Cái Viếng người Kinh thường gọi là nồi ninh, đó là một loại nồi được thiết kế có hình dạng khá đặc biệt dùng để đun nước tạo hơi nóng nhằm đồ hấp các món ăn...
CÁI VIẾNG TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH MƯỜNG XƯA
*Bùi Huy Vọng
Làm chín thức ăn bằng hơi nước nóng người Mường gọi là đồ, đây là một trong những cách chế biến thức ăn truyền thống, phổ biến, nhất trong đời sống người Mường xưa. Ngày nay được gọi là cách đồ, hấp. Cách thức đồ có ưu điểm làm thức ăn chín vì hơi nước rất nóng, chất dinh dưỡng hầu như rất ít mất đi trong quá trình chế biến nó được lưu giữ lại trong món ăn, do đó đảm bảo nguyên vị khi ăn.
Dụng cụ đồ, hấp của người Mường gồm có: cái viểng - cái viếng và cuốp đồ tất nhiên là phải có bếp lửa. Cái viếng xưa kia được làm bằng kim loại đồng, nhiều gia đình giàu có còn có viếng bằng đồng đen rất quý, viếng bằng đồng đen dù lửa đun to, nước bên trong sôi mạnh, hơi bốc mạnh nhưng bên ngoài thân và quai viếng không hề nóng.
Cái viếng người Kinh thường gọi là nồi ninh, đó là một loại nồi được thiết kế có hình dạng khá đặc biệt dùng để đun nước tạo hơi nóng nhằm đồ hấp các món ăn.
Người Mường xưa coi trọng chiêng đồng, sanh đồng, nồi đồng và cả viếng đồng... là những món đồ quý, có tính thiêng, biểu tượng của các gia đình quyền quý, có chiêng ngôi vàng, có sanh đồng, vạc đồng to, viếng đồng ba họng... Không chỉ dùng đồ chín thức ăn, viếng đồng cũng được coi là đồ thiêng, đồ quý và có can hệ đến sinh, tử, yên lành hay lụn bại trong nhà.
Viếng không chỉ là công cụ dùng để đồ mà nó còn được coi như vật biểu tượng của sự giàu sang, của quyền uy, ví như lang Mường Vang xưa kia có cái viếng to có 3 cửa họng viếng cùng một lúc có thể đồ được 3 cuốp. Viếng nhà lang Mường Khụ hiện còn được lưu giữ tại nhà ông Bùi Tiến Ịn ở xóm Chiềng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn, viếng to đường kính phần thân nơi phình to tới 60 cm, cao gần 1 mét.
Viếng có cấu tạo phần thân bên dưới khá giống thân dưới niêu đồng, bên trên được thu nhỏ lại để rồi bên trên được thắt lại thành cái họng cho nhô lên để cho cuốp đặt lên vừa làm cho hơi nước nóng đi lên thành luồng, vừa cố định không cho cuốp bị rung, bị dịch chuyển khi viếng sôi mạnh trong lúc đang đồ.
Trong thâm tâm người Mường xưa kia họ còn linh hoá cho rằng viếng có can hệ đến việc an nguy, lành dữ hay sự ăn nên, làm ra trong gia đình, chính vì thế, khi đi mua viếng, ngoài xem xét chất lượng của viếng, người ta phải đo rất cẩn thận được chữ như ý mới mua. Nếu không viếng đó có vứt ngoài đường không ai nhặt.
...
...
Tại sao người Mường lại có niềm tin cho viếng những quyền năng có thể tác động đến đời sống con người? Người Mường cho rằng, một phần của những rủi ro, thậm chí là tai ương, bệnh tật đến từ đường miệng, trong đó, nếu chế biến thức ăn không tốt, không chín, bệnh tật cũng từ đó mà ra, vì thế, chọn mua viếng cũng chính là nhằm lựa chọn cái tốt, sự yên lành, may mắn đến với gia đình.
Quay trở lại với cách đo chọn viếng, dân gian đã đưa ra 3 cách chọn viếng để rồi cuối cùng ai cũng có thể chọn được chiếc viếng như mình mong ước vì nếu theo cách chọn thứ nhất không ưng thì có thể lựa chọn hai cách còn lại. Điều nay cũng hóa giải những lo lắng không cần thiết theo kiểu “được đằng nọ, mất đằng kia”.
Ngày nay, cái viếng vẫn là vật dụng ưa thích trong các gia đình người Mường ở nông thôn, song chất liệu làm viếng ngoài đồng ra nó đã được làm bằng gang, bằng nhôm. Đồng hành cùng bếp người Mường bao đời qua, cái viếng vừa là vật dụng sinh hoạt, vừa là vật thể văn hóa được người Mường gửi gắm những tin yêu, nó đã trở thành biểu tượng về sự quyền quý, giàu sang, sự yên lành, ăn nên, làm ra của gia đình người Mường.
Bùi Huy Vọng
* Trích đoạn theo nguồn https://www.baohoabinh.com.vn/.../Cai-vieng-tr111ng-doi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét