Bóng Mạ trong bếp lui cui
Lấy hơi thổi lửa thơm mùi cơm ngon.. (Cái Ống Thổi Lửa-Dnga)
CÁI ỐNG THỔI LỬA CỦA BÀ
*Đông Nghi
Trong gian bếp nhỏ, bà ngồi chồm hổm, tay cầm cái ống thổi lửa, người hơi cúi về phía trước, chúm tròn miệng, thổi vào ống. Dưới làn tro ủ nóng, lá dương liễu, bã mía hoặc rơm, sẽ nhú lên nụ hoa lửa nhờ hơi thổi của bà. Rồi nụ lửa ấy từ từ hé nở, lớn dần, bung ra, kêu lách tách, sáng bừng gian bếp...
Những đêm mùa đông mưa dầm lạnh buốt, trong gian bếp nhỏ, ngọn lửa hồng ấm áp càng ấm áp hơn khi có bà ngồi chụm lửa, thỉnh thoảng lại cầm cái ống thổi lửa thổi, nghe vang âm u u khe khẽ. Ở quê tôi, củi thường là cành dương liễu hoặc cành tre rườm rà, tua tủa những nhánh nhỏ nên phải biết cách đưa củi vào cho thuận và gọn. Có lẽ muốn cháu gái ghi nhớ, bà dọa, hễ cho phần ngọn vào trước thì sau này sẽ đẻ con ngược! Bà còn chỉ cho cách thổi cái ống thổi lửa. Đâu phải hễ cứ thổi là lửa cháy, mà phải biết chúm tròn miệng, thổi cho đúng chỗ, và còn phải tùy tình trạng của bếp lửa mà cần thổi nhẹ hay mạnh. Lửa chưa bén, nương hơi thổi nhè nhẹ. Than đã đỏ bếp, bỏ thêm củi vào thì thổi đầy hơi. Nếu thổi không đúng cách, không những lửa không cháy mà tro còn thốc lên bay mù mịt!
Trong ánh lửa hồng lung linh, gắn với từng sự vật trong bếp, tâm hồn ấu thơ của tôi như được khơi gợi nhiều mộng tưởng kỳ ảo thiêng liêng thú vị. Lời thần chú "khắc xuất khắc nhập" khiến tôi cười nắc nẻ. Sự tích ông táo nghe mà thương muốn khóc! Nàng Thoại Khanh hiếu nghĩa tự nướng thịt mình nuôi mẹ chồng xiết bao cảm động... Và dưới làn tro ấm nóng, những củ lang, củ mì, củ từ, cái hột mít... được bà lùi hơi sém vàng, chín mềm tỏa mùi thơm lựng.
Cái ống thổi lửa cũng nhắc bà nhớ đến ông. Bà kể hồi xưa, mỗi lần ông tôi vào rừng kiếm củi hoặc săn bắt, bà luôn bọc cái ống thổi lửa vào thụi (cái túi áo) cho ông để ông... phỉnh đười ươi. Nghĩa là lỡ bị đười ươi bắt, mình lòn tay trong cái ống thổi lửa, rồi khéo léo dụ cho nó cầm cái ống. Đười ươi tưởng đã chộp được tay người, khoái chí cười, cười, cười ngất... Đến khi mắt nó nhắm tít lại thì mình rút tay ra bỏ chạy. Ngoái lại, thấy nó vẫn ngồi cầm cái ống thổi lửa mà cười thì cứ yên tâm chạy tiếp! Tôi hỏi bà, vậy ông đã gặp đười ươi bao giờ chưa ? Bà tủm tỉm nói bà không biết, nhưng hễ đi rừng thì cứ đem theo. Hơn nữa, lỡ ở lại đêm, nhúm lửa, có cái ống mà thổi, lửa sẽ dễ bén và cháy đỏ hơn.
Rồi bà nhẹ nhàng ra đi. Chuyến đi xa xăm bí ẩn. Cái ống thổi lửa không còn ấm tay bà. Tro trong bếp không còn luôn được ủ nóng, bởi cha mẹ tôi đi làm suốt ngày, chị em tôi thì đi học. Những buổi tan trường, tôi về nhà, theo thói quen, chạy ngay vào bếp, nhưng bà đâu còn nữa! Căn bếp trống vắng và lạnh lẽo làm sao! Tôi nhúm lửa nấu cơm, vật vã chặp (một lát) lâu lửa mới cháy.
Sau đó mẹ tôi sắm cái bếp dầu. Đống tro được dọn sạch. Và đương nhiên cái ống thổi lửa bị bỏ quên. Rồi gia đình tôi sửa sang nhà cửa. Gian bếp cũ kỹ ám đầy khói đen mù bị đập ra, thay vào đó là căn bếp lát gạch men trắng bóng, bệ bếp cũng lát men trắng bóng. Máy hâm, máy nướng, tủ kính... đều sáng bóng. Cái bếp gas cũng bóng lộn. Giờ đây, muốn có lửa? Ấn nút! Muốn pha cà phê? Ấn nút! Xong! Tất cả diễn ra thật nhanh và dửng dưng - như nhịp sống và cách sống của mỗi người trong gia đình tôi.
Rồi một bữa dọn nhà kho sau vườn. Cái ống thổi lửa của bà nằm lặng lẽ buồn xo dưới góc nền tối, ướt sũng lạnh tanh. Tôi cầm lên, chạnh lòng nhớ lại tuổi thơ trong gian bếp ám đầy khói đen nhưng lúc nào cũng có làn tro ủ nóng, tỏa mùi thơm của củi cháy, của than, mùi thơm của khoai củ sém vàng ngọt lựng... Rưng rưng nhớ dáng bà ngồi khom người về phía trước, tay cầm cái ống thổi lửa, chúm miệng thổi. Hơi thở yêu thương từ trong lồng ngực gầy guộc của bà tỏa ra, nở thành trái tim lửa màu hồng tươi ấm áp reo vui, sáng bừng gian bếp, sáng bừng gương mặt của mỗi người.
Đông Nghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét