Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

"NƯỚC MÁT" CỦA NGƯỜI J'RAI

Xứ Thượng ...
"NƯỚC MÁT" CỦA NGƯỜI J'RAI
...
Thời tiết ở Ayun Pa những tháng cuối năm rất lạnh. Cái lạnh của cao nguyên theo những ngọn gió mùa Đông Bắc như muốn cắt nát chúng tôi bằng cái giá buốt se sắt. Nằm trong lán che sơ sài bằng những tấm bạt trên những tấm ván cốp-pha của công trường, chịu đựng màn sương dầy mịt cộng với cái lạnh từ đá núi quả thật không thể nào ngủ được. Cái mệt mỏi ban ngày làm việc cộng thêm những đêm trằn trọc đã lấy mất sức khoẻ và sinh khí của chúng tôi rất nhiều. Nó còn tồi tệ hơn thời gian tôi cải tạo trong rừng sâu Phước Long, đêm còn được nằm trong lán có mái che tương đối kín. Chỉ mong sao trời mau sáng để lết ra quán uống cà phê, rồi trời mau tối để ra các quán nhậu mọc theo đầy chung quanh công trường nhờ men rượu giải sầu và tán tỉnh phụ nữ cho vui.
...
Mỗi buổi sáng, tôi co ro một mình đi ra ngã ba uống cà phê, ăn sáng. Tôi hay chọn cái quán đối diện với con đường trong xa đâm ra. Quán tuy nhếch nhách, nhưng tôi thích ngồi ở đó quan sát những bóng người từ trong đám sương dầy mù mịt nhòa nhạt đẹp như một bức tranh thủy mặc xuất hiện phía cuối dốc rồi rõ dần. Khi ấy, tôi thích để trí tưởng tượng của mình lang thang mà mường tượng cái khung cảnh bên kia màn sương mờ cùng những con người đang sống ở phía đó. Tôi chẳng bao giờ muốn tìm hiểu về cái thực khi nắng đã lên cao. Đời sống vốn nhọc nhằn, sao ta không giành một chút mộng ảo cho tâm hồn mà đi tìm cái sự thật trần trụi làm chi? Quả thực những buổi sáng đó đã giúp tôi vượt qua dễ dàng cuộc sống gió bụi và lưu giữ mãi trong ký ức của tôi.
Sau lưng công trường khá xa có một dòng suối đỏ ngầu chảy qua và sâu hơn nữa là một buôn của người dân tộc. Chiều chiều tôi hay tha thẩn đến đó để tắm giặt đồng thời nhìn những cô sơn nữ tắm suối mà nhớ về một miền đất đỏ đã xa xôi. Nhưng sơn nữ bây giờ biết thẹn thùng rồi, cứ mặc nguyên quần áo mà tắm rồi gùi nước về nhà thay đồ, không cho tôi cơ may nhìn những bộ ngực trần nữa đâu.
Họ có cách lấy nước sạch sinh hoạt rất hay! Tôi nghĩ họ chẳng có cái kiến thức khoa học gì về việc lọc nước cả mà chỉ làm theo kinh nghiệm truyền đời. Con suối nước đỏ ngầu phù sa, họ khoét một cái hố nhỏ trong bãi bồi giữa suối. Qua lớp đất cát lọc chung quanh, nước ở đó trong vắt khi họ dìm những trái bầu khô đen nhánh làm đầy. Lần đầu tiên nhìn thấy hố nước, tôi phải tấm tắc khen thầm trí tuệ của họ.
...
(Trích đoạn trong bài "AYUN PA" của HÙNG BI đăng trên FB Hung Kieu)
Khi mặt trời đã xế bóng, dọc những dòng sông Ba, sông Tul... chảy qua một một số huyện phía đông nam Gia Lai như Phú Thiện, Ia Pa, Azun Pa…, những em bé, cụ già, thanh niên J’rai lưng đeo gùi với hàng đống chai lọ, men ra bờ sông lấy “nước mát” về ăn uống.
Đặt gùi xuống những bờ cát trắng, những đứa bé từ 5-8 tuổi dùng tay đào một cái hố sâu chừng 35 cm, đường kính chừng 40cm. Những cái hố này chỉ cách dòng sông vài chục cm, đủ để nước sông ngấm qua những hạt cát rỉ vào hố. Vài ba phút sau, khi hố bắt đầu có nước, các cô cậu bé dùng 1 cái cốc múc nước ở đó đổ vào chai. Đa phần là đổ trực tiếp, nhà nào cẩn thận hơn thì lọc qua một miếng vải mỏng; nước đó gọi là “nước mát” mà người dân nơi đây chuyên dùng để ăn uống.
(Theo phóng sự "Nước giếng để giặt, nước sông để... ăn" của Thiên Thư trên báo Dân Trí)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét