Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

ĐẦM LẦY RỰC RỠ *Nguyễn Hàng Tình

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Vùng Buôn Trấp xưa kia cũng là một vùng đầm lầy lau sậy... Người dân M’ Nông, Mạa, Sê Đăng, Bah Nar gọi đầm bàu là Vó Brê hoặc Nưl Bri, còn người Jrai, Ê Đê, Chu Ru gọi là Trut Dlie ...
ĐẦM LẦY RỰC RỠ
*Nguyễn Hàng Tình
Tôi giật mình chạy về với Vó Brê. Hớt hải vô cùng. Như thể để một cô gái trong trắng cả đời thủy chung mà mình yêu đang bơ vơ ở trời xa còn ta thì sa đà trong nhung gấm đô hội. Nó còn nợ tôi những giấc ngủ đêm đứt đoạn bởi tiếng thét của côn trùng và thú hoang ...
Ảo giác trong thế giới thật trên mặt đất
Với tôi, Vó Brê (chốn đầm lầy) nóng ẩm quanh năm là chỉ dấu cốt trụ của đại ngàn nhiệt đới – thứ mà rừng ôn đới không thể hiển hiện. Ở Tây Nguyên, và cả Đông Nam Á này, đầm lầy hiện hữu mùa nối mùa. Nó phanh ngực ra giữa đại ngàn. Nó là phần “Cái”, so với phần “Đực” (1) là núi non. Mọi hồn phách, tinh chất, hơi thở của rừng dồn hết vào đây. Sức sống của rừng nằm ở đây. Sự sinh sôi của rừng thẳm nằm ở Vó Brê. Nó không phải là chỗ của tù đọng và hôi thối, mà nó là cơ chế khí huyết đả thông tự nhiên của thảm thực bì trên mặt rừng, khoáng chất, mạch nước, mặt nước với muôn loài sinh vật. Vùng trũng sâu. Trũng mà thuần khiết. Tự thanh lọc, và luôn thanh lọc. Nó giữ liên lạc với khe xa, suối gần. Mọi nguồn đây đó nối vào nó, cả Dà Dơng (sông).
Những thảm cây trên đỉnh hay sườn núi như nhau cả thôi, có thể lẫn lộn vào nhau. Còn đầm lầy là… đầm lầy. Nó sừng sững trong tự nhiên. Nó thuộc về chân núi, nó là phần khiêm nhường nhất trong cấu trúc sơn nguyên. Nó là vùng chuyển tiếp nước giữa đồi núi điệp trùng kia với suối sông. Là “trạm dừng chân” của nước rừng. Hành trình của nước đi miệt mài từ trời xanh xuống lá cây, vào rễ, vào thân cây, vào lòng đất, phủ lên mặt rừng, rồi chảy đi lê thê như thế cho đến khi gặp “trạm dừng chân” này. Vó Brê, lần nghỉ chân duy nhất của nước cho đến khi gặp được đại dương.
Những đầm lầy lớn nhỏ tôi đã đi qua, nó cứ tự tại, tự tồn thế đó. Đã đi rừng, thế nào cũng gặp phải Vó Brê. Có những Vó Brê rộng bao la, phải đến hàng trăm hécta, xa xa là bao quanh bởi những dãy núi lê thê trên kia. Nhưng cũng có những Vó Brê độ rộng chỉ vài chục hay đôi mẫu tây, được kẹp giữa dăm bảy ngọn núi. Hình thù muôn dạng của Vó Brê cũng là một thứ “thiết kế” lạ kỳ của tạo hóa.
Trái tim của đại ngàn
Đầm lầy, một hệ nhiệt đới trong… hệ nhiệt đới. Một “cái túi” đa dạng sinh học, tràn ngập các loài. Nước trên mặt rừng về sông về biển cả, duy chỗ nó thì “chịu” ở lại. Nước, sình, và bao loài thảo mộc ngập ngụa cùng lau, lách, cỏ dại, bèo lùng sen súng, chim chóc, rắn rết, rùa, ba ba núi, cá cua, côn trùng… quần tụ. Chốn lâm sinh cùng thủy sinh. Dung mạo nó không thể nhận xét là sần sùi hay diễm lệ. Chỉ cảm giác được nó quạnh quẽ trong hỗn độn, tưng bừng trong cô liêu, và chính là kẻ gánh vác thế giới nhiệt đới. Hào hiệp, chịu chơi, nhân từ.
Cái chỗ thú vị nhất mà cũng là nguy hiểm nhất. Ở đại ngàn, cảm giác của “hoang dã” nằm ở nơi đầm lầy chứ nào phải những dải rừng hay ngọn núi phủ cây xanh kia. Biểu hiện tính chất nhiệt đới của vùng Đông Nam Á nằm ngay ở sinh thể đầm lầy, mà không thực thể nào khác đại diện được. Cái chỗ của ẩm ướt, đầy ảo giác thổn thức sơn nguyên trong cái hiện thực âm thầm rộn rã của sinh vật, giống loài. Nó còn khó hiểu hơn những rừng cây cao to thẳng đứng trên kia. Cây rừng dễ tìm, đầm lầy thì khó. Ẩn mình, Vó Brê. Thế nhân, từ tàu bay trên trời, có thể nhìn thấy những dải rừng, ngọn núi lừng lững nhưng dễ gì quan sát rõ được Vó Brê trong các xó cao nguyên.
Những kỳ tôi ở nơi đó, những đàn thú khi chiều tà đều đổ về Vó Brê để uống nước, ăn sình để nạp đủ khoáng chất, vi lượng. Loài nào không xuất hiện khi trời tắt nắng thì trước sau gì đêm khuya cũng mò ra. Không có con thú nào có thể tồn tại mà thiếu đầm lầy. Dù đi kiếm ăn ở đâu, nó cũng ghé lại đầm lầy lớn bé nào đó rồi mới về nơi trú ẩn ngủ nghỉ khi đêm về mà chỉ nó mới biết. Không những thú, mà chim trời, các loài bò sát. Đầm lầy trở thành nơi duy nhất tôi thấy sự hợp loài của thế giới hoang dã. Không nơi đâu trong hệ nước ngọt nhiều thủy sinh, nhất là cá như các đầm lầy trong rừng. Nhiều đến nỗi có độ tôi thả chân xuống nước mà chúng xúm lại rỉa miệng làm lạnh cả mình, đau cả chân, Mỗi giống loài một phương trời, loại thức ăn, và kiểu cách kiếm ăn. Nhưng nước và khoáng chất nơi đầm lầy là mẫu số chung cần phải có giống nhau. Các loài không muốn gặp nhau, không ưa nhau, và sợ hãi nhau, cũng buộc phải giáp mặt nhau ở đây. Đầm lầy, “thứ” mà chúng sở hữu chung. Vật thể duy nhất của đại ngàn mà Thượng đế giao chung cho muôn loài. Đầm lầy trở thành cái “sân khấu” cho mọi loài, uống, tắm, quậy, đẫm, chữa bệnh, bơi nhảy, thư giãn, múa, kêu. Những “lễ hội” thiên nhiên nhiệt đới bày ra.
Nhưng đầm lầy cũng trở thành “chiến trường”. Nơi vui chơi, tìm mát mẻ, mà cũng là “cứ địa” sống mái cho những loài săn mồi rình rập khắp nơi. “Địa chỉ” giàu phú dưỡng. Sự thăng hoa của rừng núi. Chúng nương nhờ nhau, và sẽ ăn thịt nhau qua lại, và giúp nhau sinh sôi. Loài này sẽ là thực đơn của loài kia. Đấu tranh sinh tồn mà. Con nào thông minh, võ nghệ tốt thì thoát. Cứ thế, cuộc chơi có “tổng bằng không”, được và mất, dứt dạt, chứ không có huề, lịch sự, hay ngoại giao. Cái nơi chốn này cứ thế phô diễn những gì man dã nhất và những gì thắm thiết nhất. Sự nghiệt ngã tươi đẹp. Tất nhiên, chúng “ăn” nhau trong cái đạo lý tự nhiên của nó, chỉ khi đói, và cho từng bữa, mà không loài nào mưu cầu dự trữ, tích lũy, sang oai, về hưu, thừa kế, hay của hồi môn. Nên chẳng có truy cùng triệt tận ở đây, trong thiên nhiên này.
Trong một ngày, đầm lầy liên tục thay đổi diện mạo mình, mang rất nhiều “khuôn mặt”. Có đủ “bốn mùa” trong ngày. Sự xê dịch của tiết khí, hơi, nhiệt, của ẩm, của nóng, của mát, của lạnh, của khắc nghiệt và êm dịu; của sự nồng nàn nơi lá cây, con vật trên trời dưới nước, đến sắc màu của nắng dội xuống. Đầm lầy không biết đo thời gian quét qua mình. Lúc thu mình, buồn thiu, thanh bình, vắng vẻ, thậm chí cô đơn. Lúc lại giằng co, thế đó. Khốc liệt và sôi động, dễ thương và xinh tươi, bi tráng và hào phóng. Với các loài, “thiên đường” cũng là nó mà “địa ngục” cũng là nó. Kiểu lòng tốt man rợ và từ ái. Cực nào cũng thắm thiết. Triết học về thế giới sinh tồn của muôn loài là nằm ở đầm lầy.
Tìm lại Vó Brê
Đâu đó, Vó Brê chính là cái “tủ lạnh”, cái “kho” thực phẩm cho người sơn nguyên thuần hậu thực thà muôn đời không biết tranh chấp với ai về miếng ăn lẫn không gian sống.
Tây Nguyên chỉ có hai mùa, Khô, và Mưa. Như đã nói, duy nhất chỉ đầm lầy thì có đủ bốn mùa. Kỳ lạ là nó không bao giờ cạn nước. Tôi cảm nhận xem ra những phần “Cái” này là khối sinh thể để cân bằng cho đại ngàn. Đại ngàn cũng cần tự cân bằng mà. Tạo hóa quả là bậc đại trí, thông thái. Hẳn vậy mà người ta mới gọi rừng Đông Nam Á là Rừng mưa nhiệt đới thường xanh(2). Là để phân biệt nó với rừng ôn đới, rừng lá kim núi cao, rừng sa mạc, rừng bán nhiệt đới, rừng xích đạo, rừng núi đá vôi, hay rừng ngập mặn phù sa châu thổ ở hạ lưu các dòng sông… trên mặt địa cầu.
Tôi bỏ ra ba mùa khô, tức tương tự ba năm theo cách tính thời gian của người Yuăn (Kinh), để tìm lại Vó Brê. Hỡi bàu (3) Chim, bàu Sấu, bàu Nai, bàu Min, bàu Cọp, bàu Súng, bàu Sen, bàu Tê giác… ơi, hãy đợi ta về, đợi cái thằng đang là con người mà luôn cứ muốn được là thú cho thoát cõi người quá tham tàn đắm say của cải này để được sống dưới nguồn sữa lành nguyên sinh đơn sơ. Nhưng nào thấy Vó Brê. Nó trốn đi đâu hết thế không biết. Chỉ toàn rẫy cà phê trùng trùng hạ cánh xuống núi đồi bằng một thứ màu xanh khác, nhân tạo, khác với màu thiên tạo.
Đầm lầy mà không có rừng nguyên sinh để chung sống thì nó cũng thành “sa mạc”. Vó Brê cứ tưởng mình là trường ca bất tận nhiệt đới. Vó Brê cứ nghĩ sẽ chẳng loài nào đụng đến nó, vì nó là một trong những “đứa con” ngoan cường của bậc quyền uy siêu nhiên Thượng đế. Cú giật mình đưa tôi hối hả hồi quy như thế qua những núi đồi thân quen cũ, với những vùng Đinh Trang Thượng, Tân Thượng, Liên Đầm, Hòa Ninh, Hòa Nam, Tà Đùng, Đạ K’Nàng, Rô Men, Lâm Hà, Cát Tiên, Đắk Buk So, Đắk Mil, Đak Song, Chư Sê, Chư Pảh, Chư Prông, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đắk Tô…
Tôi chỉ thấy toàn rẫy cà phê, cao su, cùng những xóm làng mới, xã lỵ, huyện lỵ mọc lên phun trào. Những thực thể này thế chỗ tất cả, ở mọi ngóc ngách. Mới hôm nào đi trong rừng mãi mới gặp được người, nay đi mãi trong người mà chẳng gặp được rừng. Những rừng mưa nhiệt đới thường xanh mất dấu sạch. Đứng trên bất cứ đồi cao, hay đỉnh núi nào nhìn xuống chỉ hiển lộ những chỏm cư trú của loài người với bê tông trắng lô nhô, hoặc những nương rẫy, trang trại, đồn điền chập chùng muốt tận. Ngay ở nơi địa hình hiểm trở nhất là hai bên bờ của các dòng nước lớn (Dà Dơng) Đồng Nai, Ba, Sê San, Krông Nô, Sêrêpôk, Dak Bla… cũng không thấy những dải rừng nguyên sinh ở hai biên đấy nữa, mà sông mang bóng dáng tợ “đại lộ”, thênh thang, trống trơn.
Và nữa, đây đó Vó Brê xưa đã thành những đồng ruộng bao la. Trống trơn, khỏi cần sự che chắn nào của thảo mộc, như đây chưa bao giờ là rừng già. Người ta chia những vùng trũng sình mà thổ dân bản địa gọi là Vó Brê đó ra từng thửa nhỏ, và bờ đất đắp cao uốn lượn, nhằng nhịt. Thì cũng đành, nhưng cây lúa thì hữu ích cho có một loài, thực tế thì chỉ cho số ít trong một loài. Chẳng lẽ những dòng sông, con suối uốn mình mượt mà qua đại ngàn chỉ còn trong ký ức của những kẻ đi rừng u mê như tôi, các nhà sinh thái học tôi gặp trong rừng, các tay đào đãi khoáng sản, và các anh chàng kiểm lâm.
Đến một bóng cây mục còn không thấy trên những Vó Brê hôm nào ở Dạ Tẻh, Bù Go (Lâm Đồng), Ayun Ba (Gia Lai), hay Quảng Điền, Krông Păk (Đắk Lắk)…. Giờ thì dấu tích nó còn hằn cả trong lòng các đô thị náo nức bê tông Gia Nghĩa, Đăk Rlấp, Đức Mạnh, Pleiku, An Khê, Kon Tum, Đắk Hà, Buôn Hồ, Lăk, Nam Ban, Tân Hà, Lộc Thắng… Tôi thèm được nhìn thấy những con M’Rak (chim công) thường xõa đôi cánh tuyệt mỹ của nó trên những cù lao trắng cát bên Vó Brê hoang dã quá. Loài chim từng hiện đầy trong trời đất miền Thượng và còn được tạc tượng trong các nhà mồ này của người M’ Nông, Ê Đê, J’rai, Bah Nar, Sê Đăng… bỗng biệt tăm sớm nhất. Huống chi những con thú oai hùng như K’liu (cọp), K’ruk (báo), hay Pro mhai (tê giác)…
Cho dù địa ốc đang chọc trời khuấy nước, nhưng đây đó những cái tên bàu Lách, bàu Tròn, bàu Dài, bàu Cát, bàu Lạnh, bàu Cạn, xóm Sình, làng Ong, ngã ba Cửa rừng… vẫn cứ còn vang vọng hàng ngày nơi cửa miệng thị dân, thành địa danh.
Vó Brê, ký ức cuối cùng của miền đại ngàn sơn nguyên.
Nguyễn Hàng Tình
Có thể là hình ảnh về 1 người
Tất cả cảm xúc:
Phi Toan, Thái Hải và 124 người khác
31 bình luận
2 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Đặng Vân
Nguyễn Thị Lê công nhân xí nghiệp đá chị ơi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét