Sài Gòn một thuở: “Dân Ông Tạ đó!”.. dẫn bạn đọc đi sâu vào từng ngõ hẻm, thăm từng căn nhà, gặp gỡ những nhân vật đã làm nên một trời tuổi thơ đầy kỷ niệm...
XÓM ĐẠO CŨ
*Đỗ Trung Quân
Cũng như Lê Nguyễn Hương Trà, tôi cũng là một trong những người không tin ấy vì cũng là một nhân vật trong đó. Nhưng khi sách ra được, lại viết khá nhiều về những cái tên , những chuyện nhạy cảm (như vụ gia đình trung tá Đặng Sỹ Vĩnh gần nhà tôi tự sát 9 người hôm 30-4-1975). Cũng dễ hiểu khi in 6.000 cuốn nay đã gần hết.
Trích đăng một tí xóm đạo cũ và căn nhà cũ mỗi năm tôi thường quay về nhặt nhạnh tuổi hoa niên của mình
…
“Quán cà phê cà phê Thanh Hoài của gia đình anh Đỗ Trung Quân. Khi đó, nó là một ngôi nhà trệt, mái ngói kiểu Nam bộ nằm trong một cái sân rộng. Khoảng 1971, ngôi nhà ấy bán cho chủ mới. Chủ mới phá bỏ toàn bộ nhà cũ, xây nhà mới. Nhà mới, chủ mới nhưng nghề vẫn cũ: cà phê Mây Chiều. Ông chủ mới tên Huy, anh bà con của các anh Ngạn, Dũng, Sang, Trọng… Trong đó, hai anh Trọng, Ngạn sau này là ca sĩ Ngọc Trọng, MC Nguyễn Ngọc Ngạn. Các cô con gái nhà này đều tên Hằng, chỉ khác tên đệm. Sau 1975, ông Huy đi cải tạo, con gái bán một thời gian nghỉ bán. Gia đình xuất cảnh, nhà có chủ mới nữa, nhưng không bán cà phê.
Thằng bé Đỗ Trung Quân nhà cf Thanh Hoài lúc ấy mới 12, 13 tuổi
Có lẽ đây là những ngày thơ ấu đẹp của nhà thơ Đỗ Trung Quân sau này. Ở đó, có người mẹ đi chợ Ông Tạ về, “nón lá nghiêng che” có cánh đồng rau muống ông Nghi cho tuổi thơ nó thả diều; có chùm khế, chùm nhãn… vườn Ông Chủ Đất sum suê trái cho nó lén trèo hái...
Thế nhưng cái thằng bé ngoan ngoãn, lễ phép, giúp lễ cho cha Nhạc của giáo xứ An Lạc ấy lại ẩn giấu một sự khác thường trong lòng. Nó đổ giấm vào chén rượu thánh của cha. Dù nhỏ con nhưng nó sẵn sàng vặc nhau ra trò với đám trẻ con các xóm khi giành nhau khí đá vụn bên xe phở ông Địch, trong đó có cả con trung tá Nguyễn Văn Nhã, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa… Liệu có con ma trẻ con nào ở căn nhà cũ bên khu An Lạc, con ma bên giếng sân nhà cà phê Thanh Hoài xúi bẩy nó nổi loạn như vậy?
Nam 1972, 17 tuổi, gia cảnh gặp biến cố , nó rời nhà với lời hứa hẹn ngấm ngầm với mẹ: “Sẽ quay về để lo cho mẹ”
…
Những mùa Noel ấy có một thằng bé giúp lễ nhen lên bao ước mơ bình yên, trong trẻo đến vô cùng trong đêm Ông Tạ có gió cuối năm se lạnh . Để sau này, ẩn trong những bức tranh hỗn độn màu sắc của nó luôn lóe lên những mảng màu nguyên vẹn, không pha trộn, trong trẻo kỳ lạ đến mức tôi tưởng tượng có thể nhìn xuyên qua những vệt màu trong vắt ấy… Và những bức tranh đêm Giáng sinh xóm đạo xưa luôn có vệt màu trắng tinh tuyền, có bầu trời đêm Noel trong vắt, có ánh nến lung linh và có cả những trái châu xanh đỏ lóng lánh treo trên cây thông bán đầy ngã ba Ông Tạ ...
Thơ văn của anh, khi “nó” đã thành nhà thơ, nhà viết tản văn đọc nhẹ nhàng nhưng rợn người với những hình ảnh xưa về chiều cuối năm có mùi khói đốt lá rụng, có nồi bánh chưng bập bùng ngõ Con Mắt và có người mẹ tột cùng yêu thương của anh. Để có người đọc, cho là những vần thơ về mẹ hay nhất, đọc nhói tim những người con nhất:
“ngày xưa chào mẹ ta đi
mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
mười năm rồi lại thêm mười
ta về thì khóc, mẹ cười lạ không
ông ai thế? Tôi chào ông
mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
ông có gặp thằng con tôi
hao hao tôi nhớ nó người như ông.
mẹ ta trả nhớ về không
trả trăm năm lại bụi hồng rồi đi...
(Đỗ Trung Quân – 9/2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét