Lịch tre của dân tộc Mường Hòa Bình hiện vẫn còn có nguyên giá trị , được một bộ phận người dân các bậc cao niên.. các thầy cúng, thầy mo lưu giữ …
Tôi cho rằng, một mảng trầm tích của cuốn lịch cổ ấy là bài ca dao nói về sự thay đổi pha. Mặt trăng mà bất kỳ người Việt nào cũng thuộc:
Mồng một lưỡi trai
Mồng hai lá lúa
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu thật trăng
Mười rằm trăng náu
Mười sáu trăng treo
Mười bảy xảy giường chiếu
Mười tám rám trấu
Mười chín dụn dịn
Hai mươi giấc tốt
Hăm mốt nửa đêm
Bài ca dao này không phản ánh lịch Âm Dương du nhập của Trung Hoa vì nguyên tắc định ngày đầu tháng (ngày sóc) trong lịch Trung Hoa là ngày không trăng chưa thời điểm giao hội, còn ngày mồng một trong bài ca dao trên lại là ngày có trăng non (Mồng một lưỡi trai). Điều này được khẳng định một lần nữa bằng câu “Tối như đêm ba mươi”, nghĩa là ngày cuối tháng mới là ngày không trăng. Mồng một trong bài ca dao ấy thực chất tương ứng với ngày mồng hai trong Âm Dương lịch. Vậy bài ca dao này phản ảnh cuốn lịch nào?
Chúng tôi bắt gặp ở người Mường Bi (huyện Tân Lạc, Hoà Bình) cũng có một bài ca dao tương tự:
Ngày một nắng lá thai
Ngày hai nắng lá ngải
Ngày pa nắng lại liềm
Ngày pốn tóng đốn clôốc tôồn
Ngày đăm nhăm kháng
Ngày khấu tôống đấu clôốc tôồi
Ngày pảy tẹp tảy clêênh clăng
Ngày thám đét nhạm clêênh clăng
Ngày chín tù tin hôốc clêênh clăng
Dịch nghĩa
Ngày một bằng lá thai (lá cỏ tranh)
Ngày hai bằng lá ngả (lá công chít)
Ngày ba lưỡi liềm
Ngày bốn trăng sáng quầng
Ngày năm giữa tháng
Ngày sáu đóng dấu đồi
Ngày bảy mọi vật đều ngủ say trăng mới lên
Ngày tám trẻ khóc vào ban đêm trăng mới lên
Ngày chín con diều hâu gọi trăng lên.
Bài ca dao này phù hợp với cuốn lịch cổ truyền của người Mường, gọi là Sách Đoi (tiếng Mường đọc là Khách Đoi), hay còn gọi là Lịch Tre. Trong bài “Lịch Tre của người Mường” trên tạp chí Văn hoá dân gian số 5 (77) năm 2001, tôi đã công bố những nhận định sơ bộ ban đầu về cách tính lịch cổ truyền của người Mường và cơ bản khôi phục diện mạo của cuốn lịch này. Có thể tóm tắt như sau:
Cuốn lịch Mường được khắc đầy đủ trên 12 thẻ tre tương ứng với 12 tháng. Trên đó ghi các ký hiệu ngày, tháng, và các hiện tượng tự nhiên như: ngày mưa, ngày bão; các hiện tượng xã hội như: ngày có khách, ngày đi kiếm cá, ngày săn thú… Một ngày chia thành 16 giờ, mỗi giờ tương ứng với 1,5 giờ Dương lich. Người ta không xác định giờ bằng công cụ nhân tạo mà xác định rất linh hoạt thông qua các hiện tượng tự nhiên như: gà gáy, mặt trời mọc, tang tảng sáng… Điều lý thú là ngày không phải bắt đầu từ nửa đêm, bình minh, hay hoàng hôn như các loại lịch khác trên thế giới mà là thời điểm trước bình minh: gà gáy. Tháng phù hợp với tuần trăng, nên có tháng đủ 30 ngày và tháng thiếu 29 ngày. Một tháng chia thành ba tuần, gọi là tuần Cây, tuần Lôồng và tuần Cối tương ứng với thượng tuần, trung tuần và hạ tuần trong lịch Âm Dương phản ánh chu kỳ chợ phiên truyền thống. Mỗi tuần có 10 ngày, nếu tháng thiếu tuần cuối có 9 ngày. Năm thường có 12 tháng, năm nhuận có thêm 1 tháng. Tôi đồng ý với ông Kiều Bá Mộc cho rằng, từ “Lôồng” được bảo lưu và biến âm thành từ “Mồng” dùng để chỉ 10 ngày đầu tháng trong lịch Âm Dương ngày nay của người Việt.
Hiện nay, người Mường tính lịch khá đơn giản, họ sử dụng lịch Âm Dương của Nhà nước phát hành hàng năm đối chiếu tìm ra ngày, tháng Mường. Nguyên tắc đối chiếu là ngày lui, tháng tiến nghĩa là ngày mồng một lịch Mường tương ứng với ngày mồng hai lịch Âm Dương, nhưng tháng Giêng Mường lại trước lịch Âm Dương. Người Mường vùng Hoà Bình lấy đầu năm trùng với tháng Mười lịch ta, còn vùng Bất Bạt, Ba Vì lại lấy tháng đầu năm trùng với tháng Mười một lịch ta. Nếu tháng lịch Âm Dương thiếu, đủ hay nhuận thì tháng Mường tương ứng cũng tính đủ, thiếu và nhuận.
Cách tính Lịch Tre cổ truyền đã bị mai một, nhưng chắc chắn trước khi có lịch Âm Dương họ đã có cách tính riêng của mình. Tôi cho rằng, có lẽ họ đã nhìn trăng đầu tháng để điều chỉnh tháng đủ hay thiếu, điều này đã từng xảy ra trong lịch Ả Rập và Do Thái cổ đại. Về việc định nhuận, họ đã căn cứ vào chu kỳ mặt trăng giao hội với sao Tua Rua (Pleiades thuộc chòm Tuarus-Kim Ngưu) mà họ gọi là sao Đoi để tính. Những năm thường, ngày rằm tháng Giêng lịch Mường (tháng Mười Âm Dương lịch) trăng chuyển động vào khoảng vị trí sao Tua Rua, nhưng năm nào đến rằm tháng Giêng trăng còn cách xa sao Tua Rua thì tháng ấy là tháng nhuận của năm trước và ngày rằm tháng kế tiếp sau trăng mới đi vào sao Tua Rua. Với người Việt sao Tua Rua còn có một vị trí quan trọng trong việc tính toán mùa vụ:
Đi cày mà muốn được mùa
Thì còn phải lấy sao Tua Rua làm chừng.
(Ca dao)
Tổng Hợp
* Trích theo nguồn Xưa và Nay, số 131, tháng 1 năm 2003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét