Ly kỳ truyền thuyết "loài hoa lạ"
Ngược về vùng Mường Ống huyện (Bá Thước), chúng tôi tìm về ngọn núi Làn Ai, nơi có loài hoa lạ. Ngắt một chùm hoa Bông Trăng đội đầu cho đỡ nắng thì gặp cụ Bùi Thị Mai (70 tuổi) đang ngồi phía dưới vạt đồi. Xung quanh cụ là bầy trẻ con, ai cũng say sưa nghe chuyện về truyền thuyết chàng Bông Hương và nàng Ờm từ thủa mới lập Mường.
Thấy chúng tôi cầm chùm hoa Bông Trăng trên tay, lại là người đất Mường nên cụ Mai không ngần ngại kể lại câu chuyện: Theo cụ Mai, ngày xưa ở vùng Mường Ống có một chàng trai tên là Bông Hương và một cô gái tên là nàng Ờm, giữa họ nảy sinh mối tình và yêu nhau tha thiết. Những đêm trăng sáng chàng trai thường hẹn cô gái dưới chân núi Làn Ai, họ nói với nhau bằng lời ngon tiếng ngọt, lời chắc tiếng bền: “Dù sông sâu có cạn/ núi đá cao có mòn/ hai ta vẫn cứ nên duyên chồng vợ”.
Hoa rất đẹp và luôn tỏa hương thơm khi nở rộ.
Nhưng vì nàng Ờm là con nhà quan Lang giàu có, còn chàng Bông Hương là con trai nhà nghèo. Vì vậy cho nên cha mẹ, họ hàng nhà nàng Ờm không gả con gái cho chàng trai và đánh đập nàng tàn nhẫn bằng: "Bốn mươi roi cây trảy, bảy mươi roi cây lèn en", sau đó đuổi nàng khỏi nhà.
Nghe tin, chàng Bông Hương chạy đến thì thấy người yêu đang trong cơn đòn roi thảm khốc. Chàng vội ôm trầm lấy nàng rồi chạy lên núi Làn Ai. Dọc đường chàng Bông Hương cởi chiếc áo trắng lau vết máu cho nàng. Máu nàng thấm đỏ áo chàng, rồi chàng mắc áo vào cây “chạng bạng”, (đây là một loài cây lá to mọc thẳng, có hai cành giang ra hai bên).
Biết chẳng thể thoát được sự truy đuổi của quan binh nhà Lang, “sống chẳng được ở chung cửa chung nhà cũng chẳng xong”. Nên họ đã chạy đến mỏm đá cheo leo hiểm trở nhất, rồi cùng ăn lá ngón tự tự.
Trên một chùm hoa luôn xen lẫn màu trắng và màu đỏ.
Cây “chạng bạng” nâng niu chiếc áo chàng và tự nó biến thành một loài cây có hoa màu trắng lẫn màu đỏ quấn quýt vào nhau. Về sau người dân Mường Ống thuộc vùng núi Làn Ai còn truyền tai nhau về một bài đồng dao rằng: “Chàng Bông Hương cõng nàng chạy miết/ máu đỏ nhỏ và áo trắng/ ơi hoa bông trăng. Nửa trắng áo anh trong trắng/ nửa đỏ máu em rỏ từ tim/ tình yêu hóa đá im lìm. Chuyện Làn Ai từ ngàn năm trước/ thành nỗi ước cho ngàn năm sau/ lá bùa yêu chưa nhặt được để trao nhau…”
Người Mường quan niệm cây hoa đó là oan hồn của đôi trai gái hóa thành, vì vậy hoa có một đặc đểm rất lạ là khi gặp mưa thì hoa lại có màu trắng, còn gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ. Hàng năm cứ vào tiết trời tháng ba thì hoa bắt đầu nở. Ai nhìn kỹ loài hoa này sẽ thấy từng bông nhỏ li ti trông không khác gì chiếc cúc áo khóm của các cô gái bản Mường.
Hoa rất đẹp và luôn tỏa hương thơm khi nở rộ.
Cụ Mai bảo: “Loài hoa đó có sức sống lâu bên ở mọi thời tiết khắc nghiệt, vì nó thể hiện tình yêu của chàng Bồng Hương dành cho nàng Ờm. Bởi chàng yêu nàng là để thành cửa thành nhà chứ không phải ong qua bướm lại”. Sau khi nàng Ờm chết đi, mẹ nàng hối hận đã đi tìm con.
Một hôm người chú của nàng Ờm đi săn trong rừng sâu gặp xác của cháu gái thì đã thấy “ở trên đầu nàng có đàn kiến nhặng, ở giữa lưng nàng có đàn kiến bống”. Nghe tin báo, người mẹ chạy đến gục xuống bên xác con khóc nức nở, bà cầu xin nàng sống lại để trở về với Mường.
Một lúc sau oan hồn nàng Ớm hiện lên và nói với Mẹ là: “Con đã đi về với đàng Mường ma không thể trở lại, nếu mẹ thương con thì từ nay con sẽ biến thành con kiến đen về ăn nhờ cơm rơi cơm vãi nhà mẹ thôi”. Về sau, truyền thống của người Mường không bao giờ giết con kiến đen vì họ cho rằng đó là hồn ma của ông bà cha mẹ tổ tiên hiện về thăm nhà thăm cửa.
Độc đáo lễ hội “pôồn pôông”
Hàng năm cứ đến mùa hoa Bông Trăng nở, đồng bào người Mường nơi đây lại mở lễ hội “pôồn pôông”. Lễ hội này dựng lên nhằm cầu chúc cho mối tình chung thủy của nàng Ờm và chàng Bông Hương từ khi mới lập bản. Nếu như khách thập phương có dịp về bản Mường dự hội “pôồn pôông”, thì họ sẽ thấy rõ những nét đặc sắc qua từng điệu nhảy, điệu múa xung quanh cây bông. Lễ hội diễn ra từ sáng đến tối, có khi kéo dài tới hai ngày ba đêm.
Lễ hội “Pôồn Pôông” của người Mường ở huyện Bá Thước.
Một thời lễ hội truyền thống này bị mai một, thế nhưng từ khi tỉnh Thanh Hóa liên tục tổ chức hai năm một lần “Liên hoan văn hóa các dân tộc miền núi Thanh Hóa” (năm 1987), thì lễ hội này lại sống lại. Có thể nói rằng, lễ hội “Pôồn Pôông” của người Mường ở Thanh Hóa thể hiện giá trị văn hóa cao đẹp. Bởi nó ẩn chứa tín ngưỡng tâm linh qua từng lời ca tiếng hát đến mê đắm lòng người. Ai cũng hòa mình cùng điệu múa xen lẫn tiếng cồng, tiếng chiêng giục giã, mời gọi, thôi thúc đến mê lơi.
Cụ Bùi Thị Mai kể chuyện về loài hoa Bông Trăng.
Cụ Mai cho biết thêm: “Hàng năm dân bản chúng tôi đều phải phải tổ chức lễ hội “Pôồn Pôông”, để cầu mưa thuận gió hòa. Theo các cụ, lịch sử của lễ hội này có từ sau truyền thuyết cây bông. Ngoài ra cây bông của đồng bào Mường chúng tôi còn được ví như một quả đất, để đẻ ra cây cối cho dân bản làm nhà, sinh ra cây gạo, cây sắn cho đồng bào trồng trọt...”.
Minh Phượng (Báo Dân Việt)
ôi mưa thấy bông hoa này rồi. rất đẹp ạ. nhưng mưa k biết tên là hoa gì .cảm ơn XT nhé.
Trả lờiXóalâu rồi mưa mới vào đc blg. mưa ghé thăm chủ nhà. chúc XT luôn vui ạ.hiiiii
Lâu quá không gặp mưa_123. Chúc vui nhiều nha mưa!
Xóa