Những con đường xưa.. Nằm hoài trong ký ức
Đến rồi đi, phảng phất... như mơ... (Thơ Tường Nhân)
NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐẤT ĐỎ
*Như Bình
Ba mươi sáu năm tuổi đời nhưng có tới 28 năm gắn bó với vùng đất đỏ bazan Đắk Lắk - nơi nổi tiếng với bài hát Chú voi con ở Bản Đôn mà trẻ con nào cũng thuộc, tôi đủ tự tin để nhận Đắk Lắk là quê hương thứ hai của mình dù rằng đây chẳng phải là nơi chôn rau cắt rốn hay quê cha đất tổ. Đắk Lắk là nơi gắn liền với tuổi thơ dữ dội của tôi và đám bạn trẻ trâu mà mỗi khi có dịp ngồi lại, ký ức sâu đậm nhất của tất cả chúng tôi chính là những con đường lấm lem bùn đất, mùa khô bụi mù trời còn mùa mưa đất nhão nhoét, bám chặt chân người. Năm tháng học trò của chúng tôi cả tiếng cười lẫn nước mắt đều gắn với những lần té ngã trên con đường đất đỏ thân thương ấy.
Nhiều năm về trước khi điện thắp sáng còn là niềm mơ ước của nhiều người (trong đó có tôi) thì chỉ có ở khu trung tâm thị xã, thị trấn hay đường quốc lộ mới có đường nhựa, còn lại khắp Tây nguyên là những con đường đất ngoằn ngoèo mà mọi người gọi vui là con đường đau khổ bởi mùa khô thì khổ vì bụi còn mùa mưa lại khổ vì bùn. Đám trẻ con đi học những ngày nắng áo trắng được nhuộm bụi vàng sau mỗi cơn gió. Hàng dã quỳ mọc hai bên đường lá cũng được phủ một lớp bụi dày cỡ vài cm. Mùa mưa đứa nào đi học cũng phải mang theo một nhánh cây ngắn nhưng thiệt cứng để… cạy đất bám bánh xe và bám dép. Cứ đi một hồi là kiểu gì cũng phải xuống xe cạy bớt đất xe mới chạy tiếp được còn đứa nào đi bộ thì dép được khuyến mãi thêm 5-7 phân đất đỏ nặng trịch. Té ngã là chuyện thường như cơm bữa mà không chỉ tụi nhỏ mới bị. Đa số tụi học trò trường tôi đều ở nhà rẫy, muốn tới trường phải băng qua ít nhất một đoạn đường mòn, cả cây số đường chính rồi mới ra tới đường quốc lộ nên đứa nào tới trường mà áo quần sạch sẽ tinh tươm là mừng húm.
Nhà tôi may mắn hơn nhiều đứa bạn ở chỗ con đường nhỏ dẫn từ nhà ra đường chính mùa mưa không lầy lội bùn nhão mà chỉ… trơn như đổ mỡ bởi có bao nhiêu đất mặt đã bị trôi đi sạch chỉ còn sót lại nền đất cứng và vài ổ gà. Nhiều buổi sáng mới chạy xe ra khỏi nhà được hơn trăm mét tôi bị té lấm lem hết quần áo, phải chạy về thay đồ rồi mới đi học tiếp. Những hôm trời mưa to dù chưa đến giờ đi học tôi cũng vội vàng khoác áo mưa chạy xe đạp thiệt nhanh bởi lúc đang mưa đường đỡ trơn trượt hơn.
Kinh khủng nhất là 3 năm trung học phổ thông. Trường tôi bắt buộc nữ sinh phải mặc áo dài đi học cả tuần trừ những ngày mưa gió. Nhưng oái oăm là ở chỗ nhà tôi cách trường hơn 3km, nhiều lúc ở chỗ nhà tôi mưa mà dưới trường lại không mưa nên tôi bị cờ đỏ ghi tên vì tội không mặc áo dài. Vậy là những ngày trời mây xám xịt cứ sáng ra tôi phải nhìn trời ngó mây để quyết định có mặc áo dài đi học hay không? Nhiều lần để bảo vệ đôi xăng-đan được sạch sẽ, tôi còn phải mang dép vào chân rồi cột bịch ni lông bên ngoài cho tới lúc ra đến đường quốc lộ mới dám cởi bịch. Mấy cô giáo nhà xa còn phải xách áo dài đến trường mới thay. Vậy mà cô chủ nhiệm lớp tôi tháng 30 ngày còn chưa có một ngày mặc đồ tây bất kể trời mưa hay nắng. Nhờ có cô, tụi con gái lớp tôi có thêm động lực để mặc áo dài dù đôi khi tới trường trời đổ mưa nên cứ tiếc hùi hụi giá sáng nay đủ can đảm để không mặc áo dài là … ngon rồi! Nhưng cũng nhờ những con đường đất đỏ ngày mưa gió đó mà có vài đôi cảm mến nhau vì chàng ga lăng… giải cứu chiếc xe đạp kẹt đất đầy bánh xe cho nàng! Có anh chàng ngổ ngáo hay đánh nhau bỗng một ngày mưa trở thành “anh hùng” vì cởi áo cho cô bạn cùng lớp mượn khi cô bạn té xe rách áo dài. Sau buổi trưa định mệnh… ở trần đạp xe về nhà giữa cơn mưa anh chàng bỗng dưng bớt ngổ ngáo hơn, ngày chia tay thời học sinh còn hát tặng ai đó một bài đầy ẩn ý.
Đắk Lắk giờ đã phát triển hơn xưa, đường nhựa đã về đến các trung tâm xã, đường bê tông gần như phủ kín làng quê. Chỉ còn sót lại những con đường đất đỏ ở vùng sâu, vùng xa nơi vẫn còn đám trẻ con đầu trần cháy nắng chạy lông nhông bắt dế bắt kiến về chơi. Thỉnh thoảng đi công tác xa, gặp những con đường đất đỏ, ký ức tuổi thơ tôi lại ùa về. Sống mũi chợt cay khi bắt gặp hình ảnh các cô cậu học trò buộc túm ống quần đi xe đạp như mình ngày xưa.
Như Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét