Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

ĐI TÌM TÁC GIẢ BỘ CHỮ Ê ĐÊ (Trích đoạn) *Nguyễn Quang Tuệ

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Tư liệu - Đính chính sử liệu: Đi tìm tác giả bộ chữ Êđê đăng trên https://svhttdl.gialai.gov.vn/News/Details.aspx?id=MTI5Ng==&idtype=Mg==
ĐI TÌM TÁC GIẢ BỘ CHỮ Ê ĐÊ (Trích đoạn)
*Nguyễn Quang Tuệ
Chữ viết Êđê có tự bao giờ, ai đã tạo ra nó, vẫn còn là một câu hỏi cần tiếp tục tìm hiểu. Cho đến nay, các văn bản sớm nhất liên quan đến chữ viết Êđê mà chúng tôi hiện biết mới chỉ dừng lại ở năm 1906.
Tài liệu thứ nhất xuất bản năm 1906, tập Đánh giá thuộc địa (Bộ Thuộc địa, Pháp) có văn bản "Ghi chú về hai dân tộc của Darlac (Lào): Các dân tộc Rades và Khar Pi" của De Belakowicz, I. - một công chức chính quyền Đông Dương (commis service civil de l'Indochine) thời đó. Từ nhận định Êđê là tộc người sạch, đẹp và lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk (tr. 131), tác giả đã khảo sát một cách tương đối toàn diện về cộng đồng này. Đáng kể là trong lúc khảo tả, phân tích các nội dung liên quan, người viết đã dùng nhiều từ ngữ của người Êđê được latinh hóa. Trong hơn 10 trang in, tác giả sử dụng khoảng 55 từ Êđê. Loạt từ này không chỉ xuất hiện trong các chủ đề thông thường như ẩm thực, trang phục hay làm lụng, chiến tranh(các món ăn, thức uống, hút thuốc, gươm đao) mà còn có cả trong những chủ đề khác, phức tạp hơn như nghệ thuật (bức tranh, màu sắc, nhạc cụ) hoặc hôn nhân, xử phạt (sàm sỡ, ngoại tình, phá thai, ly hôn,…).
Tài liệu thứ hai cùng xuất bản năm 1906, dày gần 600 trang,là tác phẩm nổi tiếng Dictionnaire Čam-Françaiscủa E. Aymonier và A. Cabaton. Rất khó biết tác giả của hai tác phẩm trên đã thai nghén, hình thành những đứa con tinh thần của mình ra sao. Nhưng chắc chắn, Belakowicz đã thực hiện báo cáo của mình trước 1904, khi Đắk Lắk còn thuộc Lào, đồng thời công bố bài viết có số từ vựng Êđê ấy trước E. Aymonier và A. Cabaton, như đã nêu. Đến lượt mình, tác giả của Từ điển Chăm-Pháp đã trân trọng ghi tên tác phẩm của Belakowicz ở mục tài liệu tham khảo (tr. XXXVII). Chúng tôi đã khảo sát nhanh cuốn sách công cụ này và nhận thấy đây không chỉ đơn thuần là từ điển Chăm-Pháp mà trong nó còn chứa đựng một số lượng rất lớn từ vựng của các ngôn ngữ Bahnar, Jrai, Kơho,… Riêng đối với chữ viết Êđê, nếu sự kiểm đếm của chúng tôi không bị nhầm lẫn thì các tác giả đã cố định hóa trong cuốn sách của mình khoảng 95 từ.
Như vậy, ít nhất đến thời điểm 1906, đã có 2 công trình được xuất bản, mà trong chúng chứa hàng trăm từ vựng Êđê, bất chấp lúc đó Đắk Lắk còn thuộc Lào hay đã được trả về Việt Nam.
Trong khi chờ những kết quả nghiên cứu chuyên sâu, khả tín hơn, qua các dẫn chứng trên, chúng tôi cho rằng, bằng một cách nào đó, ngay cả khi chưa hề có bảng chữ cái và các nguyên tắc về ngữ âm, chính tả,… riêng biệt, nhiều cá nhân là người nước ngoài đã tìm cách latinh hóa chữ Êđê để phục vụ nhu cầu công việc của họ. Tuy thế, trên thực tế, dường như chính quyền thực dân Pháp đã có sự chuẩn bị sát sao hơn cho vấn đề này. Theo tác giả Osacar Selamink, Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) được thành lập năm 1898 tại Hà Nội; đến 1900, một tài liệu hướng dẫn nghiên cứu khảo cổ học, ngôn ngữ và dân tộc học dành cho các cộng tác viên (Carnet d'instruction pour les collaborateur…) của EFEO đã được xuất bản. Theo đó, bản mô tả dân tộc học cần được chia thành 13 đề mục khác nhau: tổng quát, nhà ở, trang phục, dinh dưỡng, săn bắn và đánh cá, phương tiện giao thông, nông nghiệp, thương mại, công nghiệp, chiến tranh, xã hội, nghệ thuật và tôn giáo. Cuốn sách đó cũng đã được nhắc lại trong Thông tư số 29 ngày 27/6/1903 của Toàn quyền Đông Dương khi ông yêu cầu công sứ tất cả các tỉnh thực hiện một "nỗ lực đầu tiên về thống kê dân tộc học" tại địa phương họ quản lý, mà điểm tựa chuyên môn là tài liệu đã nêu của EFEO. Điều này góp phần lý giải vì sao nhiều nhà cai trị thực dân những năm đầu thế kỷ XX, sau này trở thành những người nghiên cứu, sưu tầm có tên tuổi, bên ngoài lĩnh vực công việc chính được giao.
Để cai trị hiệu quả, nhà nước thực dân đã có sự chuẩn bị về nhiều mặt. Trong đó, tại Đắk Lắk không thể thiếu việc đào tạo nguồn nhân lực. Theo tác giả Gerald Cannon Hickey, “một thời gian ngắn sau khi Bourgeois thành lập cơ sở hành chính Pháp ở Bản Đôn năm 1899, một trường học rất nhỏ dạy chương trình dự bị 3 năm cho cấp tiểu học đã được mở. Năm 1904, trường này đã chuyển tới Buôn Ma Thuột và thầy giáo đầu tiên người Campuchia tên là Keng Kmau. Trong số những học sinh đầu tiên có Y Say Ktla và Y Ut Niê Buôn Rit, là con cái của những gia đình quyền thế nhất ở địa phương (…) Năm 1912, Y Ut đã bắt đầu dạy ở trường đó, chắc chắn là người Thượng đầu tiên dạy học”.
Tuy thế, theo chúng tôi, liên quan đến những trang sách Êđê sơ khai có lẽ không thể không nhắc đến vị công sứ Pháp đầu tiên của Đắk Lắk-Sabatier.
Tập hợp nhiều nguồn tài liệu, tác giả Oscar Selaminkcho biết: “L. Sabatier được sinh ra trong một gia đình trung lưu hạng thấp (lower middle class family) vào ngày 1/4/1877 tại Grignan ở vùng núi Drôme, miền Nam nước Pháp. Tại đây, ông đã không nhận được một nền giáo dục đặc biệt tốt. Không tìm được việc làm sau nghĩa vụ quân sự, ông quyết định phiêu lưu sang Đông Dương, nơi năm 1903, ông được bổ nhiệm vào chức vụ công chức cấp thấp. L. Sabatier đã có 3 năm làm trợ lý cho Jules Guénot, người đứng đầu đại lý (délégation) Kon Tum và cũng là người sẽ bị giết tại đây năm 1917. Sau nhiều cuộc xung đột với các nhà truyền giáo, năm 1913, L. Sabatier được bổ nhiệm làm người đại diện (délégué) tại Đắk Lắk, một quận tự trị (autonomous district) của tỉnh Kon Tum mới”.
Dẫn lời nhà văn Roland Dorgelès - người đã từng lên thăm Buôn Ma Thuột năm 1923 - tác giả Oscar Selamink viết tiếp: “Sabatier nhìn người Êđê như những đứa trẻ lớn ("grands enfants") mà ông, tựa một người cha nghiêm khắc, cần phải bày vẽ và mắng mỏ họ ("guider et gronder").
Năm 1915, ông thành lập Trường Pháp-Êđê, nơi trẻ em thuộc trung tâm Buôn Ma Thuột và các làng lân cận được học bằng tiếng Pháp, lịch sử và địa lý, cũng như văn hoá Êđê” .
Liên quan đến chữ viết Êđê, theo tác giả Pierre Duboi, Sabatier đã “tìm cách cố định nó (tiếng nói Êđê - NQT), vì như Sabatier đã giải thích cho những người Thượng của mình: Lời trên giấy giữ được lâu hơn lời trên môi. Là người đã học được tiếng Kinh, tiếng Nhật, tiếng Lào, đã cọ xát với người Thượng ở Kon Tum, người Jrai, Sêđăng, Bahnar, ông nhanh chóng học được ngôn ngữ của những người dân mới đặt dưới quyền quản lý của mình, là tiếng Êđê. Sau hai năm, ông đã nói được thứ tiếng này, thậm chí còn sõi hơn cả phần đông những người bình thường trong dân chúng; vậy nên không bao giờ cần trung gian giữa ông và người Thượng Đắk Lắk. Ông có thể ngồi xổm nhiều giờ trên hiên các nhà sàn trò chuyện với những người già, bàn bạc cùng họ về các việc trong xứ và những chuyện xưa của họ. Thạo tiếng Êđê và các phương ngữ của nó như vậy, ông sáng chế ra một cách ghi âm nó bằng vần quốc ngữ và lập một bản văn phạm, từ vựng Êđê (inventa une transcription en quoc-ngu et composa une grammaire et un vocabulaire rhadés), hoàn thành vào năm 1921, gửi cho Viễn Đông bác cổ Pháp, in bằng tiền túi của mình. Đem lại cho một dân tộc vốn xưa nay chỉ biết có ngôn ngữ truyền khẩu, Sabatier đã muốn lập lại lịch sử và các luật lệ của dân tộc ấy”.
Quả đúng là năm 1921, Sabatier đã công bố cuốn Tập hợp từ vựng xếp theo ý nghĩa/chủ đề dành cho học sinh trường Pháp-Êđê tỉnh Đắk Lắk với tư cách là tác giả độc lập. Được in tại Hà Nội, tập sách song ngữ Êđê-Pháp này gồm 143 trang,chia thành nhiều phần, trong mỗi phần lại có nhiều chương, dưới mỗi chương đôi khi còn được chia ra thành nhiều mục nhỏ....
Cuốn sách của Sabatier là một “tiểu từ điển” Êđê-Pháp. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu ở trường học và của nhà cai trị thời điểm đó, mà theo chúng tôi lần đầu tiên, hàng ngàn từ ngữ Êđê đã được sắp xếp lại theo chủ đích của người biên soạn, chắc chắn là một nguồn ngữ liệu quý về nhiều mặt đối với quá trình hoàn thiện hệ thống chữ viết của tộc người này sau đó. Cho đến năm 1921, khi tài liệu trên được công bố, dường như chưa có công trình nào tương tự về chữ viết Êđê được xuất bản. Cho nên, có thể nói, cùng với những cá nhân khác, Sabatier đã đóng góp đáng kể cho sự ra đời và phát triển của chữ viết Êđê những năm đầu thế kỷ XX.
Sabatier đã thực hiện cuốn sách trên như thế nào? Không thể biết chi tiết nhưng đây là những thông tin từ tác giả F.P. Antoine, trong một tài liệu công bố năm 1954 được Hickey dẫn lại: “Năm 1915, trường Pháp-Êđê được thành lập với khoảng hơn 30 học sinh, đều là người Êđê ở Buôn Ma Thuột và gần Buôn Kosier (…) Chương trình dạy bao gồm tiếng Pháp, lịch sử, địa lý và hướng dẫn một số phong tục Êđê. Năm 1922, việc thi lấy bằng tiểu học cho học sinh vùng cao được tổ chức tại Buôn Ma Thuột và 3 trong số 4 thí sinh đã vượt qua kì sát hạch này”.
Vẫn theo tác giả Hickey thì “Sabatier cũng khuyến khích Y Ut, một giáo viên khác là Y Jut Hwing và thư ký của ông ta (Sabatier - NQT) là Y Say Ktla soạn ra bảng chữ cái Êđê(to devise a Rhadé alphabet) với sự trợ giúp của một vài học sinh giỏi. Khoảng năm 1918, Y Ut đi học 1 năm chương trình trung học ở Quy Nhơn và sau đó thêm 2 năm trong 1 chương trình cao hơn tại Huế. Năm 1922, Y Ut trở về dạy học ở Buôn Ma Thuột. Năm 1926 có khoảng 500 học sinh, phần nhiều là học sinh nội trú; chương trình giảng dạy đã được mở rộng, bao gồm cả đọc, viết bằng tiếng Êđê, đào tạo kĩ thuật và giáo dục thể chất”.
Như vậy, nếu thông tin của Hickey là chính xác thì những người hợp tác với Sabatier làm ra chữ Êđê vào những thời điểm ấy bao gồm các vị: Y Ut, Y Jut, Y Say Ktla và “một vài học sinh giỏi”.
Có một chi tiết cần lưu ý ở đây: Theo P.Duboi thì chính Sabatier đã sáng chế ra một cách ghi âm tiếng Êđê bằng vần quốc ngữ và “lập một bản văn phạm, từ vựng Êđê” còn Hickey thì cho rằng ông ta “đã khuyến khích” (encouraged) một nhóm người “soạn ra bảng chữ cái Êđê”, như đã dẫn ở trên.
Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy bảng chữ cái Êđê thời kì đó. Dẫu vậy, có thể xem sự vắng mặt của bảng chữ cái này là một chi tiết khá thú vị, thậm chí có thể nói là kì lạ (tất nhiên không có khả năng xảy ra). Vì sẽ rất mâu thuẫn, nếu cho rằng Sabatier là người đã sáng chế ra cách để ghi chép lại tiếng Êđê bằng vần quốc ngữ mà lại không cần đến bảng chữ cái của chính ngôn ngữ này. Nói khác đi, để làm được một cuốn sách dạng từ điển giải nghĩa gần 5.000 từ Êđê qua tiếng Pháp, tác giả của nó đương nhiên phải có những quy ước nhất định về chữ cái, hệ thống phiên âm, hay những yêu cầu tối thiểu về chính tả…
Sabatier được đánh giá là người thông thạo phong tục và ngôn ngữ Êđê. Sau cuốn sách nêu trên, ông còn là tác giả của những sưu tập lớn về sử thi và luật tục Êđê, thực sự để lại dấu ấn mạnh mẽ và lâu bền trong giới nghiên cứu, không chỉ ở Việt Nam. Nhưng Sabatier có phải là tác giả của bộ chữ Êđê hay không? Chúng tôi cho rằng cần thêm các chứng cứ mới. Tuy vậy, với các tư liệu hiện hữu, nhiều khả năng cố nhà giáo Y Jut không phải là tác giả của bộ chữ Êđê như một số ý kiến đã khẳng định. Có thể, từ vai trò nhà giáo của mình, ông đã cộng tác, cùng với những người khác làm việc dưới sự tổ chức, hướng dẫn của Sabatier chứ không đóng vai trò chủ động, độc lập hoặc dẫn đầu.
Nhân đây, chúng tôi xin thông tin thêm về Nghị định năm 1935 của nhà nước thực dân. Nhiều người thường nhắc đến và xem nó như một văn bản có giá trị công nhận hay chính thức hóa cách viết các ngôn ngữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Thực ra, Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 2/12/1935 không đề cập đến bảng chữ cái cụ thể của từng ngôn ngữ mà nó quy định (không nhắc đến ngôn ngữ nào cụ thể). Nghị định do Toàn quyền René Robin ký chỉ có 2 điều; 1. Việc phiên âm theo thứ tự ABC các phương ngữ Thượng được ấn định trong văn bản (la transcription alphabétique des dialectes moï est fixée au présent arrêté); 2. Các đối tượng thực hiện nghị định này.
...
Ba năm sau, ngày 19/9/1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brevie ban hành văn bản hướng dẫn, bổ sung cách viết, đọc 1 số âm ngắn (ã, õ,…), phân biệt y và i, bổ sung 1 số nguyên âm đôi; các ví dụ minh họa là 1 số từ Bahnar, Êđê, Jrai và Kơho.
Văn bản cuối cùng liên quan đến vấn đề này dưới thời thuộc Phápdo Tổng Thư ký Toàn quyền Đông Dương Georges Gautier ký ngày 31/7/1941. Theo đó, nó bổ sung dấu huyền, dấu nặng cho 1 số nguyên âm của hệ thống phiên âm đã nêu; cả 3 ví dụ minh họa đều là chữ Kơho.
Nếu lấy 1935 làm một cái mốc thì có thể dễ dàng nhận ra rằng các văn bản mang tính quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành đã đi sau thực tế sáng tạo và lưu truyền chữ viết của nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khá lâu. Điều đó ít nhất được thể hiện càng rõ ràng hơn khi thống kê sơ lược sự xuất hiện của hàng loạt sách công cụ, chẳng hạn: Từ điển Siêng, 1887; Từ điển Bahnar-Pháp, 1889; Từ điển Chăm-Pháp, 1906; Từ điển Thượng ngữ Cơ Ho-Pháp-Việt, 1929…
Trước tình hình đó, nếu sự tìm hiểu của chúng tôi là có cơ sở thì quá trình tạo tác, vận dụng chữ Êđê vào thực tế cũng không phải là một ngoại lệ trong trường hợp này. Từ Belakowicz đến Aymonier và Cabaton và đặc biệt là trong “kỷ nguyên Sabatier” với các công trình quan trọng của chính vị công sứ này (tập từ vựng, bộ luật tục và sử thi),…chữ viết Êđê đã có những bước tiến chắc chắn, làm cơ sở tin cậy cho những người đi sau tiếp tục hoàn thiện nó. Có lẽ đây cũng là cách mà các cá nhân đã khởi đầu và làm nên chữ viết cho cả một tộc người. Bởi, “sự thật là nhiều hệ thống chữ viết và chính tả của các ngôn ngữ quốc gia đều xuất phát từ sự sáng tạo và sử dụng cá nhân (chữ quốc ngữ của A. de Rhodes, chữ Nga của hai anh em Kirilich v.v…) sau khi được truyền bá, nó dần dần được cải tiến và trở thành sản phẩm của xã hội”.
...
Nguyễn Quang Tuệ
*Trích đoạn trong bài TƯ LIỆU - ĐÍNH CHÍNH SỬ LIỆU: ĐI TÌM TÁC GIẢ BỘ CHỮ Ê ĐÊ của Nguyễn Quang Tuệ đăng trên https://svhttdl.gialai.gov.vn/News/Details.aspx?id=MTI5Ng==&idtype=Mg==
Tất cả cảm xúc:
Phạm Thuỳ Hương, Kim Thịnh Dancer và 61 người khác
16
3
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Amm Vinh Tan
Cô giáo tên là H'Rư Êban sinh năm 1929, mẹ sinh tại B. Sut Hluot, nhưng mẹ chết khi sinh nên được đem về B.Ale A để cô chồng nuôi như con ruột. Cô giáo dạy lớp Enfantin (Lớp 1) dạy tiếng Pháp-Rhadê tại trường Franco-Rhadê. (cours enfantin).
Nay là Trư… 
Xem thêm
Xứ Thượng
Amm Vinh Tan Chị Hlin Eban là con của bà H'Rư Êban cũng làm nghề giáo!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét