Đâu đó những hình ảnh căn nhà xưa ở nơi xứ sở cao nguyên đất đỏ buồn muôn thuở... bao mến thương này! (Nghe nhạc qua tiếng hát Khánh Ly ...https://www.youtube.com/watch?v=WUgEP8IF5uU)
CĂN NHÀ XƯA
*Vũ Ngọc Phương
Nhạc Tiền chiến thể loại Nhạc Bolero Việt Nam là những ca khúc trữ tình lãng mạn với giai điệu, tiết tấu uyển chuyển, êm dịu, đậm chất dân ca. Thể loại ca khúc nay ghi đậm dấu ấn trong lịch sử Âm nhạc Việt Nam đương đại. Một trong những ca khúc gây nhiều xúc động, hoài niệm là “ Căn Nhà xưa” của Nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn – Có thể nói đây là một ca khúc trường tồn với Văn hóa Dân tộc Việt Nam.
Theo các nguồn thông tin về tiểu sử Nhạc sỹ – Nhà văn Nguyễn Đình Toàn sinh năm 1936 tại một làng quê Bắc bộ Việt Nam – Huyện Gia Lâm nay là Quận Long Biên, thành phố Hà Nội (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi sai là ,… tỉnh Gia Lâm). Ông theo gia đình di cư vào năm năm 1954 khi ông đã 18 tuổi. Nội dung lời ca “ Căn nhà xưa” có thể cho rằng ông sinh ra trong một nhà theo đạo Công giáo và sống trong một làng Công giáo toàn tòng cũng nghèo khổ. Thời trước ở Bắc bộ khi xây dựng Đền, Chùa, Nhà thờ,… đều chọn đất ở ngoài ria làng xóm, nhiều khi xa hẳn ở giữa cánh đồng vì nơi thờ tự linh thiêng không để trong làng xóm vì sự ô uế. Bởi lẽ đất một gia đình nông dân Bắc bộ chật hẹp nên tất cả sinh hoạt vợ chồng, chuồng trâu, bò, lợn, nhà xí, bếp, giếng nước,… đều cùng trong một khuôn viên.
Với lời ca khúc triết, uyển chuyển của ca khúc “ Căn nhà xưa” ngay từ đầu đã như một bức tranh với cảnh nghèo khó của ngôi nhà gần hoang tàn đã như một túp lều bên rìa làng có khu vườn cải, mái lợp rạ hay lá cọ. Những ai đã từng sống ở nông thôn từ năm 1990 trở về trước không thể quên được “ Mỗi sáng sớm nằm nghe nắng giòn trên mái”, chỉ có ở mái rạ hay mái cọ. Tôi cho rằng đất làng Gia Lâm thuở trước thì mái nhà quê toàn lợp rạ, đêm sương ướt lạnh nên khi nắng sớm, khô dần, bốc hơi sương mới nổ lách tách như rang ngô vậy. Tuy nhiên có tác giả lại dẫn lời phỏng vấn tác giả Nguyễn Đình Toàn: “ Trong một lần được hỏi về hình ảnh “nắng giòn” rất độc đáo này, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã trả lời rằng: “Ở Viêt Nam, có những mái nhà bằng tôn, khi chịu sức nóng quá sức nó dãn nở và phát ra tiếng kêu “bụp, bụp” nghe như tiếng đạn nổ giòn vậy. Nên “nằm nghe… nắng giòn trên mái” là thế” – Trích nguyên văn tác giả Niệm Quân, Bản quyền bài viết của nhacxua.vn.
Tôi lấy làm nghi ngờ sự trả lời phỏng vấn này vì một lẽ mái lợp tôn khó mà kêu “ Giòn” được bởi lẽ tôn là một lá thép cán mỏng tráng Kẽm, là kim loại thì nhanh nóng cũng nhanh nguội, mà giả thuyết có tiếng “ Bụp, Bụp” sao Giòn được (?). Thời trước 1995, do hoàn cảnh chiến tranh đi học sơ tán ở Hà Bắc (nay tách ra hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang) sống trong nhà dân mái lợp rạ, sau đi công tác cũng ở nhiều nơi lợp tôn khi nắng lên không hề thấy tôn kêu “ Bụp, Bụp” như vậy, có chăng rất ít khi mới nghe được tiếng Rắc, Rắc của tôn nóng giãn nở kéo đinh đóng tôn vào xà gỗ thôi. Thời ấy sắt, thép hiếm và quý. Lời ca khúc “ Căn nhà xưa” như một bức tranh điểm xuyết rất sinh động về một căn nhà cũ, nát đã gần hoang tàn với rêu phong có cây mùng tơi bờ rào cuốn vào song tre cửa sổ bên khu vườn cải cằn cỗi với mảnh sân đất có giếng nước xây bờ giếng đá ong và xa hơn là cảnh tiêu điều của nhà thờ nhỏ có tiếng cầu kinh trong khung cảnh tĩnh lặng với sự cùng khổ ôm mối tình đầu của người thanh niên quê ở tận rìa làng bên nghĩa trang gần nhà thờ nhỏ. Một khung cảnh phổ biến ở khắp những xóm Đạo vùng Trung du Bắc bộ. Gia Lâm xưa cũng là một vùng quê như thế.
Ở đó có những lũ sên bò quanh
những vết nứt rêu tường xanh
Ở đó có lá cuốn dây ngoài song
có gió mát đêm bình yên
có những tiếng chuông gần lắm
pha hòa tiếng cầu kinh
ngân nga vang qua sân giáo đường
từng ngày nghe đã quen
Mối tình đầu trong trắng của một Cô thôn nữ con nhà khá giả bị cấm đoán nghiệt ngã với người thanh niên nghèo khổ Nguyễn Đình Toàn:
“Ở đó có những tháng năm buồn tênh
khốn khó quyết nuôi tình duyên
đã trốn thoát qua nhiều phen”
Sức mạnh của tình yêu thật không gì cản được, lời ca với giai điệu uyển chuyển tả bộ ngực trần của người con gái:
“…có những sớm em tìm đến
với những đóa hồng khép nép giữa vòng tay ôm”
Hẳn chúng ta ai cũng biết rõ thời trước 1995 ở Bắc bộ đời sống nông dân, nông thôn cực kỳ gian khó vì thiếu đói triền miên không có nhà nào ở nông thôn, kể cả nhà Phú nông trồng Hoa Hồng cả, cái cấp thiết phải có gì để ăn. Đến ngay ở Hà nội, Hải Phòng mua Hoa Hồng còn khó kia!
Tình yêu mãnh liệt ấy khi ân ái vẫn đượm Thi vị khi đôi tình nhân ôm nhau nằm trên một đám lá thay cho gường chiếu:
“,…Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng
đã đổi màu xanh lấy hương nồng.”
Mà đã trốn thoát qua nhiều phen, phải vụng trộm yêu nhau sao còn ngang nhiên gường chiếu được. Cái nhà thời Tây các Cụ gọi kiểu Việt ngữ là Nhà Săm giành cho các đôi Nhân tình “ Trốn thoát qua nhiền phen” nay thành “ Nhà Nghỉ ” mới chỉ xuất hiện từ những năm 1998 – 2000 lại đây thôi.
Trong những ca sỹ đã ca bài “ Căn nhà xưa” có lẽ hay nhất, đầy xúc động là của Nữ Danh ca Khánh Ly thể hiện năm 1991 trong băng Ai Trở Về Xứ Việt với nhạc nền hoài niệm da diết. Có ý kiến cho rằng Nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn viết tặng Người vợ Thu Hồng sau khi hai người gặp nhau vào năm 1961. Tuy nhiên khung cảnh của ca từ “ Căn nhà xưa” chỉ có thể có ở vùng quê một làng Đạo Bắc bộ. Dù sao sự Bí Mật Tâm hồn vẫn là thứ huyền diệu không dễ biết của một đời người. Sự gì ở đời càng tha thiết, càng say đắm thường càng nhiều cay đắng, gian truân – Cũng là quy luật của Tạo hóa thử thách thứ Tình Yêu thuần khiết. Mà kiếp Người nơi Trần thế không bao giờ tránh được khi dám Yêu để mà Yêu, để mà say đắm vì Yêu . Mà Tình yêu không bao giờ như Thù hận không thể sống lâu được, nên Tình Yêu thuần khiết thường sống mãi với đời người chừng nào Thế gian này vẫn còn Người . Cũng như thế, sẽ còn rất nhiều thế hệ Người Việt sau này vẫn đồng cảm, vẫn say mê ca khúc “ Căn Nhà xưa” của Nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn. Tôi cảm nhận rằng sau này cũng khó có ca sỹ nào ca “ Căn nhà xưa” hay hơn Nữ ca sỹ Khánh Ly bởi chưng cuộc đời Nữ ca sỹ là thời lịch sử hoài niệm của những “ Căn Nhà xưa” và ngoài kia trời hết nắng lại mưa,…!
Hà nội, Mùa Xuân tháng 3 năm 2021
Vũ Ngọc Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét