Bộ sưu tập này chia làm 4 loại: Kpan (ghế dài ngồi đánh chiêng), Kpan khơk (ghế dùng để gác chân khi đánh chiêng), Kpan ea (ghế ngồi uống rượu) và Jhưng Pô Sang (ghế chủ nhà)..
SƯU TẬP GHẾ CỦA NGƯỜI ÊĐÊ
*Trần Hằng
Kpan mang hình dáng cong như con thuyền, thường có chiều dài hơn 10 mét. Đầu trên của ghế cao và to hơn đầu dưới. Đối với người Êđê, Kpan không chỉ là biểu tượng cho một gia đình giàu có, quyền thế, thể hiện tính đoàn kết cộng đồng mà còn mang ý nghĩa tâm linh, là nơi dành cho các nghệ nhân ngồi đánh chiêng, truyền tải những thông điệp của con người đến các thần linh. Quá trình làm Kpan có nhiều kiêng cữ và thực hiện các lễ cúng cho từng giai đoạn làm ghế. Khi làm xong Kpan, chủ nhà sẽ tổ chức lễ rước Kpan.
Khi đánh chiêng, nghệ nhân ngồi trên Kpan và chân sẽ đặt trên một cái ghế có chiều dài tương tự như Kpan, nhưng kích thước nhỏ, thấp, phẳng hơn và không cong ở hai đầu, gọi là Kpan Khơk.
Jhưng Pô Sang ngắn và cao hơn Kpan, chân ghế cong cách điệu dáng con voi đang quỳ. Chiều dài tầm 1,8 - 2 m, chiều cao từ 0,8 - 1m. Ghế được đẽo từ cây nguyên khối, dành cho bà chủ nhà. Người Êđê quan niệm Jhưng Pô Sang là vật rất thiêng, nên hàng năm chủ nhà phải cúng bò, heo, gà,.. để thần ngự trị trong ghế phù hộ cho người chủ nhà và gia đình có sức khoẻ, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ghế nhỏ thường dùng để ngồi uống rượu cần hay ngồi xung quanh bếp, có hai loại: ghế tròn và ghế hình chữ nhật. Trong đó: Ghế tròn là những khúc gỗ ngắn, nguyên khối. Người ta đẽo cho mặt nhẵn bóng; Ghế hình chữ nhật được khoét từ nguyên một khúc gỗ. Một mặt khoét tạo độ rỗng thành hai chân ghế dọc theo mép mặt ghế. Mặt còn lại đẽo nhẵn làm mặt ghế.
Đến Bảo tàng Đắk Lắk, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và trải nghiệm cảm giác ngồi trên những chiếc Kpan dài từ 6-10,5m và nghe những câu chuyện độc đáo về Lễ rước Kpan, về nghi lễ, đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc thiểu số Đắk Lắk. Bên cạnh hiện vật trưng bày, tại Kho cơ sở của Bảo tàng, các hiện vật của Sưu tập ghế của người Êđê được bảo quản tại khu vực đồ gỗ, kết hợp giữa bảo quản trị liệu và bảo quản phòng ngừa nhằm tăng tuổi thọ của hiện vật, chống mối mọt và các tác nhân gây hại. Từ đó, phát huy giá trị của sưu tập, bảo tồn những hiện vật ý nghĩa, mang đậm bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.
Trần Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét