Năm 1995, trên Tạp chí khoa học của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, học giả người Pháp là Georges Condominas đã giới thiệu tác phẩm Đăm Di..
Lo sợ sự truy đuổi của anh em Đăm Di và cánh diều thần, Chi Mơ-rế cùng Hơ-bia Pơ-lao đã chạy về làng đông, trốn đến làng tây tìm nơi nương tựa nhưng không một chủ buôn nào dám dung chứa vì sợ uy lực của anh em Đăm Di và hẳn là cũng không muốn che chở những kẻ bất tín! Anh em Chi Mơ-rế bèn tìm đến làng của Đăm San, một tù trưởng mạnh nhưng ở đây họ vẫn bị cánh diều truy đuổi. Không còn cách nào khác, Đăm San phải cùng dân làng và anh em Chi Mơ-rế chạy ra biển, đến làng của Đăm Chúc, một hòn đảo ở giữa biển cả xa xôi. Những kẻ trốn chạy hy vọng rằng, ở đó họ có thể tìm nơi nương tựa và sự chở che của những người thân hữu. Để ra đảo, họ đã cùng nhau xuống tàu nước đi về phía đông, đến làng đảo của Đăm Chúc[32]. Vị Chúa đảo đón nhận kẻ trốn chạy và tin rằng, do những cách trở của một không gian biển rộng lớn nên anh em Đăm Di không thể vượt qua! Họ tin rằng, biển đảo là chốn dung thân, địa điểm an toàn mà các thế lực núi rừng không thể biết và thể hiện quyền uy ở một môi trường sinh thái khác lạ. Với niềm tin đó, Đăm Chúc đã khuyên Hơ-bia Pơ-lao không nên sợ hãi bởi: “Dù con tê giác khổng lồ, con hổ tinh quái, con voi dữ đôi ngà chạm đất cũng không dám đến nơi đây”[33]. Như vậy, ngôn ngữ và hình tượng mà Chúa đảo sử dụng vẫn là ngôn từ của núi rừng! Chắc hẳn là, với những mối liên hệ mật thiết và vốn tri thức phong phú về Cao Nguyên, khi sử dụng các hình tượng đó Đăm Chúc muốn giao hòa tình cảm, an ủi, khẳng định niềm tin với những người từ đất liền ra biển.
Nhưng thật bất ngờ, cánh diều của anh em Đăm Di như có sự mách bảo của thần linh vẫn vượt biển, tìm ra đảo. Cánh diều cứ bay liệng mãi, kêu lên những âm thanh giận dữ và chỉ đến khi Hơ-bia Pơ-lao đem hết vẻ đẹp, tài năng, sức lực ra dâng hiến, múa theo sức chao liệng của Chim thần thì mới được ông Đu, ông Điê rủ lòng thương giúp thu phục uy lực của diều. Có thể coi đó là điệu Múa thiêng, gắn với tôn giáo, ma thuật. Trong nhịp điệu quyền uy đó, “nhịp điệu bên trong của người múa, cái sức mạnh không cưỡng được dâng lên từ chỗ sâu kín nhất, trước khi chuyển ra chân, ra tay, ra từng thớ thịt, tận “đầu mày cuối mắt”, thành nhịp điệu bên ngoài, thành chuyển động, bước đi, động tác, điệu bộ, sắc diện, hình tượng”[34].
Lần theo sợi dây diều bằng kim loại thân thuộc, anh em Đăm Di và Pơ-rong Mưng biết nơi mà Chi Mơ-rế và Hơ-bia Pơ-lao lẩn trốn. Chi tiết quan trọng này gợi sự liên tưởng về tấm áo choàng lông ngỗng của công chúa Mỵ Châu khi bị giặc phương Bắc truy đuổi đã vội theo cha An Dương Vương chạy về vùng biển phương Nam[35]. Để giành lại vợ chưa cưới, để tiêu diệt kẻ dám phá diều, cướp đi những sợi chỉ nhuộm đa sắc và trừng phạt những kẻ che chở cho Chi Mơ-rế, Hơ-bia Pơ-lao trốn chạy; theo lời khuyên của Pơ-rong Mưng, anh em Đăm Di quyết tâm theo cánh diều vượt biển ra đảo. Để vượt biển, họ cần có tàu nước và họ đã cử chàng trai tài giỏi nhất Xing Mơ-nga đi tìm những người tài năng, sống ở vùng duyên hải như Mơ-tao E-gơi và các đồng minh thân tín: Y Kú, Y Lý cùng chung sức giúp đóng tàu.
Trong sử thi, để thể hiện quyết tâm giành lại vợ chưa cưới cho anh trai, Xing Mơ-nga cam kết trả cho những người giúp đỡ “ba ché túc giá bằng một con voi, một ché kơ-băn giá bằng một người nô lệ và nếu các bạn muốn bao nhiêu của cải khác nữa chúng tôi sẽ trả đủ cho các bạn bấy nhiêu cho các bạn lấy về”[36]. Ở đây, dường như Xing Mơ-nga luôn hiểu rõ giá trị của các sản phẩm hàng hóa mà người Êđê dùng để ban tặng, trao đổi theo phương thức cổ sơ “hàng đổi hàng”. Trong sử thi, chưa thấy nói đến sự hiện diện của tiền tệ và quan hệ mua bán giữa các tộc người. Điều ngạc nhiên là, cả Mơ-tao E-gơi và Y Kú, Y Lý đã vui lòng giúp đỡ anh em Đăm Di mà không đưa ra bất cứ một yêu cầu vật chất nào. Họ lao vào chế tàu nước, làm miệt mài suốt ba ngày ba đêm để xong bốn chiếc tàu. Yêu cầu chiến tranh không cho phép họ chậm trễ. Nhờ sự nhiệt tình, kỹ năng điêu luyện trong việc đóng tàu và hẳn là do đã chuẩn bị sẵn những nguyên liệu quý như đồng, sắt và nhờ có sự giúp sức của nhiều người mà Mơ-tao E-gơi và Y Kú, Y Lý đã có thể hoàn thành công việc lớn trong thời gian ngắn. Đó là bốn chiếc tàu đẹp, phía mũi có cột treo cờ, phía sau có cột buồm cao đón gió. Bốn chiếc tàu, đủ cho ba anh em: Đăm Di, Xing Mưn, Xing Mơ-nga và người bạn Pơ-rong Mưng cùng dân làng vượt biển. Họ sắm sửa lương thực, nước uống rồi hào hứng khiêng một chiếc tàu to, ba chiếc tàu nhỏ hạ thủy, chuẩn bị tiến ra biển khơi.
Trước khi vượt biển, tại bến thuyền, chính anh cả Đăm Di đã đề xuất cách đánh Đăm Chúc. Họ đã dùng ba chiếc tàu nhỏ do Xing Mưn, Xing Mơ-nga và Pơ-rong Mưng chỉ huy vượt ra đảo xa. Ba người đem theo ba con chim kơ-trao để giữ liên lạc, báo tin. Đến gần đảo xa, ba dũng sĩ cho tàu dừng lại, sai chim kơ-trao báo tin cho Hơ-bia Pơ-lao ra bến nước. Trong khi đó, ở trên đảo, nhận được tin báo, Hơ-bia Pơ-lao trào dâng nỗi nhớ đất liền, thương mến Đăm Di: “Biển có bao nhiêu gợn sóng, lòng nàng nhớ thương chàng Đăm Di bấy nhiêu”[37] và muốn giữ lời cam kết với ông Du, ông Diê và Thần diều lấy Đăm Di làm chồng. Đợi cho Hơ-bia ra tắm xa bờ, cả ba chiếc tàu lao tới và chính Xing Mơ-nga, chàng trai tài giỏi nhất, đã nhanh chóng túm lấy tóc Hơ-bia kéo lên tàu. Đoàn tàu lập tức chạy nhanh về phía đất liền.
Giành được Hơ-bia Pơ-lao, Xing Mơ-nga liền đưa nàng về tàu lớn, trao cho Đăm Di. Bằng tình cảm chân thành, Hơ-bia chính thức báo cho Đăm Di biết lý do vì sao mà Chi Mơ-rế không muốn gả nàng cho Đăm Di bởi Chi Mơ-rế muốn hướng đến một chuẩn mực khác, đó là em út Xing Mơ-nga trẻ trung, tài giỏi. Trước tình thế đó, Đăm Di đã thể hiện rõ phẩm chất cao thượng của một người anh Cả và tính chất “dân chủ” của xã hội Êđê cổ xưa: “Nếu như thế cũng được. Lấy anh hoặc lấy Xing Mơ-nga sau này chúng ta sẽ bàn”[38].
Ở trên đảo, nghe tin dữ, Chi Mơ-rế tay không kịp xách khiên, cầm dao, vội vàng cho người khiêng tàu xuống biển đuổi theo giành lại em gái. Điều đáng chú ý là, không chỉ có Đăm Chúc, Chi Mơ-rế còn tập hợp thêm được bảy tù trưởng giàu mạnh khác (chắc hẳn họ cũng sống ở trên đảo hay quần đảo?) cùng tham gia đánh anh em Đăm Di. Đoàn quân của tù trưởng Đăm Chúc rất đông đảo mà theo sử thi thì người nghìn, người vạn cưỡi tàu băng băng trên mũi sóng đuổi theo tấn công nhóm tàu từ đất liền. Đoàn tàu chiến do Đăm San dẫn đầu khí thế rất hùng mạnh. Trước tình thế đó, Đăm Di liền cử Xing Mưn, Xing Mơ-nga và Pơ-rong Mưng chỉ huy ba tàu ra nghênh chiến. Hai bên đánh nhau giữa biển cả. Theo mô tả của sử thi, sóng biển trào lên bằng mái nhà rồi lại chúi xuống tận đáy biển. Hai bên cho tàu chiến lao thẳng vào nhau khiến các tàu chở nô lệ của Đam San vỡ tan từng mảnh. Những người tử nạn trôi trên ngọn sóng nhiều như cỏ!
Điều đáng chú ý là, tàu của anh em Đăm Di đóng bằng đồng, bằng sắt nên trong những cuộc đụng độ quyết liệt đã phá hủy nhiều tàu bằng gỗ, bằng tre của Đăm San. Những cuộc đâm tàu, các va đập dữ dội khiến các tàu chiến của Đăm San bị tổn thất lớn. Trong một cuộc tấn công, Đăm San bị tử thương, lao mình xuống biển! Trước tình thế đó, Đăm Chúc đã trực tiếp huy động nhiều tàu chiến, các thủ lĩnh dũng cảm, thiện chiến như Mơ-tao Lơ-véc, Đăm Đơ-ri, Đăm Đơ-rang, Đăm Bơ-ra... lao ra biển chiến đấu với Xing Mưn, Xing Mơ-nga và Pơ-rong Mưng nhưng tất cả đều bị ba chiếc tàu đồng, tàu sắt đâm chìm. Trận chiến diễn ra quyết liệt khiến Đăm Chúc vừa chiến đấu vừa phải ra lệnh đóng thêm tàu mới. Trong trận quyết chiến với tàu của Đăm Chúc “Tàu chiến của chàng Xing Mơ-nga theo sóng lao xuống, đụng phải đá dưới đáy biển nghe như sét đánh sấm nổ, bật ra những làn chớp chói lòa. Trên trời, mây mưa kéo lại, đổ xuống ầm ầm. Các loại thần từ các nơi cũng bay tới ăn linh hồn của những người tù trưởng đã chết chìm dưới đáy bể”[39]. Cảnh tượng mà sử thi mô tả là cảnh tượng của một cuộc đại chiến trên biển!
Cuộc hải chiến giữa anh em Đăm Di và liên quân Đăm San - Đăm Chúc làm chấn động Thủy cung. Sự dũng cảm, tài năng chỉ huy tàu chiến và vẻ dáng vẻ kiêu hùng của Xing Mơ-nga khiến con gái vua Thủy tề mê đắm. Công chúa biển liền nhờ vua cha lật chìm tàu của Xing Mơ-nga để bắt chàng về làm chồng. Như vậy, chỉ có sức mạnh của thần thánh mới có thể đánh bại được Xing Mơ-nga. Để cứu em, Đăm Di đã yêu cầu Pơ-rong Mưng xuống Thủy cung tìm cách đưa Xing Mơ-nga về. Nhằm động viên tinh thần dũng cảm, Đăm Di còn hứa gả em gái Bơ-ra E-tang cho bạn, đồng thời cử Xing Mưn thay Xing Mơ-nga chiến đấu chống lại đoàn tàu đông đảo của Đăm Chúc - Một tù trưởng dũng lược, quen chiến trận trên biển. Theo đề nghị của Đăm Di, Pơ-rong Mưng đã cho tàu lặn xuống Thủy cung, tìm đến tận làng của vua Thủy tề. Hình tượng chiếc tàu huyền thoại của Pơ-rong Mưng lặn xuống biển để tìm Xing Mơ-nga là một cảnh tượng hiếm thấy thể hiện khả năng suy tưởng, năng lực tư duy phát triển cao, hết sức đặc sắc của người Êđê. Hình tượng đó cũng thể hiện nhu cầu khám phá đại dương, niềm tin về sự hiện tồn của một Thế giới khác, ẩn tàng dưới lòng biển của người Êđê. Đó là thế giới của các vị Thần biển ở đó có Người biển và Thủy cung lộng lẫy, vững chắc.
Tuy được công chúa con vua Thủy tề yêu say đắm (và Xing Mơ-nga dường như cũng cảm mến Nàng tiên biển ấy?)[40], nhưng người Anh hùng vẫn không quên sứ mệnh cao cả của mình, vẫn muốn trở về tàu để cùng với anh em và dân làng tiếp tục chiến đấu tiêu diệt kẻ ác đã dám cướp vợ chưa cưới của anh cả Đăm Di. Đó là lý tưởng sống, là mục tiêu trọng tâm của anh em Đăm Di khi tham chiến. Để phá được dinh lũy và cổng thành, tường thành xây bằng những khối đá lớn dưới Thủy cung, một lần nữa Đăm Di lại phải dùng đến sức mạnh của thời đại kim khí. Hẳn là Đăm Di đã được thần thánh phù giúp cấp cho vũ khí linh nhiệm. Người Anh hùng đã trao cho Pơ-rong Mưng búa thần kơ-răn để chàng trở lại Thủy cung phá đá, cứu Xing Mơ-nga. Tự mình, Đăm Di tình nguyện ở lại trên biển cùng Xing Mưn chống lại những cuộc phản công quyết liệt của Đăm Chúc đồng thời bảo vệ Hơ-bia Pơ-lao không để cho kẻ thù lại cướp đi. Do xác định được vị trí chính xác của Thủy cung, Pơ-rong Mưng đã cho tàu lặn xuống ngay trước cổng làng của vua Thủy tề và lập tức giáng búa vào cổng thành khiến dinh lũy đổ sập. Thừa thắng, Pơ-rong Mưng còn chạy vào giữa làng đánh đuổi vua Thủy tề. Đánh tan Vua nước, Pơ-rong Mưng đưa Xing Mơ-nga lên bờ. Bốn anh em liền hợp lực tấn công Đăm Chúc. Như được tiếp thêm sinh lực mới “Chàng Xing Mơ-nga đưa mũi tàu của mình đâm thẳng vào tàu của Đăm Chúc. Tàu của Đăm Chúc vỡ tan tành. Đăm Chúc lao người ôm lấy ngọn sóng biển”[41]. Đó là một cảnh tượng bi tráng mà sử thi có thể tạo nên về cái chết và tinh thần quả cảm của vị Chúa tể một vùng biển khơi. Thấy Đăm Chúc tử thương, để tỏ lòng trung, tất cả các tù trưởng đồng minh đều lao xuống biển chết theo Đăm Chúc! Chỉ có Chi Mơ-rế vẫn quyết tử, tiếp tục chiến đấu với anh em Đăm Di cho đến khi tàu bị vỡ tan ra từng mảnh. Không thể bị rơi vào tay đối phương, Chi Mơ-rế cũng lao mình theo ngọn sóng!
Sử thi Đăm Di không có một cái kết thông thường với cảnh đốt buôn làng của kẻ chiến bại, bắt theo tôi tớ, nô lệ, đem theo chiêng, ché, động vật về làng như những chiến lợi phẩm... nhưng Đăm Di vẫn dừng lại ở một cái kết thật có hậu. Hình ảnh ba anh em Đăm Di cùng Pơ-rong Mưng và dân làng trở về làng cũ là một viễn cảnh đẹp về khát vọng hòa bình, ước vọng về sự bình yên truyền nối thẳm sâu trong tâm thức người Êđê. “Họ lấy rượu ché túc, ché ba, làm lễ cưới cho Đăm Di với Hơ-bia Pơ-lao và Pơ-rong Mưng với Bơ-ra E-tang. Họ giết trâu bò để cúng Thần núi, Thần sông, gọi hồn linh của những người đã chết phù hộ cho họ được mãi mãi khỏe mạnh và giàu có. Làng của Đăm Di không còn giặc đông, thù tây nữa. Ngày ngày, người ta chỉ nghe tiếng chiêng, tiếng trống ăn năm, uống tháng mà thôi”[42].
Như vậy, “các sử thi thực sự độc đáo đều đem lại cho chúng ta một bức tranh của tinh thần dân tộc như nó biểu hiện trong luân lý của cuộc sống gia đình, trong chiến tranh và trong hòa bình, trong các nhu cầu, các nghệ thuật, các phong tục, các hứng thú. Tóm lại, nó đem đến cho chúng ta một bức tranh toàn vẹn về cái giai đoạn ở đấy có ý thức và phẩm chất của ý thức. Quan tâm tới các trường ca sử thi, khảo sát nó tỷ mỉ, giải thích nó, đó là trước sau chú ý đến tinh thần dân tộc của cái nhân dân trong đó một bản trường ca nào đó nảy sinh, đặng làm cho tinh thần ấy thành cụ thể và cảm giác được bởi các biểu hiện cụ thể của nó. Người ta thậm chí có thể nói rằng, toàn bộ các trường ca sử thi làm thành lịch sử toàn thế giới ở chỗ nó dung chứa những gì đẹp nhất, sinh động và tự do nhất”[43].
...
...
Nguyễn Văn Kim
*Trích đoạn trên nguồn http://www.vannghehue.vn/.../bien-trong-su-thi-dam-di.html
* Ảnh: Tác phẩm “ Mẹ ôm con” của nghệ nhân Ksor Hnao - đơn vị
Phòng Văn hóa – Thông tin Pleiku, Gia Lai xuất sắc
giành giải Nhất hội thi. (Nguồn: daklak.gov.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét