Làng tôi luôn luôn vươn vài đám khói.. Một góc cánh đồng Buôn Trấp sau vườn nhà..
KHÓI ĐỐT ĐỒNG
*Lý Thị Minh Châu
Tuổi thơ tôi gắn chặt vào quê nghèo. Gắn chặt vào mái rơm đã bạc nhàu năm tháng đụt mưa trú nắng, vào những trò chơi dân dã ngây thơ. Lớn hơn một chút, theo mẹ ra đồng thoả thích nô đùa cùng rơm rạ, cùng với lũ trẻ con hàng xóm cũng đầu đất chân trần. Thứ, mà trẻ quê rất khoái bởi không phải bận bịu, giữ gìn.
“ Xa quê nhớ khói đồt đồng, nhớ bông hoa gạo rực hồng ngõ ai…” nghe sao mà da diết, mà ngọt ngào. Cái bức tranh quê bạt ngàn xanh bởi cây lá, sông nước, mây trời ấy, nếu không có ngọn khói đốt đồng sẽ trầm lắng và buồn tẻ biết bao.
Tuổi thơ tôi gắn chặt vào quê nghèo. Gắn chặt vào mái rơm đã bạc nhàu năm tháng đụt mưa trú nắng, vào những trò chơi dân dã ngây thơ. Lớn hơn một chút, theo mẹ ra đồng thoả thích nô đùa cùng rơm rạ, cùng với lũ trẻ con hàng xóm cũng đầu đất chân trần. Thứ, mà trẻ quê rất khoái bởi không phải bận bịu, giữ gìn.
Lĩnh kĩnh xách theo mớ đồ hàng bằng nhựa xanh đỏ đủ màu, chọn một bóng cây mát mẻ nấu cơm, thổi canh. Ngày đó, tôi học được ở những đứa trẻ lớn hơn mình những loại rau mọc hoang ăn được như dền tía, dền xanh, rau má, mã đề, càng cua, nút áo…Phân biệt được rau nào, tên nào. Khi lên chín, lên mười đã biết bắt ốc, mò cua, biết phụ mẹ nhổ cỏ cho vuông cải, biết sâu rau màu xanh nhưng hiền, sâu róm màu nâu đen có lông châm rất ngứa, biết gom rác cho cha đốt đồng.
Ngày ấy cả làng tôi đều đun bếp củi, cành nhánh cây khô, tre rều. Rơm là thức đun cực chẳng đã bởi nó nhanh tàn và phải ngồi trông như trông con mọn. Được cái là nó giúp trâu bò có cái ăn trong mùa đông khi mà cây lá như đã chết lâm sàng. Ngoài phần rơm dự trữ cho bếp đun và gia súc ăn, người ta đốt hết chúng để làm phân bón cho đồng ruộng, hoa màu.
Ngày ấy làm gì có máy gặt đập liên hợp, khi vào mùa, nông dân làng tôi tay ai cũng lăm lăm cái liềm, cây đòn xóc. Đó là món bất ly thân để kiếm ra cơm áo gạo tiền.
Mùa gặt nhọc nhằn nhưng vui sao kể xiết. Đàn bà, con gái gập lưng ngang đồng thi nhau cắt cắt, xếp xếp. Đàn ông, con trai hùng hục bó những bó lúa lớn rồi dùng đòn xóc xóc vào hai bó lúa gánh đến nơi truốt lúa. Nói là truốt chứ truốt thế nào được, đập thì hạt lúa mới rơi ra nhanh và nhiều. Gặt đến đâu đập đến đó, làm không kịp thì ngày hôm sau tiếp tục. Ngưới ta căng một tấm bạt lớn vây kín ba mặt khung gỗ để khi cầm bó lúa đập mạnh xuống thành gỗ lúa rơi ra và không bay đi xa. Khi nhánh lúa không còn hạt nào người ta vứt chúng ra xa. Vứt cả lên đầu lên cổ tiếng cười nứt nẻ của đám trẻ giành nhau về cất nhà chòi.
Những ngày ấy thì mẹ và chị gái tôi phải lo cơm nước cho bạn gặt. Những khúc gỗ tươi chặt ở mom sông được cắm xuống đất làm “ ông kiềng ” để nấu nướng. Thấy thì đơn sơ thế nhưng khỏi chê, muốn lửa to nhỏ thế nào cũng được, muốn cháy cả áo quần cũng xong. Công việc của người lớn thì bề bộn lại bị rơm tươi nên mắt cay xè nên chỉ còn cách nhờ bọn trẻ phù phép thổi đi. Khói củi, khói rơm tươi cay cay nồng nồng hòa quyện với mùi chiên xào làm cho bọn trẻ chúng tôi thèm nhỏ dãi.
Chiều về, trên vai ai cũng nặng trĩu gánh lúa vàng óng ánh. Tiếng nói cười rộn rả trải dài cả một khúc đê dài. Ngày hôm sau trước lúc ra đồng cha gánh lúa ra sân phơi giúp mẹ. Cha vác theo cây xiên bóng lưỡng được làm từ cành gạc nai. Cây xiên dài chừng mét rưỡi, to bằng cổ tay người lớn, có hai nhánh tự nhiên. Nó giống như cây xiên mứt mà ta thường dùng khi ăn. Đó là công cụ hữu hiệu nhất để trải rơm mỏng ra cho mau khô hay gom chúng lại. Cây xiên của cha không thể gom sạch rơm rạ được nhờ thế mà chúng tôi có việc để làm. Rồi khi cha đốt đồng cũng là lúc tôi gom rơm lẻ tẻ đốt cùng cha. Đống rơm của cha to như núi còn đống rơm của tôi thì bé tẹo. Tôi muốn đốt chỗ nào cũng được, đốt chỗ nào cha cũng cười, cha bảo chỗ ấy mai mốt có bông lúa to.
Bây giờ cha tôi không còn, mẹ không ở quê nữa, gia đình tôi đã theo anh chị lên phố. Nhớ lắm những chiều đốt đồng mà không biết làm sao.
Bây giờ tôi mới hiểu cây cần khói như cần hơi thở, như người cần oxy hơn là cơm áo gạo tiền. Nhưng phải là khói của rơm rạ, của tuổi thơ một thời đầy hoa thơm cỏ lạ chứ không phải là khói của rác rưởi độc hại nơi phố hội, thị thành.
Sung sướng biết bao mỗi khi được về quê xưa thăm chòm xóm họ hàng, thăm bạn bè đã lên bà, lên cụ; thắp nén nhang lên mộ tổ tiên, ông bà. Nhìn khói hương bay bay về chốn vô cùng lòng tôi bỗng xót xa. Đời người như bóng câu, thoáng còn thoáng mất. Còn chăng là nghĩa xóm tình làng, thứ văn hoá làng xã ấy tưởng đã mai một nhưng mãi ăn sâu vào tâm huyết của những ai còn vì giống thương nòi. Nhìn khói hương nghi ngút tưởng như đang cùng cha gom rơm đốt đồng, mắt tôi cay sè, nhớ thương.
LÝ THỊ MINH CHÂU
1.C5 – Nguyễn Trung Trực – Phường 4
TP. Đà Lạt – Lâm Đồng
*Trích nguồn http://www.thst.vn/t/dot-dong-ly-thi-minh-chau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét