con reo vui khi thấy nồi thạch sương sâm do mẹ làm đã đông lại, rồi vội vàng hối mẹ vắt nước cốt dừa, cho nước đường vào. “Không biết món sương sâm mình làm có ngon hay không. Nhưng mình đã gửi vào đó trọn vẹn tình yêu thương, như ngày xưa má làm cho chị em mình vậy”- chị nghĩ thầm.
Và trong đó, còn có cả vùng trời bình yên thuở thiếu thời!
SÔNG CÔN
*Trích đoạn theo nguồn http://m.baokontum.com.vn/.../mat-lanh-suong-sam-23097.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét