Trong lời nguyện của đêm ấy, nó chỉ biết cầu cho những giờ kinh xóm xứ đạo đầy ân tình - ngọn lửa nhỏ dù cho leo lét nhưng xin đừng vội tắt! (Tùy bút của Nguyễn Vĩnh Nguyên)
KINH NGÀY XƯA XÓM
*Nguyễn Vĩnh Nguyên
1.
Với một thằng lang bạt kỳ hồ nhiều năm, lễ lạt “bữa đực bữa cái”, cuộc đời “lên bờ xuống ruộng” thiếu điều như đứa con đi hoang trong Thánh Kinh, hẳn nó có chút kháng cự trong người, nhưng rồi như đứa trẻ ngày xưa, nó ngoan ngoãn làm theo sự sắp xếp của người mẹ.
Buổi kinh hôm đó thật dài. Dài như những chặng lang thang bụi bờ của cuộc đời nó. Nó ngồi ở hàng ghế đầu, suy nghĩ vẩn vơ, cố gắng chống lại cơn buồn ngủ ngay từ khi các ông, các bà lần đến đoạn thứ hai trong Năm Sự Thương. Đức Mẹ nhìn hắn, hẳn xót thương vô cùng. Mẹ hắn nhìn hắn, chắc cũng xót thương vô bờ. Xóm giềng nhìn hắn ngồi gật gà gật gù như thể xin vâng trước tiếng gọi của cơn buồn ngủ tàn nhẫn, chắc cũng thấy xót thương thậm tệ.
Tội nghiệp thằng nhỏ ngày xưa buổi kinh xóm nào cũng có mặt, ngồi ghế đầu, đọc kinh rang rảng, mặt mày lúc nào cũng bừng sáng thánh thiện, bây giờ ra vầy: gầy gò, mệt mỏi, bơ phờ, cứ như bao nhiêu thứ tan nát trên đời nó đều gom góp mang cả vào mình. Nó thậm chí còn không chống lại nổi một cơn buồn ngủ. Kinh khủng quá đi, cuộc đời này!
Nhưng trong sự chập chờn nửa tỉnh nửa mê đó, những lời kinh sốt mến vang lên, mở lối nó trở về những ngày tháng xưa. Những ngày tháng tốt đẹp và thánh thiện. Những ngày tháng sống- trọn, sống - đầy trong không gian của phong tục thiêng liêng. Thật vậy, đọc kinh xóm lúc bấy giờ là một phong tục, một truyền thống của xứ đạo mà nó được trưởng thành. Người ta đọc kinh xóm vào tháng Kính Đức Mẹ, đọc kinh xóm vào mùa Phục Sinh, đọc kinh xóm vào tháng cầu cho các linh hồn, đọc kinh xóm khi tụi nhỏ thi cử, đọc kinh xóm khi trong xóm có người qua đời, đọc kinh xóm khi có ông già bà lão mừng thượng thọ, đọc kinh xóm khi nhà nọ có vợ chồng tan tác đã trở về với nhau, đọc kinh xóm cầu cho người bệnh nan y, đọc kinh xóm cầu cho năm mới tốt lành... Kinh xóm trở thành nhịp sinh hoạt tinh thần quanh năm. Nghĩa là đêm nào, mùa nào cũng... có dịp, có cớ để mà tụ họp, đọc kinh xóm. Kinh xóm như ngọn lửa ấm, nhóm lên tình cảm xóm giềng, nhóm lên đạo đức cộng đồng, nhóm lên sự liên đới, quan tâm và chia sẻ, nhóm lên giá trị yêu thương.
Và kinh xóm, một cách tốt lành, hình thành thói quen, văn hóa của cộng đồng xóm đạo. Nơi người ta có thể hóa giải những bất hòa trong cuộc sống, những va chạm sứt mẻ trong đời sống trần tục; nơi người ta xích lại gần nhau trong lời kinh tiếng hát; nơi người ta hỏi han nhau việc học của con cái, chia sẻ với nhau nỗi buồn khó của mùa màng thất bát và hỗ trợ nhau để xoa dịu những khó khăn. Tối lửa tắt đèn có... kinh xóm. Kinh xóm là tấm áo lành của đời sống đức tin, khoác lên những cơ thể lạnh lẽo, cô quạnh, những tấm lưng đầy vết thương đời.
2.
Đẹp biết mấy. Thuở khốn khó ấy mà có kinh xóm. Kinh xóm luôn đông, ông già bà lão, thanh niên nam nữ, trẻ con từ chập chững biết đi đã theo cha mẹ đi vào phong tục kinh xóm.
Kinh xóm lúc đó đâu phải đọc kinh chay. Sau giờ kinh, bao giờ chủ nhà cũng sẽ dọn ra một... bữa tiệc. Nói là tiệc cho lớn lao, thực ra là một nồi mì luộc, khoai luộc, đậu phộng luộc, vài ba phong bánh quy rẻ tiền mua ở quầy tạp hóa. Nhà nào sang thì có một nồi bánh lá hấp, trẻ con có thêm mấy cái kẹo chanh, kẹo mút, kẹo sốc đường. Người lớn ngồi quanh mâm, vui vẻ chuyện trò sau giờ kinh nguyện, nhâm nhi ly trà, củ khoai, miếng mánh. Trẻ con trông hết giờ kinh để được chạy nhảy vui chơi trước sân, miệng ngậm những viên kẹo thơm tho. Quà tặng cho những buổi kinh xóm sao mà thơm ngon đến lạ. Cứ thế, tụi nhỏ sốt sắng chờ đến giờ kinh xóm mà theo chân ông bà, cha mẹ đi hết nhà nọ đến nhà kia.
Tháng Đức Mẹ, sau khi rước Mẹ đi giáp một vòng xóm, thì tụi nhỏ có đứa... sâu răng vì ăn kẹo đêm quá nhiều!
3.
Nhớ những ngày đầu rời xa xóm đạo, mỗi khi gọi điện về thăm hỏi gia đình, thằng con bụi bờ lại nghe bên kia điện loại tiếng của mẹ nó háo hức: “Xóm sắp tới nhà mình đọc kinh. Nay là tháng Đức Mẹ...”. Có khi bà già quên dập máy (vì mải loay hoay trà nước cho bà con), bên kia dây nói, thằng con nghe tiếng đọc kinh, nghe tiếng trẻ con chơi đùa, nghe tiếng chuyện trò rộn ràng thân tình... Trời ơi là nhớ. Nhớ ông câu sún răng hom hem mà bắt kinh thiệt bén. Nhớ ông thầy tu xuất sống khiêm cung nhỏ nhẹ. Nhớ bà tổ phó xóm giáo ngày ngày buôn thúng bán bưng mà đi đọc kinh xóm khi nào cũng phải áo dài tươm tất, ngồi phe phẩy quạt nan như một mệnh phụ. Nhớ ông giang hồ gác kiếm về lấy chị giáo viên nghèo trong xóm, rồi theo đạo, cứ bữa kinh xóm nào cũng có mặt, ngồi nói chuyện đồng áng mà giọng hiền như đất. Nhớ thằng Trọc, thằng Cọt, thằng Tí, thằng Tèo, con Bí, con Ót... đứa nào mắt mũi cũng sáng rỡ bên đĩa kẹo.
Ở đầu dây kia, có thằng cu lặng lẽ cúp máy và nằm một mình trong bóng tối. Nó không còn nhận ra chân dung rạn vỡ của mình.
Rồi cũng qua những cuộc điện thoại, đôi khi xen giữa các câu chuyện, người mẹ nói cho đứa con xa nhà nghe về sự ra đi của từng người, từng người trong xóm. Buổi đọc kinh xóm thưa thớt dần vì người già thì rơi rụng theo thời gian, người trẻ thì đi xa học hành, lập nghiệp. Xóm chỉ còn một nhóm nhỏ duy trì ngọn lửa ấm, để nhen lên khi tối lửa tắt đèn, nhóm lên ánh sáng của niềm cậy tin mặc cho cuộc đời đổi thay khốc liệt. Tượng Mẹ của xóm giáo không còn được kiệu trên một kiệu hoa, mà có khi gói bọc trong vải cẩn thận, rồi được bế đi từ nhà nọ đến nhà kia. Lời kinh nguyện vẫn rì rầm trong không gian nhỏ hẹp của những khoảng sân hẹp. Trẻ con, thanh niên thì khó kéo chúng ra khỏi những cái màn hình để ngồi ngay ngắn, cho dù kẹo bánh bây giờ có phủ phê đến đâu. Thỉnh thoảng có đứa sốt sắng theo ông bà đi đọc kinh xóm, thì thuộc vào dạng hiếm (chắc lớn lên nó sẽ có ý định... đi tu như người viết bài này, ai mà biết được!). Rồi cái nhóm kinh xóm cũng đã nhỏ lại càng hẹp.
Vậy mà tối nay, thằng con “trời đánh” lại sắp cả một sân ghế, rồi nó ngoan ngoãn ngồi bàn đầu như thói quen những năm xưa. Nó không biết rằng tóc nó đã hai màu (lâu rồi nó có nhìn mình trong gương đâu!), chỉ chớm một mùa sương khói nữa thôi, là bạc trắng như tóc ông câu. Nó ngồi đó, trí óc không theo lời kinh bay lên, mà như vạt khói mờ bay ngang, thức trong khứ niệm những khuôn mặt người đã khuất, những ông bà, bè bạn, xóm giềng sốt sắng một thời. Và cơn buồn ngủ, sự mỏi mệt tóm lấy nó. Nó gà gật, nó choàng tỉnh. Và nó lại gà gật.
Cho đến khi giờ kinh kết thúc. Mọi người lại ngồi quanh một mâm bánh lá, hàn huyên nhỏ nhẹ. Nó sẽ ngồi ở mâm bánh, uống trà với người già hay đi tìm viên kẹo chanh của ngày thơ bé bây giờ?
Nó thuộc về đâu sau giờ kinh xóm?
Trong lời nguyện của đêm ấy, nó chỉ biết cầu cho những giờ kinh xóm xứ đạo đầy ân tình - ngọn lửa nhỏ dù cho leo lét nhưng xin đừng vội tắt!
Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét