Ché đựng rượu không thể thiếu trong mọi nghi lễ, từ mừng lúa mới, cầu sức khỏe, cầu mùa, đón một sinh linh gia nhập cộng đồng cho đến khi kết thúc một kiếp người…
TẢN MẠN VỀ CHÉ
* Mẫn Phong Sơn
Tìm hiểu qua các trang Sử thi Tây Nguyên, nghe người già kể lại, ché đã xuất hiện từ xa xưa trong đời sống của các dân tộc tại chỗ. Qua những bộ sưu tập ché trong bảo tàng của các tỉnh Tây Nguyên cũng như của các nhà sưu tầm tư nhân, ta có thể thấy ché có nhiều dòng ché khác nhau, trong mỗi dòng lại có những loại ché khác nhau, mỗi loại ché lại có những kích cỡ khác nhau. Ché không phải do các tộc người bản địa sản xuất mà họ mua bán, trao đổi từ các vùng khác về hoặc qua các nhà buôn người Chăm, người Lào, người Camphuchia, người Việt. Các bộ sưu tập ché hội tụ đầy đủ các dòng gốm cổ của Trung Quốc, Thái Lan, Khơ Me... Gốm miền Trung Nam bộ như gốm cổ Bình Định, Mỹ Thiện, Châu Ổ, Quảng Đức... Gốm Nam bộ như gốm Cây Mai, Lái Thiêu, Bình Dương….
Tiến sỹ Lưu Hùng viết: “... Ché là loại vật dụng có chất liệu gốm, một thứ đồ đựng phổ biến và quan trọng trong đời sống của các cư dân bản địa Tây Nguyên. Họ gọi loại đồ gốm này bằng ngôn ngữ của mình: cheh (Ê đê), jăng (Mnông), đrắp và jăng (mạ)… Còn người Việt (Kinh) gọi đó là ché, có nơi là chóe, ghè, tố. Tuy vậy, phạm vi “ché” ở Tây nguyên là một tập hợp khá rộng, khá đa dạng bao gồm cả những dạng đồ gốm thường được gọi là chum, chĩnh hay vò trong tiếng Việt…” (Trong Vài nét về ché trong đời sống các dân tộc Tây nguyên - Tạp chí Dân tộc học số 3-2006).
Thực tế cho thấy những chum, chĩnh, bình hay vò trong tiếng Việt không có nghĩa đều là “Ché”, “Ghè” đối với các tộc người bản địa Tây Nguyên nói chung và người Ê đê nói riêng. Bởi vì, khi mua những chum, chĩnh, bình hay vò về, người Tây Nguyên thường tổ chức lễ cúng ché (ghè), khi đó không còn gọi là chum, chĩnh, bình hay vò theo tiếng Việt nữa mà nó có tên gọi khác là ché (ghè), nó đã có trong mình “hồn ché” của người Tây Nguyên; Nó đã chính thức bước vào đời sống của người dân bản địa, được tham gia, chứng kiến các lễ hội từ nhỏ đến lớn trong vòng đời của một con người, một cộng đồng. Ché trở thành tài sản, là đồ gia bảo của một gia đình hay một dòng họ được truyền lại qua các đời. Ở nhiều nơi, nhiều gia đình còn tổ chức đặt tên cho ché, coi ché như một thành viên trong gia đình.
Trong xã hội cổ truyền của người Tây Nguyên xưa, những gia đình giàu sang, được kính trọng trong xã hội là những gia đình có nhiều chiêng nhiều ché, nhà càng giàu có càng nhiều chiêng, ché; có gia đình có tới hàng trăm chiếc ché, trong đó có nhiều ché quý.
Người Tây Nguyên xưa có cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, họ không dám làm bất cứ việc gì trái với tự nhiên, và trước khi làm bất cứ điều gì họ đều cầu cúng xin thần linh phù hộ. Trong tất cả các loại lễ cầu, cúng đều có sự hiện diện của ché rượu cần, đây chính là vật phẩm được dâng lên các thần linh. Người Tây Nguyên xưa có những quy định nghiêm ngặt khi sử dụng ché, loại nào sử dụng vào lễ cúng gì, sử dụng bao nhiêu cái… Có những loại ché chỉ có người già, các bậc chức sắc mới được sử dụng, người trẻ không được đụng đến. Có những loại ché chỉ được nấu gạo bỏ vào mà không được nấu bắp hoặc khoai, tất tần tật phải được thực hiện, gìn giữ theo quan niệm của tổ tiên để lại. Đối với họ, mỗi vị thần linh “phụ trách” một lĩnh vực khác nhau trong đời sống và mỗi vị lại “thích” một loại ché khác nhau, do vậy họ phải có rất nhiều loại ché khác nhau để làm vừa lòng các thần linh, mong thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, thóc đầy kho, con người mạnh khỏe.
Hiện nay trong xã hội đương đại, vai trò của ché không còn như xưa nữa. Giá trị về mặt tinh thần mai một đi nhiều, với nhiều người ché dần trở thành một món đồ, một hoài niệm trong lòng các tộc người bản địa Tây Nguyên.
Tuy nhiên, đối với các nhà dân tộc học, văn hóa học, nhân học cùng những người yêu quý và thấu cảm về văn hóa Tây Nguyên thì ché vẫn còn nguyên giá trị vật thể và phi vật thể. Với họ những chiếc ché không chỉ là vật dụng, không chỉ là một món đồ được truyền lại từ nhiều đời mà nó còn là một hiện vật quý báu kể về đời sống vật chất và tinh thần của người Tây Nguyên. Thông qua những chiếc ché cổ họ như thấy được cuộc sống cách đây hàng trăm năm của người dân bản địa, họ như thấy được người già ngồi vít cần bàn bạc về việc bảo vệ buôn làng, hay chuẩn bị bước vào mùa đốt rẫy. Lợi dụng việc này một số người buôn bán, một số nhà sưu tầm đã mua bán những chum, chĩnh, bình, vò từ vùng miền khác lên Tây Nguyên giả mạo là ché cổ của đồng bào bản địa để tăng giá trị của những chiếc ché. Những chiếc được gọi là ché này chưa bao giờ được làm rượu, chưa bao giờ được cúng nhập hồn ché, chưa bao giờ được chứng kiến các lễ hội to, nhỏ trong buôn làng, nó không có “hồn ché” của người Tây Nguyên. Không hiểu sao những người dân bản địa Tây Nguyên dễ dàng nhận ra những chiếc ché này, họ rất dị ứng với nó.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng miền, nhất là đối với khu vực Tây Nguyên, theo chúng tôi cần phải tìm hiểu đúng, trúng các thành tố văn hóa truyền thống, một trong các thành tố đó là ché rượu cần của đồng bào các dân tộc bản địa Trường Sơn Tây Nguyên.
Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong không gian văn hóa ấy không thể không nhắc đến ché rượu cần. Xin trích nguyên văn đoạn kết của tiến sỹ Lưu Hùng trong Vài nét về ché trong đời sống các dân tộc Tây Nguyên: “ … Ở xã hội Tây Nguyên cổ truyền, nếu như công nhận có “văn hóa cồng chiêng”, thì cũng có thể nói đến “văn hóa ché”…. Bởi lẽ, ché gắn bó sâu sắc với cuộc đời mỗi người, từ lễ đặt tên sau khi chào đời cho đến lễ tang khi từ giã cõi trần, và theo tận ra mộ. Rõ ràng, thông qua nghiên cứu về ché theo hướng đó, có thể hiểu biết được nhiều điều về các cư dân bản địa Tây Nguyên”.
Mẫn Phong Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét