Không riêng gì những sạp báo ở Sài Gòn, ở Ban Mê cũng có các quầy báo lưu động trên các đường phố ..
BÁO CHÍ TRƯỚC 75
*Blog Sĩ Huỳnh
Hồi nhỏ tôi đã thích đọc báo. Tờ báo đầu tiên tôi đọc là tờ Tia Sáng, do người ông (em bà ngoại tôi) đặt báo tháng, cứ chiều chiều là người ta mang đến “quăng” trước cửa nhà. Nhưng tôi chưa được xem ngay, mãi đến sáng hôm sau ông tôi đi công chuyện, bỏ tờ báo trên đi-văng tôi mới dùng cây sào khều lấy ra, qua cửa sổ.
Trang nhất tờ báo luôn đăng tin tức trong và ngoài nước, tôi bỏ qua vì không hiểu gì. Tôi chỉ xem trang 3, toàn bộ dành đăng truyện dài nhiều kỳ, trong đó có truyện “Lệnh xé xác” mà tôi thích. Tôi để ý, lúc đầu truyện kiếm hiệp này ghi tên tác giả là Lã Phi Khanh. Thời gian sau, vì vấn đề bản quyền gì đó, lại ghi Trương Hoài Nguyên dịch thuật. Từ ngày đó, truyện kém hấp dẫn hẳn. Sau đó tôi đọc được truyện này của Lã Phi Khanh trên tờ Trắng Đen.
Chẳng hiểu sao ở mỗi tờ nhật báo tôi đều thuộc lòng tên chủ nhiệm và chủ bút và thuộc luôn slogan của từng tờ. Như “Nhật báo thông tin nghị luận”, “Nhật báo tranh đấu chống bất công xã hội”…Tờ Đuốc Nhà Nam, chủ nhiệm là Trần Tấn Quốc. Tờ Trắng Đen, chủ nhiệm Việt Định Phương. Tờ Tiếng Nói Dân Tộc, chủ bút là Lý Quý Chung. Tờ Sống, chủ nhiệm là Chu Tử…
Thời đó báo ra nhiều nhưng đình bản cũng nhiều. Có lẽ tôi là người đọc qua các báo nhiều nhất, trãi qua bao năm tháng. Tia Sáng, Trắng Đen, Tin Điển, Sống, Chính Luận, Tiếng Nói Dân Tộc, Tiền Tuyến, Quật Cường, Sóng Thần, Tự Do, Ngôn Luận, Bút Thép, Da Vàng, Đuốc Nhà Nam, Điện Tín, Saigon Mới, Đại Dân Tộc, Hoà Bình, Tin Sáng…Qua các báo, tôi biết trước đó còn có tờ nhật báo Thần Chung nhưng đã đình bản, là tiền thân của báo Đuốc Nhà Nam. Trong mấy chồng báo cũ ở tiệm bánh mì của ba má tôi, tôi lục ra, hy vọng tìm được tờ Thần Chung nhưng không thấy. Nghĩ cũng tức cười, báo đã ngưng phát hành lâu lắm rồi mà tôi vẫn cố công tìm kiếm, dù chỉ là báo cũ.
Một số báo có mục Trẻ em, Tuổi hồng, Vườn hồng…dành cho thiếu nhi, thiếu niên mà tôi rất thích. Tôi sáng tác nhiều bài thơ gởi đến và thường được đăng, tuy không có nhuận bút nhưng được chọn đăng đã là niềm vui lớn. Tôi cũng thường gởi tâm sự đến người phụ trách và được hồi đáp nhanh, như chị Thuỳ Dương mục Trẻ em của báo Quật Cường. Tôi đọc báo nhiều nhất là quãng thời gian “phụ” bán báo với ba má ở tiệm bánh mì. Dạo ấy có tờ báo khuyến mãi, tặng thêm phụ trang truyện tranh “Con quỷ một giò”, “Con quỷ truyền kiếp” ngày nào tôi cũng đọc ngấu nghiến.
Có những tờ nhật báo tồn tại rất lâu, một số khác vì đối lập với chính quyền nên bị rút giấy phép. Những tờ luôn có mặt trên các sạp báo có thể kể: Tia Sáng, Trắng Đen, Chính Luận…Tờ Chính Luận là tờ nhật báo có nhiều quảng cáo nhất, bán bằng giá với các báo khác nhưng có đến 12 trang báo.
Những năm 70, 71 báo chí rộ lên phong trào “TYĐB”, tức là Tự Ý Đục Bỏ. Trên trang nhất tờ báo, tự dưng có một khoảng bôi đen in mấy chữ TYĐB, nghĩa là bản tin chỗ đó bị toà soạn tự ý xoá đi theo yêu cầu của chính quyền, nếu không sẽ bị kiểm duyệt không cho phát hành.
Nhật báo Trắng Đen được xem là báo “lá cải”, năm 1972 vô tình “vớ” được một sự kiện làm báo giới Sài Gòn lên cơn sốt. Câu chuyện Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Tean Bedol Bokassa tìm đứa con gái thất lạc mà báo Trắng Đen may mắn tiếp cận được nguồn tư liệu khai thác độc quyền đã tạo nên cơn sốt thông tin suốt thời gian dài. Bình thường báo Trắng Đen chỉ xuất bản mỗi ngày 20.000 tờ. Sự kiện tìm con của Bokassa đã làm tăng con số ấy lên 30.000, 40.000 rồi 50.000, 100.000. Vào lúc sự kiện lên tới cao trào, tờ báo phát hành 200.000 tờ/ngày, một con số “khủng khiếp”.
Hầu hết các báo giai đoạn ấy đều in typo, đến năm 1971 báo Sóng Thần đi tiên phong in offset, chữ rõ đẹp, không còn bị lem. Màu của tờ báo không hoàn toàn đen mà ngã qua màu nâu trông rất bắt mắt.
Thời đó báo phát hành vào buổi chiều. Trên 50 tờ nhật báo với số in từ vài chục lên đến trăm ngàn số hằng ngày. Trên lề đường, trước cổng các toà soạn báo, người ta hối hả xếp từng tờ còn thơm mùi mực mới để giao hàng. Đến 16 giờ thì các quầy, sạp đã “tràn ngập” báo. Các em bé bán báo dạo cũng tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẻm.
17, 18 tuổi rồi, tôi coi báo chỉ lướt qua trang nhất, chủ yếu là đọc các trang màn ảnh sân khấu, các trang Tuổi xanh, Vườn hồng, trang thơ và xem truyện kiếm hiệp. Các báo về sau đều tăng lên 8 trang, thêm nhiều chuyên mục, nhưng nguyên cả trang 7 được dành đăng các truyện “phơi-dơ-tông” tức là truyện sáng tác từng ngày, các nhà văn thường viết kéo dài để hưởng nhuận bút.
Trong vô số các tờ nhật báo, chỉ có tờ Tin Sáng là được tiếp tục phát hành sau ngày đất nước thống nhất. Năm 1981 báo đóng cửa vì được xem đã hoàn thành nhiệm vụ. Các phóng viên được chuyển sang làm việc cho các tờ báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Sài Gòn Giải Phóng.
Câu chuyện về báo chí trước 1975 còn rất dài, khó tả hết trong một bài viết. Nhưng với cảm quan và hồi ức của tôi, lúc bấy giờ chỉ là một chàng trai mười mấy tuổi, thì các sự kiện có vẻ đơn giản hơn. Bởi vì, tôi chỉ thích và quan tâm đến chuyên mục văn nghệ mà hầu hết các báo đều có.
(08/7/2020)
Blog Sĩ Huỳnh
* Trích nguồn https://tapbut.com/2021/02/bao-chi-truoc-1975/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét