Nhớ Ban mê ...
MÙA XUÂN NĂM ẤY
...
Sáng mồng Ba tiếng súng cũng đã giảm hẳn, chúng tôi khoảng hơn 50 người cầm những cây tre có gắn khăn trắng quyết định bồng bế dìu dắt nhau lên phố, chúng tôi đi men theo bờ suối ra tới nhà thờ Xứ Hưng Đạo còn gọi là xứ Nghĩa Đức của cha Bân, gặp thêm khoảng 50 người từ nhà thờ nữa cùng nhập bọn đi ngược con đường Đề Thám tới ngang đầu ty Thú Y nơi chúng tôi thường gọi là "Dốc Ðê" thì thấy trước mặt đã cháy rụi không còn gì cả, từ chỗ chúng tôi đứng nhìn lên thấy tận tường xây màu vàng nhạt của khuôn viên Biệt Điện và những gốc thông già ngoài công viên, các nhà cửa dân chúng và dinh thự ty sở không còn thấy nữa, lác đác chỉ còn vài cái cột đen trủi ngun ngún khói, ngay chỗ này cũng có cái trường tiểu học tư thục tên Thanh Tâm của gia đình tôi cho mướn dạy học cũng đã cháy mất dấu, rẽ về phía mặt lên dốc chúng tôi băng ngang đường Phạm Hồng Thái hướng về con đường cổng sau Tiểu khu, quân nhu, quân trấn v.v.. phía bên các chuồng heo trong Ty thú y, vẫn còn lốp đốp những tiếng AK bắn bâng quơ về hướng nghĩa địa quân nhân nhắm vào Tiểu khu Darlac
Cứ thế chúng tôi lầm lũi bước đi, bố tôi cưỡi chiếc Suzuki M12 chở theo các em tôi và đi dẫn đầu đám đông, có chỗ phải lách bước qua những xác chết nằm giữa đường lộ, khi tới chỗ ngang nhà lao, có nhiều người lính chạy ra hỏi thăm tình hình "phía đằng đó" thế nào ? Bố tôi trả lời những người lính bằng vài câu ngắn gọn những gì mắt thấy tai nghe ! Rồi đoàn người chúng tôi hướng về cột phía đèn ba ngọn đi băng ngang qua khu bến xe cũ gần bên hông rạp hát Thăng Long, lúc này mới có cảm giác nhẹ nhõm sau ba ngày nằm chịu trận dưới bom đạn của khu chiến địa bây giờ tìm được về vùng đất an ninh, sung sướng làm sao !
Đoàn người tản cư nhập bọn với vô số người từ những nơi khác đến ngồi nằm chật cứng cả sân nhà thờ chính toà, riêng gia đình tôi rẽ xuống phố vào ở nhà ông bác họ ngoài đường Y Jut quãng giữa đường Phan Bội Châu và đường Hoàng Diệu, đối diện Hội tương tế Kiến Hoà
Tôi không theo gia đình xuống phố Y-Jut mà nấn ná ở lại nhà thờ chơi với các bạn bè đã cùng chung 3 ngày khói lửa có nhau, đứng ở đây khơi khơi ngó thẳng xuống con đường Thống Nhất, cây cành ngổn ngang, xác người vương vãi, chúng tôi nhìn về xóm mình chỉ cách đó khoảng hơn một cây số, vẫn còn những đợt khói bốc lên, vẫn lác đác dăm phi vụ bỏ bom !
Bỗng một tiếng nổ lớn bên hông sân nhà thờ chính toà, một trái bom Napalm nổ văng nhựa cháy khắp bốn phương tràn ra như một biển lửa, nguời ta kêu réo vang trời, anh bạn tôi bị dính tý nhựa bằng hạt ngô cháy ngay đít quần vì chúng tôi đang đứng gần cổng chính nhìn hướng về phía Nam khi bom nổ phía sau lưng, hắn nóng quá lấy tay phủi bị nhựa dính phỏng tay, ngồi phệt đánh chịn xuống sân đất dập được lửa tắt nhưng quần đã cháy lủng một lỗ và mông thì bị vết bỏng to bằng đồng xu, cũng may là phía chỗ bom rơi cũng không đông người tỵ nạn cho lắm nên số người chết cháy không nhiều, số người phỏng nhiều hơn. - Sau này tôi mới có dịp biết thêm chi tiết sự việc ném bom nhầm nhà thờ này !
Hai hôm sau tiếng súng đã dứt hẳn, chiều ngày mồng năm tết, tôi cùng người bạn bị phỏng mông cùng ở nhà liền vách, rủ nhau về xem lại nhà cửa heo gà thế nào ? để chúng nó đói tội nghiệp, cứ dọc theo đường cái Thống Nhất mà về, qua khỏi Tiểu khu tới ngang toà tỉnh giờ chỉ còn là đống xà bần, xác người bên lề đường, xác người dựa gốc cây, chỗ này bàn tay còn lủng lẳng trên hàng rào kẽm gai, chỗ nọ cái chân v.v… ngang công viên phía bên phải, những bụi hoa giấy những ghế đá, cả chỗ cái xích đu cầu tuột cạnh sân tennis ở đối diện cửa Bệnh viện đều ngả nghiêng gãy đổ hoang tàn ! chúng tôi rẽ trái bước qua đống gạch vụn mà trước đó là Ty ngân khố, cũng tạt ngang tìm xem có thấy thùng tiền nào rơi rớt ở đó nhưng không thấy gì cả ngoài mùi khét của thịt cháy, những vết máu loang đã trở nên tím bầm , hai căn nhà đúc thật to của gia đình Nicholas giờ cũng là đống gạch vụn, cả vườn cà phê hai bên bên đường với những hàng muồng cao xanh đậm rậm rịt che kín và căn nhà gỗ đen đồ xộ của ông Huấn đã không còn đứng đó nữa , những lỗ bom khắp mọi nơi, gần như cứ vài chục bước là một lỗ rộng đến bốn năm thước và sâu có đến hai thước, vườn cà phê đã hoàn toàn bị cày nát chỉ còn là lồi lõm hố bom đất đỏ ...
...
Tết Mậu Thân chỉ là một cái dấu mốc đáng nhớ thời tuổi trẻ của tôi, từng thế hệ lần lượt ra đi, rồi vài năm sau khi tôi mới chỉ cao bằng cây Garan M1 cũng đã bỏ súng gỗ ôm súng carbine đi làm nhiệm vụ bảo vệ thôn xóm mình, chưa hết tuổi sợ ma đêm đêm vẫn phải đi tuần hành qua khắp hang cùng ngõ hẻm trong xóm, mỗi khi đi qua vườn chuối hoặc những chỗ trước đây có xác chết "cái tóc lựng dựng, cái lưng lành lạnh"
Các con tôi giục giã nhau đi sinh hoạt đoàn thể ngoài nhà thờ, chúng nó đã lớn hơn tôi hồi đó rất nhiều, nó có tuổi thơ của nó, tôi có tuổi thơ của tôi, như con suối "Mu Ri" chảy một chiều, tôi hiểu tuổi thơ của chúng nhưng chúng không thể hiểu tuổi thơ của tôi, khác với chúng nó tôi hiểu chiến tranh là thế nàọ Banmêthuột nơi tôi khôn lớn trong chiến tranh đến nay đã mấy chục năm rồi mà còn ngỡ như mới hôm qua !
(Trích đoạn trong truyện ngắn MÙA XUÂN NĂM ẤY của TRẦN MỖ đăng trên Việt Nam Thư Quán)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét