Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

LÁNG GIỀNG ƠI... *Phạm Xuân Nguyên

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
"Em nghe họ nói mong manh / Hình như họ biết… chúng mình với nhau" (Nguyễn Bính).
Học sinh đạp xe trên đường phố Ban Mê Thuột. (AFP photo)
LÁNG GIỀNG ƠI...
*Phạm Xuân Nguyên
Cứ mỗi khi đông về rét đến khiến người co ro xuýt xoa vì cái lạnh luồn vào da thịt dù cho có đắp dày lên thân thể bao nhiêu áo quần, tôi vẫn thường kêu lên câu ca dao của người xưa: Lạnh lùng quá láng giềng ơi - Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều...
"Láng giềng" theo giải nghĩa của một từ điển là: "Kẻ xa gần (xa mà gần) ở cạnh nhau kéo dài dài mà mời gọi đón rước nhau. "Giềng" do chữ "diên" là kéo dài ra, mời gọi đón rước" (Lê Gia, "Tiếng nói nôm na"). Tiếng Việt còn chữ rất hay là "hàng xóm" để nói láng giềng. Đến đây, tự nhiên mà tôi lại chợt đọc lái hai chữ "láng giềng" thành ra "giếng làng". Thôn quê xưa cả xóm quây quần bên nhau trong những mái nhà tranh, chung nhau cây đa bến nước sân đình, gặp nhau hàng ngày hàng buổi bên chiếc giếng làng nước trong vắt mát mẻ, câu chuyện câu trò râm ran chia sẻ cùng nhau những lo toan việc nhà việc xóm. Cho nên ước mơ của người nông dân xưa ở làng là: "Thứ nhất gần mẹ gần cha/Thứ nhì gần giếng, thứ ba gần làng". Ở đó đôi lứa trai gái hẹn hò: "Đến đây trước giếng sau chùa/Không yêu ta cũng bỏ bùa cho yêu". Ở đó cô thôn nữ trách móc anh trai làng: "Em tưởng nước giếng sâu em nối sợi gầu dài /Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây". Ở đó anh trai làng đùa trêu vợ mình: "Công anh làm rể chương đài/Ăn hết mười một mười hai vại cà/Giếng đâu thì dắt anh ra/Không thì anh chết với vại cà nhà em". Tình làng nghĩa xóm cứ thế mà ăm ắp đầy và vời vợi sâu như giếng làng.
Đi vào thơ Nguyễn Bính - nhà thơ của cảnh sắc hồn vía làng quê Bắc Bộ, tình nghĩa hàng xóm láng giềng vẫn còn trong hoài niệm nhưng đã vương chất thị thành. Cô thôn nữ nhắn hẹn hò với người yêu đã đo thời gian bằng ánh lửa nhà bên: "Láng giềng đã đỏ đèn đâu /Chờ em chừng giập miếng trầu em sang". Chàng trai tương tư cô hàng xóm "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/cách nhau một giậu mồng tơi xanh rờn" mà không đến được với nàng. Mà có đến được thì rồi cũng có lúc "Từ dạo mồng tơi thôi trổ lá/Thì cô hàng xóm cũng thôi sang". Nhưng nhà thi sĩ vẫn muốn nối lại dây đàn vì: "Có cô lối xóm hàng năm /Trồng dâu tốt lá, chăn tằm ươm tơ".
Có được những láng giềng tốt là điều ước muốn bình dị mà sâu xa của người Việt bao đời nay. Câu thành ngữ "Bán anh em xa mua láng giềng gần" nói rõ ước muốn ấy. Sống bên cạnh những láng giềng thân thiện, ta thấy yên tâm và bản thân ta cũng là láng giềng tốt cho hàng xóm yên tâm. Cuộc sống thôn xóm, làng quê và rộng ra là cả cộng đồng nông thôn từ đó trở nên ấm áp, đùm bọc yêu thương nhau. Một điều người quê ra phố thấp thỏm lo âu là lối sống đô thị thường khép kín, "đèn nhà ai nhà nấy rạng", gần như không còn biết được tình làng nghĩa xóm như xưa May mà còn những người giúp việc, những "Osin" như tên gọi bây giờ, họ qua lại với nhau từ nhà này sang nhà khác, bất chấp có khi các ông bà chủ có đe nẹt, ngăn cấm, thành ra cái sự hàng xóm có được thông nhau phần nào một cách "phi chính thức". Có là chuyện "ngôi lê đôi mách" đi nữa thì những người đàn bà nhà quê ra thành thị vẫn muốn níu kéo cái mối nối đã ăn rễ sâu trong con người họ là sống cạnh nhau không thể nào cứ như người dưng nước lã - dù thực đúng là họ không có dây mơ rễ má gì với nhau.
Mà có ai chọn được cho mình láng giềng đâu. May thì được nhà hàng xóm tốt bụng. Khổ nhất là phải ở bên những kẻ gọi là láng giềng nhưng xấu tính xấu nết, tò mò, tọc mạch, gây hại cho bầu không khí cuộc sống chung của cả một cộng đồng dân cư. Từ xưa ca dao cũng đã nói đến chuyện này, nhất là trong chuyện lứa đôi: "Trăng lên khỏi núi trăng nghiêng/ Ta muốn vui chung với bạn, sợ láng giềng mỉa mai", hay: "Miệng lằn, lưỡi mối nào yên/ Xa nhau cũng bởi láng giềng dèm pha". Nhưng giờ đây đã có nhiều người khi chọn nơi ở đã tính đến cả quan hệ láng giềng. Bởi những quan hệ láng giềng tốt đẹp sẽ giúp giải quyết dễ dàng các vấn đề của cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống.
"Chúng ta là láng giềng tốt"
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, điều đó tự nó không tốt cũng không xấu. Nhưng thường các thay đổi này lại kéo theo sự mất mát một cái gì đó rất quan trọng của cuộc sống trước đây. Ở thời đại mạng xã hội mọi người có thể giao tiếp với cả thế giới mà không cần phải bước ra khỏi nhà hay căn hộ của mình, nhưng họ lại không biết gì về những người hàng xóm vẫn thường gặp nhau hàng ngày trong thang máy, ngoài sân chơi, nơi để xe. Trong khi đó các nhà tâm lý học từ lâu đã chứng minh rằng các mối quan hệ tốt với láng giềng là một trong những thành tố tạo nên cuộc sống yên ổn. Bởi chính những người sống bên cạnh ta sẽ có mặt ngay khi ta cần có người giúp đỡ hoặc báo trước cho ta biết trong tầng hầm có cháy. Các mối quan hệ láng giềng thân thiện bền chặt ở cấp độ chung cư, tòa nhà, khối phố sẽ giúp giải quyết các vấn đề của cộng đồng và bảo vệ lợi ích chung của nhau.
Ở các nước châu Âu từ lâu người ta đã nghĩ tới việc củng cố các mối quan hệ láng giềng tốt. Năm 1990 một nhóm nhà hoạt động trẻ của nhóm "Paris dành cho bạn" đã quyết định tổ chức ngày hội láng giềng tại ngoại ô một thành phố có từ thế kỷ XVII. Mục đích của ngày hội này là đoàn kết những người dân thành thị sống cạnh nhau và chống lại sự tách biệt đang ngày càng gia tăng của mọi người trong xã hội.
Từ năm 2000, Ngày Láng Giềng đã trở thành một ngày hội quốc tế chính thức. Ở châu Âu, ngày này do Liên đoàn châu Âu về đoàn kết địa phương đứng ra tổ chức. Trong ngày hội diễn ra nhiều hoạt động như mọi người nắm tay nhau đứng thành vòng tròn quanh khu nhà để biểu lộ sự gắn bó, quan tâm đến nơi mình ở, hoặc ra sân hay sang nhà nhau bắt tay, trò chuyện với hàng xóm, thăm những người già, người độc thân, hoặc tập hợp lại cùng nhau tổ chức một bữa ăn chung, hoặc làm tờ báo tường chung dành nhiều chỗ trống cho mọi cư dân có thể viết lên cảm xúc của mình, hoặc các chủ ô tô có thể dán lên xe mình một khẩu hiệu chung "Chúng ta là láng giềng tốt của nhau!".
Đối với vận mệnh của một quốc gia, đất nước, khái niệm "láng giềng" mang ý nghĩa chính trị, văn hóa tích cực hay tiêu cực tùy ở từng bên và tùy theo mỗi lúc. Giữ yên ổn vững vàng đường biên giới với nước láng giềng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo mỗi nước lân bang. Tôi nhớ đến truyện ngắn "Người hàng xóm" của một nhà văn nữ nổi tiếng viết sau sự kiện 1979 ở biên giới phía Bắc nước ta. Người hàng xóm đó đến giờ vẫn còn khuấy động chúng ta trên Biển Đông khiến cho cụm từ "láng giềng thân thiện" để chỉ quan hệ của hai nước vẫn luôn là đòi hỏi cấp bách và thời sự.
Trở lại với bài thơ "Chờ nhau" của Nguyễn Bính mà cô thôn nữ đã lấy cữ lên đèn của nhà hàng xóm để làm mốc hẹn hò với người yêu. Trong bài còn có câu này rất là láng giềng của làng quê Việt xưa: "Em nghe họ nói mong manh / Hình như họ biết… chúng mình với nhau". Trời ơi, cái mong manh phấp phỏng, hồi hộp ấy sao mà đẹp, mà đáng yêu... Láng giềng là láng giềng ơi…
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đứng, xe đạp, ngoài trời và văn bản
Đỗ Minh Hương, Nguyên Lê và 48 người khác
7 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

7 bình luận

Phù hợp nhất


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét