Có những giai điệu mà chỉ cần nghe qua một lần là yêu hoài nhớ mãi... (https://www.youtube.com/watch?v=rvTqt2JeiWU)
THÚ YÊU THƯƠNG
*Chuyện Bâng Quơ
“Thú Yêu Thương” là tựa đề của một bản nhạc lời Việt, nhạc của Nino Rota. Tôi không chắc, có thể tác giả ca từ “Thú Yêu Thương” là nhạc sĩ Trường Kỳ. Đây là một khúc nhạc trích trong phim “The Godfather” hay “Bố Già.” Bản nhạc này được Lawrence Kusik viết ca từ tiếng Anh tựa đề là “Speak Softly, Love.”
Nino Rota là một nhà soạn nhạc người Ý (3 December 1911 – 10 April 1979). Ông nổi tiếng tài hoa, bắt đầu sáng tác nhạc từ khi rất trẻ (mười một tuổi) và sáng tác rất nhiều. Ông là tác giả của khoảng 150 bản nhạc viết cho phim (film score). Rất có thể bạn cũng như tôi, đã từng nghe qua và thích nhạc phẩm nhưng không biết là của Nino Rota. Những bản nhạc nổi tiếng của ông, bên cạnh bản nhạc trong phim “Bố Già,” còn có “Romeo and Juliet” và “Plein Soleil.” Bản nhạc trong phim “Romeo and Juliet” có hai bài ca từ Anh ngữ: “A Time For Us” (Larry Kussik và Eddie Snyder) và “What is a Youth” (Eugene Walter). Nhà văn Đoàn Tuấn gần đây trên một blog của tôi, có nhắc đến đoạn nhạc đệm cũng của Nino Rota; đoạn nhạc như từ trên trời rơi xuống, trong đoạn chót của phim La Strada của đạo diễn Federico Fellini.
Tương giao của Nino Rota với Fellini rất sâu đậm. Sâu đậm đến độ khi Fellini qua đời, vợ ông, diễn viên Giulietta Masina, người đóng vai Gelsomina trong phim “La Strada,” đã yêu cầu nhạc sĩ kèn trumpet Mauro Maur tấu một bản nhạc của Rota trong tang lễ của chồng bà. Bên cạnh sự kiện là một thiên tài âm nhạc ông Nino Rota còn học văn chương, tốt nghiệp Đại học Milan năm 1937.
Trước năm 1975, hầu hết người thích đọc đều biết truyện “Bố Già” sáng tác của Mario Puzo xuất bản năm 1969, chỉ trong một thời gian ngắn cuốn sách này trở thành best seller trên quốc tế. Bản nhạc “Thú Yêu Thương” thường được nghe trên đài phát thanh qua giọng hát Elvis Phương. Tôi không biết có nhiều người được xem phim “Bố Già” vào thời điểm ấy hay không. Phim Bố Già có ba tập. Tập thứ nhất ra đời năm (1972), thứ hai (1974), và thứ ba (1990). Phim thứ nhất có thể đã sang Việt Nam trước năm 1975, còn phim thứ hai thì tôi không biết có phim được kịp thời phụ đề Việt ngữ rồi ra mắt công chúng Việt hay không. Rất có thể phim được trình chiếu cho một số ít người thưởng ngoạn ở hội Việt Mỹ, nhưng tôi không chắc. Đọc quyển “Bố Già” từ hồi còn học Trung học, nhưng tôi chỉ xem lõm bõm vài đoạn phim chiếu trên Tivi nhiều năm trước. Tuần vừa qua, tôi xem cả ba tập và một tập đặc biệt phụ bản của phim “Bố Già”. Trong phim phụ bản, các nhà phê bình, sản xuất, cộng tác viên kể lại kinh nghiệm của họ khi làm phim này. Một cuốn phim rất thú vị.
Nino Rota viết nhạc cho hai phim đầu trong bộ phim ba tập “Bố Già.” Ông được trao giải thưởng Oscar cho bộ môn Best Original Dramatic Score (nhạc đệm trong phim chưa hề xuất bản hay trình diễn) cho tập phim thứ hai.
Tuy nổi tiếng và được nhiều quốc gia đặt ca từ, đoạn nhạc trong phim “Bố Già” được viết ca từ “Speak Softly, Love” không phải là đoạn nhạc quan trọng nhất trong phim. Đoạn nhạc quan trọng mà mọi người ca ngợi, là một đoạn nhạc khác, dài hơn, nghe thường xuyên trong cuốn phim, bắt đầu từ bản luân vũ Bố Già Vito Corleone khiêu vũ với Connie, cô con gái độc nhất của ông, trong ngày đám cưới của cô.
Khúc nhạc có ca từ “Speak Softly, Love” chỉ xuất hiện vào khoảng hai phần ba trong tập phim thứ nhất, khi Michael Corleone sống lưu đày ở Sicily. Bản nhạc trổi lên lúc Michael và hai người cận vệ đang đi trên cánh đồng gần chân núi, lần đầu tiên gặp Appolina cô gái miền quê, Michael đã choáng váng trước vẻ đẹp của nàng. Bản nhạc này được tấu theo điệu luân vũ (Waltz) trong đám cưới của Michael và Apollonia, trên quảng trường của thành phố nhỏ trong nắng mật vàng của Sicily. Mối tình của Michael Corleone và Apollonia nhanh chóng trở thành mối hận lòng khi nàng chết thay chàng.
Đây là đoạn nhạc lãng mạn nhất trong phim Bố Già tập 1...
Andy Williams-Speak Softly Love (https://www.youtube.com/watch?v=D-wPdFc33ww&t=52s)
...
Blog Chuyện Bâng Quơ
*Trích đoạn bài viết Thú Yêu Thương đăng trên https://chuyenbangquo.com/2017/06/08/thu-yeu-thuong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét