"Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng"
(Chu Mạnh Trinh-Hương Sơn Phong Cảnh)
Tranh khắc gỗ thời Minh Trị của Chikanobu mô tả lại truyền thuyết nổi tiếng Musashibo Benkei đánh cắp chiếc chuông của ngôi đền Miidera và mang lên núi Hei-zan.
Tự nhiên nghĩ, không biết chuông được dùng trong các nghi lễ tôn giáo từ khi nào nhỉ? Ấn giáo mô tả các đại tư tế xưa đã rung những chiếc chuông lớn như một nghi thức tôn nghiêm khi bước vào các garbhagriha.
Ấy là đọc thế, nhưng cũng không biết lớn là lớn như thế nào, bởi những gì thực thấy thì các chuông Hinduism cũng không thật ấn tượng lắm về kích thước. Và mình cũng thắc mắc rằng liệu đền tháp Champa ngày xưa cũng có chuông như thế hay không? Mình tìm không thấy thông tin, các hiện vật khảo cổ cũng có có vẻ như thiếu vắng.
Chuông của Phật giáo và Thiên Chúa giáo, với chúng ta, phổ biến và gần gũi hơn. Nhưng khác với sự rộn ràng giục giã của chuông nhà thờ, chuông chùa không rung mà lại gõ, thanh âm nghe rời, đủ để tiếng vọng tan vào hư vô, nghe thâm u mà tĩnh thức.
Về ý nghĩa tiếng chuông chùa, có tài liệu nói rằng chuông lớn là hiệu lệnh của rừng già. Tiếng chuông sớm phá tan đêm trường, gọi người người thức giấc. Tiếng chuông chiều muộn giục giã người bôn tẩu dừng bước chân, những chuyện bận lòng thôi ngẫm nghĩ.
Những chuyện hay ho này chắc sẽ quay lại vào dịp khác. Có điều khi mô tả về âm thanh của tiếng chuông, người ta thường sử dụng từ “boong” mang tính tượng thanh.
Mình thì nghĩ tiếng chuông chùa như là cách thể hiện lại tiếng OM (ॐ)- âm thanh thần bí và nguyên thủy.
31/5/2023
TRẦN PHAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét