Tháp Yang Prong là dấu vết vật chất minh chứng cho lịch sử về sự có mặt của người Chăm ở Đắk Lắk trong quá khứ..
VÀNG CHĂM LƯU LẠC
*Nguyễn Trung Hiếu
Hiếm có ai trong số người dân vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi sinh ra trong những năm thập niên 50-60 của thế kỷ trước không biết hai từ “vàng Hời”. Đây là danh từ chỉ những vật trang sức, tế tự của người Chăm được chế tác bằng vàng, lưu lạc trong dân gian hay nằm sâu dưới lòng đất, chủ yếu ở khu vực Quảng Nam. Tuy vậy suốt mấy mươi năm qua, nhiều công cuộc khai quật, khảo cổ, nghiên cứu các di chỉ Chămpa ở Miền Trung diễn ra, nhưng các nhà khoa học chưa từng công bố thu được cổ vật nào bằng vàng.
Những câu chuyện ma mỵ, huyễn hoặc về những đàn gà, trâu, buồng cau, nải chuối bằng vàng, dẫn nhau “đi ăn” trong những đêm tối trời, nay vẫn còn nghe kể ở khắp các vùng Đồng Dương, Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Điện An… Và đã có ai nhặt được vàng Chăm chưa, thì thật khó xác nhận vì nếu được thì cũng chẳng dại gì nhặt được vàng mà đi khai.
Duy nhất vào tháng 7.1997, trong khi đào tìm phế liệu anh Nguyễn Văn Nông ở tại thôn Phú Long 1, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc đã phát hiện được một đầu tượng thần Siva bằng vàng có kích thước cao 24 cm, trọng lượng 0,58kg. Đầu tượng được bán với giá cuối cùng là 100 cây vàng (thời điểm năm 1997), nhưng sau đó tất cả những người liên quan đến vụ này đều vướng vào vòng lao lý.
Nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh có ông Vũ Kim L., với bộ vàng lá 45 cá thể, dập hoa văn nổi, được giới trong “nghề” tương truyền, đó là bộ giáp của vị vua Chăm, được tìm thấy ở kinh thành Đồng Dương- Thăng Bình, Quảng Nam.
Ở Đà Nẵng có Luật sư Hồ Anh T, với bộ gương soi cổ độc nhất vô nhị. Nhưng đáng giá vẫn là rất nhiều hiện vật rời bằng vàng được chế tác tinh tế đến khó tin. Gia đình anh ba đời sưu tập cổ vật, chủ yếu là Chămpa.
Anh kể: “ khoảng 70% số cổ vật Chăm tìm được phần lớn đều là trang sức và vật ngự dụng của hoàng cung. Vì vậy ngoài giá trị thời gian thì hầu hết cổ vật được chế tác cực kỳ tinh xảo. Nhiều trang sức phụ nữ đều có chứa xạ hương (an tích hương) bên trong. Điều mà ít thấy ở trang sức vàng hiện đại”.
Theo ông T. những gì còn lại hôm nay chỉ là một phần rất nhỏ trong số mà dân gian tìm được lâu nay. Trước đây, để tránh sự kiểm soát của Nhà nước, người dân phát hiện được “vàng hời” đã bí mật nấu chảy thành vàng lá để tiêu thụ. Có những cái áo giáp hàng trăm mảnh vàng được chế tác tinh xảo cũng bị nấu chảy bán theo chỉ lượng. Khi phát hiện ra thì có người chỉ kịp mua được vài mươi mảnh sót lại như trường hợp của ông L.
Không ai tỏ tường nguồn gốc những hiện vật này từ đâu ra, nhưng phần lớn đều có nguồn gốc từ vùng Quảng Nam-Đà Nẵng, là thủ phủ vương quốc Chămpa, với hai kinh đô, một thánh địa trong quá khứ. Cửu Đường Thư của người Trung Quốc có kể: “Vua (Chăm) mặc áo có bối, bạch điệp, trên đeo trân châu, chuyền vàng, kết thành chuỗi”. Còn vợ vua thì “ mình đầy trang sức, dây chuyền vàng kết thành chuỗi…”.
Gần đây, sau chính sách cho phép người dân được xây dựng bảo tàng tư nhân, giới chuyên môn mới được biết đến những những “kho” vàng, bạc… ngự dụng, có giá trị không đo đếm nổi của các hoàng triều Chămpa là hiện hữu và lưu lạc trong các bộ sưu tập trong ngoài nước.
Có phải vì vậy, những cuộc đào bới, khai quật công khai, hay bí mật của giới đào trộm cổ mộ lúc nhặt, lúc khoan vẫn cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác, năm này qua tháng nọ… góp phần hủy hoại những “kho vàng” vô giá của lịch sử.
Nguyễn Trung Hiếu
*Trích đoạn trên nguồn https://dulich.laodong.vn/.../vang-cham-luu-lac-755342.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét